Bạn đã bao giờ tự hỏi rằng tại sao Tết năm nào nhà mình cũng trang hoàng sắm sửa đầy đủ nhưng vẫn luôn cảm thấy thiêu thiếu thứ gì đó? Bạn đã từng băn khoăn không biết nên mở những bài hát gì chào đón không khí vui tươi phấn khởi của mùa xuân đang tới gần? Bạn nghe được một bài hát hay trong dịp Tết nhưng không biết tên của bài hát đó là gì? Đừng lo lắng gì hết, ngay sau đây TopChuan sẽ chọn giúp bạn những bản nhạc siêu hay để bổ sung vào món ăn tinh thần trong những ngày Tết của gia đình.
Khúc xuân – Sáng tác: Võ Thiện Thanh
“Mùa xụân đã đến cho đời xanh tươi hy vọng, và em đã đến cho lòng anh thôi nhớ mong”. Mùa xuân đã đến với bao mong ước, khát khao của tuổi trẻ, với những mơ ước non nớt của các em bé nhỏ, với cả những câu chúc sung túc bình an của muôn nhà. Mùa xuân tràn ngập hứng khởi say mê thúc giục con người tỉnh giấc xuống phố sắm sửa, vui chơi, nhảy múa, yêu đương. Đó là những khúc xuân tràn ngập tiếng cười hạnh phúc.
Tết Nguyên Đán – Sáng tác: Phương Uyên
Tết báo hiệu năm cũ đã qua đi và một năm mới với bao đổi thay đang chờ đón làm cho lòng người phấn khởi nhưng bâng khuâng lạ thường. Đúng như tên gọi của mình, ca khúc Tết Nguyên Đán là những miêu tả chân thực nhất về ngày Tết truyền thống của quê hương Việt Nam: đào mai khoe sắc khắp nơi, đàn chim hót líu lo trên cành, nhà nhà cùng gói bánh chưng xanh, trẻ em được may áo mới, mọi người cùng hồi hộp chờ đón giao thừa. Tất cả làm nên một không khí Tết tươi vui, nhộn nhịp, hạnh phúc.
Ngày Tết quê em – Sáng tác: Từ Huy
Tết Tết Tết Tết đến rồi…
Đó là tiếng reo vui phấn khởi của mọi em nhỏ mỗi dịp Tết. Ngày Tết có lẽ là ngày vui nhất của những đứa trẻ bởi các em vừa được ba mẹ mua cho nhiều quần áo mới, vừa được nhận những phong bao lì xì đỏ tươi, lại được đi chơi khắp mọi nơi. Các bạn hãy cùng lắng nghe bài hát “Ngày Tết quê em” để cảm nhận được niềm vui ấy nhé.
Ngày xuân long phụng sum vầy – Sáng tác: Quang Huy
Giai điệu vui nhộn, bắt tai đã làm cho ca khúc “Ngày xuân long phụng sum vầy” được yêu thích ở mọi lứa tuổi và có sức lan tỏa rộng rãi ngay từ khi ra đời. Mỗi lần ca khúc này vang lên lại khiến không khí Tết của muôn nhà bỗng trở nên náo nức, rạo rực, tươi vui hơn bao giờ hết.
Xuân đã về – Sáng tác: Minh Kỳ
Khi nàng xuân duyên dáng lướt trên hiên nhà cũng chính là lúc người ta biết rằng mùa đông lạnh giá đã đi qua rồi. Xuân về muôn chồi nảy lộc đơm hoa kết trái, xuân về vạn vật được sinh sôi. Mùa xuân là mùa của sức sống mãnh liệt trào dâng, là lúc thiên nhiên bừng tỉnh sau một giấc ngủ đông dài, là lúc con người trở nên phấn khởi, yêu đời hơn bao giờ hết với bao niềm vui mới, bao hạnh phúc mới. Đó cũng là thông điệp mà nhạc sĩ Minh Kỳ muốn gửi gắm đến các bạn qua bài hát “Xuân đã về”.
Đón xuân – Sáng tác: Phạm Đình Chương
Mùa xuân đến không ồn ào, náo nhiệt như mùa hạ, cũng không đột ngột, phô trương như mùa đông mà rất đỗi nhẹ nhàng, e thẹn tựa như nàng thiếu nữ. Nàng thiếu nữ xuân ấy đang ở tuổi bồng bột, say mê với những khao khát đong đầy. Xuân đến thỏa sức tung cánh cùng đất trời, đem đến sức sống cho muôn hoa đua nở cùng giọng ca ngọt ngào cho đàn chim hót vang. Mang âm hưởng cổ điển xưa cũ nhưng bài hát “Đón xuân” sẽ không làm bạn thất vọng khi truyền được cảm hứng xuân đậm nét thiếu nữ một cách chân thực nhất.
Dịu dàng sắc xuân – Sáng tác: Nguyễn Nam
Xuân không chỉ là ngày hội sum họp đầm ấm của muôn nhà, xuân còn là lúc người ta cất lên những khúc tình ca say đắm lòng người. Mùa xuân đến mang lại khát khao được yêu, được trân trọng, được hạnh phúc. Với ca từ ngọt ngào, giai điệu nhẹ nhàng, tràn đầy tình cảm, bài hát “Dịu dàng sắc xuân” chắc chắn sẽ làm cho những ai đang yêu, đã yêu phải thổn thức.
Tết xuân – Sáng tác: Hồ Hoài Anh
Khác với giai điệu nhanh đầy vui tươi của hầu hết bài hát về dịp Tết, nhạc sĩ trẻ tài năng Hồ Hoài Anh lại chọn cho ca khúc của mình tiết tấu chậm, nhiều đoạn nhấn nhá, luyến láy tạo nên sự bâng khuâng, tha thiết trong lòng người nghe. Hồ Hoài Anh thật tinh tế khi phát hiện ra rằng Tết còn là lúc người ta hoài niệm, xao xuyến về quá khứ và mong ước một năm mới yên vui, bình an bên gia đình. Những câu hát da diết chạm đến trái tim bao con người để rồi ta mong ước được trở về quê hương nơi có mẹ cha đang đợi chờ.
Như hoa mùa xuân – Sáng tác: Châu Đăng Khoa
Vẫn khung cảnh nhộn nhịp ấy, vẫn những mong ước ấy, vẫn lời chúc ấy, vẫn là những ca từ ấy thôi nhưng bài hát “Như hoa mùa xuân” lại khiến người nghe vui thích, đứng ngồi không yên mà nhún nhảy theo nhạc bởi giai điệu quá đỗi vui tươi, rộn rã. Sự hân hoan chào đón mùa xuân được nhạc sĩ truyền tải một cách khéo léo từ lời cho đến nhịp điệu làm cho mọi ưu phiền, âu lo chợt tan biến trong chốc lát để rồi ta lại hòa mình vào biển người hạnh phúc mà ngân vang mãi câu hát.
Mùa xuân yêu thương – Sáng tác: Vy Nhật Tảo
Mặc dù đã ra đời từ khá lâu rồi nhưng “Mùa xuân yêu thương” vẫn làm rung động bao trái tim người nghe nhờ giai điệu nhộn nhịp, tươi vui, hồ hởi, bắt tai làm người ta không thể không nhảy nhót, ca múa theo nhịp nhạc. Không chỉ có vậy, ta còn cảm nhận được thông điệp chứa trong đó: mùa xuân như một nàng tiên, cứ mỗi nơi xuân bước đến lại bỗng trở nên tươi mới và tràn ngập hạnh phúc.
Xuân họp mặt – Sáng tác: Văn Phụng
Xuân đã về, xuân vẫn mơ màng…
Lời ca vang lên như thúc giục lòng người bổi hổi, bồi hồi trước thềm năm mới. Xuân là thời điểm con cháu từ khắp mọi miền Tổ quốc trở về quê hương để sum họp cùng gia đình, để được ăn bữa cơm gia đình ấm cúng, hạnh phúc. Xuân cũng là lúc người ta bên nhau nhảy múa hát ca cho quên đi những muộn phiền đã qua và cầu chúc cho một năm mới sung túc, an vui. Đó là thông điệp mà nhạc sĩ Văn Phụng muốn gửi gắm đến các bạn qua bài hát “Xuân họp mặt”.
Con bướm xuân – Hồ Quang Hiếu
Ca khúc này nằm trong album “Ngày ấy sẽ đến” sáng tác năm 2013 của chàng ca sĩ trẻ Hồ Quang Hiếu. Chính nhờ giai điệu chachacha vô cùng bắt tai, “Con bướm xuân” đã nhanh chóng được đón nhận bởi đông đảo bạn trẻ. Con số 10,7 triệu lượt nghe trên trang âm nhạc online và 14 triệu lượt xem trên YouTube trong năm 2014 cùng với nhiều bản cover chứng tỏ sức hút và sức lan tỏa khủng khiếp của ca khúc. Đó là lí do bạn nên nghe “Con bướm xuân” trong dịp Tết này.
Có thể bạn thích: