Ngày nay, tình trạng lạm dụng và quấy rối tình dục trẻ em ngày càng gia tăng và trở thành nỗi lo cho mọi bậc cha mẹ có con nhỏ. Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 5 năm từ 2011 đến 2015, có 5300 vụ xâm hại tình dục trẻ em tại Việt Nam. Vậy nên, các bậc làm cha làm mẹ đừng bao giờ nghĩ rằng xâm hại tình dục sẽ không xảy ra với con mình. Hãy giáo dục giới tính cho trẻ từ khi sớm nhất, giúp trẻ nhận thức và yêu quý bản thân mình. Dạy cho trẻ biết cách bảo vệ cơ thể bằng những quy tắc đơn giản nhất là cách để bé tự bảo vệ khi không có cha mẹ ở cạnh. Dưới đây là những quy tắc đơn giản trong bộ quy tắc quần lót (PANTS Rules) và quy tắc bàn tay mà các bậc cha mẹ có thể áp dụng để dạy trẻ bảo vệ bản thân khỏi xâm hại tình dục.
S – Speak up: Lên tiếng
Hãy tạo cho bé thói quen khi có bất cứ chuyện gì làm bé cảm thấy bất an, sợ hãi, lo lắng; bé hãy lên tiếng và chia sẻ với người mà bé tin tưởng, có thể là bố mẹ, cô giáo, ông bà… Khi bé kể, cha mẹ đừng dọa nạt hay mắng mỏ, đừng tạo cho bé thói quen xa cách không dám tâm sự với bố mẹ. Có quá nhiều trường hợp do sợ bố mẹ đánh mắng mà các con không dám nói ra mình bị xâm hại, dẫn đến bị ám ảnh tâm lý, ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của trẻ.
P – Privates are Private: Riêng tư là riêng tư
Cha mẹ hãy giải thích thật rõ ràng với trẻ rằng vùng kín là bộ phận riêng tư cần được bảo vệ bởi quần lót; nói với trẻ rằng không một ai có quyền được nhìn hay động chạm vào vùng kín của bé trừ một số người như bác sĩ, y tá hay bố mẹ. Nếu là bác sĩ hoặc y tá thì phải mặc đồng phục và làm việc trong giờ khám chữa bệnh. Họ phải giải thích cho con họ cần chạm vào đó để làm gì và có sự cho phép của con trước khi thực hiện.
N – No means no: Không là không
Cha mẹ hãy giúp con mình nhận thức được rằng con có quyền nói “không” với những sự động chạm thân mật mà con không thích từ bất kì ai, kể cả những thành viên trong gia đình. Thực tế cho thấy phần lớn các trường hợp xâm hại tình dục là đến từ những người quen biết với trẻ và gia đình.
A – Always remember your body belongs to you: Luôn nhớ cơ thể con thuộc về con
Hãy dạy cho trẻ biết rằng cơ thể bé là của bé. Chính vì vậy, không ai có quyền làm bất cứ hành động gì khiến bé khó chịu. Nếu ai cố tình, bé cần phải biết phản đối và nói “không”.
T – Talk: Nói về những điều bí mật làm con buồn
Cha mẹ hãy giải thích và giúp bé phân biệt được sự khác nhau giữa bí mật “tốt” và bí mật “xấu”. Bí mật “tốt” là những chuyện vui như sinh nhật bạn, bữa tiệc, quà tặng,… còn những bí mật “xấu” là những chuyện làm con buồn, con đau, không vui, lo lắng,… cần phải nói ra. Những kẻ lạm dụng thường lợi dụng điều này để dặn trẻ không được nói cho bố mẹ nghe bằng các câu như “đây là bí mật riêng của hai chú cháu mình” hay “cháu không được nói ra bí mật này với bố mẹ”. Những câu nói dọa dẫm như vậy thường làm trẻ sợ hãi, lo lắng và không dám kể cho ai nghe.
Có thể bạn thích: