Hưng Yên là một vùng đất có nền văn hiến lâu đời với nhiều giá trị văn hóa truyền thống còn được gìn giữ vẹn nguyên cho tới ngày nay. Nếu là một người đam mê tìm hiểu văn hóa dân tộc thì du khách không nên bỏ qua 5 di tích lịch sử dưới đây khi đến thăm tỉnh Hưng Yên.
Đền Dạ Trạch
Chắc hẳn các du khách vẫn còn nhớ truyền thuyết về chàng trai Chử Đồng Tử và nàng công chúa Tiên Dung mà chúng ta đã được học từ những năm tiểu học. Có lẽ du khách sẽ không thể nào quên cuộc gặp gỡ kì diệu đã thêu dệt nên một thiên tình sử đẹp và lạ vào loại bậc nhất trong lịch sử dân tộc, một tình yêu với quan niệm bạo dạn, bất chấp mọi lễ giáo phong kiến và ngôi vị thứ bậc trong xã hội.
Đền Dạ Trạch tương truyền được xây dựng trên nền của lâu đài thành quách xưa, ngay sau khi Chử Đồng Tử – Tiên Dung hóa về trời, đền thuộc thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu. Nơi đây còn lưu giữ nhiều cổ vật như sắc phong, hoành phi câu đối, đại tự, đặc biệt là chiếc nón và cây gậy – phép biến hóa của Chử Đồng Tử dùng để cứu nhân độ thế. Hàng năm, đền Dạ Trạch thường tổ chức lễ hội từ 10 – 12 tháng 2 âm lịch, thu hút lượng lớn khách du lịch du lịch.
Văn Miếu – Xích Đằng
Văn Miếu được xây dựng năm Minh Mạng thứ 20 (năm 1839) thuộc thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, thị xã Hưng Yên. Nơi đây còn lưu giữ 9 tấm bia đá, trong đó 8 tấm được lập năm Đồng Khánh thứ 3 (năm 1888) và 1 tấm năm Bảo Đại thứ 18 (năm1943) ghi danh các nhà khoa bảng Hưng Yên. Trước đây, vào các ngày 10 tháng giêng và 14 tháng 8, tại Văn Miếu thường tổ chức tế lễ Khổng Tử, các quan lại đương triều về dự rất động.
Trải qua nhiều thăng trầm, biến đổi của lịch sử, Văn Miếu – Xích Đằng vẫn lưu giữ khác nguyên vẹn kiến trúc ban đầu gồm: tam quan, lầu chuông, lầu khánh, hai dãy tả vu, hữu vu. Văn Miếu – Xích Đằng đã trở thành biểu tượng về văn hóa, văn hiến của tỉnh Hưng Yên.
Chùa Pháp Vân (chùa Thái Lạc)
Chùa thuộc thôn Thái Lạc, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm. Được xây dựng từ thời nhà Trần, chùa có kiến trúc kiểu “nội công, ngoại quốc” gồm 5 gian tiền đường, 3 gian thượng điện, 2 dãy hành lang mỗi bên 9 gian, nhà tổ 7 gian. Chùa Pháp Vân còn giữ được bộ vì gỗ mang kiến trúc thời Trần ở gian giữa tòa thượng điện, loại hình này ở nước ta rất hiếm, ngoài chùa Pháp Vân chỉ còn thấy được ở chùa Dâu, chùa Bối Khê. Trên các đố, cột, đấu của bộ vì có nhiều mảng chạm khắc lớn. Khi còn nguyên vẹn, chùa lưu giữ khoảng 20 bức chạm nổi với các đề tài khác nhau, nhưng đến nay tại chùa chỉ còn lại 16 bức, chẳng hạn như hình chạm tiên nữ đầu người mình chim, ông phỗng giơ tay đỡ tòa tháp sen, tiên nữ cưỡi phượng, thổi tiên, kéo nhị, thổi sáo, đánh đàn,….
Chùa Chuông
Chùa Chuông thuộc thôn Nhân Dục, phường Hiến Nam, thị xã Hưng Yên. Chùa được xây dựng từ thời Lê, tương truyền cảnh đẹp khi đến đây đứng vào hàng danh lam cổ tích của Phố Hiến. Năm 1707, chùa được trùng tu với quy mô hoàn chỉnh và kiến trúc tiêu biểu của chùa Việt Nam thời Hậu Lê. Cái đẹp của quần thể kiến trúc chùa Chuông chính là bố cục cân đối, nhịp nhàng. từ ngoài vào tam quan, kiến trúc chồng diêm 2 tầng, 8 mái. Qua cầu đá là khoảng sân đến nhà tiền đường, thiên hương, thượng điện, phía cuối là lầu chuông, lầu khánh, nhà tổ. Trong chùa có hệ thống tượng Phật phong phú như: bộ Tam thế, Di Đà tam tôn, tượng Cửu Long,… nổi bật là 8 tượng kim cương, 18 vị la hán, 4 tượng bồ tát. Đây thực sự là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao. Ngoài ra, chùa còn có nhiều di tích như: hoành phi, câu đối, đồ thờ, bia đá,….
Đền Đa Hòa
Đền thuộc thôn Đa Hòa, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, thờ Chử Đồng Tử, Tiên Dung và Hồng Vân công chúa. Đền nhìn ra sông Hồng và bãi Tự Nhiên, địa điểm tác thành mối lương duyên Chử Đồng Tử – Tiên Dung. Khu đền bao gồm 18 công trình lớn nhỏ: nhà bia, gác chuông, gác khánh, ngọ môn, nhà tiền tế, tòa thiên hương, đệ nhị cung, hậu cung và các nhà thảo xá. Các mái đền tạo dáng hình thuyền rồng cách điệu. Nhìn từ trên cao sẽ thấy các nóc đền tổ hợp lại trông giống như đoàn thuyền của nàng Tiên Dung lúc 18 tuổi đang du ngoạn trên sông. Đền Đa Hòa còn giữ được nhiều di vật quý giá: tượng đức thánh Chử Đồng Tử và hai vị phu nhân đúc bằng đồng, tầm vóc như người thật. Ba cỗ ngai thờ Chử Đồng Tử và hai vị phu nhân bằng gỗ. đầu ngai chạm rồng có niên đại cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, được đánh giá là chiếc ngai cổ nhất có thể tìm thấy ở nước ta.
Có thể bạn thích: