Trẻ nhỏ thường hành động theo bản năng của mình và đôi khi những hành động ấy có thể gây tổn hại đến sức khỏe của bé, hoặc đó là dấu hiệu cho thấy bé đang không ổn. Chính vì vậy, bố mẹ cần nhiệt tình sát sao từng biểu hiện để bảo vệ con tốt nhất. Tuổi nhỏ luôn hiếu động và tò mò trước mọi thứ xung quanh, chỉ cần bố mẹ lơ là một chút là có thể dẫn đến hậu quả không thể lường trước. Thời gian này, hệ miễn dịch và khung xương của trẻ còn non nớt và chưa phát triển hoàn thiện, do đó những hành động mà chúng ta nghĩ là bình thường nhưng thực ra có thể gây nguy hiểm cho bé, nhất là những biểu hiện và hành động dưới đây.
Đi nhón chân
Lúc mới tập đi có thể trẻ hay nhón mũi chân, điều này có vẻ hài hước và dễ thương, thế nhưng nếu lúc trẻ đã đi vững rồi mà vẫn hay nhón chân thì bạn nên dẫn con đi khám. Dù biểu hiện này không có nguyên nhân chính xác, song nó vẫn có thể là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn trong sức khỏe của con.
ThS.BS Lê Thị Hồng Nhung – Khoa khám Trẻ em, Bệnh viện Tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết:
Thời gian mới bắt đầu tập đi, các bé thường có xu hướng đi nhón gót chân. Nguyên nhân là vì khi mới tập đi, bắp thịt chân dưới của bé căng ra, bé chưa quen tiếp xúc với mặt sàn hay bé có cảm giác sợ. Ngoài ra, có thể do các mẹ dùng xe tập đi với độ cao không phù hợp làm cho trẻ có xu hướng ngả người về phía trước. Về nguyên tắc, khi bé đã đi thành thạo, bé sẽ không đi nhón gót nữa.
Nếu bé đã 3 tuổi mà vẫn đi bằng các đầu ngón chân như vậy, gia đình nên đưa bé đến khám chuyên khoa chỉnh hình nhi. Có thể bé đang gặp những bất thường: Gân gót chân ngắn quá, do đó bé bị kéo căng cân khi bước đi, khiến bé phải nhón gót để bước chân đủ độ dài so với bàn chân bên kia; Cũng có thể bé có bất thường ở vùng khớp háng, chân này ngắn hơn so với chân còn lại, nên bé phải tự điều chỉnh bằng cách nhón gót.
Ngoài ra, bé đi nhón gót chân cũng có thể là dấu hiệu nguy hiểm của bệnh bại não làm bệnh nhi cử động khó khăn do các chi bị co cứng. Hội chứng liệt nửa người, đây là một dạng của bại não. Nếu vì tổn thương não dẫn đến đi nhón gót chân, trẻ sẽ thường chậm phát triển ngôn ngữ và đi kèm bệnh tự kỷ. Bạn cần theo dõi, quan sát toàn bộ quá trình phát triển về tâm vận động và ngôn ngữ của con mình, nếu có những biểu hiện bất thường hoặc chậm phát triển hoặc nghi ngờ bạn có thể đưa con đến khám tại bác sỹ nhi hoặc bác sỹ tâm thần nhi.
Ít giao tiếp bằng mắt
Ít giao tiếp bằng mắt được xem là 1 trong các những dấu hiệu của bệnh tự kỷ, thế nhưng cũng có nhiều em bé chỉ nghe tiếng động và nhìn qua gương mặt người đối diện chứ ít khi nhìn vào đôi mắt khi giao tiếp. Để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất, các bác sĩ sẽ cần xem xét rất nhiều biểu hiện khác nữa. Khi đó bạn có thể dành thêm nhiều thời gian chăm sóc để quan sát nhằm có đủ thông tin cung cấp cho bác sĩ.
Biện pháp
Qua nghiên cứu của Warren Jones và nhóm của ông, trẻ tự kỷ tập trung vào miệng thay vì tập trung vào mắt khi giao tiếp. Vì vậy chúng ta có thể giúp trẻ tự kỷ mở lòng hơn, hứng thú với giao tiếp hơn, bước đầu tiên là qua lời nói. Khi thuần thục các kỹ năng bằng ngôn ngữ trực quan rồi, trẻ tự kỷ mới có thể cải thiện năng lực phi ngôn ngữ và kết quả đạt được là phục hồi kỹ năng giao tiếp/tương tác xã hội. Đây là tín hiệu rất đáng mừng rằng trẻ tự kỷ có nhu cầu về giao tiếp, và mọi người xung quanh chỉ cần tìm ra cách giúp chúng bày tỏ nữa mà thôi. Cơ hội trị liệu thành công cho trẻ tự kỷ là rất lớn.
Trẻ nghịch bóng bay
Bóng bay là loại đồ chơi nhiều màu sắc, đẹp mắt, và có vẻ như vô hại này được rất nhiều bậc phụ huynh mua về cho con chơi. Tuy nhiên, chỉ cần chút bất cẩn, những trái bóng cao su hoàn toàn có thể gây nguy hiểm cho bé.
Theo bác sĩ Mariann M. Manno, khi một quả bóng nổ tung, các mảnh vỡ có thể vô tình lọt vào cổ họng và bịt kín đường thởi, nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Do đó những đồ chơi như bóng bay nên được hạn chế và chỉ cho trẻ chơi dưới sự quan sát của mình, nhất là đối với trẻ thích cho mọi thứ vào miệng.
Không ít bố mẹ khi còn nhỏ đã trải qua một vài lần đang chơi bóng bay thì bất chợt nó nổ “đoàng”. Chắc chắn nhiều người sẽ còn nhớ tiếng nổ đó gây sợ hãi và ám ảnh thế nào đối với một đứa trẻ. Không chỉ có vậy, tiếng nổ còn gây ảnh hưởng lớn đến thính giác, thậm chí có thể gây điếc tai bé. Ngoài ra những mảnh vụn bé xíu của bóng bay mà bé nuốt hay hít phải thì nguy cơ bị ngạt thở rất cao. Số trẻ bị ngạt do nuốt bóng bay chưa thổi vào miệng thậm chí còn cao hơn nhiều so với các loại đồ chơi khác, và con số trẻ bị ngạt thở do đồ chơi chiếm tổng cộng tới 1/3 số ca tử vong do ngạt ở trẻ nhỏ. Và dĩ nhiên, chất liệu của những quả bóng này cũng mang một dấu hỏi lớn về độ an toàn khi trẻ em tiếp xúc.
Biện pháp
Nên hạn chế cho con chơi bóng bay. Và tuyệt đối không mua những quả bóng bay có bề mặt nhăn nhúm hay có mùi khó chịu, bố mẹ nhé. Cũng không bao giờ nên cho con tự thổi bóng bằng miệng. Các sự kiện có nhiều bóng bay ở nước ngoài luôn khuyến cáo chỉ dành cho trẻ em trên 8 tuổi.
Ngồi chân chữ W
Tác hại
Có nhiều trẻ thích ngồi xoè ở tư thế này bởi chúng cảm thấy thoải mái, bố mẹ cũng cho rằng như vậy là bình thường và không có gì đáng ngại. Thế nhưng ở tư thế W, phần thân trên rất khó nhúc nhích, hạn chế sự di chuyển của bé và làm trẻ lâu học được cách giữ thăng bằng và tham gia các trò chơi vận động. Đặc biệt tư thế W có thể khiến tình trạng của các bé mắc chứng dễ bị dịch chuyển khớp trở nên trầm trọng hơn, kể cả trường hợp có tiền sử bị các vấn đề về trương lực cơ và loạn sản khớp. Ngồi theo hình chữ W, đồng nghĩa với hai đầu gối của con sẽ bị cong và chân bị quay hướng ra ngoài cơ thể. Về lâu dài, nó còn khiến cho khớp hông có vấn đề, việc xoay hông trở nên khó khăn hơn và thậm chí còn khiến bé phải tìm đến các bác sỹ chỉnh hình sau này do những hạn chế vận động có thể xảy ra.
Biện pháp
Nếu thấy con ngồi bệt dưới đất theo hình chữ W, đừng ngần ngại, hãy ngay lập tức bảo con dừng lại và ngồi theo tư thế khác. Bạn có thể ra tín hiệu bằng cách gõ nhẹ vào chân bé hoặc dùng lời nhắc nhở “hãy ngồi lại đi con”, “hãy ngồi kiểu khác”…Và bạn hãy dạy bé các tư thế ngồi thay thế như ngồi khoanh chân, ngồi duỗi chân, ngồi bên (xếp hai chân sang cùng một bên và gập gối lại), ngồi xổm, ngồi ghế, quỳ ngắn (mông đặt lên hai gót chân)…
Trẻ thích xem điện thoại, máy tính bảng
Tác hại
Nhiều nghiên cứu trước đây đã cho thấy tác hại của việc trẻ em sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều. Làm hạn chế khả năng sáng tạo và sự phát triển bình thường của não bộ. Còn nếu nói về mức độ tổn thương thể chất thì một chiếc điện thoại nặng khoảng 200gr, máy tính bảng nặng 500gr. Nếu ở tư thế nằm ngửa, áp lực sẽ dồn lên gương mặt, thậm chí trường hợp điện thoại rơi vào mặt gây bầm tím, chảy máu diễn ra khá phổ biến bởi cấu trúc xương mặt của trẻ vẫn còn khá mềm nên rất dễ bị tổn thương. Không chỉ gây ra nhiều bệnh lý về mắt, thần kinh… trẻ dùng điện thoại thiếu sự quản lý sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng đến cả học tập.
Biện pháp
Dựa trên các kết quả nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Y khoa trẻ em Mỹ và Hội Y khoa Canada cảnh báo không nên cho trẻ từ 0 đến 2 tuổi tiếp xúc với thiết bị điện tử dưới bất cứ hình thức nào. Với trẻ từ 3-5 tuổi thì hạn chế 1 tiếng/ngày, và từ 6-18 tuổi thì thời gian tiếp xúc chỉ nên ở mức 2 tiếng mỗi ngày. Cha mẹ cũng nên xem ti vi cùng con để chọn chương trình phù hợp cũng như đặt những câu hỏi nhằm kích thích tư duy giúp trẻ phân biệt đúng sai và thu nhận những lợi ích mà ti vi mang lại. Bên cạnh đó, các trò chơi vận động và các môn văn nghệ sẽ giúp trẻ phát triển thể chất và tinh thần vui vẻ. Như vậy, trẻ cũng không còn nhiều thời gian dành cho các thiết bị thông minh và mang lại sức khỏe, thể trạng tốt cho trẻ.
Có thể bạn thích: