Vào dịp Giỗ tổ hàng năm, Khu di tích lịch sử đền Hùng (Phú Thọ) chính là nơi hấp dẫn du khách từ mọi miền Tổ quốc đổ về làm lễ dâng hương. Ngoài đền Hùng, du khách có thể đến nhiều điểm du lịch thuộc Phú Thọ như đầm Ao Châu, vườn quốc gia Xuân Sơn, đền Mẫu Âu Cơ,… để tận hưởng không khí ngày nghỉ lễ của dân tộc. Dưới đây TopChuan.Com sẽ giới thiệu những địa điểm vui chơi thú vị ở Phú Thọ vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương nhé!
Khu di tích đền Hùng
Đền Hùng được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, giữa đất Phong Châu, ngày nay là xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Quần thể di tích đền Hùng nằm từ chân núi đến đỉnh ngọn núi Nghĩa Lĩnh cao 175 mét, trong khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt giáp giới với những xã thuộc huyện Lâm Thao, Phù Ninh và vùng ngoại ô thành phố Việt Trì, cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 10 km. Khu vực đền Hùng ngày nay nằm trong địa phận của kinh đô Phong Châu của quốc gia Văn Lang xưa. Theo cuốn Ngọc phả Hùng Vương, đương thời các Vua Hùng đã cho xây dựng điện Kính Thiên tại khu vực núi Nghĩa Lĩnh này. Khu di tích lịch sử đền Hùng gồm có đền Hạ và chùa, đền Giếng, đền Trung, đền Thượng, lăng vua Hùng.
Vào ngày 10/3 Âm lịch hàng năm, nơi đây sẽ tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương. Lễ hội này thu hút được rất nhiều du khách trong và ngoài nước để bày tỏ lòng biết ơn tới các vị vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước.
Đầm Ao Châu – Hạ Hòa
Đầm Ao Châu thuộc thị trấn Hạ Hòa, cách thị xã Phú Thọ 50 km, cách thành phố Việt Trì 70 km, nơi đây được khách du lịch xem như vịnh Hạ Long thu nhỏ trên mảnh đất Phú Thọ vậy.
Đầm Ao Châu nằm trên địa bàn thị trấn Hạ Hòa và các xã Y Sơn, Ấm Hạ và Phụ Khánh thuộc huyện Hạ Hoà. Du khách có thể đến đây bằng đường bộ, đường sắt hoặc đường thuỷ để tới khu du lịch Ao Châu đều thuận lợi. Theo đường sắt, Ao Châu nằm trên tuyến đường Hà Nội – Lào Cai và tương lai không xa sẽ là trục đường sắt xuyên Á, nối liền các nước trong khu vực với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Theo đường bộ, thắng cảnh này nằm trên trục quốc lộ số 2 – tuyến đường quan trọng nhất nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Tây Bắc. Theo đường thủy, có nhiều con sông lớn chảy qua như sông Hồng, sông Đà, sông Lô…
Đầm Ao Châu có điều kiện thuận lợi để phát triển thành khu du lịch sinh thái với các loại hình du lịch như: nghỉ dưỡng, bơi thuyền, câu cá, leo núi… đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước, nhất là khách du lịch Trung Quốc.
Ao Giời – Suối Tiên
Ao Giời – Suối Tiên được mệnh danh là mảnh đất tiên cảnh của tỉnh Phú Thọ, nó tọa lạc trên Núi Nả thuộc xã Quân Khê – huyện Hạ Hoà, cách thành phố Việt Trì khoảng 80 km về phía Tây Bắc, cách Ao Châu khoảng 15 km. Nơi đây hiện đang là một địa điểm du lịch hấp dẫn đối với nhiều du khách bởi nét đẹp tuyệt tác hoang sơ của thiên nhiên.
Hệ sinh thái ở đây vô cùng phong phú, bao gồm hàng trăm đỉnh núi lớn nhỏ sừng sững, hùng vĩ, xung quanh lại được bao phủ dày đặc bởi tầng lớp những loài cây quý hiếm như đinh, lim, gụ, vàng tâm… càng khiến cho cảnh vật thêm phần sinh động và đặc sắc.
Vườn Quốc gia Xuân Sơn
Cách Hà Nội 120 km, nằm trên địa bàn huyện Tân Sơn tỉnh Phú Thọ là vườn quốc gia Xuân Sơn rộng hơn 15 nghìn ha, điều này khiến vườn Quốc gia Xuân Sơn đứng thứ 12 trong số 15 vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam. Nơi đây có hệ sinh thái rừng điển hình của miền Bắc, giữ nguyên vẻ hoang sơ nên có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với khách du lịch.Không khí ở nơi đây rất trong lành, mát rượi, có cảm giác như mùa hè của vùng ôn đới. Những tán cây đủ loại tầng tầng lớp lớp xanh đến ngợp mắt, phía xa xa giữa màu xanh xuất hiện những con suối nước chảy lấp lánh và những nếp nhà sàn giản dị.
Hệ thống núi, hang động và rừng ở đây rất tự nhiên, nhất là rừng nguyên sinh trên núi đá vôi gọi là thạch lâm xanh đã tạo thành một quần thể thắng cảnh vô cùng phong phú và đa dạng. Khu vườn có ba đỉnh núi cao: Núi Voi, núi Ten và núi Cẩn. Nối ba đỉnh núi này tạo thành một “tam giác cân” với mỗi cạnh chừng 4,5 km toàn là rừng nguyên sinh.
Đền mẫu Âu Cơ
Đền Mẫu Âu Cơ nằm tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Đây là một công trình lịch sử văn hóa vô cùng đặc biệt, gắn liền với hình tượng Mẹ Âu Cơ sinh ra con Lạc cháu Hồng trong một bọc trăm trứng, vốn đã được ghi tạc trong tâm trí và tình cảm của các thế hệ người dân đất Việt.
Mùa xuân đến cũng là lúc người dân Hiền Lương rục rịch tập tế nam, tế nữ, rước kiệu, chuẩn bị lễ vật cho ngày “Tiên giáng”. Và du khách thập phương lại cùng nhau hành hương về đất Tổ, hòa mình vào không khí nhộn nhịp của lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ. Ngày lễ chính ở Đền Mẫu Âu Cơ là ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm, và nó kéo dài trong ba ngày liên tiếp. Từ xưa, người dân sống trong vùng này đã có câu ca lưu truyền rằng: Mùng bảy trong tiết tháng Giêng, dân Hiền lễ tế trống chiêng vang trời…
Có thể bạn thích: