Không có địa hình bằng phẳng, không có rào bảo vệ, đá có thể rớt bất cứ lúc nào, sóng biển cũng mạnh mẽ khắp nơi… chính là những gì có thể miêu tả ở những con đường mà tay lái lụa nào cũng toát hết mồ hôi. Hãy cùng TopChuan chiêm ngưỡng những con đường đáng sợ trên thế giới nhé!
Đường qua Gorges Du Nan
Để qua được vùng đất Gorges Du Nan của nước Pháp, người dân phải đi qua con đường có độ cao khủng khiếp này. Mặc dù có một lớp đá cứng làm rào bảo vệ nhưng sự chênh vênh cùng vực thẳm ở phía dưới cũng đủ khiến người lái xe phải run sợ. Những đoạn đường hẹp ngang cũng đòi hỏi người lái phải tập trung cao độ và giữ vững cự li di chuyển.
Đường qua đèo Hart
Nước Mỹ có vẻ là quốc gia tồn tại nhiều con đường đáng sợ nhất trên thế giới, và lần này lại mang đến một sự nguy hiểm ở cấp bậc cao hơn nữa. Con đường đi qua đèo Hart nằm ở độ cao 1.800 mét, men theo đỉnh của một vách núi hẹp dài, phần sườn hai bên đường lại trơn dốc trở xuống tạo cảm giác chênh vênh đáng sợ. Điểm đáng chú ý ở con đường cao nhất Washington này là từ trên cao có thể chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh tuyệt đẹp dưới núi.
Đèo Furka
Mặc dù so với các con đường khác thì đường đèo Furka đã có hàng rào bảo vệ, nhưng sự uốn cong ngoằn nghèo, các khúc cua nguy hiểm cùng nhiều đoạn dốc chênh vênh khiến bất kì ai cũng phải choáng ngợp. Điểm cộng duy nhất có lẽ chỉ dành cho việc đây là con đường men theo dãy Alps hùng vĩ, từ trên cao có thể ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên vô cùng ngoạn mục.
Cao tốc Srinagar – Leh
Mặc dù không ở trên núi cao chót vót, không cần hàng rào bảo vệ tránh rơi xuống vực, đường cao tốc Srinagar – Leh vẫn là mối e ngại đối với nhiều người. Bởi đây là nơi có tuyết rơi dày nhất Ấn Độ, thường xuyên nổi lên những cơn bão tuyết bất chợt và có sức phủ lấp lớn. Vì vậy mà con đường này chỉ được hoạt động trong 6 tháng mỗi năm, hòng tránh những cơn bão tuyết nguy hiểm diễn ra trong các tháng còn lại.
Đường tử thần Bolivia
Xung quanh là các tầng núi cao rậm rạp, con đường không hề có một hàng rào bảo vệ nào chạy dọc xuyên suốt theo vách núi ở Bolivia. Men theo độ cao ngất ngưởng cách chân núi là 600 mét, chiều rộng vào khoảng 3,6 mét, bên trong con đường còn có những đoạn dốc đáng sợ, những khúc cua hiểm trở với làn đường bị kéo hẹp lại. Hơn nữa ở đây còn thường xuyên có sạt lở, nhiều đoạn đường sau mưa lại bị trơn tuột khó điều chỉnh xe đi đúng hướng. Đi trên con đường mà một bên là vực sâu thăm thẳm như thế, thực sự có thể dọa được bất kì tay lái cứng rắn nào.
Cao tốc Kahekili
Một con đường cao tốc khác của nước Mỹ cũng có địa hình vô cùng đáng lo cho người đi đường. Mặc dù tuyến đường chạy men theo bờ biển phía nam xinh đẹp của đảo Maui thuộc miền đất hứa Hawai, nhưng những khúc cua hẹp ngang mà lại hiểm trở khiến bất cứ ai cũng phải kiêng dè.
Đường lên núi Thiên Môn
Đại diện của châu Á trong bảng danh sách đáng sợ này là con đường đi lên núi Thiên Môn ở Trung Quốc. Với độ cao cách mặt đất đến cả ngàn mét, con đường thách thức người đi với 99 khúc cua cùng độ dốc ngắn và cao ngoạn mục. Chưa kể đến có những đoạn đường lại có độ hẹp đáng sợ khi chỉ vừa khít một chiếc xe 4 bánh đi qua.
Đường Rize – Ispir
Đây có thể nói là con đường có độ nguy hiểm nằm trong top đầu của thế giới. Còn chưa nói đến việc không có hàng rào hay sạc lở đất đá thì sự nhỏ hẹp đáng sợ của nó cũng đủ khiến không ai dám đi qua. Con đường nằm cheo veo trên dãy núi hẻo lánh và xa xôi nhất Thổ Nhĩ Kỳ này lại thường xuyên có bão tuyết cùng đá lở từ trên đỉnh núi. Tuy ít người qua lại nhưng hàng năm vẫn có thông số về người gặp tai nạn ở Rize – Ispir.
Đường Atlantic Ocean
Dù nằm trong danh sách những con đường nguy hiểm nhưng không thể phủ nhận đường Atlantic Ocean là một trong những điểm tham quan đẹp nhất đất nước Na Uy. Bao gồm 8 cây cầu được thiết kế ấn tượng như một dải lụa uốn cong trên biển, Atlantic Ocean là nơi có những ngọn sóng mạnh và cao nhất thế giới. Nếu đi lại thường xuyên trên con đường này thì rất dễ dàng bị biển xanh “tạt” lên những con sóng dữ dội, các tay lái không có nhiều kinh nghiệm sẽ rất dễ dàng bị đánh ngã mà gây ra tai nạn.
Đường từ Marrakech tới Taroudannt
Là con đường có chiều dài ngắn nhất để từ Marrakech đi Taroudannt và ngược lại. Nếu người lái xe có thể tập trung điều chỉnh xe đi sát vào vách núi thì vực thẳm ở phía bên kia không phải là không thể đi qua được. Nhưng mối hiểm họa ở đây lại nằm vào việc trên đỉnh núi của dãy High Atlas này thường xuyên có sạt lở đất, và thật tệ nếu có ai bị rơi vào tình huống nguy hiểm như vậy.
Cao tốc James Dalton
Cũng giống như cao tốc Srinagar – Leh ở Ấn Độ, con đường cao tốc James Dalton của nước Mỹ cũng không nằm ở độ cao chênh vênh nơi vách núi nào, nhưng sự nguy hiểm của nó đến từ những cơn gió mạnh và bão tuyết bập bùng. Vì đây là một trong những tuyến đường giao thông chính ở gần núi Finger nên xe cộ qua lại quanh năm, buộc những người lái xe phải có kinh nghiệm cao trong việc đối phó với những cơn gió tuyết như muốn cuốn theo cả chiếc xe của mình.
Đường qua đèo Rohtang
Với chiều rộng chỉ hơn 2 mét, con đường đi qua đèo Rohtang của Ấn Độ này nhỏ hẹp đến mức không thể có hai xe đi ngược chiều nhau. Dốc núi dựng đứng cùng những mỏm đá cheo veo cũng khiến nhiều người thoáng rùng mình khi nghĩ đến việc đi qua đèo Rohtang.
Cao tốc Million Dollar
Xứng đáng với cái tên “Triệu đô la” đắt đỏ, cao tốc Million Dollar có một vẻ đẹp rực rỡ và sang trọng khác biệt so với những con đường khác. Nối liền Silverton, Colorado và Ouray, đường cao tốc nước Mỹ này còn có vẻ đẹp hút hồn từ những khu vườn thực vật ở phía bên kia đồi. Tuy nhiên người lái xe cũng rất dễ gặp phải tai nạn đáng tiếc nếu mãi ngắm cảnh đẹp mà quên mất con đường “Triệu đô la” này không hề có rào chắn hay vật bảo vệ nào.
Đường Le Passage Du Gois
Le Passage Du Gois không hề được xây dựng bài bản, nó vốn là phần khoảng cách từ đất liền ra đảo Noirmoutier, với hầu hết thời gian trong ngày đều bị nước che lấp. Vào vài tiếng mỗi ngày khi thủy triều xuống thấp, phần đất liền nhô cao lên tạo thành một con đường tự nhiên kéo dài cho xe cộ qua lại. Tuy nhiên do nằm giữa dòng nước biển nên độ trơn trợt của Le Passage Du Gois khá cao, không ít lần đã có các tay lái chưa vững phóng xe xuống dòng nước vì không kiểm soát được. Tình huống éo le nhất còn là khi những người rời đảo để đi làm và lúc về thì thủy triều đã dâng cao, họ đành ngậm ngùi ở lại thị trấn nước Pháp để chờ thủy triều rút mới có thể về nhà.
Đường núi công viên Canyonlands
Mặc dù qua con đường này có thể đến chiêm ngưỡng khung cảnh hùng vĩ của công viên Canyonlands nhưng không có nhiều người có thể can đảm đi được. Bởi chiều hẹp ngang khó tin nổi cùng vách núi dựng đứng không có gì bảo vệ như thế, nguy cơ bị rơi xuống vực sâu là quá cao.
Có thể bạn thích: