Các trò chơi dân gian tập thể đã từ lâu không còn xa lạ với chúng ta nữa nhỉ. Ngay từ khi còn bé, các trò như ô ăn quan, đánh trận giả, kéo co, đập niêu,… đã đi vào cuộc sống, và đi vào cả những buổi sinh hoạt đội, sinh hoạt trường, sinh hoạt lớp, khiến những cuộc vui lại càng trở nên thú vị hơn hẳn. Và rồi cuộc sống lại càng phát triển, nhiều trò chơi xuất hiện mới hơn. Sau đây, TopChuan xin giới thiệu một vài trò chơi thú vị giúp các cuộc vui của các bạn trở nên thú vị hơn.
Đuổi hình bắt chữ
Yêu cầu: Đuổi hình bắt chữ không còn là trò chơi xa lạ đối với chúng ta phải không nhỉ. Đây là một trò chơi cá nhân được ưu thích, nhưng cũng là một trò chơi tập thể rất thú vị để phát huy sự ăn ý của nhau và sức tưởng tượng của mỗi đội. Chơi theo đội.
Cách chơi: Mỗi đội tự chuẩn bị tranh để hỏi đội đối phương, trong tranh vẽ minh họa một từ, câu nói, ca dao, tục ngữ hay bất cứ thứ gì có để hỏi đội kia. Bức tranh càng “không liên quan” đến từ khóa càng dễ đánh lừa đối phương. Đội nào trả lời đúng nhiều hơn thì thắng.
Ví dụ:
– Hũ mật và con ngựa là “mật mã”.
– Tờ báo và con cáo là “báo cáo”.
Tam sao thất bản
Yêu cầu: Chơi theo đội.
Cách chơi: Quản trò chuẩn bị những đồ vật khác nhau, đặt trong một thùng rỗng lớn, kín hoặc sẽ bọc kính trong một mặt để khán giả thấy. Trong đội cử một người lên làm nhiệm vụ “sờ vật và miêu tả”, miêu tả sao cho đội mình hiểu và đoán ra được đó là cái gì. Nhưng lưu ý là người lên “sờ” không được miêu tả và gợi ý có từ liên quan đến vật đang đoán (ví dụ như nói tiếng Anh), có thể nói đến công dụng của đồ vật để dễ đoán.
Các đội đội nào đoán được nhiều vật đúng hơn thì chiến thắng.
Ví dụ:
Đội A cử một người lên. Người đó sờ được một vật, người đó đoán và miêu tả “đây là cái dùng để cắt giấy”.
Thì đồng đội đoán được là “cái kéo”.
Đúng hay Sai?
Yêu cầu: Không giới hạn số người chơi.
Cách chơi: Quản trò nói hoặc hỏi một điều đúng, nhưng nhiệm vụ của người chơi là phải nói đó là sai, và ngược lại bạn nói một điều sai nhưng người chơi phải nói đó là đúng.
Ví dụ:
– Quản trò hỏi: Bạn ăn cơm bằng mũi?
– Người chơi phải trả lời là “Đúng”.
– Quản trò hỏi: Bạn ăn cơm bằng miệng?
– Người chơi phải trả lời là “Sai”.
Mẹo: Phải hỏi thật nhanh và thay đổi liên tục để làm người chơi bị rối để bắt lỗi.
Có hay Không?
Yêu cầu: Có hay không là một trò chơi thông dụng và dễ thực hiện. Không hạn chế về số người chơi.
Cách chơi: Quản trò hỏi một vật, một điều gì đó của người chơi, nếu có thì người chơi bảo “có” và “lắc đầu”, nếu không có thì nói “không” và gật đầu. Đơn giản là: có thì lắc đầu mà không có thì gật đầu.
Ví dụ:
– Quản trò nói: “Có yêu ai không?”
– Người chơi nói: “Không” và gật đầu.
Nói ngược – làm ngược
Yêu cầu: Đây là một trò chơi khá thú vị và cũng dễ lừa người chơi. Không hạn chế về số người chơi.
Cách chơi: Quản trò chỉ một bộ phận nào đó trên cơ thể và nói một tên một bộ phận khác, tương tự với các sự vật khác.
Ví dụ:
– Quản trò chỉ vào đầu và nói đó là chân,
– Thì người chơi phải chỉ vào chân và nói đó là đầu.
Hay:
– Quản trò chỉ vào bụng và nói đó là lưng,
– Thì người chơi phải chỉ vào mắt và nói đó là bụng.
Mẹo: Trò chơi yêu cầu phản ứng nhanh, trong 3 giây ai nói sai thì phạt.
Đếm ngược
Yêu cầu: Không hạn chế về số người chơi.
Cách chơi: Quản trò thách thức người chơi đếm số từ 1,2,… trở đi và kèm theo từ ghép có thể đọc ngược lại sau mỗi số.
Ví dụ:
- 1 ông sao sáng, 2 ông sáng sao, 3 ông sao sáng, 4 ông sáng sao, 5 ông sao sáng, 6 ông sáng sao,…
- 1 ly kem đá, 2 ly đá kem, 3 ly kem đá, 4 ly đá kem,…
- 1 tô canh cá, 2 tô cá canh, 3 tô canh cá, 4 tô cá canh,…
Mẹo: Số đếm càng cao thì đọc nhầm càng dễ, người điều khiển hãy hối thúc để người chơi bị rối. Người đọc chậm hoặc sai thì phạt.
Gương cười
Yêu cầu: Đây là một trò chơi có hẳn gameshow trên truyền hình, trò chơi này yêu cầu tương tác và “sự lầy lội của cả người chơi (gương) và người “soi gương”). Thường sẽ chơi theo cặp.
Cách chơi: Một người vào vai người soi gương, nói và làm những động tác để “gương” nói theo và làm theo.
Ví dụ:
Người soi gương làm động tác múa ba lê và nói: “Ôi ta nhảy như một nàng công chúa”, thì trong người đóng vai gương phải làm lại hành động và nói câu tương tự.
Đánh trống lảng
Yêu cầu: Đây là một trò chơi đòi hỏi phản ứng nhanh, người chơi phải ứng xử nhanh nếu không rất dễ bị lừa. Không hạn chế về số người chơi.
Cách chơi: Quản trò hỏi nhanh một câu cho một người chơi (hãy hỏi trực diện) và đưa tay nhanh mời người chơi trả lời (để người chơi không kịp suy nghĩ), còn người chơi phải trả lời một câu gì đó không liên quan thì mới không bị phạt.
Ví dụ:
– Quản trò hỏi người chơi: “Bạn đang ở đâu?”
– Người chơi: “Bông hoa héo rồi”.
Hay:
– Quản trò: “Bạn là nam hay nữ?”
– Người chơi: “Áo đẹp nhỉ!”
Mẹo: Để bắt người chơi trả lời sai thì bạn phải hỏi nhanh đáp nhanh, càng nhanh càng tốt.
Nối chữ
Yêu cầu: Không giới hạn người chơi.
Cách chơi: Người chơi sẽ nối chữ liên tiếp, từ một chữ cuối của từ ghép ban cho đầu, người tiếp theo sẽ phải nghĩ một chữ mới có từ bắt đầu bằng từ cuối của từ ghép trước, một chữ có nghĩa. Đến khi nào có người bí thì thôi.
Ví dụ:
– Quản trò nói từ ban đầu là “con cò”
– Thì người tiếp theo nói tiếp là “cò trắng”
– Người tiếp thì nói “trắng phau”, cứ tiếp tục như thế cho đến khi không còn ai nghĩ ra từ có nghĩa được nữa.
Nếu – Thì
Yêu cầu: Không giới hạn người chơi.
Cách chơi: Quản trò sưu tầm những câu nói hay hoặc viết những câu ghép bắt đầu với từ “Nếu” hoặc “Thì”, để vào hai hộp khác nhau và cho người chơi chọn ngẫu nhiên và đọc những câu ấy lên, một câu nếu thì đọc tiếp một câu thì, lúc ấy những điều thú vị sẽ đến.
Ví dụ:
– Nếu em không gặp anh.
– Thì xe đã nổ lốp.
– Nếu ngày mai là ngày 8 tháng 3.
– Thì thầy đã cho em 10 điểm.
Vân vân, với sự ngẫu nhiên, những câu nếu – thì sẽ mất trật tự và tạo ra những câu mới có ý nghĩa khác hẳn.
Ví dụ trên:
– Nếu em không gặp anh.
– Thì thầy đã cho em 10 điểm.
– Nếu ngày mai là ngày 8 tháng 3.
– Thì xe đã nổ lốp.
Có thể bạn thích: