“Hồ nước thì có gì kỳ lạ đâu. Khác nhau cùng lắm là to với nhỏ thôi chứ gì?” Bạn đang nghĩ vậy hả? Nếu thế thì nhầm to rồi đấy. Hãy dành vài phút để ghé thăm một vài nơi kỳ là và cả đáng sợ nhất thế giới này nhé.
Hồ nham thạch Kawah Ijen Crater, Indonesia
Mới nhìn, Hồ Kawah Ijen Crater ở Indonesia trông rất bắt mắt; một hồ nước bạn sẽ đưa vào trong câu chuyện tưởng tượng của mình. Nhưng nước hồ xanh ngọc ấy nằm trên đỉnh một ngọn núi lửa bụng sôi ùng ục… theo nghĩa đen. Cả hồ đầy những lưu huỳnh, thi thoảng, sẽ tóe lên ánh lửa màu xanh dương rất đẹp mắt và cũng rất chết chóc nếu lại đủ gần sẽ khiến bạn quỵ ngã và chết vì khí độc.
Bờ hồ cháy xém và trơ trọi, nhưng hồ thì là một bể nước cực lớn toàn axit hydrochloric. Có ai nhớ cái bể hóa chất Batman (Micheal Keaton) đánh gục Joker (Jack Nicholson) vào không? Chậc, nó chính là Hồ Kawah Ijen Crater. Độ pH ở đây là 0, và có thể làm tan chảy bất cứ thứ gì bạn ném vào như một bể axit pin xe ô tô. Nói tới axit, không khí quanh hồ cũng đầy loại hóa chất này, nên gần như bắt buộc phải đeo mặt nạ khí khi tới thăm nơi này. Trừ khi bạn muốn phổi của mình trông giống một kẻ nghiện thuốc đốt 6 bao một ngày suốt phần đời còn lại.
Phần điên rồ nhất của hồ nước này? Có những người chọn làm việc ở đây, né những tia lửa xanh bất chợt để lấy chất Lưu Huỳnh từ chính ngọn núi lửa.
Hồ Peigneur, Louisiana
Không giống hồ Nyos, chúng ta biết khá chắc nguyên nhân thảm họa hồ Peigneur. Công ty Texaco đang tiến hành khoan dầu thì vô tình đâm xuyên thủng đỉnh hầm khai thác bên dưới hồ. Nhưng biết nguyên nhân không khiến những gì xảy ra sau đó bớt đáng sợ chút nào.
Hầm khí sụp xuống tạo nên một xoáy nước. Xoáy nước này nhanh chóng mạnh lên và càng lúc càng dữ dội và trở thành miệng hố đáng sợ nhất trong lịch sử loài người.
Cả hồ nước bị hút vào vòng quay của bùn đất và sự sợ hãi. Bục khoan bị hút xuống, 11 xà lan trên hồ chìm theo. Đất lở, khiến khoảng rừng và cả cánh đồng quanh đó sụp xuống. Con kênh chảy ra từ hồ bắt đầu chảy ngươc theo nghĩa đen, đẩy Vịnh Mexico tới hồ ban đầu. Hãy tưởng tượng, bạn rút nút bồn tắm ra, và không chỉ nhà mình, cả nhà hàng xóm của bạn cũng bị hút xuống theo dòng chảy. Đó chính là thảm họa hồ Peigneur.
Thần diệu là, xoáy nước bùn kỳ dị đó không giết bất cứ một con người nào cả. Năm mươi con người có lẻ đã xoay xỏa để thoát cái chết tưởng chừng là đương nhiên ấy.
Hồ nước độc Baotou, Trung Quốc
Hồ nằm ở Baotou, Trung Quốc, và nó còn mới tới mức chưa có một cái tên riêng. Tuy nhiên, các báo cáo đã đề cập tới nó với cái tên rất đơn giản là “Hồ nước độc Baotou”. Chỉ riêng từ độc đã nói lên nhiều điều rồi. Hồ Baotou là một hồ nước nhân tạo, hình thành bởi quả trính khai thác và lọc quặng để cho ra chất liệu hình thành nên những chiếc iPhone sáng lấp lánh của chúng ta. Tuy nhiên, nó là một trong những hồ nước ô nhiễm nhất trên toàn Trái Đất.
Tới gần nó chẳng khác nào hành trình trong cơn ác mộng. Mặt hồ gần như đen đặc, cặn dầu che phủ tưởng như không có chỗ nào không có. Không thứ gì mọc ở đây được cả. Đến bờ nước cũng đen như bị nhuộm chẳng khác gì hồ. Đó là một thế giới đơn sắc như ác mộng. Địa điểm này trông vừa không thực, vừa đáng sợ.
Có lẽ phần kỳ lạ nhất về hồ Baotou là lý do nó tồn tại. Các công nghệ hiện đại cần sử dụng các loại chất đặc biệt, ví dụ như cerium, thứ tạo nên màn hình cảm ứng của điện thoại chúng ta. Nhiều loại chất khác cũng được sử dụng trong các công nghệ ‘sạch’, như turbine quạt chẳng hạn. Các chất quặng cho những công nghệ đó là chiếm một phần lớn trong sản lượng xuất khẩu của thành phố Baotou. Đúng vậy: Hồ nước ô nhiễm nhất thế giới được tạo thành vì các công nghệ thân thiện với môi trường.
Hồ Roopkund, Ấn Độ
Có một số thứ mà chúng ta không thích có trong nước. Cá Piranhas là một ví dụ. Tàn tích của hàng trăm người đã phải chịu một cái chết kinh hoàng là một ví dụ tiếp theo. Và đó chính xác là những gì quân đội Anh Quốc đã tìm thấy ở hồ Roopkund vào mùa đông năm 1942.
Đó là thời kỳ chiến tranh, và người Anh hiển nhiên giả định rằng họ đã chứng kiến một pháp trường của quân Nhật. Sự thật thì kỳ lạ hơn thế nhiều. Khi các mảnh xương được xét nghiệm, người ta phát hiện ra chúng có tuổi thọ từ những năm 850 Sau Công Nguyên. Trên hết, họ đều bị giết theo những cách tương tự: bằng một cú đập vào đầu khiến vỡ sọ. Tổn thương nghiêm trọng ấy không giống như do bất kỳ loại vũ khí nào chúng ta biết đến. Vậy thứ gì đã khiến tận 200 người chết đi theo cách đó? Câu trả lời được các nhà khoa học đưa ra là mưa đá. Mưa đá với những viên rất, rất lớn.
Có một bài hát cổ xưa ở khu vực quanh hồ Roopkund, về một nữ thần núi trừng phạt một nhóm lữ khách bằng một cơn mưa đá dữ dội. Giờ thì có vẻ như bài ca dao ấy là ký ức về một sự kiện có thật, và cơn mưa đá kỳ dị đó có kích cỡ như một quả bóng rổ, thung lũng ngập trong nước, tạo thành hồ Roopkund chứa đầy sọ người.
Hồ Gafsa, Tunisia
Hầu hết, từ khi còn bé, chúng ta đã được dạy rằng chẳng có gì tự nhiên sinh ra cả. Tuy nhiên, hồ Gafsa ở Tunisia dường như đã thoát khỏi quy luật đó. Vào một ngày đẹp trời năm 2014, một nhóm mục đồng đang trên con đường quen thuộc tới một khu gần đó đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy một cái hồ cực bự ở nơi đáng ra đồng cỏ của họ. Và hồ nước này tình cờ là có một màu xanh bí ẩn đầy quyến rũ.
Trong quá khứ, Gafsa là khu vực có khả nhiều mỏ khoáng, tuy nhiên, điều này không giải thích được gì. Các nhà khoa học cho rằng sự nứt vỡ ở một mỏm đá trên mạch nước ngầm là nguyên nhân cho sự xuất hiện đột ngột của hồ Gafsa. Dù nguyên nhân có là gì, sự việc nhất định đã xảy ra cực kỳ nhanh chóng. Một người dân địa phương kể rằng anh ta đã đi qua khu vực đó ba tuần trước khi hồ được phát hiện, và nơi đó thì từng khô như rang vậy.
Mặc dù lúc ban đầu nước hồ có màu xanh rất đẹp mắt, nhưng nó nhanh chóng phủ đầy những tảo, và có thể là sẽ gây hại cho con người. Điều này không ngăn được người dân địa phương tới tắm hồ. Với nhiệt độ tại Tunisia, dù là một cái hồ tanh ngòm nước thải vẫn còn hơn là không có cái nào.
Hồ Đá Vàng, Mỹ
Có lẽ nhiều người ở đây đã nghe danh Hồ Đá Vàng (Yellowstone Lake) Nó nổi tiếng lớn, yên bình và xinh đẹp. khác xa những mặt hồ ‘lạ lùng’ bạn từng nghe đến. Ít nhất, trên mặt hồ là thế. Nếu lặn xuống sâu phía dưới, bạn sẽ chú ý thấy một mái vòm kỳ lạ mọc lên từ dưới đáy. Đó là điểm cao nhất của thứ từng là Siêu núi lửa Yellowstone. Một ngày nào đó, nó sẽ hoạt động trở lại. Nếu thế, bạn có thể nói lời từ biệt cuộc đời rồi đấy.
Hãy nghĩ về hồ nước này như gương mặt thời thiếu niên của mình ấy, cái vòm dưới đáy là một cái nốt nhỏ dần trồi lên khỏi da mặt. Qua thời gian, cái nốt đó sẽ sưng lên, và sưng nữa sưng mãi, tới khi nó chín và bắn nhân ra. Tuy nhiên, thứ bắn ra không phải dịch trắng nào đâu. Đáy hồ Đá Vàng kết nối với một hầm mắc-ma khổng lồ, có chứa đủ nham thạch để lấp đầy Grand Canyon (4926km2) 11 lần.
Nếu ngày đó xảy ra, đó sẽ là một thảm họa. Dù tỷ lệ người chết vì núi lửa phun trào không cao, nhưng vùng Midwest sẽ bị vùi trong tro và mùa màng thất bát sẽ gây tai họa cho nước Mỹ trong cả thập kỷ. Thế nên nếu bạn nghĩ hồ Nyos đáng sợ, thì hãy đợi tới khi Hồ Đá Vàng nổ tung đi.
Hồ Nyos, Cameroon
Hãy tưởng tượng thế này: Bạn về nhà vào dịp cuối tuần, và phát hiện ra nhà hàng xóm xung quanh đầy nhưng thây người. Xác người la liệt trên đường, gương mặt họ còn hằn vẻ kinh hoàng. Bạn không thể hiểu cái gì đã giết từng ấy người. Đây là một cuộc tấn công khủng bố sao? Hay một loại virus? Câu trả lời có thể còn kỳ lạ hơn. Họ bị giết bởi cái hồ gần đó.
Năm 1986, đó chính xác là những gì đã xảy ra ở Cameroon. Khi các cư dân xung quanh đang ngủ, hồ Nyos lặng lẻ nhả các bong bóng khí CO2 khổng lồ lên khỏi mặt nước, như thể đất dưới nó đang thở. Hệ quả diễn ra ngay lập tức và rất khủng khiếp. Một đám mây chất khí chết người bao phủ khu vực lân cận, làm ngạt bất cứ ai trên đường nó đi. Cách xa đó tận 25 kilomet, người và động vật đột ngột ngã lăn ra đất, ho sặc sụa và há hốc miệng ra để thở. Lửa tắt hết. Lũ trẻ chết chỉ trong vài giây. Trong vài phút sau, 1746 người và 3500 con vật đã chết. Cả một ngôi làng bị xóa sổ. Cho tới nay, nó vẫn là một trong những thảm họa tự nhiên kỳ lạ nhất trên thế giới.
Chuyện đã diễn ra hoàn toàn là sự không may. Hồ Nyos hình thành trên miệng núi lửa giàu CO2. Trong khi các hồ trên miệng núi lửa khác nhả một lượng CO2 nhỏ từ từ trong thời gian dài, Nyos lại quá tĩnh lặng và lượng khí đó bị dồn nén. Cho tới khi có một vụ lở đất, một cơn mưa lớn ở phía bên kia hồ, đã khiến cho lượng khí bị giữ lại đó thoát ra và cướp đi mạng sống của gần hai ngàn người.
Hồ Natron, Tanzania
Có vẻ giống những câu chuyện cổ tích, hoặc một sản phẩm gì đó của Disney: Một hồ nước biến bất cứ thứ gì chạm vào bề mặt mình đông cứng. Nhưng hồ Natron không phải là một sản phẩm của trí tưởng tượng. Sâu về phía đông châu Phi, hồ được bao bọc bởi những bức tượng đá kỳ dị của động vật đã vô tình lại gần làn nước chết chóc này.
Tất nhiên, hồ Natron không có pháp thuật, hay thứ gì tương tự. Ngược lại, nước ở nơi đây đậm đặc natron, một hợp chất tự nhiên có khá nhiều Na2CO3 và một ít NaHCO3. Nó có nhiệt độ rất cao và độ pH gần 10. Điều này khiến bất cứ thứ gì uống nước hồ bị chết nhanh chóng và chìm vào nước. Natron sau đó sẽ có phản ứng, làm vôi hóa cơ thể đó và biến chúng thành tượng.
Với các khách thăm quan, hồ bày ra một cảnh tượng đáng sợ. Xung quanh hồ là những bức tượng xác chết, thường là những con chim định xà xuống mặt nước. Kết quả của chuyến viếng thăm là một cửa hàng ma quái nhất trong lịch sử, với các ma-nơ-canh đều từng là những vật sống.
Hồ Hắc Ín, Trinidad
Hồ Hắc Ín (Pitch Lake) có lẽ có cái tên thích hợp nhất trong các hồ khác. Hồ tạo thành hoàn toàn từ hắc ín, chính thứ chúng ta dùng để đổ lên mặt đường ấy. Bạn chắc cũng nghĩ nó sẽ kỳ lạ lắm. Hồ Hắc Ín dày tới nỗi bạn có thể đi bước qua nó… và cũng mỏng tới nỗi bạn có thể sụt chân rơi xuống, và biến mất hoàn toản vào đáy chất lỏng đen đặc.
Mặt hồ có những phần dày và cứng như đá, và có phần lại nảy như cục tẩy, cũng có nơi mềm và nguy hiểm như cát lún. Cây cối, đá cuội và những thứ khác khi chạm tới mặt hồ thường kẹt ở đó, rồi hắc ín sẽ cứng dần quanh chúng, và biến chúng thành một hòn đá chắc chắn. Điều đó nghĩa là Hồ Hắc Ín là một nơi bạn có thể đi qua và lượn lờ trước mặt bức tượng của những cái cây và những dạng sống giờ đông cứng. Dám cá đó không phải một câu nói bạn thường được nghe.
Một lời khuyên chân thành nếu bạn có ý định ghé thăm: Có một số khách du lịch thử thách lòng can đảm của mình bằng cách bơi trong những phần nước trong. Và điều này cũng nguy hiểm như bơi trong hắc ín vậy. Đừng nói là không ai nhắc trước nhé.
Hồ Mất Tích, Oregon
Chúng ta đã nói về Hồ Gafsa và việc một cái hồ đột ngột xuất hiện là khả thi. Vậy còn về một cái hồ đột nhiên biến mất thì sao? Hồ Mất Tích (Lost Lake) ở Oregon là một cái hồ như thế. Cứ mỗi mùa hè, cái hồ sâu 2,74m, rộng 34 héc-ta này lại biến mất. Mỗi mùa thu, nó lại xuất hiện trở lại, cứ như chẳng có chuyện gì xảy ra vậy.
Không phải là hồ cạn đi, mà là nó biến mất hoàn toàn. Thế chỗ của nó, một bãi cỏ nhỏ xinh đẹp xuất hiện và dường như chưa từng có nước ở đó. Nguyên nhân cho chuyện này là mạch nham thạch.
Mạch nham thạch là… e hèm, là một mạch đá được tạo thành sau khi bị nham thạch từ xa xưa chảy qua. Nó có khi chưa được 30 cm, có khi đủ lớn để rơi lọt xuống. Hồ Mất Tích có hai mạch nhỏ, thường xuyên hút nước khỏi mặt hồ, đảm bảo hồ không đầy tràn trong mùa đông. Tuy nhiên, khi vào hè, dòng chảy cung cấp nước cho hồ kiệt lại. Kết quả là mạch nham thạch hút hết toàn bộ nước hồ, cho tới khi mùa mưa tới và hai cái đường dẫn nhỏ ấy không thể hút trọn toàn bộ lượng nước được, thì hồ xuất hiện trở lại.
Có thể bạn thích: