Khi nhắc đến mùa đông, người ta thường liên tưởng đến tuyết, tuyết rơi, bão tuyết là những hiện tượng thiên nhiên tuy rất bình thường nhưng luôn thu hút đông đảo du khách đến mục sở thị. Tuy nhiên, mùa đông còn mang đến cho chúng ta nhiều hiện tượng thú vị hơn nhiều. Cùng xem ngay là những hiện tượng nào nhé!
Bong bóng băng
Đây là một hiện tượng bạn có thể dẫ dàng nhìn thấy khi nhiệt độ xuống dưới – 11 độ C, nghĩa là hiện tượng này hầu như không thể quan sát được ở Việt Nam vì Sa Pa – một trong những nơi lạnh nhất nước ta, nhiệt độ chỉ khoảng 13 độ khi đtạ mức nhiệt độ thấp nhất. Tuy vậy, ở một số nước ôn đới trên thế giới như Mỹ, Nga,… bạn hoàn toàn có thể quan sát được hiện tượng này bằng cách thổi một bong bóng xà phòng vào không trung khi ở ngoài trời. Ngay lập tức, một bong bóng băng sẽ lập tức được cô đặc lại tuyệt đẹp. Đây chỉ là một hiện tượng vật lý bình thường khi thổi bong bóng xà phòng vào một nơi có không khí cực lạnh, hơi nước từ bong bóng xà phòng gặp lạnh sẽ hình thành các mô tinh thể trông khá giống vỏ trứng bị nứt. Tuy vậy, vẫn rất thú vị để thử, đúng không?
Ảo nhật (Parhelia)
Ảo nhật hay còn gọi là Parhelia là một hiện tượng đã được biết đến từ thời cổ đại với tên gọi “Đa Mặt Trời”. Đây thực chất là những điểm sáng xuất hiện cách Mặt Trời khoảng 22 độ và có cùng một khoảng cách phía trên đường chân trời tạo nên một đường cong mềm mại từ phía xa xa. Hiện tượng này xảy ra khi các tinh thể băng kết hợp với nhau tạo thành vòng hào quang, nó được định hướng một cách ngẫu nhiên, chúng hoạt động như một lăng kính và phản chiếu theo tất cả các hướng. Và khi các tinh thể băng này “lọt” vào bầu khí quyển, nó có xu hướng rơi vào một liên kết theo chiều dọc, trong đó sẽ phản chiếu ánh sáng theo chiều ngang. Lúc này, hiện tượng đa Mặt Trời được hình thành.
Ảo nhật có thể quan sát được khi Mặt Trời ở bất cứ nơi nào trên bầu trời, nhưng thường được nhìn thấy rõ nhất khi mặt trời ở vị trí thấp (lúc hoàng hôn hay chớm rạng đông), khi đó, mặt trời sẽ nằm gần đường chân trời nhất.
Hoa sương giá
Nghe đến cái tên hoa mỹ này chắc hẳn nhiều bạn sẽ hình dung ngay tới những bông hoa tuyết bay bay rợp trắng trời mùa đông như trong các bộ phim lãng mạn. Nhưng thật ra, hoa sương giá ở đây khác hẳn hoa tuyết, tuy rằng chúng cũng được hình thành từ những tinh thể nước đá thường được tìm thấy ở những biển băng trẻ và các hồ băng mỏng. Các tinh thể nước đá này cũng gần giống sương muối nhưng phát triển với đường kính khoảng 3 – 4cm, khác với sương muối hay tụ với nhau thành từng cụm. Đặc biệt hơn, hoa sương giá không thể bay như hoa tuyết nhưng có cùng một vẻ đẹp không thua kém hoa tuyết là bao. Điều kiện để hoa sương giá tiếp tục phát triển đó là bề mặt phải luôn ẩm ướt và không được đóng băng. Khi băng phát triển quá dày, bề mặt trên của băng sẽ lạnh đi rất nhanh và hoa sương giá không thể phát triển.
Hoa sương giá thường “mọc” trên những hồ băng mỏng, nơi mà chúng được mẹ thiên nhiên chế tác hết sức tuyệt vời như những chiếc kẹp hoa trang điểm cho mái tóc trắng của mặt hồ.
Núi lửa băng
Khi mùa đông đến, Ngũ Đại hồ (chỉ vùng năm hồ lớn nằm rải rác theo biên giới Mỹ – Canada) sẽ đóng băng. Đây cũng là lúc xuất hiện hiện tượng “núi lửa băng” độc đáo. Đó là hiện tượng khi nước bắt đầu đóng băng, gió mạnh thổi vào bờ và chuyển động của sóng trên mặt nước sẽ tác động lên các lớp băng. Lúc này, chúng bắt đầu chồng chất lên nhau và tạo thành những khối lớn, nhiều khối băng trong số này bắt đầu xuất hiện những vết nứt, khi những đợt sóng từ vùng nước sâu ập mạnh vào các tảng băng, tìm thấy những vết nứt áp lực của sóng lên các tảng băng sẽ khiến nước và tuyết bắn tung lên cao, giống như hiện tượng núi lửa phun trào.
Tuy nhiên, không phải bất cứ tảng băng nào cũng trở thành núi lửa băng nên hiện tượng này chỉ có thể quan sát ở một số nơi như: hồ Michigan, hồ Thượng hay hồ Erie.
Tuyết cuộn
Là một trong những hiện tượng vô cùng độc đáo của thiên nhiên được tạo nên nhờ sự kết hợp nhiều yếu tố khác nhau như gió, băng, tuyết và cả các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió. Hiện tượng này thường có khởi điểm ở các vùng đất trống, nghiêng, xảy ra khi gió quét qua bề mặt làm tuyết di chuyển và vón cục, trên đường di chuyển, chúng liên tục được “bồi thêm” tuyết khô, cứng, nhờ sức gió đủ mạnh để cuộn thành những vòng tuyết cuộn độc đáo, và nó cứ lăn đi, lăn mãi cho đến khi gió không đẩy nổi nữa.
Hiện tượng này thường xuất hiện ở khu vực Bắc Mỹ và Bắc Âu, cụ thể là bang Ohio của Mỹ hay trên cánh đồng ở Yeovil, Somerset, Anh.
Có thể bạn thích: