Hệ miễn dịch của trẻ 2 tháng tuổi còn non yếu. Vì vậy, cơ thể bé dễ bị tình trạng thay đổi thời tiết và những vi khuẩn bên ngoài tác động dẫn đến ho và ngạt mũi. Nếu cha mẹ lơ là, không có cách điều trị triệt để, bé dễ bị mãn tính. Hãy tham khảo Top 7 mẹo vặt trị ho và ngạt mũi cho trẻ 2 tháng tuổi mà TopChuan.Com chia sẻ dưới đây, chắc chắn bạn sẽ tìm ra cách chăm sóc con yêu tốt nhất.
Làm sạch không khí xung quanh trẻ
Theo các bác sĩ, tình trạng trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi nhập viện do ho và ngạt mũi gia tăng khi thời tiết chuyển mùa. Bởi lúc này, độ ẩm trong không khí thay đổi đột ngột, cơ thể trẻ 2 tháng tuổi chưa thể thích nghi kịp thời. Bé có thể mắc các chứng như ho, viêm tiểu phế quản, ngạt mũi, khó thở, khò khè. Vậy nên, các bác sĩ thường đưa ra lời khuyên với các mẹ rằng: nên làm sạch không khí xung quanh bé bằng cách vệ sinh phòng ốc thường xuyên, sử dụng máy làm ẩm không khí khi thời tiết khô hanh. Cách làm này của các mẹ có thể làm giảm tình trạng ho và ngạt mũi cho con yêu, đặc biệt là vào ban đêm. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý tránh cho con yêu tiếp xúc với nơi đông người hoặc các vật nuôi trong nhà để đảm bảo cho không khí của bé luôn sạch sẽ. Có như vậy, bé yêu mới hạn chế bị các vi khuẩn xâm nhập.
Đảm bảo giấc ngủ cho trẻ
Ngoài việc cung cấp dinh dưỡng cho con bằng số lượt bú hàng ngày, các mẹ cũng nên chăm sóc giấc ngủ cho con “cẩn thận” hơn khi bé đang bị ho và ngạt mũi. Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi vẫn có xu hướng ngủ nhiều hơn các tháng khác nhưng khi bé bị bệnh, cơ thể khó chịu, giấc ngủ của bé cũng bị gián đoạn theo. Các mẹ nên chăm sóc giấc ngủ cho bé bằng cách sau khi cho bé bú no, mẹ nên để ánh sáng trong phòng nhẹ nhàng, vỗ nhẹ lưng bé, đảm bảo không gian yên tĩnh cho bé dễ chìm vào giấc ngủ. Một giấc ngủ ngon và sâu sẽ giúp trẻ sảng khoái và tăng sức đề kháng cho bé nhanh khỏi bệnh hơn.
Vệ sinh trẻ đúng cách
Khi bị ho và ngạt mũi, con bạn rất khó chịu, bé có thể quấy khóc và “khó ở” hơn bình thường. Bởi mũi của bé đang bị các cặn bẩn hoặc dịch bám gây tắc và khó thở. Không chỉ vậy, những cơn ho còn khiến họng bé khô và rát hơn bao giờ hết. Có một cách cha mẹ có thể làm để bé thoát khỏi tình trạng này đó là vệ sinh cho con đúng cách. Bạn hãy sử dụng dung dịch nước muối sinh lí rửa mũi cho bé. Với em bé 2 tháng tuổi, bạn cần thực hiện thao tác này một cách nhẹ nhàng và thận trọng, tránh làm cho bé bị sặc. Bạn hãy đặt con trên giường, hơi nghiêng người, sau đó dùng dung dịch nước muối nhỏ 1-2 giọt vào một bên lỗ mũi, vỗ nhẹ cho bé khóc. Lúc này các cặn bẩn có thể văng ra hoặc bạn dùng một chiếc khăn mềm lau nhẹ mũi bé. Làm tương tự với lỗ mũi còn lại. Một ngày bạn nên thực hiện rửa mũi cho bé từ 1-3 lần để bé dễ chịu hơn. Khi mũi không bị tắc, các chất đờm trong họng bé cũng long ra và giúp thông thoáng đường thở. Từ đó, tình trạng ho và ngạt mũi ở trẻ sẽ giảm dần.
Thực hiện vỗ long đờm cho trẻ
Với những trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi bị ho có đờm, các mẹ nên thực hiện cách vỗ long đờm để bé nhanh khỏi hơn. Theo lời khuyên của các bác sĩ, các mẹ có thể thực hiện cách này như sau: Đặt bé nằm sấp trên đùi, dùng tay khum nhẹ vỗ dứt khoát vào lưng bé, khi đó bé có thể khóc hoặc ho và nôn ra đờm. Các mẹ nên thực hiện vỗ long đờm vào sáng sớm khi bé chưa ăn gì để cho hiệu quả tốt nhất. Khi thấy đờm bé khạc ra, mẹ nên lấy khăn mềm nhúng nước ấm lau nhẹ nhàng khoang miệng của con để đảm bảo vệ sinh.
Tăng số lượt bú mẹ
Việc bú mẹ thường xuyên có tác dụng rất hiệu quả trong việc trị ho và ngạt mũi cho trẻ 2 tháng tuổi. Bởi trong thành phần của sữa mẹ có chứa các kháng thể giúp cơ thể bé chống chọi lại vi khuẩn gây bệnh. Trong 1 năm đầu đời, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính cho trẻ. Vậy nên khi con bị ho và ngạt mũi, các mẹ nên tăng cường cho bé bú. Khoảng cách giữa các cữ bú thu hẹp lại giúp cơ thể bé bù nước nhanh hơn và bé sẽ khỏe hơn. Các mẹ cũng nên chú ý ăn uống đầy đủ dinh dưỡng (đảm bảo đủ các nhóm protein, đạm, chất béo, vitamin…) để đảm bảo chất lượng sữa tốt nhất cho con.
Có thể bạn thích: