Ngành ngân hàng Việt Nam năm 2016 đã khép lại với rất nhiều sự thay đổi và biến động. Hãy cùng điểm lại 10 sự kiện nổi bật nhất trong năm 2016 dưới đây.
Sự vươn lên của các Ngân hàng TMCP
Nếu xét về tương quan và tổng tài sản của nhóm ngân hàng Nhà nước với nhóm ngân hàng TMCP thì sự chênh lệch không đáng kể. Tổng tài sản của 4 ngân hàng Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV cộng lại khoảng 3.700 nghìn tỉ đồng. Trong khi đó nhóm ngân hàng TMCP có tổng tài sản khoảng 3.200 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhóm ngân hàng TMCP đang ghi nhận mức vốn tự có cao hơn khá nhiều nhóm ngân hàng Nhà nước. Trong năm 2016, vốn điều lệ của 4 ngân hàng Nhà nước không tăng so với 2015, trong khi vốn điều lệ của nhóm ngân hàng TMCP đã tăng khoảng 1,7% so với năm ngoái.
Năm 2016 cũng ghi nhận điểm nhấn trong kinh doanh của nhóm ngân hàng TMCP. VPBank và Techcombank chính thức vượt qua MBBank về lợi nhuận, doanh thu. Ở chiều ngược lại, Sacombank và Eximbank đang vật lộn với nợ xấu và lợi nhuận giảm sút đáng kể. Đáng chú ý hơn khi cuối năm 2016, VIB và VPBank chuẩn bị niêm yết trên sàn chứng khoán.
Năm 2017 dự báo sự cạnh tranh sẽ tiếp tục tăng cao khi một loạt các ngân hàng chuẩn bị được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Có thể kể đến như CIMB Bank Berhad, Woori Bank, Nonghyup Bank, Public Bank Berhad.
Tin đồn thất thiệt
Trong năm 2016 ngành ngân hàng phải đối mặt với rất nhiều những tin đồn gây thiệt hại, nổi bật nhất là tin đồn liên quan đến Maritime Bank và tin đồn đổi tiền.
Trên mạng xã hội Facebook lan truyền thông tin ông Đinh Trường Chinh, lãnh đạo Công ty Địa ốc Việt Hân bị bắt do câu kết với ông Trần Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Maritime Bank rút ruột 30.000 tỉ đồng từ ngân hàng. Ngay sau đó, ông Tuấn đã phải gửi email tới toàn bộ nhân viên của ngân hàng để khẳng định những thông tin trên là sai sự thật. Ngân hàng Nhà nước cũng phải vào cuộc và ra thông báo Maritime Bank đang hoạt động bình thường, đảm bảo khả năng thanh khoản.
Cuối năm 2016, trên mạng xã hội rộ lên tin đồn Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành đổi tiền khiến người dân hoang mang. Tuy nhiên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã bác bỏ thông tin liên quan việc đổi tiền và khuyến cáo người dân cảnh giác với những tin đồn không rõ nguồn gốc, tránh thiệt hại về kinh tế và gây ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia. Các đối tượng tung tin đồn đổi tiền sau đó đã bị Công An bắt và khởi tố hình sự.
Nhóm ngân hàng Nhà nước gặp khó trong việc tăng vốn
Năm 2016, nhiều ngân hàng phải chạy đua tăng vốn để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II chuẩn bị được áp dụng. Tuy nhiên, nhóm ngân hàng TMCP đã sớm hoàn thành việc tăng vốn hoặc có sự chuẩn bị rất thoải mái thì nhóm ngân hàng Nhà nước lại đang gặp rất nhiều khó khăn. Tam trụ của ngành ngân hàng bao gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV là những ngân hàng đang khó nhất trong việc tăng vốn.
Vietcombank hiện đang rơi vào tình trạng chờ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án tăng vốn, khi mà đối tác ngoại từ chối mua vào vì cho rằng giá cổ phiếu của VCB đang cao hơn mức đối tác có thể chấp nhận.
Vietinbank và BIDV chấp nhận phương án chia cổ tức bằng tiền mặt, khiến lượng vốn hụt đi đáng kể. Vietinbank hiện có tỉ lệ sở hữu nhà nước chạm trần 65% nên sẽ không thể tăng vốn cấp 1, tuy nhiên vẫn còn dư địa để tăng vốn cấp 2. BIDV hiện không còn dư địa tăng vốn cấp 2 do tỉ lệ sở hữu Nhà nước ở mức 95,28% và hiện vẫn chưa thể tìm được đối tác nước ngoài trong nhiều năm qua.
Tỷ giá USD/VND tăng cao nhất trong lịch sử
Năm 2016 tỷ giá đồng USD/VND tăng cao kỉ lục với những sự kiện xảy ra trên thế giới. Brexit – nước Anh rời EU đưa tỷ giá USD/VND tăng mạnh trong thời gian ngắn rồi lại hạ nhiệt. Sau đó ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, cộng với nhu cầu ngoại tệ cuối năm tăng cao đột biến đưa tỷ giá USD/VND tăng cao và liên tiếp phá kỉ lục. Giá USD trên thị trường tự do nhiều lúc vượt qua mốc 23.000 đồng/USD.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định diễn biến tỷ giá USD/VND là hết sức bình thường, phần nhiều do yếu tố tâm lý. Ngoài ra, thanh khoản thị trường vẫn tốt, nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức và cá nhân vẫn được cấc tổ chức tín dụng đáp ứng tốt. Ngân hàng nhà nước cũng cảnh báo tỷ giá USD/VND có thể đảo chiều.
Mất tiền liên tiếp xảy ra
Năm 2016 cũng là năm đỉnh điểm của những vụ mất tiền gửi tại ngân hàng. Một loạt những ông lớn như Vietcombank, VIB, ANZ, VPBank, SCB phải đối mặt với những vụ việc tiền gửi của khách hàng “không cánh mà bay”.
Đầu năm 2016, khách hàng Hoàng Thị Na Hương bị mất 500 triệu đồng tại Vietcombank. Khi làm việc với Công an, chị cho biết Vietcombank không hề gửi tin nhắn có mã OTP để xác nhận giao dịch. Vietcombank sau đó đã chấp nhận phương án bồi thường một phần tiền đã mất của chị Na Hương.
Tiếp theo đó nhiều vụ việc khách hàng tố cáo nhân viên ngân hàng thông đồng với tội phạm rút tiền, hoặc mất tiền trong khi thực hiện giao dịch cũng liên tiếp xảy ra. Đỉnh điểm là vụ việc tại VPBank với số tiền lên đến 26 tỉ đồng. Đây là bài học đắt giá dành cho các ngân hàng trong việc xử lý khủng hoảng lĩnh vực ngân hàng và tăng cường bảo mật trong giao dịch tiền gửi của khách hàng.
Dự trữ ngoại hối đạt mức kỉ lục
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong năm 2016 đạt mức cao nhất trong lịch sử: 40 tỉ USD. Để có được kết quả này, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào 11 tỉ USD và sau đó bơm ra thị trường lượng tiền VND kỉ lục, đồng thời sử dụng các biện pháp trung hòa, phát hành tín phiếu để không gây lạm phát.
Dự trữ ngoại hối lớn tạo nên sự ổn định về kinh tế vĩ mô, nâng cao giá trị đồng VND, hạn chế tình trạng “ngoại tệ hóa”, cải thiện thanh khoản ngoại tệ trên toàn hệ thống và nâng cao giá trị lòng tin vào đồng VND. Đồng thời dự trữ ngoại hối tăng cao cũng góp phần làm giảm chi phí vay nợ nước ngoài của Chính phủ.
Điểm đáng lưu ý ở đây là suốt thời gian đồng USD tăng giá chóng mặt, Ngân hàng Nhà nước chưa phải bán ra một đồng USD nào.
Hướng đi mới trong xử lý nợ xấu
Vấn đề nợ xấu là một trong những điều được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2016. Số liệu từ Ủy ban Kinh tế Quốc hội chỉ ra rằng, nợ xấu toàn hệ thống tính đến T8/2016 là 147.000 tỉ đồng, chiếm 2,66% tổng dư nợ tín dụng. Tính gộp cả nợ xấu đã bán lại cho VAMC thì tỉ lệ này là 5,84%.
Nợ xấu thực chất là vấn đề tổn đọng từ nhiều năm nay, nhưng phải đến năm 2016 Chính phủ mới có nhiều đề xuất xử lý nợ xấu táo bạo và thực chất.
Phương án được đề xuất là xử lý nợ xấu bằng ngân sách của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Dù còn nhiều phản biện và ý kiến trái chiều, nhưng phương án này sẽ nhanh chóng giải quyết dứt điểm tình trạng nợ xấu. Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 được Quốc hội thông qua ngày 8/11 cũng gợi mở chủ trương xử lý nợ xấu bằng sử dụng ngân sách.
Phương án tiếp theo được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiết lộ đó là thí điểm cho phá sản ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém để tránh tình trạng các Ngân hàng Thương mại cổ phần kinh doanh không hiệu quả, sau đó Nhà nước phải mua lại với giá 0 đồng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có Thống đốc mới
Ngày 9/4/2016, kết quả bỏ phiếu 403 tán thành (81,58%) và 83 phản đối (16,8%) chính thức đưa ông Lê Minh Hưng trở thành Thống đốc mới của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN Việt Nam) theo tờ trình của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Ông Hưng là Thống đốc trẻ nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam khi năm nay mới 47 tuổi. Ông Lê Minh Hưng quê tại Sơn Tân, Hương Sơn, Hà Tĩnh, là con của cố Bộ trưởng Công an Lê Minh Hương. Ông Hưng bắt đầu làm việc tại chính phủ từ năm 1993 trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau tại Ngân hàng Nhà nước.
Các vị trí ông Hưng đã từng đảm nhiệm trước khi trở thành Thống đốc:
- Chuyên viên Phòng Quỹ Tiền tệ quốc tế.
- Vụ Quan hệ quốc tế của Ngân hàng Nhà nước.
- Phó trưởng phòng Ngân hàng Phát triển châu Á.
- Trưởng phòng Ngân hàng phát triển châu Á.
- Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế.
- Ủy viên Ban Cán sự Đảng.
- Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tăng trưởng tín dụng và hệ quả dư thừa thanh khoản
Trong năm 2016, tăng trưởng tín dụng ổn định ở mức 16 – 17%, gần bằng với mục tiêu 18 – 20% đặt ra đầu năm. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – Đào Minh Tú, mục tiêu đặt ra để mang tính chất định hướng chỉ đạo điều hành, không mang tính kế hoạch.
Tăng trưởng tín dụng đều đặn và ổn định qua các tháng là điểm nhấn đáng chú ý trong năm 2016. Trái ngược với tình trạng các năm trước, tăng trưởng tín dụng thường dồn đọng vào cuối năm trong khi nửa đầu năm lại rất thấp.
Lãi suất cho vay của một loạt các ngân hàng giảm xuống trong những tháng cuối năm là kết quả của tình trạng dư thừa thanh khoản, tăng trưởng tín dụng chậm hơn tăng trưởng huy động.
Nhiều đại án ngân hàng gây chấn động
Ngày 9/9/2016, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân TP. HCM tuyên phạt mức án 30 năm tù giam đối với bị cáo Phạm Công Danh – nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng VNCB, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh, 22 năm tù giam đối với bị cáo Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc VNCB.
Ngoài ra, Tòa cũng tuyên án 20 năm tù với bị cáo Mai Hữu Khương, 19 năm tù với bị cáo Hoàng Đình Quyết và nhiều bị cáo khác với mức từ 3 đến 9 năm tù giam.
Tổng thiệt hại mà các bị cáo nói trên gây ra cho VNCB lên đến 9.133 tỉ đồng. Các tội danh Tòa tuyên án bao gồm: cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Cũng trong năm 2016, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao hoàn tất cáo trạng vụ đại án tại Ngân hàng Đại Dương Ocean Bank. Bị cáo Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch HĐQT Ocean Bank bị truy tố với 3 tội danh và nhận mức phạt 30 năm tù giam.
Tại Agribank, bị cáo Phạm Thành Tân – nguyên Tổng giám đốc Agribank bị đề nghị mức án 22 năm tù giam.
Cuối năm 2016, ông Trần Phương Bình – nguyên Tổng giám đốc DongA Bank bị bắt để tạm giữ điều tra và tiến hành khởi tố do vi phạm các quy định pháp luật trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng.
Có thể bạn thích: