Để góp phần giúp các bạn tham khảo những địa điểm du lịch dã ngoại quanh ngoại thành Hà Nội, sau đây mình xin tổng hợp 12 địa điểm lý tưởng nhất, được nhiều du khách, nhất là các bạn trẻ lựa trong mỗi dịp nghỉ lễ hoặc thư giãn cuối tuần.
Công viên Ecopark
Công viên Ecopark thuộc huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km. Với không gian rộng lớn, không khí trong lành, mát mẻ, chắc chắn Ecopark sẽ đem lại cho các bạn những trải nghiệm tuyệt vời nhất trong mỗi dịp dã ngoại.
EcoPark được chia làm nhiều khu vực, bao gồm khu công viên Mùa xuân, công viên mùa Hạ, khu vực vui chơi ngoài trời, khu ăn uống…. lý tưởng cho các bạn lựa chọn khi tìm đến. Với những gia đình yêu thích hoạt động teambuiding và BBQ ngoài trời, thì Công viên Mùa Hạ là lựa chọn hợp lý hơn cả. Tại đây, trẻ em thỏa sức vui chơi các trò chơi vận động an toàn và sáng tạo, trong khi bố mẹ chọn cho mình vị trí lý tưởng để chuẩn bị buổi tiệc nướng theo cách thật sự Eco.
Đền Chử Đồng Tử
Chử Đồng Tử là tên gọi chung của rất nhiều ngôi đền ở nước ta, nhưng chỉ có 2 ngôi đền chính và linh thiêng nhất, đó là: đền Đa Hòa thuộc thôn Đa Hòa, xã Bình Minh và đền Dạ Trạch thuộc thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch đều thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên; cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng gần 30km.
Cả hai ngôi đền đều thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân. Trong đó, đền Đa Hoà là nơi nàng công chúa Tiên Dung – con gái vua Hùng thứ 18, kỳ ngộ và nên duyên với chàng Chử nghèo khó; đền Dạ Trạch là nơi chàng Chử cùng nhị vị phu nhân hoá về trời.
Hai ngôi đền này là những công trình kiến trúc khá nổi bật, là nơi tái hiện lại kiến trúc, điêu khắc cũng như nghệ thuật thời Nguyễn với những pho tượng lớn bằng đồng được chạm khắc khá tinh xảo, đẹp mắt… Không gian xung quanh đền khá mát mẻ và yên tĩnh tạo cảm giác yên bình, thanh tịnh và trang nghiêm vô cùng.
Làng gốm Bát Tràng
Làng Gốm Bát Tràng thuộc xã Bát Tràng huyện Gia Lâm thành phố Hà Nội, cách trung tâm thành phố chưa đầy 15km. Làng gốm Bát Tràng được biết đến là làng gốm nổi tiếng, lâu đời nhất ở Hà Nội với hàng trăm ngàn sản phẩm thủ công mỹ nghệ tuyệt đẹp được ưa chuộng trên thị trường trong và ngoài nước.
Đến với làng gốm này, các bạn sẽ được tham quan, ngắm nhìn, tìm hiểu những sản phẩm gốm đẹp, chất lượng với nhiều mẫu mã, hình thù khác nhau. Thú vị hơn là các bạn còn được trực tiếp tự tay mình làm ra những sản phẩm gốm sứ này theo sự hướng dẫn của những nghệ nhân nơi đây. Và đây chắc chắn là một chuyến tham quan đầy kỷ niệm tuyệt vời phải không nào?
Chùa Hương
Chùa Hương thuộc huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 65 km. Chùa Hương là một quần thể kiến trúc chùa chiền khá nổi tiếng, là nơi quy tụ hơn chục ngôi chùa, đình thờ thần, phật, la hán… Đến với chùa Hương, du khách vừa có thể được du ngoạn ngắm cảnh vừa tìm lại sự bình yên trong tâm hồn. Đặc biệt khi đến chùa Hương vào dịp tháng 1 đến tháng 3 âm lịch, các bạn sẽ được tham gia lễ hội chùa Hương vô cùng đặc sắc.
Thành Cổ Loa
Thành Cổ Loa nay thuộc huyện Đông Anh thành phố Hà Nội, là toà thành có niên đại cổ nhất ở Việt Nam được xây dựng từ thế kỷ thứ III (trước Công nguyên) và cũng là Kinh đô của Nhà nước Âu Lạc xưa. Trong quần thể thành cổ này bao gồm nhiều di tích lịch sử cấu thành, cụ thể gồm có:
– Đền thờ An Dương Vương: còn được gọi là đền Thượng, được xây dựng vào năm 1687 (đời vua Lê Hy Tông), trùng tu, sửa lại vào năm 1689.
– Giếng Ngọc: nằm ở vị trí trước đền Thượng, ở giữa một một hồ rộng lớn, có hình bán nguyệt. Tương truyền, đây là nơi sau khi phản bội, Trọng Thuỷ đã tự tử; nước giếng này dùng để rửa ngọc trai thì ngọc sáng, đẹp lung linh huyền ảo.
– Ngự triều di quy: Đây là ngôi đình cổ, mặc dù được mang từ nơi khác về nhưng lại có ý nghĩa lịch sử khá to lớn, trương truyền ngày xưa vua Thục Phán đã từng thiết triều tại đây.
– Am Mỵ Châu: Đây là nơi thờ công chúa Mỵ Châu. Theo như truyền thuyết ngàn xưa kể lại rằng, sau khi Mỵ Châu chết đã hóa thành hòn đá to và trôi dạt về bãi Đường Cấm. Người dân trong làng thấy thế liền đem võng ra rước với mong muốn mang về thờ cúng, tuy nhiên đến gốc đa thì võng bị đứt, hòn đó rơi xuống, dân làng thấy thế liền lập am ngay tại gốc đa này để thờ cúng.
Những ngôi chùa cổ phía Tây ngoại thành
Ở khu vực phía tây ngoại thành Hà Nội thuộc phạm vi tỉnh Hà Tây cũ có rất nhiều ngôi chùa cổ có niên đại lâu đời. Sau đây là ba ngôi chùa tiêu biểu:
– Chùa Tây Phương: thuộc xã Thạch Xá huyện Thạch Thất thành phố Hà Nội, là một ngôi chùa cổ, là nơi lưu giữ khá nhiều pho tượng Phật độc đáo, với điêu khắc sống động, chân thật.
– Chùa Trăm Gian: thuộc xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ngôi chùa này sở hữu hơn 100 gian nhà với niên đại lâu đời, là một trong số những ngôi chùa cổ nổi tiếng, lâu đời nhất của nước ta.
– Chùa Thầy: thuộc xã Sài Sơn huyện Quốc Oai thành phố Hà Nội. Với vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên và những giá trị văn hóa lịch sử lâu đời, chùa Thầy thực sự là một điểm du lịch tham quan hấp dẫn. Trên khung cảnh núi non hùng vĩ của Sài Sơn, chùa Thầy hiện ra trong sự yên tĩnh, dưới những làn sương mờ mờ nhân ảo hay trong những dòng người tấp nập đi lễ chùa. Đặc biệt nơi này còn là nơi có không gian thoáng mát, phong cảnh nên thơ, hữu tình tựa như chốn bồng lai cho các bạn trải nghiệm nhé.
Khu du lịch Làng văn hoá 54 dân tộc
Khu du lịch Làng văn hoá 54 dân tộc thuộc xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Với địa hình đồi núi đa dạng, có hồ nước hiền hòa, Làng văn hóa 54 dân tộc được xem là địa điểm lý tưởng cho các bạn tham quan, du ngoạn ngắm cảnh non nước, cũng như tìm hiểu thêm về nền văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Đường đi đến khu du lịch này: từ nội thành Hà Nội, quý khách đi thẳng theo Đại lộ Thăng Long hướng đi Hòa Lạc; đi được khoảng 36 km, sẽ thấy biển chỉ dẫn lối đi Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Tại vòng xuyến, đi theo lối ra thứ nhất các bạn đi tiếp khoảng 6 đến 7 km nũa là vào Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Việt Phủ Thành Chương
Việt Phủ Thành Chương thuộc địa phận xã Hiền Linh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, cũng cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km. Đây là một quần thể kiến trúc cung đình khá nổi tiếng, thể hiện gần như trọn vẹn những giá trị về lịch sử, văn hóa của triều đình phong kiến trước đây. Công trình kiến trúc này do họa sĩ Thành Chương thiết kế, xây dựng vào năm 2011. Trong khuôn viên Việt Phủ này còn có một nhà hàng cùng những quầy lưu niệm chuyên bán những sản phẩm thủ công mỹ nghệ khá độc đáo cho các bạn tìm đến tham quan, mua sắm.
Về lộ trình nhanh nhất để đi đến Việt phủ này cũng tương tự như lộ trình đi đến với núi Hàm Lợn, xin mời các bạn tham khảo ở nội dung trên.
Thiên đường Bảo Sơn
Thiên đường Bảo Sơn thuộc đường Lê Trọng Tấn huyện Hoài Đức thành phố Hà Nội, cách Trung tâm Hội nghị Quốc gia 6 km dọc theo Đại lộ Thăng Long. Đây được biết đến là quần thể khu du lịch, vui chơi, giải trí có sự kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại, giữa thiên nhiên và nhân tạo. Thời gian gần đây, Thiên đường Bảo Sơn đã có những đột phá trong đầu tư cải tạo cảnh quan, khu vui chơi, chụp ảnh ngoài trời, tạo cảm hứng cho nhiều bạn trẻ đến vui chơi, chụp ảnh hay các cặp uyên ương thực hiện những bộ ảnh cưới hoàn mỹ cho mình.
Đền Sóc
Đền Sóc thuộc huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Ngôi đền được xây dựng từ thời Tiền Lê, thờ Phù Đổng Thiên Vương – một vị tướng có công lớn trong việc chống lại quân Tống. Hiện nay, khu di tích đền Sóc gồm có 7 công trình kiến tạo, mỗi công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật riêng biệt, cụ thể gồm những công trình sau: đền Trình (đền hạ), đền Mẫu, chùa Đại Bi, đền Thượng, khu nhà Bia, chùa Non và Tượng đài Thánh Gióng trên đỉnh núi đá Chồng có độ cao 297m so với mặt nước biển.
Vườn quốc gia Ba Vì
Vườn quốc gia Ba Vì thuộc địa phận huyện Ba Vì thành phố Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 50 km. Khu vườn quốc gia này đẹp với nhiều thắng cảnh thiên nhiên hoang dã, nên thơ rất đỗi hữu tình cho các bạn muốn tham quan, trải nghiệm. Đặc biệt dưới chân núi là một hồ nước đẹp vô cùng. Hồ này được gọi là hồ Tiên Sa với nhiều câu chuyện truyền thuyết ly kỳ hấp dẫn xoay quanh nó. Đến vườn quốc gia Ba Vì, các bạn có thể tham quan khắp nơi và tổ chức cắm trại, ăn uống, vui đùa trong không khí yên bình, thoáng mát tuyệt vời.
Núi Hàm Lợn
Núi Hàm Lợn thuộc xã Nam Sơn huyện Sóc Sơn thành phố Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 40km theo hướng đường cao tốc Nội Bài. Với phong cảnh đẹp nên thơ, hữu tình cùng địa hình đa dạng, núi Hàm Lợn từ lâu được mệnh danh là “nóc nhà của Thủ đô”, trở thành địa điểm tham quan hấp dẫn vào dịp cuối tuần của nhiều bạn trẻ. Đặc biệt trên đỉnh núi có một khu đất trống tương đối bằng phẳng, là nơi du khách thường hay tìm đến cắm trại, nghỉ ngơi, ngắm hoàng hôn hoặc chào đón bình minh đẹp nhất trong ngày.
Cung đường di chuyển tới núi Hàm Lợn gần và thuận tiện nhất là từ đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) đi qua cầu Thăng Long, dọc theo hướng cao tốc Thăng Long – Nội Bài, sau đó đến ngã tư giao với Quốc lộ 2 rẽ trái theo hướng Vĩnh Phúc; tiếp tục đi thẳng cho tới khi thấy biển Việt phủ Thành Chương và xóm Núi thì rẽ phải, rồi tiếp tục đi thẳng thêm 7km có một ngã rẽ phải chỉ dẫn đường vào Việt phủ. Đi thẳng sẽ tới núi Hàm Lợn rồi các bạn nhé.
Có thể bạn thích: