Dân tộc Việt Nam tự hào có một bề dày lịch sử, bên cạnh những trang hào kiệt xứng đấng anh tài là những “nữ nhi thường tình” nhưng đầy khí phách, chí khí và mang bản lĩnh của nữ tướng, người cầm quân ra trận, người tài giỏi thao lược binh thư. Nhân ngày 20.10, chúng ta cùng điểm lại những trang sử hào hùng của Bà Trưng, Bà Triệu, cùng nhìn lại một thời khắc oai hùng làm nên lịch sử của những người phụ nữ Việt Nam thời kì phong kiến.
Hai Bà Trưng
Đầu thế kỉ I, ở huyện Mê Linh (vùng đất thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và Hà Tây ngày nay) có hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị – tuy là phận gái nhưng hai chị em đã nuôi ý định đánh đuổi ngoại xâm để giải phóng đất nước.
Sử cũ đều chép rằng, Hai Bà là dòng dõi lạc tướng Mê Linh thời Hùng Vương, là hai người phụ nữ đảm lược, giỏi giang đã tập kết được các lực lượng của hai miền đất quan trọng nhất của non sông lúc bấy giờ. Sau khi Thi Sách (chồng của Trưng Trắc) bị giết hại, 2 Bà Trưng đã làm lễ tế cờ khởi nghĩa:
Một xin rửa sạch quốc thù
Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kẻo oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này.
Nguyên nhân trả thù chồng chỉ là một phần, phần lớn chính là tinh thần yêu nước, muốn giải phóng và khôi phục nền độc lập cho đất nước, chống áp bức, thống trị, nô dịch, đồng hóa của nhà Hán. Khí thế ngất trời của nghĩa quân làm quân thù khiếp đảm. Dân Mê Linh phá tung cổng thành, đạp bằng dinh lũy của quân thống trị, đốt cháy tan hoang thành quách của chúng. Chỉ trong một thời gian ngắn, 2 Bà Trưng đã quét sạch giặc thù ra khỏi bờ cõi và được tôn làm vua, đứng đầu đất nước độc lập trong 3 năm ( từ năm 40 đến năm 43).
Sau trận đánh lớn ở Lãng Bạc, Trưng Vương thu quân về Cẩm Khê (Quốc Oai bây giờ). Bọn Mã Viện lại kéo đại quân tới và trận quyết chiến lại nổ ra, máu chảy đỏ sông Hồng, sông Đáy. Quyết bảo vệ đất nước và cuộc sống tự do của mình, quyết không làm thân trâu ngựa, Hai Bà đã chiến đấu đến phút cuối cùng và gieo mình xuống dòng sông quê hương tự vẫn. Thời gian làm vua tuy không dài nhưng Hai Bà đã khắc ghi vào lịch sử và tâm thức của người Việt tấm gương anh hùng và trung nghĩa làm vẻ vang cho nữ giới và dân tộc Việt Nam.
Nguyên Phi Ỷ Lan
Nguyên Phi Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Khiết sinh năm Giáp Thân (1044) quê ở làng Thổ Lỗi, Gia Lâm, Hà Nội ngày nay. Bà sinh ra trong một gia đình làm ruộng, có nghề trồng dâu nuôi tằm, sống giản dị theo nếp nhà đảm đang, tháo vát mọi việc.Tuy không biết võ công, cũng không trực tiếp cầm quân ra trận nhưng cuộc đời của Nguyên Phi Ỷ Lan gắn chặt với sự nghiệp của hai đời vua anh kiệt là Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông.
Sử chép rằng sau khi vua Lý Thánh Tông lấy nàng về làm thiếp thì được nhà vua phong lên hàng phi và gọi là Ỷ Lan (dựa vào cây lan). Nhờ thông minh, ham học hỏi, nàng hiểu biết được nhiều chính sự và chia sẻ cùng vua những việc triều chính khó khăn, Vì thế, vua càng ngày càng tin tưởng người con gái dân dã ấy và thường bàn luận với nàng những lúc gặp vấn đề nan giải. Mãi hơn 3 năm sau Ỷ Lan mới sinh Thải tử đặt tên là Càn Đức.
Nguyên Phi Ỷ Lan được sử sách ghi lại và truyền tụng bắt đầu từ sự kiện vua Lý Thánh Tông trước mặt bá quan đã trao quyền trị nước cho nàng, còn Thái sư Lý Đạo Thành được cử làm phụ chính sau đó vua cùng Nguyên soái Lý Thường Kiệt và binh sĩ lên đường viễn chinh (1069). Nắm quyền chính sự trong tay, Ỷ Lan để ý đến mọi lĩnh vực từ kinh tế đến xã hội, văn hóa. Bà chú trọng đến nông nghiệp, mở kho phát chẩn cho vùng đói, lấy việc “con trâu là đầu cơ nghiệp” để phát triển nghề nông, phát triển thêm nghề thủ công dệt lụa, gốm sứ. Cuộc sống nhân dân ngày càng sung túc, do đó các trò vui chơi giải trí cũng được chú trọng. Bà phát triển nghề mùa rối nước để ca ngợi cuộc sống thanh bình. Vua Lý Thánh Tông cũng lấy bà làm tấm gương để xông pha chiến trận. Nhìn thấy bà là người bản lĩnh, giỏi giang, vua càng thêm tin yêu.
Khi Lý Thánh Tông băng hà, Thái tử còn nhỏ lên ngôi, bà cũng tham gia nhiếp chính, buông rèm điều hành chính sự dưới sự giúp đỡ của Lý Thường Kiệt, Linh Nhân Hoàng thái hậu Ỷ Lan quyết định mọi việc đều chu toàn, không bi thảm thán. Nhờ đoàn kết, quân Đại Việt đã đẩy lùi được quân Tống ra khỏi bờ cõi. Từ đấy, đất nước bình yên, nhân dân sống trong cảnh thái bình. Năm 1117, bà từ trần và được hỏa táng ở Thọ Lăng, phủ Thiên Đức (đền Lý Bát Đế, Bắc Ninh ngày nay).
Tuy cuộc đời bà có một sai lầm trong việc tranh giành quyền lực (bắt bà Thượng Dương Thái hậu cùng 72 thị nữ phải chết theo để hầu vua Lý Thánh Tông khi ông băng hà) nhưng bà đã giúp chồng con xây dựng đất nước ngày một hưng thịnh và đem lại cuộc sống ấm no cho muôn dân. Bà đã được dân chúng tôn làm Quan Âm Nữ, góp phần làm sáng danh cho phụ nữ Việt Nam.
Thánh Chân Công chúa – Nữ tướng Lê Chân
Lê Chân sinh năm Canh Thìn (năm 20), xuất thân trong một gia đình nền nếp, gia giáo. Sinh ra đã bụ bẫm, khôi ngô vì thế nên được đặt tên là Chân. Càng lớn, cô gái họ Lê càng đẹp người đẹp nết lại thông minh, đảm lược, sắc đẹp và đức hạnh của nàng nổi tiếng khắp vùng. Thái thú quận Giao Chỉ (Chức quan ách ách ách thống trị một quận thời nhà Hán đô hộ nước ta) là Tô Định nghe danh, đòi lấy làm tỳ thiếp nhưng bị khước từ. Hắn căm giận mà bức hại gia đình Lê Chân. Căm thù quân cướp nước, Lê Chân nung nấu ý trả thù nhà, nợ nước. Nàng tìm thầy học võ nghệ, binh thư, kết giao với những người có chí hướng. Nàng chiêu dân tứ xứ khai khẩn đất hoang lập nên xóm ấp, chiêu binh tập mã, sắm sanh vũ khí, tích trữ lương thảo…ở khu vực đất An Dương (Hải Phòng).
Nghe tin Hai Bà Trưng cũng phất cờ khởi nghĩa, bà tìm đến để cùng nhau bàn kế sách khởi nghĩa đánh giặc. Năm 40, khi 2 Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đạo quân của Lê Chân cũng từ mạn biển xứ Đông đánh thốc lên Luy Lâu (Bắc Ninh) lỵ sở quận Giao Chỉ. Tô Định vội vã tháo chạy về đất Nam Hải (Trung Quốc). Sau khi đạp tan ách ách ách thống trị của nhà Đông Hán, Trưng Vương phong Lê Chân là Thánh Chân công chúa, khi ấy nàng mới 24 tuổi, ban chức Chưởng quản binh quyền voi giữ vùng hải tần (duyên hải Đông Bắc). Lê Chân đưa quân trở về vùng đất An Dương khi xưa mở thêm trại ấp, dùng nhân công khai khẩn đất hoang thành đồng ruộng, cấy lúa trồng dâu làm cho kinh tế phát triển. Bên cạnh đó, bà vẫn cho quân dân luyện tập trận thế để phòng bị có biến.
Sau này, Mã Viện đưa quân sang vây hãm, mở nhiều đợt tấn công với lực lượng hùng hậu, nữ tướng Lê Chân tổ chức kháng cự và chiến đấu ngoan cường. Trước thủ đoạn bỉ ổi của giặc, bà gieo mình tự vẫn để khỏi sa vào tay giặc (năm Quý Mão). Sau khi bà hi sinh, nhân dân dựng đền thờ ở xứ Đồng Mạ. Đến đời vua Trần Anh Tông, bà được truy phong là Thành hoàng xã An Biên và được ban thần hiệu là Nam hải Uy linh Thánh Chân công chúa. Không chỉ ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội…mà các nước đều tôn vinh, tưởng niệm nữ tướng Lê Chân, bởi bà đã để lại cho hậu thế muôn đời tấm gương chói lọi vì dân, vì nước.
Đô đốc Bùi Thị Xuân
Bùi Thị Xuân sinh năm 1771, người ở thôn Xuân Hòa, Tây Sơn, Bình Định, sinh ra trong một gia đình khá giả, có truyền thống võ nghệ. Tương truyền rằng nàng là người có nhan sắc, khéo tay, văn võ toàn tài. Nàng kết duyên cùng Trần Quang Diệu và gia nhập nghĩa quân Tây Sơn và trở thành những tướng lĩnh trụ cột, góp công lớn trong công cuộc dựng nghiệp của nhà Tây Sơn ngay từ những buổi đầu.
Đầu năm 1789, bè lũ phong kiến phản động Lê Chiêu Thống dẫn đội quân xâm lược Mãn Thanh vào chiếm đóng kinh thành Thăng Long, bà chỉ huy đội tượng binh của đạo Trung quân do vua Quang Trung Nguyễn Huệ chỉ huy. Những năm tiếp theo, tiếng tăm của vợ chồng Bùi Thị Xuân và danh tướng Trần Quang Diệu ngày càng lừng lẫy vang xa, họ đều trở thành chủ tướng của nghĩa quân Tây Sơn. Vó ngựa của họ tung hoành từ Nam chí Bắc.
Khi vua Quang Trung mất, Nguyễn Ánh được bọn Tây dương giúp nhưng cũng bị đánh tơi bời bởi “thua trí đàn bà”, chúa Nguyễn thề sớm sẽ rửa mối nhục này. Sau nhiều trận quyết đánh, đội quân của bà cũng tan rã trước thế mạnh của chúa Nguyễn và nhà Tây Sơn suy vong từ đây.
Gia đình đô đốc Bùi Thị Xuân bị Nguyễn Ánh trả thù rất dã man, nghe chuyện bà bị hành hình, ai nấy cũng đều thương xót và hết lời khen ngợi khí phách lẫm liệt, tinh thần bất khuất, quả cảm của nữ đô đốc Bùi Thị Xuân: “Chúa công ta, tay kiến tay cờ mà làm nên sự nghiệp. Trong khi nhà ngươi đi cầu viện ngoại bang, hết Xiêm đến Tàu làm tan nát cả sơn hà. Đem so với chúa công ta, nhà ngươi chẳng qua là ao trời nước vũng”
Bà Triệu
Bà Triệu tên thật là Triệu Thị Trinh, sinh năm Bính Ngọ (226) tại vùng núi Quan Yên, quận Cửu Chân, Yên Định, Thanh Hóa. Người con gái họ Triệu sinh ra đã có khuôn mặt đẹp, mắt sáng, môi đào, thân hình cao lớn, nở nang, giọng nói âm vang. Người tầm thường tất không có dung mạo như thế. Từ nhỏ, bà đã là người có sức khỏe, có chí lớn và đầy mưu trí, được cha hết lòng dạy dỗ binh thư võ nghệ, có chí khí hơn người.
Cha mẹ mất sớm, người con gái ấy đã cùng với anh trai là Triệu Quốc Đạt (một hào trưởng ở Quan Yên) tập hợp những nghĩa sĩ trên đỉnh núi Nưa mà gươm, luyện võ và dẫn quân đánh chiếm quận lỵ Tư Phố – căn cứ quân sự của quan quân nhà Đông Ngô trên đất Cửu Chân. Khi anh trai có ý muốn bà lo chuyện riêng tư vì dù sao cũng chỉ là phận nữ nhi. Bà khảng khái mà rằng: “ Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, quét sạch bờ cõi, để cứu dân ta khỏi cơn đắm đuối chứ không thèm bắt chước người đời, cúi đầu cong lưng làm tì thiếp người ta”.
Sau khi Triệu Quốc Đạt chết, bà được nghĩa quân tôn làm Nhụy Kiều tướng quân để chỉ huy quân sĩ đánh giặc. Nghĩa quân chiến đấu liên tiếp nhiều trận, thế mạnh như chẻ tre, đánh tới đâu giặc tan tành tới đó. Cả quận Cửu Chân náo động, nhiều thành trì bị hạ.Quân giặc phải co rúm ở những nơi trọng yếu nhất. Nghĩa quân Bà Triệu thắng trận giòn giã, giết chết Thứ sử Giao Châu. Sau khi hạ được quận Cửu Chân, nghĩa quân đã thừa thắng đánh rộng ra các nơi. Bắc, Nam, Đông, Tây nhân đà ấy ầm ầm nổi lên đánh giặc.
Trước tình hình đó, giặc đã cho người mua chuộc 1 số thủ lĩnh của các cuộc khởi nghĩa lẻ tẻ ở các địa phương, thế quân dần suy yếu. Quân Ngô hơn hẳn nghĩa quân của Bà Triệu cả về mặt tổ chức cũng như vũ khí. Quân khởi nghĩa đã yếu dần và tan rã. Năm 248, bà chiến đấu để phá vòng vây kìm kẹp, về núi Tùng tự vẫn, năm ấy bà mới 23 tuổi. Cuộc khởi nghĩa thất bại. Đất nước ta lại bị nhà Ngô cai trị. Bà Triệu mất đi nhưng hình ảnh người con gái kiên trinh bất khuất, người nữ anh hùng dân tộc quyết nối chí 2 Bà Trưng “ giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ” sống mãi với non sông Việt Nam muôn đời. Nhân dân còn lưu truyền câu ca dao nói lên sự tôn kính và ủng hộ cuộc khởi nghĩa của bà:
Ru con, con ngủ cho lành
Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi
Muốn coi lên núi mà coi
Coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng
Hay:
Tùng Sơn nắng quyện mây trời
Dấu chân Bà Triệu rạng ngời sử xanh
(Tùng Sơn là tên một ngọn núi, đối diện đó là một ngọn núi hình con voi nằm. Truyền thuyết nói rằng đó chính là con voi của Bà Triệu)
Có thể bạn thích: