Đồng Hoa (sinh năm 1982) là cái tên không còn xa lạ gì với những độc giả đam mê tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc. Các tác phẩm của Đồng Hoa thường lấy đi không ít nước mắt của người hâm mộ. Văn của Đồng Hoa được xưng là “hành văn bình thản, nhập bút trục tầng xâm nhập trạc nhân đau lòng”, có nghĩa là lời văn của cô không phải chỉ là những mĩ từ sáo rỗng, mà là trong cái hoa mĩ có cái bình dị, chân chất, từng chút từng chút đi vào lòng người. Những bộ tiểu thuyết nổi tiếng đã đưa Đồng Hoa vào danh sách một trong Tứ tiểu thiên hậu của văn học ngôn tình Trung Quốc, cùng với Đằng Bình, Phỉ Ngã Tư Tồn và Tịch Ngữ Giả.
Đại mạ dao
“Đại mạc dao” là tác phẩm kế tiếp ngay sau “Bộ bộ kinh tâm” của Đồng Hoa và cũng đã được chuyển thể thành bộ phim truyền hình cùng tên năm 2014. Có lẽ chính Đồng Hoa muốn giải phóng mình và những số phận dưới ngòi bút của mình mà cô đã viết lên một khúc ca đại mạc, vô cùng tự do và phóng khoáng.
“Đại mạc dao” có một trong những phần nội dung được coi là giống với “Bộ bộ kinh tâm”, nữ chính “Ngọc Cẩn” ban đầu đem lòng yêu “Mạnh Cửu” nhưng về sau vì nhiều lý do mà lại kết đôi với “Hoắc Khứ Bệnh”. Nhưng điển hình ở cuốn tiểu thuyết này, cái mà lôi cuốn người đọc nhất lại chính là không gian câu chuyện không bị gò bó trong bốn bức tường của Tử Cấm thành như “Bộ bộ kinh tâm”. Không gian chiếm phân nửa câu chuyện là nơi đại mạc rộng lớn, bao la, nơi mà con người ta có thể sống 1 cách bình yên, tự do, thoải mái nhất.
“Đại mạc dao” là cuốn tiểu thuyết tương đối toàn vẹn, không bi thương như những câu chuyện khác của Đồng Hoa. Câu chuyện là một khúc ca đại mạc hào sảng, phóng khoáng, vượt lên trên hết là nói lên mơ ước của con người muốn thoát khỏi những phiền muộn và được sống 1 cuộc sống tự do, thoải mái nơi đại mạc mênh mông.
Bộ Bộ Kinh Tâm
Từng làm mưa làm gió khắp các diễn đàn văn học mạng và đã được chuyển thể thành bộ phim truyền hình cùng tên, “Bộ bộ kinh tâm” là một trong những tiểu thuyết xuất sắc nhất của Đồng Hoa về đề tài “xuyên không”. Cuốn tiểu thuyết kể về cuộc đời của Nhược Hy – một cô gái sống ở thời hiện đại bất ngờ bị xuyên không trở về thời phong kiến là những năm cuối dưới triều đại vua Khang Hy và vô tình bị cuốn vào vòng xoáy của tranh đoạt vương quyền, những âm mưu, thủ đoạn chốn hoàng cung.
Sau khi chuyển thể thành phim, “Bộ bộ kinh tâm” đã tạo nên một cơn sốt năm 2011, và khai màn cho 1 loạt các bộ phim về đề tài “xuyên không” sau này. “Bộ bộ kinh tâm” để lại trong lòng người đọc những day dứt và tiếc nuối khi đem đến một cái kết không thể đau lòng hơn cho các nhân vật trong truyện. Vẫn với lối viết bình thản, từng câu từng chữ như muốn khắc sâu vào lòng người, Đồng Hoa đã đem đến cho độc giả nhiều cung bậc cảm xúc. Có người sau khi đọc xong sẽ cảm thương cho Bát A ca – một người trầm mặc nhưng mang một nỗi giằng xé trong tim khi đứng trước sự lựa chọn giữa tình yêu và hoàng vị, hay có người sẽ yêu thích sự thẳng thắn, yêu ghét rõ ràng của Thập tứ ca, hoặc có người lại có những cảm xúc trái chiều cho Tứ gia – vì yêu mà đau, vì yêu mà hận, đấu tranh đến cuối cùng chẳng còn lại gì trong tay.
Người ta sẽ mãi day dứt về lá thư cuối cùng của Nhược Hy gửi Tứ gia, sẽ thấy lạnh lẽo tột cùng trước sự cô độc đến thương tâm của ngài khi đứng trước Tử Cấm thành rộng lớn – 1 mình.
“Bộ bộ kinh tâm” có thể coi là tác phẩm kinh điển của Đồng Hoa khi khai thác triệt để nội tâm các nhân vật 1 cách sâu sắc, đồng thời khắc họa chân thực về những tranh đua, âm mưu chốn hoàng cung đầy khắc nghiệt có thật trong lịch sử.
Từng thề ước
Lấy bối cảnh thần thoại rộng dài về cả không thời gian, “Từng thề ước” mở ra một thế giới với thần tiên, yêu ma, linh thú đầy sống động. Để rồi, khi bước vào, ta lại nghe vang vọng khúc tráng ca về cuộc đối đầu đơn độc mà quyết liệt với vận mệnh của con người.
Từng thề ước lấy cảm hứng từ Sơn Hải kinh, kể về những vị thần, yêu, nhân, từ thuở hồng hoang khi trời đất chưa phân ranh giới. Đọc “Từng thề ước” mới thấy rõ ma lực trong ngòi bút của Đồng Hoa, những hoài niệm tiếc nuối chứa đựng quá nhiều cho cả kẻ ra đi lẫn người ở lại. Một câu chuyện đẹp đến nao lòng mà cũng đau đến xé tâm can. Với ngòi bút sắc sảo, Đồng Hoa đã vẽ lên một bức tranh với người – thần mới mẻ, thế giới ấy bị bao phủ bởi những âm mưu, nhỏ nhen, toan tính, những mùi sương gió máu tanh, nhưng đâu đó vẫn thấp thoáng bóng dáng của tình yêu trường cửu, của tình bạn, vẫn còn những lời thề hẹn đến chết vẫn không thôi.
Tuy chất liệu của tác phẩm nhuốm một màu sắc hoang đường, nhưng những gì mà các nhân vật thể hiện lại rất thực tế, rất người.
Thời niên thiếu ấy không thể quay lại
Đúng với tên của bộ tiểu thuyết, khi đọc câu chuyện, ai cũng sẽ thấy thấp thoáng bóng dáng thời niên thiếu của mình trong đó. Những suy nghĩ ngây ngô, những cảm xúc đầu đời hồn nhiên, vô tư của tuổi trẻ, nhưng những đứa trẻ ấy sớm đã bước vào cái vòng xoáy của số phận, của xã hội và của chính người lớn tạo ra.
Mối tình đầu của “La Kì Kì”, có lẽ là điều mà bất cứ ai cũng từng trải qua những cảm xúc đầu đời như thế. La Kì Kì nhớ mãi Trương Tuấn trong một trận mưa đá, đã nắm chặt lấy tay cô tiến về phía trước, mặc tất cả cuồng phong trên thế gian này.
Đọc “Thời niên thiếu ấy không thể quay lại”, ai trong chúng ta cũng sẽ tự nhìn thấy chính mình trong đó. Cuốn tiểu thuyết tuy không đạt đến độ xuất sắc như những bộ truyện khác của Đồng Hoa, nhưng cũng đủ để người yêu mến tác giả này có được khá nhiều trải nghiệm sâu sắc về tuổi trẻ để ngẫm nghĩ.
Vân Trung ca
“Vân trung ca” là một trong những cuốn tiểu thuyết lấy đi nhiều nước mắt của độc giả kể về câu chuyện tình bi thương xen lẫn những hiểu lầm, toan tính dù đã có thề ước từ 10 năm của Vân Ca và Lưu Phước Lăng. Tác phẩm được chuyển thể thành bộ phim truyền hình “Đại Hán Tình duyên Vân Trung Ca” năm 2014.
Đồng Hoa rất khéo trong việc để lại những day dứt trong lòng độc giả khi đọc các tác phẩm của mình. Trong truyện, các nhân vật được khắc họa rõ nét, đa chiều, diễn biến tâm lý nhân vật được miêu tả chân thực. Bi kịch của câu chuyện được đẩy lên cao trào khi người thương yêu của Vân Ca qua đời, hóa ra là do những người thân thiết với cô, cố ý hay vô tình, đã gây nên cái chết ấy. Cuối cùng, Vân Ca quay về Tây Vực, tiếp tục sống mặc dù “đời này kiếp này, ta không thể quên được Lăng ca ca”.
Có thể bạn thích: