Nhà văn John Green từng nói: “Sách giống như những kẻ si tình bị bỏ rơi: khi bạn rời xa thì luôn luôn chờ đợi bạn; khi bạn quan tâm thì bạn luôn nhận được hồi đáp”. Ngoài lợi ích đem lại nguồn tri thức mới, sách văn học còn đem lại cho bạn nhiều “giá trị” hơn thế. Vậy bạn đã biết những cuốn sách văn học nổi tiếng, có giá trị to lớn đối với đời sống mà bạn nên đọc, đó là những cuốn sách nào chưa?, Nếu chưa, hôm nay hãy cùng TopChuan khám phá ngay top các cuốn sách văn học hay nhất bạn nên đọc một lần trong đời.
Anh chàng Hobbits
Anh chàng Hobbit (tựa đầy đủ trong tiếng Anh: The Hobbit, or There and Back Again, hay ngắn gọn là The Hobbit) là một tiểu thuyết hư cấu dành cho thiếu nhi của nhà văn J. R. R. Tolkien. Tác phẩm được xuất bản vào ngày 21 tháng 9 năm 1937. Bản biên tập lần thứ hai của cuốn này được thực hiện vào năm 1951 ghi dấu những sửa đổi và đóng góp đáng kể trong Chương V, “Trò chơi đố trong hang tối”, giúp Anh chàng Hobbit (The Hobbit) ăn nhập hơn với cuốn tiểu thuyết tiếp theo Chúa nhẫn đang được viết lúc bấy giờ. Khởi đầu, Anh Chàng Hobbit là một tác phẩm dành cho thiếu nhi nhưng đến nay, dường như không nhiều người còn nhớ đến điều đó nữa, và tác phẩm thì đã được xếp vào nhóm những tiểu thuyết thần thoại kỳ ảo kinh điển.
Câu chuyện của Anh Chàng Hobbit là một chuyến phiêu lưu, khi Bilbo Baggins bị cuốn vào chuyến phiêu lưu giành lại xứ sở của những người lùn. Chuyến đi ấy vốn chẳng bao giờ được cho là thích hợp với một Hobbit chỉ thích ăn thức ngon, ở chỗ đẹp. Nhưng rồi Bilbo đã tham gia, đã bị cuốn vào rồi có thể trở về. Chuyến phiêu lưu trở thành bài học về cuộc sống, về con người.
Là khởi đầu của một câu chuyện rất dài, Anh Chàng Hobbit lại được viết với giọng văn nhẹ nhàng, kết cấu đơn giản như một câu chuyện kể trước giờ đi ngủ, giống như lời mời chào êm ái trước khi đưa người đọc vào Trung Địa cùng những giống loài chỉ có trong tưởng tượng: người Elf, người Dwarf, người, người Hobbit,… Thế giới ấy có chiến tranh, có thiện ác và có những con người đầy bản năng không bị lý tưởng họa bởi triết lý cao xa vô thực. Điều ấy làm cho Anh Chàng Hobbit gần gũi với cuộc sống và cuốn hút hơn.
Bố Già
Bố già (tiếng Anh: The Godfather) là tên một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn người Mỹ gốc Ý Mario Puzo được xuất bản lần đầu vào năm 1969 bởi nhà xuất bản G. P. Putnam’s Sons. Tác phẩm là câu chuyện về một gia đình mafia gốc Siciliatại Mỹ được tạo lập và lãnh đạo bởi một nhân vật được gọi là “Bố già” (Godfather) Don Vito Corleone. Các sự kiện chính của tiểu thuyết xảy ra từ năm 1945 đến 1955 ngoài ra cũng đề cập đến thời thơ ấu và giai đoạn thanh niên của Vito Corleone vào đầu thế kỉ 20.
Thế giới ngầm được phản ánh trong tiểu thuyết Bố già là sự gặp gỡ giữa một bên là ý chí cương cường và nền tảng gia tộc chặt chẽ theo truyền thống mafia xứ Sicily với một bên là xã hội Mỹ nhập nhằng đen trắng, mảnh đất màu mỡ cho những cơ hội làm ăn bất chính hứa hẹn những món lợi kếch xù. Trong thế giới ấy, hình tượng Bố già được tác giả dày công khắc họa đã trở thành bức chân dung bất hủ trong lòng người đọc. Từ một kẻ nhập cư tay trắng đến ông trùm tột đỉnh quyền uy, Don Vito Corleone là con rắn hổ mang thâm trầm, nguy hiểm khiến kẻ thù phải kiềng nể, e dè, nhưng cũng được bạn bè, thân quyến xem như một đấng toàn năng đầy nghĩa khí. Nhân vật trung tâm ấy đồng thời cũng là hiện thân của một pho triết lí rất “đời” được nhào nặn từ vốn sống của hàng chục năm lăn lộn giữa chốn giang hồ bao phen vào sinh ra tử, vì thế mà có ý kiến cho rằng “Bố già là sự tổng hòa của mọi hiểu biết. Bố già là đáp án cho mọi câu hỏi”.
Với cấu tứ hoàn hảo, cốt truyện không thiếu những pha hành động gay cấn, tình tiết bất ngờ và không khí kình địch đến nghẹt thở, Bố già xứng đáng là đỉnh cao trong sự nghiệp văn chương của Mario Puzo.
Tuổi thơ dữ dội
“Tuổi thơ dữ dội” là một tác phẩm truyện dài tám phần của nhà văn Phùng Quán. Truyện được khởi thảo bên bờ Hồ Tây năm 1968 và hoàn thành trong lều cỏ giữa hồ Tịnh Tâm năm 1986. Cuốn truyện xoay quanh cuộc sống chiến đấu và sự hy sinh của những thiếu niên 13, 14 tuổi trong hàng ngũ Đội thiếu niên trinh sát của trung đoàn Trần Cao Vân.
Cuốn truyện có hệ thống nhân vật khá giống “Những ngày khói lửa” và một vài truyện ngắn khác, khiến người đọc cảm giác là có nhiều tác phẩm khác nhau trong thời kỳ này cùng viết về một nhóm nhân vật có thật.
Năm 1988, cuốn tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán được xuất bản và nhận Giải thưởng Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam hai năm sau đó và đã được dựng thành phim.
Tuổi thơ dữ dội – cuốn truyện xoay quanh cuộc sống chiến đấu và hy sinh của những thiếu niên 13, 14 tuổi trong hàng ngũ Đội thiếu niên trinh sát của trung đoàn Trần Cao Vân. Những Lượm, Mừng, Quỳnh sơn ca, Hòa đen, Bồng da rắn, Vịnh sưa, Tư dát… mỗi người một hoàn cảnh song đều chung quyết tâm, nhiệt huyết và lòng yêu nước, đã tham gia chiến đấu hết mình và hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.
Đúng như tên truyện, độc giả sẽ bắt gặp ở đó những chi tiết thực sự dữ dội về cuộc đời thiếu niên bất hạnh, về cuộc chiến tranh chống giặc tàn khốc nhưng ẩn sâu bên trong ta vẫn thấy những tâm hồn trong sáng và vô tư, thấy sự can trường, dũng cảm phi thường của nhân vật. Tất cả những ai đã từng đọc tác phẩm này hầu như đều không ngăn được xúc động và những giọt nước mắt cảm thương, cảm phục. Đây thực sự là một tác phẩm quý trong kho tàng văn học Việt Nam. Một câu chuyện khơi dậy trong mỗi người tình yêu đất nước và niềm trân trọng ký ức tuổi thơ…
Hoàng Tử Bé
Hoàng tử bé (tên tiếng Pháp: Le Petit Prince), được xuất bản năm 1943, là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nhà văn và phi công Pháp Antoine de Saint-Exupéry. Ông đã thuê ngôi biệt thự The Bevin House ở Asharoken, New York, Long Islandtrong khi viết tác phẩm này. Cuốn tiểu thuyết cũng bao gồm nhiều bức tranh do chính Saint-Exupéry vẽ. Tác phẩm đã được dịch sang hơn 250 ngôn ngữ (bao gồm cả tiếng địa phương) và cho đến nay đã bán được hơn 200 triệu bản khắp thế giới, trở thành một trong những sách bán chạy nhất của mọi thời đại và được phát triển trở thành một sê ri truyện tranh có 39 chương. Truyện còn được dùng như tài liệu cho những người muốn làm quen với ngoại ngữ.
Hoàng tử bé sống trên tiểu tinh cầu B612. Ở đó có ba ngọn núi lửa (hai ngọn đang hoạt động còn ngọn kia thì không) và một bông hoa hồng. Cậu chăm sóc cho tiểu hành tinh của mình hằng ngày, nhổ hết các cây bao báp định bám rễ, mọc lên tại đây. Những cái rễ đó sẽ xói đục hành tinh và làm cho thế giới cậu đang sống bị xé rách ra. Một ngày nọ, hoàng tử bé đã rời hành tinh của mình và đi xem phần còn lại của vũ trụ xem như thế nào và đã tới một vài tiểu tinh cầu khác (có số từ 325 đến 330), mỗi tinh cầu này có một người lớn sống ở đó và theo cách hiểu của cậu thì họ toàn là những người kỳ quặc.
Trên trái đất, hoàng tử bé nhìn thấy một khu vườn có rất nhiều hoa hồng và cậu cảm thấy rất đau khổ. Đoá hoa hồng của cậu đã kể rằng nàng là duy nhất trong giống nòi của nàng khắp trong vũ trụ, thế mà ở đây có đến năm nghìn đoá giống như nhau. Sau đó, có một con cáo xuất hiện, và đã giải thích rằng đóa hoa của cậu là duy nhất và đặc biệt vì bông hoa đó đã cảm hóa được cậu (Theo con cáo, “cảm hóa” là tạo nên những mối liên hệ; bông hồng của hoàng tử bé là duy nhất bởi chính thời gian và tình cảm mà chàng dành cho bông hồng đã khiến đóa hồng trở nên quan trọng đến thế với chàng).
Sau đó, hoàng tử bé đã gặp người kể chuyện và đề nghị anh ta vẽ một con cừu. Vì không biết vẽ con cừu như thế nào, anh ta đã vẽ theo những gì anh biết. Người kể chuyện đã cố gắng vẽ một vài bức tranh khác nhưng hoàng tử bé đều không vừa lòng. Cuối cùng, anh ta vẽ một cái thùng duy nhất, và giải thích rằng, có con cừu ở trong đó. Hoàng tử bé lúc này, nhìn thấy hình con cừu trong chiếc hộp rõ ràng như nhìn thấy hình con voi trong bụng con trăn trên bức tranh tác giá từng vẽ khi còn nhỏ, đã chấp nhận bức tranh này.
Sau một thời gian ở trái đất và chạy trốn tình cảm với hoa hồng mà không thể, hoàng tử bé nhờ một con rắn vàng chàng gặp trong sa mạc dùng nọc độc của nó đưa chàng về với tiểu tinh cầu và hoa hồng yêu thương của chàng.
Sherlock Holmes Toàn Tập
Sherlock Holmes là một nhân vật thám tử hư cấu vào cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, xuất hiện lần đầu trong tác phẩm của nhà văn Arthur Conan Doyle xuất bản năm 1887. Ông là một thám tử tư ở Luân Đôn nổi tiếng nhờ trí thông minh, khả năng suy diễn logic và quan sát tinh tường trong khi phá những vụ án mà cảnh sát phải bó tay. Nhiều người cho rằng Sherlock Holmes là nhân vật thám tử hư cấu nổi tiếng nhất trong lịch sử văn học và là một trong những nhân vật văn học được biết đến nhiều nhất trên toàn thế giới.
Sherlock Holmes đã xuất hiện trong 4 tiểu thuyết và 56 truyện ngắn của nhà văn Conan Doyle. Hầu như tất cả các tác phẩm đều được viết dưới dạng ghi chép của bác sĩ John H. Watson, người bạn thân thiết và người ghi chép tiểu sử của Holmes, chỉ có 2 tác phẩm được viết dưới dạng ghi chép của chính Holmes (Người lính bị vảy nến và Cái bờm sư tử) và 2 tác phẩm khác viết bằng ngôi thứ ba (Cung đàn sau cuối và Viên đá Mazarin). Hai tác phẩm đầu tiên trong số này, 2 tiểu thuyết ngắn, xuất hiện lần đầu tiên trên tờ Beeton’s Christmas Annual năm 1887 và tờ Lippincott’s Monthly Magazine năm 1890. Thám tử Holmes trở nên cực kì nổi tiếng khi loạt truyện ngắn của Doyle được xuất bản trên tạp chí The Strand Magazine năm 1891. Các tác phẩm được viết xoay quanh thời gian từ năm 1878 đến năm 1903 với vụ án cuối cùng vào năm 1914.
Nhân vật Sherlock Holmes còn được xuất hiện trong loạt tác phẩm trinh thám về Arsène Lupin của Maurice Leblanc.
Giết con chim nhại
Giết con chim nhại (nguyên tác tiếng Anh: To Kill a Mockingbird) là cuốn tiểu thuyết của Harper Lee; đây là cuốn tiểu thuyết rất được yêu chuộng, thuộc loại bán chạy nhất thế giới với hơn 10 triệu bản. Cuốn tiểu thuyết được xuất bản vào năm 1960 và đã giành được giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu năm 1961. Nội dung tiểu thuyết dựa vào cuộc đời của nhiều bạn bè và họ hàng tác giả, nhưng tên nhân vật đã được thay đổi. Tác giả cho biết hình mẫu nhân vật Jean Louise “Scout” Finch, người dẫn truyện, được xây dựng dựa vào chính bản thân mình.
Giết con chim nhại là một câu chuyện bao gồm nhiều mô-típ, như sự ích kỷ, sự thù hận, lòng dũng cảm, sự kiêu hãnh, định kiến, và các giai đoạn trong cuộc đời, đặt trong bối cảnh cuộc sống miền Nam Hoa Kỳ. Cuốn tiểu thuyết đã được đạo diễn robert Mulligan dựng thành phim với kịch bản do Horton Foote viết vào năm 1962. Cho tới nay, cuốn tiểu thuyết này là tác phẩm được xuất bản duy nhất của bà Harper Lee.
Cuốn tiểu thuyết kể về câu chuyện của hai đứa trẻ ở lứa tuổi mới lớn, Jean Louise “Scout” Finch và Jeremy Atticus “Jem” Finch, sinh trưởng ở thị trấn nhỏ Maycomb, Alabama, nằm sâu trong miền nam nước Mỹ trong thập niên 1930. Chuyện xảy ra trong vòng 3 năm, được kể lại bởi người em. Trong truyện, cha của hai đứa trẻ, luật sư Atticus Finch được chỉ định để bào chữa một người da đen tên là Tom Robinson, bị buộc tội cưỡng hiếp một cô gái da trắng tên là Mayella Ewell.
Những người khốn khổ
Những người khốn khổ (Tiếng Pháp: Les Misérables) là tiểu thuyết của văn hào Pháp Victor Hugo, được xuất bản năm 1862. Tác phẩm được đánh giá là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nền văn học thế giới thế kỷ 19.
Những người khốn khổ là câu chuyện về xã hội nước Pháp trong khoảng hơn 20 năm đầu thế kỷ 19 kể từ thời điểm Napoléon I lên ngôi và vài thập niên sau đó. Nhân vật chính của tiểu thuyết là Jean Valjean, một cựu tù khổ sai tìm cách chuộc lại những lỗi lầm gây ra thời trai trẻ. Bộ tiểu thuyết không chỉ nói tới bản chất của cái tốt, cái xấu, của luật pháp, mà tác phẩm còn là cuốn bách khoa thư đồ sộ về lịch sử, kiến trúc của Paris, nền chính trị, triết lý, luật pháp, công lý, tín ngưỡng của nước Pháp nửa đầu thế kỷ 19. Chính nhà văn Victor Hugo cũng đã viết cho người biên tập rằng: “Tôi có niềm tin rằng đây sẽ là một trong những tác phẩm đỉnh cao, nếu không nói là tác phẩm lớn nhất, trong sự nghiệp cầm bút của mình”.
Những người khốn khổ cũng nổi tiếng vì đã được chuyển thể nhiều lần thành các vở kịch, bộ phim, trong đó nổi tiếng nhất phải kể tới vở nhạc kịch cùng tên, thường được gọi tắt là “Les Mis” (viết tắt từ Les Misérables).
Les Misérables bản dịch đầu tiên tại Việt Nam của Nguyễn Văn Vĩnh xuất bản năm 1926, với tên “Những kẻ khốn nạn”, của nhà Trung Bắc Tân Văn ở Hà Nội in song ngữ dài 10 tập khoảng 3000 trang. Phần lớn các bản dịch sau này là rút gọn.
Tiểu thuyết Những người khốn khổ là bức tranh rộng lớn về cuộc sống của những người lao động nghèo khổ ở Pháp trong thế kỷ XIX. Qua hàng loạt nhân vật, nhà văn biểu lộ tấm lòng thương yêu vô hạn đối với những nạn nhân đau khổ của xã hội tư sản. Dưới ngòi bút của ông, những con người bị xã hội vùi dập hiện ra với nhiều vẻ đẹp về tâm hồn và hình thức.
Không gia đình
Không gia đình (tiếng Pháp: Sans famille), còn được dịch là Vô gia đình, có thể được xem là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của văn hào Pháp Hector Malot, được xuất bản năm 1878. Tác phẩm đã được giải thưởng của Viện Hàn lâm Văn học Pháp. Nhiều nước trên thế giới đã dịch lại tác phẩm và xuất bản nhiều lần. Từ một trăm năm nay, Không gia đình đã trở thành quen thuộc đối với thiếu nhi Pháp và thế giới. Kiệt tác này đã được xuất hiện nhiều lần trên phim ảnh và truyền hình.
Không gia đình kể chuyện một cậu bé không cha mẹ, nhân vật Remy là một đứa bé bị bỏ rơi được gia đình nọ đem về nuôi. Remy được chăm sóc trong vòng tay yêu thương của má Bác-bơ-ranh. Cho đến một ngày người chồng của má làm việc ở Paris bị tai nạn và tàn phế trở về, sau đó Remy đi theo gánh xiếc của cụ Vitalis để làm thuê. Hai người đã đi lang thang khắp mọi miền nước Anh và Pháp trình diễn xiếc để kiếm sống, sau đó bị tù ở Anh, cuối cùng tìm thấy mẹ và em. Em bé Remy ấy đã lớn lên trong gian khổ. Em đã chung đụng với mọi hạng người, sống khắp mọi nơi, “Nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương”. Em đã lao động lấy mà sống, lúc đầu dưới quyền điều khiển của một ông già từng trải và đạo đức, cụ Vitalis, về sau thì tự lập và không những lo cho mình, còn bảo đảm việc biểu diễn và sinh sống cho cả một gánh hát rong. Đã có khi em và cả đoàn lang thang suốt mấy ngày không có chút gì trong bụng. Đã có khi em bị lụt ngầm chôn trong giếng mỏ mười mấy ngày đêm. Đã có khi em mắc oan, bị giải ra trước tòa án và bị ở tù. Và cũng có khi em được nuôi nấng đàng hoàng, no ấm. Nhưng dù ở đâu, trong cảnh ngộ nào, em vẫn noi theo nếp rèn dạy của ông già Vitalis giữ phẩm chất làm người, nghĩa là ngay thẳng, gan dạ, tự trọng, thương người, ham lao động, không ngửa tay xin xỏ, không dối trá, gian giảo, nhớ ơn nghĩa, luôn luôn muốn làm người có ích.
Bên cạnh Remy có chú bé nghệ sĩ Mattia khôn ngoan, linh lợi, tháo vát, tận tình với bạn, một tài hoa nghệ thuật nở sớm cộng với tấm lòng vàng, con chó Capi khôn như người và rất có nghĩa, con khỉ Joli-Cœur liến láu và đáng thương… Những con người và con vật ấy ở đây được dựng lên linh hoạt như sống, gây nhiều hứng thú cho bạn đọc nhỏ tuổi.
Cuối cùng em cũng tìm được gia đình thật sự của mình và sống hạnh phúc cùng với Lise sau này
Tiếng chim hót trong bụi mận gai
Tiểu thuyết “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” của nữ văn sĩ Colleen McCullough, ngay khi vừa xuất bản (1977) đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được xếp ngang hàng với tác phẩm văn học kinh điển “Cuốn theo chiều gió”. Nhưng ít ai biết được rằng, thời điểm tác phẩm ra đời, viết văn chỉ là nghề tay trái của Colleen McCollough, nhân viên y tế là nghề chính của bà. Colleen McCullough không phải là nhà văn chuyên nghiệp, trước đó hầu như không ai biết tiếng. Khi cuốn tiểu thuyết “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” đem lại vinh quang cho tác giả thì Colleen McCullough chỉ là một nhân viên y tế bình thường.
Năm 1974, bà viết tiểu thuyết đầu tay nhưng không có tiếng tăm. “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” được thai nghén trong ngót 4 năm, rồi đầu mùa hè năm 1975, bà bắt tay vào viết một mạch trong 10 tháng. Suốt thời gian ấy, bà vẫn túi bụi công việc ở bệnh viện, chỉ viết tác phẩm vào ban đêm và ngày chủ nhật.
Xuyên suốt tiểu thuyết Tiếng chim hót trong bụi mận gai là câu chuyện tình giữa Meggie và vị cha xứ Ralph. Meggie cố quên đi tình cảm của mình bằng cách kết hôn với Luke O’Neill – một công nhân trong trang trại, nhưng chẳng bao lâu sau cô và cha Ralph lại đoàn tụ, cuộc tình của họ đã gây ra nhiều bi kịch.
Chuyện tình của Meggie với cha Ralph chỉ có thể diễn tả trong bốn chữ “nỗi đau tuyệt vời” và để có được sự tuyệt vời đó, họ đã phải trả giá cả cuộc đời. Như trong lời đề tựa đã viết: “Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót có một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hốt vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất, có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được.Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính Thượng đế trên thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại. Ít ra thì truyền thuyết nói như vậy”
Cuốn tiểu thuyết xây dựng như truyện sử biên gia đình, tác giả tập trung vào những xung đột tâm lý – đạo đức nhiều hơn là những vấn đề giai cấp-xã hội. Các nhân vật tuy chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh nhưng chủ yếu là ứng xử theo tính cách riêng của mình nhiều hơn. Trong số nhiều nhân vật, nổi bật hơn cả là ba nhân vật: Fiôna, Meggie, con gái bà và cha đạo Ralph. Meggie có thể coi là nhân vật trung tâm của tác phẩm. Trong tiểu thuyết có nhiều đề tài, nhiều mối tình, song tất cả đều phục vụ câu chuyện chính, mối tình lớn lao, trong sáng của Meggie và cha Ralph.
Chiến tranh và Hoà bình
Chiến tranh và hòa bình (tiếng Nga: Война и мир) là nhan đề một tiểu thuyết của Lev Nikolayevich Tolstoy, xuất bản rải rác trong giai đoạn 1865–1869.
Tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình được Lev Tolstoy khởi thảo vào năm 1863 và gửi in tại nhà Russki Vestnik từ năm 1865 đến năm 1869 thì hoàn thành, không kể nhiều năm tiếp theo liên tục được chính tác giả sửa chữa trong các lần tái bản. Người ta thống kê được chừng 10.000 bản nháp mà Lev Tolstoy dùng để sửa chữa tác phẩm của mình. Nhan đề của nguyên tác là Война и Мiръ, trong đó, Мiръ của văn phạm Nga thế kỷ XIX có nghĩa là dân sự; sang đến thập niên 1930 khi chính quyền Soviet quyết định ấn hành tất cả trứ tác của Lev Tolstoy, nhan đề và nội dung đã được sửa lại theo văn phạm cách tân. Những bản in hiện đại bị nhiều học giả chỉ trích là không thể truyền tải nguyên vẹn ý tưởng của tác giả. Chiến tranh và hòa bình được liệt vào hạng danh tác trong các ấn phẩm thuộc trào lưu lãng mạn Nga thế kỷ XIX.
L. Tônxtôi cũng đã từng băn khoăn: “Thú thật tôi hoàn toàn không biết một trăm năm sau liệu có ai đọc các tác phẩm của tôi không…” (Thư ông gửi cho nhà nghiên cứu người Anh Uyliam Rôtxôn ngày 27-12-1878).
Lênin vĩ đại của chúng ta đã giải đáp nỗi băn khoăn đó: “Tônxtôi đã mất rồi và nước Nga trước cách mạng đã chìm vào dĩ vãng. Nhưng trong di sản của ông có cái không chìm vào dĩ vãng, có cái thuộc về tương lai. Di sản đó, giai cấp vô sản Nga đón lấy và nghiên cứu nó.”
Chiến Tranh Và Hòa Bình của L. Tônxtôi chính là loại tác phẩm thuộc về tương lai.
Trong những ngày đánh trả mãnh liệt cuộc chiến tranh phá hoại man rợ bằng không quân của đế quốc Mỹ xâm lược, trên miền Bắc, sinh viên Việt Nam vẫn viết những đề tài nghiên cứu về chiến tranh nhân dân, về con đường đi tìm lý tưởng của Anđrây Bôncônxki, Pie Bêdukhôp trong tiểu thuyết Chiến Tranh Và Hòa Bình.
Aragông cho biết: Đã có một thời ở Pháp, người ta không thể đi trên xe lửa mà không thấy những người đọc Chiến Tranh Và Hòa Bình của Tônxtôi. Cuốn tiểu thuyết này có lẽ là tác phẩm lớn nhất, chưa từng thấy, được người Pháp say mê vào những năm 1942-1943.
Năm 1943, một nhà thơ lớn, một người cách mạng Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu dịch nửa đầu của Chiến Tranh Và Hòa Bình ở trong tù.
Và kỳ diệu thay, năm 1943, giữa lòng thành phố Lêningrat anh hùng đang bị giặc Đức vây hãm ngặt nghèo, Chiến Tranh Và Hòa Bình được in lại với số lượng 100.000 cuốn!
Năm 1960, một nhà văn Pháp đã nói rất hay về sức sống của tác phẩm Tônxtôi: “Khi đọc lại Chiến Tranh Và Hòa Bình tôi cảm thấy trước mắt tôi không phải là một giai đoạn đã qua mà là bí mật đã mất”.
Có thể bạn thích: