Du lịch không chỉ là khoảng thời gian giúp bạn và gia đình nghỉ ngơi, vui chơi sau những ngày học tập, làm việc căng thẳng. Đó còn là cơ hội để các thành viên trong gia đình thể hiện sự gắn kết, yêu thương. Điều đặc biệt hơn, thông qua những chuyến đi dù ngắn hay dài ngày, cha mẹ cũng có thể lồng ghép để giáo dục cho con những kĩ năng sống cơ bản nhất.
Dạy con cách ứng phó với các tình huống bất ngờ
Mỗi chuyến đi du lịch, gia đình bạn có thể gặp phải những tình huống hết sức bất ngờ. Ví dụ như đang leo núi thì trời đổ mưa mà không có ô hoặc áo mưa mang theo, hoặc nơi nghỉ trọ khá xa so với địa điểm thăm quan, hoặc nơi trẻ đến có khá nhiều côn trùng cắn…Tất cả những khó khăn này chính là tình huống tuyệt vời để bạn dạy con những kĩ năng sống cần thiết nhất. Hãy nhắc con tự trấn an bản thân và tìm cách xử trí các tình huống một cách hợp lí, an toàn nhất. Dần dần, trẻ sẽ học được cách ứng phó linh hoạt, tính kiên cường và khả năng xử trí quyết đoán, nhanh gọn.
Tạo hứng thú cho con trước khi đi du lịch
Trẻ em thường tò mò và rất thích thú khi được khám phá thế giới xung quanh. Bạn có thể khơi gợi cho bé niềm đam mê và tình yêu với những miền đất sắp tới với cách tạo hứng thú cho con. Cha mẹ hãy trò chuyện và giới thiệu cho trẻ những điểm khác biệt, những nét văn hóa nổi bật của địa danh mình sắp đi. Bạn hãy thêm vào đó những câu chuyện thú vị để trẻ cảm thấy thích thú, muốn xách balo lên và đi . Trong lúc chơi đùa với bé, cha mẹ có thể thăm dò ý kiến xem con có hứng thú với nơi đó không. Tất cả sự chuẩn bị về tâm lí “kĩ lưỡng” này sẽ giúp bạn tránh được tình trạng trẻ mè nheo, quấy khóc, ăn vạ hoặc làm bạn phải đỏ mặt giữa chốn đông người. Việc tạo hứng thú cho con trước mỗi chuyến đi cũng gián tiếp bồi đắp thêm cho trẻ tình yêu quê hương đất nước, sự đam mê trải nghiệm những văn hóa của các vùng miền.
Rèn luyện cho con tinh thần học hỏi cái mới
Những vùng đất trẻ đặt chân đến khi đi du lịch luôn ẩn chứa nhiều điều thú vị, bất ngờ. Thông thường, trẻ rất háo hức khám phá và tích lũy những thông tin qua các chuyến đi bởi càng được đi nhiều trẻ càng thỏa mãn lòng hiếu kì của mình. Cha mẹ có thể cùng con lắng nghe hướng dẫn viên thuyết trình hoặc cho con sống thử trong các homestay (nhà người dân ở địa phương) để trẻ hiểu thêm về văn hóa, lịch sử, cách thức sinh hoạt của người bản địa. Dần dần, các kiến thức về văn hóa, xã hội, lịch sử, địa lí hay các câu chuyện thú vị trong mỗi chuyến đi sẽ được trẻ ghi nhớ và xem đó là kiến thức thú vị để mở mang đầu óc.
Tăng cường và gắn kết tình cảm gia đình
“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”- dù trẻ có được đi đến bao nhiêu nơi gần xa, được thưởng thức bao nhiêu món ăn ngon, được mua sắm bao nhiêu đồ mới lạ thì thứ mà cha mẹ mong muốn vẫn là giáo dục được cho con về tình yêu với các thành viên trong gia đình, con cần hiểu được gia đình chính là nơi an toàn nhất, hạnh phúc nhất, tin cậy nhất mà con có thể trở về bất cứ lúc nào. Cha mẹ cũng có thể hướng dẫn con cách lưu giữ lại những kỉ niệm hoặc những tấm hình chụp chung khi đi du lịch để trẻ cảm nhận được tình cảm gia đình luôn đong đầy khi các thành viên được ở bên nhau.
Dạy con về lòng can đảm
Với các chuyến đi du lịch, trẻ sẽ gặp rất nhiều người lạ, được khám phá rất nhiều điều mới, được tham gia trải nghiệm những cảm giác mà ở ngôi nhà quen thuộc bé không có được. Cha mẹ nên hướng dẫn con cách trò chuyện, giao tiếp với những người xung quanh để con rèn luyện thêm tính tự tin, lòng can đảm. Hơn nữa, cha mẹ cũng không nên “giữ khư khư” con mình mà nên để trẻ hòa nhập với thế giới xung quanh, bạn có thể cho con tham gia các trò chơi trong các chuyến đi, hay để bé tự tay chọn các món quà lưu niệm mang về cho người thân, chắc chắn con bạn sẽ trở nên dạn dĩ và can đảm hơn.
Tạo cho trẻ cơ hội thể hiện và phát huy trách nhiệm của bản thân
Cũng giống như người lớn, trẻ em cũng có cái tôi cá nhân riêng. Trẻ rất muốn được mọi người công nhận mình cũng góp phần thể hiện bản thân trong mỗi chuyến đi. Thông qua những lần đi du lịch, cha mẹ có thể tạo cho trẻ cơ hội để con thể hiện và phát huy được trách nhiệm của bản thân mình. Ví dụ, khi chuẩn bị hành lí trước khi lên đường, bạn có thể cho con tự sắp xếp đồ dùng cá nhân. Với những trẻ trên 6 tuổi, bạn có thể dạy con cách xem bản đồ, cách xác định vị trí mình đang ở đâu hoặc các kĩ năng xử trí khi bị lạc đường, khi gặp các loại côn trùng nguy hiểm…Và tất nhiên, khi cha mẹ tạo cơ hội cho trẻ, con cái sẽ ý thức và được thể hiện bản thân, bé sẽ xác định được vai trò và trách nhiệm của mình trong mỗi chuyến đi.
Có thể bạn thích: