Qua hàng trăm năm, xã hội loài người đã dần hình thành và phát triển đến mức vượt bậc. Tuy được coi là sinh vật cao cấp nhất trên Trái Đất nhưng trên thế giới này có rất nhiều hiện tượng kỳ lạ mà đến nay con người vẫn không giải đáp được.
Morning Glory
Morning Glory là những đám mây có hình dạng giống điếu xì gà vô cùng hiếm gặp. Morning Glory thường được thấy vào mùa thu ở vịnh Carpentaria, bang Queensland tại Australia. Chiều dài của cuộn mây Morning Glory có thể lên tới 1.000 km với độ cao 1 – 2 km. Chúng hình thành theo phương ngang và di chuyển với tốc độ lên tới 60 km/h. Một trong những nguyên nhân chính của sự xuất hiện đám mây Morning Glory là sự lưu thông mesoscale liên kết với gió biển.
Vòi rồng nước
Vòi rồng nước là hiện tượng xảy ra khi lốc xoáy di chuyển bên trên hồ nước hay biển cả, trông như một cột nước trắng xóa, thường kèm theo sấm sét. Chúng ta nhìn thấy một cột nước bốc lên vì hơi nước bên trong lốc xoáy có áp suất cực thấp. Nước bắn tung tóe ở chân cột nước là đám bụi nước hình thành khi vòi rồng đập và mặt nước hồ hay đại dương. Đám bụi nước đó nặng đến hàng chục tấn. Nhiều vòi rồng nước hình thành độc lập, không phụ thuộc vào mưa bão, chúng còn hình thành khi thời tiết tương đối tốt.
Vòi rồng lửa
Vòi rồng lửa hay còn gọi là lốc xoáy lửa. Hiện tượng này thường xảy ra nhưng rất hiếm gặp hay được ghi nhận lại. Nguyên nhân là do một ngọn lửa trong điều kiện nhất định (tùy vào nhiệt độ không khí và sự đối lưu) sẽ tạo ra một sự đối lưu dạng xoáy theo chiều thẳng đứng giống như vòi rồng. Ngọn lửa bị cuốn và bốc lên cao trong dòng xoáy đó có thể là các ngọn lửa xung quanh ngọn lửa đã tạo ra nó, hay chính ngọn lửa đã tạo ra sự đối lưu này.
Sét Catatumbo
Maracaibo là hồ nước mặn lớn nhất Nam Mỹ thuộc bang Zulia, Tây Bắc Venezuela. Hồ có chiều dài 99 km, rộng 67 km, sâu 60 m và có tổng diện tích là 13.210 km2.Trong nhiều thế kỷ gần đây, tại vùng cửa sông đổ vào hồ Maracaibo mỗi năm có khoảng 160 đêm bị sét đánh, 10 giờ một ngày, 280 lần một giờ tương ứng với khoảng 1,2 triệu lần sét đánh trong một năm. Sét đánh tại đây thường có màu sắc sặc sỡ, tuyệt đẹp. Điều kỳ lạ nhất là hiện tượng này chỉ xảy ra ở một địa điểm duy nhất. Người dân ở đây gọi con sông này là “sông lửa trên bầu trời” hay “dòng sông hứng lửa từ trời”.
Hiện tượng này cũng là niềm tự hào của người dân địa phương bởi nó có tác động không nhỏ đến sự nghiệp giải phóng đất nước. Năm 1595, hiện tượng sét đánh liên tục tại vùng cửa sông đã ngăn cản chiến thuyền Anh do Francis Drako chỉ huy định tấn công vào vùng hồ. Ngày 24/7/1823, ánh sáng của các tia chớp đã soi sáng cho chiến thuyền của đô đốc José Prudencio Padilla giành thắng lợi trước hạm đội của Tây Ban Nha, buộc nước này phải công nhận nền độc lập của Venezuela.
Bởi vậy, người dân Venezuela quan niệm tia chớp nơi cửa sông tượng trưng cho sức mạnh của dân tộc họ, nó không chỉ là hoa tiêu cho các thủy thủ mà còn giúp họ giành được tự do. Người Venezuela đã sáng tác nhiều vần thơ ca ngợi nó, thậm chí hình ảnh tia sét cũng được gắn trên lá cờ, còn âm thanh của nó thì được vang vọng trong quốc ca của nước này.
Xoáy nước băng
Loại xoáy nước băng này được biết đến với tên gọi brinicle từ những năm 1960 nhưng đây là lần đầu tiên nó xuất hiện dưới đáy biển gần đảo Ross của Nam Cực lạnh -2 độ C. Xoáy nước băng là hiện tượng hiếm chỉ xuất hiện ở các vùng biển đóng băng bề mặt. Nó được hình thành do sự lắng xuống của nước biển lạnh (nước bão hòa với muối). Hơi nóng từ vùng biển ấm chảy qua không khí lạnh hình thành băng mới dưới đáy. Băng này bị đẩy tới biển, sẽ lắng lại và đông lạnh vùng biển ấm mà nó tiếp xúc, tạo thành mảng băng và đông cứng bất cứ sinh vật biển nào chạm vào nó. Chính vì vậy nên tất cả những sinh vật biển đi qua xoáy nước đều chết hết.
Bão Supercell
Supercell là một loại bão hiếm gặp và rất nguy hiểm, với những đám mây xoay liên tục theo chiều thẳng đứng trong suốt một trận bão lớn kèm theo mưa đá, gió giật mạnh và sấm sét. Nó thường xảy ra với các cơn bão ở những nơi khác nhau. Bão Supercell còn có tên gọi là “mẹ của vòi rồng” vì nó có khả năng tạo ra lốc xoáy.
Bọt biển Cappuccino
Hiện tượng bọt biển Cappuccino xảy ra khi có hàm lượng cao tảo và chất thải trong nước. Các thành phần này giống như dầu gội đầu tạo ra bong bóng và bọt. Nó có thể biến cả một bãi biển rộng lớn biến thành “bồn tắm” đầy bọt xà phòng chỉ trong vài phút. Số lượng bọt biển tràn về bãi biển phụ thuộc vào nhiều yếu tố như địa hình bờ biển, tốc độ gió và điều kiện thời tiết.
Hoa sương giá
Hoa sương là tinh thể nước đá, thường thấy ở những biển băng trẻ và các hồ băng mỏng. Các tinh thể này gần giống sương muối nhưng phát triển với đường kính khoảng 3 – 4 cm. Hoa sương giá được hình thành trên biển băng mỏng khi không khí lạnh hơn nhiều so với lớp băng phía dưới (chênh lệch nhiệt độ tối thiểu là 15°C). Hoa sương giá là một hiện tượng thiên nhiên tuyệt đẹp.
Bầu trời nhiều màu sắc
Bầu trời đầy màu sắc tuyệt dẹp này là kết quả của sự phóng điện trong khí quyển.
Sét núi lửa
Sét là hiện tượng tuyệt đẹp của thiên nhiên, nó làm nóng không khí xung quanh lên khoảng 27.760 độ C, nóng hơn gấp 5 lần so với nhiệt độ bề mặt của Mặt Trời. Sét không chỉ xuất hiện trong các cơn giông, một hiện tượng khí tượng gồm bão, mưa to, sấm sét, gió mạnh. Hiện tượng phóng điện trong khí quyển. Theo ước tính của các nhà khoa học, sét xuất hiện trên Trái Đất khoảng 100 lần mỗi giây, 70% trong số này xảy ra ở vùng nhiệt đới. Các loại tia sét bao gồm sét đánh từ mây xuống đất, sét từ đất lên mây (luồng điện tử di chuyển giữa mặt đất và đám mây phía trên).
Loại sét thường gặp nhất là sét mây và mây, hiện tượng trao đổi điện tử giữa các đám mây với nhau mà không phải đi xuống đất. Ngoài ra còn có các loại khác như sét dị hình, sét hòn, sét thượng tầng khí quyển, sét dương, sét tên lửa, sét khô… còn có thể xảy ra trong các cơn bão, lốc xoáy, núi lửa phun trào, thậm chí cả bão bụi và bão tuyết.
Tuy có rất nhiều thông tin về sét, nhưng cho đến nay hiện tượng sét núi lửa vẫn là một bài toán khó giải quyết vì các nhà khoa học vẫn chưa thể giải thích được nguyên nhân sét lại xuất hiện khi núi lửa phun trào. Có giả thuyết cho rằng số lượng tro bụi quá lớn được giải phóng cùng một lúc với tốc độ cao đã cọ sát và tích điện mạnh tạo thành những tia sét.
Mây hình thấu kính
Đám mây hình thấu kính là những đám mây hình thành bởi sự ngưng tụ của hơi nước ở những vị trí cao trong không khí như phía trên những ngọn núi. Hơi nước ngưng tụ khi nhiệt độ giảm và gió thổi chúng vào sườn núi hay những địa hình dốc. Núi là vật cản tự nhiên, buộc mây cô đặc nhanh chóng khi chúng di chuyển tới những tầng không khí lạnh hơn. Thoạt nhìn những đám mây này có hình dạng rất kỳ lạ nên thường bị nhầm lẫn với UFO.
Cầu vồng lửa
Cầu vồng lửa hay còn gọi là mây ngũ sắc, có tên khoa học là circumhorizontal arc, là hiện tượng quang học đặc biệt, có dạng dải nhiều màu song song với đường chân trời. Nó xảy ra khi các đám mây mang nhiều nước có kích thước gần như đồng nhất. Những đám mây này làm nhiễu xạ hoặc bẻ cong ánh sáng, khiến ánh sáng chiếu theo các bước sóng hoặc màu sắc khác nhau.
Cầu vồng trắng
Cầu vồng trắng là một hiện tượng gần giống cầu vồng, thường được tạo ra từ ánh sáng Mặt Trời và những hạt nước cực nhỏ có đường kính dưới 0, 05 mm (sương mù). Các hạt nước quá nhỏ nên không thể khúc xạ ánh sáng tạo ra hiệu ứng nhiều màu như các hạt nước mưa. Vì vậy, nên chúng gây nên hiện tượng nhiễu xạ khiến cho mắt thường thấy cầu vồng có màu trắng.
Mây gợn sóng
Mây gợn sóng Undulatus Asperatus là loại mây tuyệt đẹp. Nhưng những lý giải về nguyên nhân hình thành của nó vẫn còn là đề tài tranh luận của các nhà nghiên cứu khoa học.
Bánh tuyết
Bánh tuyết (Snow Donuts) là hiện tượng xảy ra khi có tuyết rơi. Lớp tuyết mỏng trên cùng sẽ bị gió cuốn xuống những vùng đất hơi dốc và trống trải, tạo thành những khối tuyết giống như chiếc bánh đang di chuyển. Những khối tuyết này rất yếu nên nếu thời tiết thay đổi hoặc gặp vật cản nó sẽ bị vỡ ngay.
Penitentes
Càng lên trên cao, không khí càng khô và lạnh, những bông tuyết rơi xuống không kịp tan hay đóng lớp mà tạo thành những thanh băng kỳ lạ, nhô lên so với mặt đất vài mét. Những thanh băng này xếp cạnh nhau, hướng về phía mặt trời, tạo nên một cảnh tượng vô cùng độc đáo. Hiện tượng này được hình thành ở những khu vực núi cao, độ ẩm thấp.
Mây bong bóng
Mây bong bóng (Mammatus) là một quần thể mây có dạng hình cầu trông rất giống với những bong bóng nhỏ. Xuất hiện hiện tượng này vì sau khi những cơn bão, cơn giông lớn đi qua gây ra sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn, xáo trộn quá trình hình thành mây bình thường. Những đám mây có độ ẩm lớn, nặng hơn bị chìm xuống dưới những đám mây nhẹ. Mây Mammatus thường xuất hiện kèm với gió mạnh và là dấu hiệu cảnh báo có cơn bão lớn..
Glory
Glory là một hiện tượng quang học, tương tự như cầu vồng và vầng hào quang. Nó xảy ra khi ánh sáng chiếu qua các hạt nước trong sương mù hoặc các giọt nước mưa (mây) và phát ra ánh sáng về phía sau.
Mặt trời ảo
Mặt trời ảo có tên khoa học là parhelion, là hiện tượng xuất hiện cùng một lúc nhiều “mặt trời”. Nhưng chỉ có một mặt trời thật còn lại là các mặt trời ảo, trong đó mặt trời thật sáng nhất. Hiện tượng quang học này xảy ra khi mặt trời tiến gần đường chân trời, ánh sáng xuyên qua các tinh thể băng trong không khí, tạo nên hiệu ứng khúc xạ ánh sáng, hình thành 2 – 3 vầng sáng trông giống mặt trời. Các quầng sáng ảo có màu đỏ ở vị trí gần mặt trời nhất, các vị trí xa hơn có màu xanh hoặc vàng. Hiện tượng này có thể nhìn thấy ở bất cứ nơi nào trên thế giới, vào suốt 4 mùa trong năm, nhưng không phải lúc nào cũng nhìn thấy mặt trời ảo cũng rõ ràng.
Cầu vồng Mặt Trăng
Cầu vồng Mặt Trăng có tên tiếng Anh là Moonbow, là hiện tượng thiên nhiên hiếm gặp và rất khó quan sát. Nó được tạo ra bởi ánh sáng phản xạ từ bề mặt của Mặt Trăng. Do số lượng nhỏ ánh sáng phản chiếu từ Mặt Trăng, nên cầu vồng Mặt Trăng khá mờ nhạt. Bằng mắt thường, chúng ta chỉ có thể nhìn thấy khi cầu vồng Mặt Trăng xuất hiện có màu trắng. Nhưng với ống kính máy ảnh chuyên nghiệp, cầu vồng với đầy đủ màu sắc mới hiện ra rõ nét.
Có thể bạn thích: