Chiến tranh Việt Nam là một chủ đề chưa bao giờ nguội lạnh. Cho đến ngày nay, những bộ phim tài liệu hay phim lịch sử vẫn tiếp tục khai thác chủ đề thú vị này với đủ các góc nhìn khác nhau. Không chỉ thế, những cuốn sách viết về chiến tranh Việt Nam cũng luôn tạo được sự quan tâm của phần lớn độc giả. Dưới đây là một số đầu sách tiêu biểu nhất cho chủ đề này, giúp bạn có cái nhìn đa chiều hơn nữa về chiến tranh tại Việt Nam
Quân khu Nam Đồng- Bình Ca
Viết về chiến tranh, nhưng “Quân khu Nam Đồng” dường như mang một màu sắc tươi sáng hơn so với những tác phẩm còn lại. Với bút pháp hiện thực cùng lời kể tự nhiên, hết sức dí dỏm. “Quân khu Nam Đồng” thu hút người đọc với những hồi ức về đời sống chiến tranh đã từng một thời in sâu trong mỗi người dân Việt. Đó là những khó khăn, trăn trở về đời sống, về cuộc chiến của những người lớn xen những khoảnh khắc của tình yêu tình bạn từ những người trẻ. “Quân khu Nam Đồng” mang một hơi thở nhẹ nhàng hơn về chiến tranh, tác phẩm như là lời kể lại của những người đi trước, những con người đã sống và chiến đấu kể cho lớp trẻ hôm nay bằng những câu chuyện nhỏ của những nhân vật khác nhau chứ không có một hệ thống nhân vật cố định nào. Điều này khiến “Quân khu Nam Đồng” nhận được sự yêu mến của hầu hết người trẻ hôm nay.
Nắng đồng bằng- Chu Lai
Chu Lai là một cây bút lớn trong làng văn Việt Nam với chủ đề chiến tranh. Là một nhà văn bước ra từ chiến trường lửa khói, giọng văn của Chu lai có cái mùi khói đạn đặc trưng trong hầu hết các tác phẩm của ông. Với “Nắng đồng bằng”, Chu Lai mang chúng ta trở lại một thời đại đau thương, mất mát nhưng cũng hết sức hào hùng. “Nắng đồng bằng” đưa ra những góc nhỏ đời thường của người lính mà không phải nhà văn nào cũng đề cập đến và cũng dám đề cập đến.
Bên cạnh những trận đánh ác liệt ven sông Sài Gòn, còn là những thứ tình riêng phải nén lại để nhường chỗ cho tình yêu đất nước, nhường chỗ những lần giành giật sự sống trước những đợt càn của giặc. Còn là bao luồng giao tranh tư tưởng, những nghĩ sẽ không bao giờ xuất hiện trong đầu một người lính chiến, nhưng đó lại là những phần rất con người đã được Chu Lai nêu bật trong “nắng đồng bằng” viết năm 1978. Ở “nắng đồng bằng” còn là số phận tình yêu của những người lính, những tình yêu đã phần nào bị khó khăn thời chiến, bị hoàn cảnh khắc nghiệt che lấp đi cho đến khi họ nằm xuống, trở về với đất mẹ yêu thương họ mới cất lên nỗi lòng riêng tư nhất của mình.
Dù có một kết thúc buồn nhưng đó lại chính là cảm xúc Chu Lai muốn mang đến cho bạn đọc. Bạn sẽ cảm nhận được sự hi sinh lớn lao của thế hệ trước, thấy rõ hơn một góc nhỏ đời sống chiến tranh Việt Nam, khi ngay cả những quyền con người bình thường nhất thì những người lính cũng không thể có được. Đây là một trong những tác phẩm đáng đọc nhất của Chu Lai trong toàn bộ những tác phẩm về chiến tranh Việt Nam của ông
Tuổi thơ dữ dội- Phùng Quán
Mở đầu tác phẩm này, Phùng Quán trích lại một câu rất nổi tiếng của cao Bá Quát, dường như đã mở ra cho người đọc biết bao những liên tưởng về sau: “Trừ giặc, ba tuổi vẫn còn hiềm là muộn”. Và “Tuổi thơ dữ dội” đã cho ta thấy cả một thế hệ chống giặc, giữ nước ở độ tuổi non nớt nhất và cần sự che trở nhất. Những em mười hai, mười bốn tuổi xung phong, trốn nhà xin được tham gia Vệ Quốc Đoàn.
Những thân hình tuy gầy gò và nhỏ xíu nhưng lại nung nấu một lòng căm hận với giặc đến ngút trời và chiến đấu quả cảm như những người anh hùng. ”Tuổi thơ dữ dội” đã viết nên những số phận lớn lao của bao đứa trẻ nhỏ bé nơi đất Việt bi hùng. Từ ngày đầu gia nhập Vệ Quốc Đoàn ra sao, những buổi tập luyện khắc nghiệt và dường như quá sức với một đứa trẻ như thế nào, đến những ngày sống tại chiến khu và tham gia chiến đấu. Đó là câu chuyện của Mừng, của Lượm… là những nỗi đau và bi kịch khi những mánh lới của bọn Việt Gian lại khiến nơi mà Mừng coi là gia đình cùng những người thân lại nghi ngờ em- đây có lẽ là những trang viết đau đớn nhất trong “Tuổi thơ dữ dội”. Ở những độ tuổi đáng ra sẽ nhận được sự che chở, yêu thương thì các em lại chiến đấu anh dũng và hi sinh một cách bi hùng, quả cảm.
Hãy đọc “Tuổi thơ dữ dội” để thấy xót thương khi những bóng người bé nhỏ ấy nằm xuống. Hãy đọc “Tuổi thơ dữ dội” để cảm phục khi thân hình của một đứa trẻ vẫn hiên ngang đứng vững hoàn thành nhiệm vụ khi hơi thở đã ngừng. Hãy đọc để yêu thương và trân trọng sự hi sinh từ những đứa trẻ ấy.
Nỗi buồn chiến tranh- Bảo Ninh
Thường thấy, những tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam luôn hạn chế tối đa nói về những bi thương, bi lụy. Chỉ nhấn mạnh đến những khúc ca hào hùng, những chiến thắng vẻ vang để khích lệ tinh thần chiến đấu. Nhưng khi đến với Bảo Ninh, chiến tranh đã hiện lên với nguyên hình, nguyên dạng, với những góc khuất mà tưởng như người ta đã quên, những đau thương không chỉ diễn ra trong chiến tranh mà còn kéo dài, kéo dài mãi để dằn vặt chính những con người bước ra từ khói lửa những chiến trận.
Chính vì lẽ đó mà “nỗi buồn chiến tranh” một thời gian đã trở thành đề tài tranh luận gay gắt và có một số phận long đong cho đến khi được trao cho vị trí xứng đáng trong văn đàn. Qua lời kể của nhân vật Kiên, với kết cấu truyện lồng truyện, Bảo Ninh đã đưa ta bước vào chiến tranh rồi lại lôi ta đến với hiện thực bằng những ảo ảnh, những giấc mơ, những phút cuồng dại trong men rượu. Kết thúc “nỗi buồn chiến tranh”, Bảo Ninh đã bày ra bộ mặt trần trụi của cuộc chiến, để người đọc nhận ra: À! với chiến tranh, không có ai là kẻ chiến thắng hoàn toàn cả. Một nỗi khắc khoải khôn nguôi, những tượng đài linh thiêng cũng sẽ được đặt lên một bàn cân của sự thật trong tâm trí của bạn khi gấp lai cuốn sách này. Đây là một tác phẩm về chiến tranh Việt Nam bạn không nên bỏ qua, bởi nó sẽ mang đến cho bạn một cái nhìn đa chiều hơn, công bằng hơn với quá khứ.
Mãi mãi tuổi hai mươi- Nguyễn Văn Thạc
“Mãi mãi tuổi hai mươi” là một trong số vô cùng ít ỏi, những cuốn nhật kí thời chiến được mang đến cho bạn đọc. Và đây cũng chính là cuốn nhật kí ghi chép lại những cung bậc cảm xúc chân thực và trong sáng nhất của một chàng thanh niên Hà Nội hòa hoa những ngày đầu dấn thân vào binh nghiệp.
Dù chỉ là những trang nhật kí dang dở, những bức thư cho người bạn gái thân thiết nhưng “mãi mãi tuổi hai mươi” lại để lại cho thế hệ sau những câu hỏi, những day dứt của người sinh viên trẻ khi đang trên đường bước vào chiến trường,”Nếu như tôi không trở lại – Ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng sau này? Tôi chỉ ao ước rằng, ngày mai, những trang giấy còn lại đằng sau sẽ toàn là những dòng vui vẻ và đông đúc. Đừng để trống trải và bí ẩn như những trang giấy này”. Vậy đấy, với “mãi mãi tuổi hai mươi” bạn đọc sẽ có cùng chung nhịp đập với một thế hệ trẻ sẵn sàng hi sinh cho hòa bình của đất nước, đó là một thế hệ bước ra chiến trường với tâm hồn phơi phới sức trẻ cùng những man mác buồn của nỗi nhớ và những câu hỏi cho tương lại của mình và của quê hương.
Hãy đọc “mãi mãi tuổi hai mươi” để sống cho xứng đáng với sự hi sinh của họ, để lấp đầy những trang tiếp theo bằng nhiệt huyết của chúng ta.
Có thể bạn thích: