Những nơi được bao trùm bởi bí mật đem lại nhiều tò mò cho các nhà khoa học, khảo cổ học trên toàn thế giới
Khu đô thị Cahokia
Được xây dựng từ năm 1050–1200 sau Công nguyên, Cahokia là đô thị đầu tiên ở Bắc Mỹ, lớn hơn nhiều so với các TP ở châu Âu, bao gồm cả London. Điểm nhấn đặc sắc nhất của Cahokia là 120 gò cao tọa lạc khắp đô thị cùng với dân số 20.000 người trải đều trên khoảng diện tích rộng 16 km2.
Nằm ven bờ sông Mississippi, người dân Cahokia hoàn toàn chưa hình thành bất kể hệ thống chữ viết nào. Chính vì lẽ đó, việc giải mã khu đô thị này hoàn toàn dựa vào những bằng chứng khảo cổ học. Các bằng chứng khảo cổ còn cho thấy, trò chơi phổ biến nhất ở đây mang tên “Chunkey” trong khi người dân đã biết tạo ra đồ uống từ cà phê.
Từng phát triển khá mạnh, nhưng vì một lý do bí ẩn, TP bắt đầu suy thoái vào năm 1.200 sau Công nguyên và trở nên hoang tàn vào năm những năm 1.400. Cái tên Cahokia của đô thị này được cung cấp bởi một thổ dân sống trong khu vực này ở thế kỷ 17, trong khi phần lớn tàn tích của Cahokia biến mất vào thế kỷ 19 và 20, dưới những tuyến đường cao tốc và sự phát triển của TP St Louis ngày nay.
Khu vực 51 (Area 51)
Khu vực 51 (Area 51) là một căn cứ quân sự của Mỹ, tọa lạc cách Las Vegas, Nevada 130 km về phía Tây Bắc. Nơi đây được đưa vào danh sách bí ẩn nhất thế giới, bởi những đồn đoán cho rằng, Khu vực 51 là nơi một phi thuyền của người ngoài hành tinh gặp nạn tại Roswell vào năm 1947. Tuy chính phủ Mỹ luôn kín tiếng về những hoạt động bên trong Khu vực 51, nhưng hàng loạt chủ đề về khu vực này được giới truyền thông khai thác triệt để, biến tại đây trở nên huyền bí và thu hút sự quan tâm của thế giới. Thậm chí, không ít tài liệu chưa được kiểm chứng còn cho rằng, Khu vực 51 là nơi cất giấu xác người ngoài hành tinh gặp nạn tại trái đất. Luôn được canh phòng cẩn mật, Khu vực 51 còn là nơi đặt các trung tâm nghiên cứu, phát triển máy bay chiến đấu, máy bay không người lái cũng như những chương trình vũ khí tối mật của quân đội Mỹ. Tuy tồn tại nhiều thập kỷ qua, song Khu vực 51 mới được công nhận chính thức gần 20 năm trước đây. Tuy nhiên, những bí mật của Khu vực 51 vẫn được Mỹ giấu kín.
Kim tự tháp Ai Cập
Được xây dựng giữa những năm 2589 tới 2504 năm trước Công nguyên, bộ ba kim tự tháp Ai Cập Khufu, Khafre và Menkaure là minh chứng cho kỹ năng xây dựng thời cổ đại. Làm thế nào để các kiến trúc sư Ai Cập có thể xắp xếp những khối đá khổng lồ khớp với nhau, tạo thành các kim tự tháp hùng vĩ vẫn là câu hỏi tồn tại suốt hàng trăm năm qua.
Nổi bật nhất trong bộ ba kim tự tháp là Đại kim tự tháp Khufu với kích thước và chiều cao vượt trội là 146 m. Không những vậy, danh hiệu công trình nhân tạo cao nhất thế giới của Khufu còn được duy trì cho tới thế kỷ thứ 14 sau công nguyên, trước khi nhà thờ Lincoln của Anh ra đời.
Tuy nhiên, chiều cao chưa phải là điểm nhấn đặc sắc nhất của các kim tự tháp Ai Cập. Việc xây dựng những đường hầm ngoằn nghèo bên trong các kim tự tháp, được sử dụng để làm nơi chôn cất cho các vị hoàng đế cũng là kỳ quan của công nghệ xây dựng cổ đại. Ngoài ra, việc đưa những khối đá nặng tới 2,5 tấn lên cao để xây các kim tự tháp cũng thực sự là bí ẩn chưa thể giải đáp.
Khu đền thiêng Angkor Wat
Khu đền thiêng Angkor Wat được xây dựng vào khoảng năm 1113–1150 sau Công nguyên, khu đền tọa lạc trên khoảng diện tích 200 ha và trở thành một trong những di tích tôn giáo lớn nhất thế giới từng được xây dựng.
Với tháp trung tâm cao 65 m cùng 4 tháp nhỏ hơn xung quanh và một loạt các tường bao, công trình này tái tạo lại ngọn núi Meru, một trong những nơi linh thiêng của thần thoại Hindu tọa lạc trên dãy núi Himalaya và là nơi ở của các vị thần.
Thành phố đền thờ Angkor Wat từng là thủ đô của đế quốc Khmer, với dân số ước tính chừng một triệu người. Angkor Wat từng là khu đô thị đông dân nhất thế giới cho tới khi công nghiệp hóa tạo ra những TP lớn. Đến nay, việc xây dựng Angkor Wat, cũng như lý do khiến nó trở thành đô thị hoành tráng nhất thế giới vẫn là bí ẩn với các chuyên gia khảo cổ học.
Tam giác quỷ Bermuda
Tam giác quỷ Bermuda, đây là vùng biển tọa lạc ở phía Tây Đại Tây Dương. Nơi đây xảy ra hàng loạt vụ mất tích bí ẩn của các tàu thủy và máy bay hoạt động trong khu vực. Biến mất cùng đó là các thủy thủ và phi hành đoàn, khiến những bí ẩn về khu vực này càng trở lên huyền bí với màu sắc ma quái. Thuật ngữ Tam giác quỷ Bermuda do nhà văn tên là Vincent Gaddis đặt vào năm 1964. Tuy nhiên, phải hơn một thập kỷ sau đó, Tam giác quỷ Bermuda mới chính thức trở thành thuật ngữ quốc tế, dùng để ám chỉ vùng biển với giới hạn từ đảo Bermuda ở phía Bắc, TP Miami của Mỹ ở phía Tây – Nam và đảo Puerto Rico thuộc Mỹ. Hàng loạt giả thuyết đã được đặt ra về sự biến mất kỳ quái của tàu thuyền và máy bay qua lại trong khu vực, nhưng vẫn chưa thể xác định được chính xác nguyên nhân gây ra hàng loạt sự việc trên. Vì lẽ đó, Tam giác quỷ Bermuda ngày càng trở nên nổi tiếng, và trở thành chủ đề khai thác bất tận của báo chí, điện ảnh và văn học.
Có thể bạn thích: