Trải qua mọi thời kỳ, báo chí vẫn luôn mang trong mình một sứ mệnh lịch sử vẻ vang. Có thể khẳng định một điều rằng, báo chí Việt Nam đã và đang thực sự là vũ khí đắc lực cho cuộc cách mạng, định hướng dư luận và cũng là diễn đàn của nhân dân, tuyên truyền, cổ vũ khối đại đoàn kết dân tộc,… Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, báo chí đã góp phần không nhỏ trong việc phát huy tinh thần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Và 21/6 hàng năm chính là ngày kỷ niệm báo chí cách mạng Việt Nam. Hôm nay, các bạn hãy cùng TopChuan.Com tìm hiểu về những ý nghĩa lịch sử ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 nhé!
Báo chí phục vụ thiết thực thời kì đổi mới
Sau ngày thống nhất đất nước, báo chí ở nước ta đã phát triển một cách nhanh chóng cả về số lượng lẫn chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước với nội dung thông tin ngày càng phong phú, hiệu quả, hình thức đẹp, sinh động và hấp dẫn.
Báo chí đã đi sâu vào thực tiễn đời sống, phát hiện, giới thiệu, cổ vũ các mô hình kinh tế mới, cách làm ăn mới, nhân tố mới, người tốt, việc tốt. Báo chí đã thể hiện vô cùng rõ ràng quan điểm về bảo vệ và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, tuyên truyền cổ vũ toàn dân phát huy có chọn lọc nền văn hóa tiên tiến của các nước trên thế giới, cũng như từ đó góp phần nâng cao dân trí, ngăn chặn văn hóa xấu len lỏi vào nước ta. Báo chí đã tổ chức khơi dậy và biến nhiều hoạt động xã hội từ thiện trở thành phong trào của toàn xã hội.
Hoạt động của báo chí trong sự nghiệp CNH – HĐH đất nước, trong quá trình hội nhập quốc tế và cơ chế thị trường, trong thời đại bùng nổ thông tin vẫn đã và đang phát triển không ngừng. Đứng trước những yêu cầu mới, báo chí cách mạng Việt Nam luôn luôn kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện tốt chức năng báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và cũng là diễn đàn của nhân dân.
Báo chí đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ đất nước
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, hàng loạt các báo, tạp chí lần lượt ra đời nhằm phục vụ tích cực cho sự nghiệp xây dựng Đảng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối cách mạng dân quyền của Đảng, kiên quyết chống đế quốc, phong kiến, chuẩn bị điều kiện để nắm bắt thời cơ đưa cách mạng tiến lên một cao trào mới. Đã có nhiều báo, tạp chí được ra đời ngay trong các nhà tù của đế quốc chẳng hạn như: Lao tù tạp chí, Đuốc đưa đường, Đường cách mạng, Con đường chính, Bôn-sê-vích, Hoả lò Hà Nội, Nhà tù Buôn Ma Thuột, Người tù đỏ, Qua tiếng sóng hận, Ý kiến chung ở Côn Lôn, Hòn Cau, Nẻo nhà pha ở nhà tù Quảng Nam,…
Báo chí đã kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, phục vụ tích cực cho việc xây dựng lực lượng vũ trang tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945. Dưới chế độ dân chủ nhân dân, báo chí cách mạng đã xuất bản công khai với số lượng lớn. Đặc biệt, báo chí trong nước đã đến với một số Đảng anh em và bạn bè trên thế giới, cũng chính vì thế mà nhân dân thế giới ngày càng hiểu rõ được cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta, đồng tình cũng như ủng hộ sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Vào ngày 2/6/1950, Hội Nhà báo Việt Nam được thành lập đã đoàn kết rộng rãi các nhà báo trong nước. Vào tháng 7/1950, Hội Nhà báo Việt Nam bắt đầu gia nhập Tổ chức Quốc tế các nhà báo OIJ.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Những tờ báo từ kháng chiến chống Pháp được phát triển để có thể phục vụ nhiệm vụ mới. Nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học, tuyên truyền, lý luận, tổ chức, kỹ thuật cùng với các tỉnh đều xuất bản báo. Một số tờ báo tiếng nước ngoài đã được xuất bản với mục đích giới thiệu các vấn đề của Việt Nam cho bạn bè quốc tế, góp phần đấu tranh trên mặt trận ngoại giao.
Báo chí cách mạng Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc, góp phần làm nên các thành tựu thật vĩ đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Suốt chiều dài 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, những người làm báo đã vượt lên tất cả mọi khó khăn, không tiết thân mình, có mặt trên tất cả các mặt trận để có thể kịp thời phản ánh mọi diễn biến của cuộc chiến đấu. Không thể nào đếm được số lượt cán bộ, phóng viên báo chí đã sát cánh cùng bộ đội, dân công chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên khắp các mặt trận. Đã có hơn 400 nhà báo – liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam.
Vì sao có ngày báo chí cách mạng Việt Nam?
Trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 60 thế kỉ 19 đã có một số báo lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội cùng một vài địa phương khác. Vào những năm đầu thế kỷ 20, rất nhiều tờ báo của người Việt đã được xuất bản là tập hợp của nhiều nhà văn, nhà báo, nhà trí thức theo từng nhóm nhỏ, thế nhưng theo các khuynh hướng chính trị khác nhau, vậy nên không thể tập hợp vào chung một tổ chức thống nhất. Cho đến ngày 21.6.1925, tờ báo “Thanh niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập tại Quảng Châu (Trung Quốc) đã cho ra mắt số đầu tiên, từ đây dòng báo chí cách mạng Việt Nam mới bắt đầu hình thành.
Kể từ khi có báo “Thanh niên”, báo chí Việt Nam giương cao ngọn cờ cách mạng, thể hiện ý chí, khát vọng của dân tộc Việt cũng như chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Và lớp làm báo vô sản đầu tiên của Việt Nam đã dần xuất hiện với những cái tên như Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điềm, Trương Văn Lĩnh… dưới sự đào tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vào ngày 2.6.1950, Chính phủ chính thức quyết định cho thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam (Hội Nhà Báo Việt Nam ngày nay). Cho đến tháng 7.1950, Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) nhóm họp ở Phần Lan đã quyết định công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức.
Vào tháng 2.1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra quyết định số 52 ngày 5.2.1985 lấy ngày ra số đầu tiên của báo Thanh Niên làm ngày báo chí Việt Nam (21.6.1925) để từ đó nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, làm thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Ngày 21.6.1985, giới báo chí cả nước lần đầu tiên tổ chức Lễ kỷ niệm ngày báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm Báo Thanh Niên xuất bản số đầu tiên. Ðây cũng là ngày lễ không chỉ của riêng giới báo chí mà còn là ngày lễ của nhân dân cả nước, vì báo chí là sự nghiệp của toàn dân.
Theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, nhân kỉ niệm 75 năm ngày báo chí Việt Nam vào ngày 21.6.2000, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã đồng ý gọi ngày báo chí Việt Nam là ngày báo chí cách mạng Việt Nam.
Các thời kỳ của báo chí cách mạng Việt Nam
Thời kỳ 1: Từ 1925 đến trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (2.1930).
Vào thời kỳ này, báo chí tập trung tuyên truyền Chủ nghĩa Cộng sản trong quần chúng, giương cao ngọn cờ Chủ nghĩa Mác-Lênin, cổ động quần chúng nhân dân, trước nhất là công nhân tham gia đấu tranh và xây dựng tổ chức mang tính giai cấp của mình để bảo vệ quyền lợi thiết thực hàng ngày, đồng thời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc. Những tờ báo đều được viết trên giấy nến bằng bút thép, trình bày khá đẹp, số lượng in khoảng trên dưới 100 bản.
Thời kỳ 2: Từ năm 1930 – 6.1936.
Sau Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2-1930, các tờ báo do các tổ chức cộng sản cùng các đoàn thể do các tổ chức cộng sản đó chỉ đạo trước ngày hợp nhất đều ngừng xuất bản nhằm đảm bảo sự thống nhất về tư tưởng, đường lối chính trị và theo tổ chức mới. Vào thời kỳ này báo chí cách mạng vô cùng phong phú cả về tên báo do Trung ương và các cấp uỷ Đảng, các chi bộ Đảng tổ chức ra; về việc phục vụ cho nhiều các đối tượng cần tuyên truyền, cổ động và tổ chức. Còn về nội dung thì báo chí cách mạng tập trung tuyên truyền về lý luận Mác-Lênin, về vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản, về sự chuyển biến từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng vô sản, về Bônsêvích hoá Đảng Cộng sản, về Liên minh công nông trong cách mạng, về quan hệ giữa Đảng và quần chúng nhân dân…. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam, xuất hiện báo chí được viết tay trong tù.
Báo chí thời kỳ này được xuất bản bằng nhiều cách như: bút thép trên giấy sáp, đánh máy trên giấy sáp, mực tím trên giấy, rồi in trên bàn thạch hay đất sét, chép tay làm thành nhiều bản (báo chí trong tù). Vì trong điều kiện hoạt động bí mật, nên mỗi tờ báo khuôn khổ các số không đều nhau, loại giấy không được thống nhất, lúc giấy tốt, khi giấy xấu, lúc in rõ có khi lại bị nhoà nhiều, ra không định kỳ.
Thời kỳ 3: Từ năm 1936 đến 1939.
Kể từ tháng 6-1936, báo chí cách mạng được xuất bản công khai, nhận sứ mệnh lịch sử mới mà Đảng trao cho: ra sức tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin và Nghị quyết Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản và tình hình thế giới đương thời đối với việc thành lập Mặt trận Dân chủ chống phát xít, tuyên truyền cho sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng, vận động việc thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương, đòi quyền tự do dân chủ, cải thiện đời sống và hòa bình, tự do báo chí, chống phản động thuộc địa chủ nghĩa phát xít, chống chủ nghĩa tờrốtxkít, chủ nghĩa cải lương và mọi tư tưởng, lý luận phản động khác, để từ đó đẩy tới một cao trào cách mạng mới.
Hầu hết báo chí cách mạng đều đưa in ở các nhà in của tư sản Pháp và Việt, được phát hành qua 3 hệ thống: bưu điện, hiệu sách, tổ bán báo lưu động. Với hình thức đấu tranh nửa hợp pháp và hợp pháp, báo chí đã tác động một cách mạnh mẽ đến quần chúng, góp phần thúc đẩy sự thống nhất phong trào đấu tranh trong cả nước, hoà vào nhau, hưởng ứng lẫn nhau, để cùng nhau tiến lên đấu tranh dưới những khẩu hiệu chung, khắc phục tính rời rạc, địa phương.
Thời kỳ 4: Từ năm 1939 đến 1945.
Báo chí cách mạng thời kỳ này đã quán triệt các Nghị quyết của Đảng và chủ trương của Tổng bộ Việt Minh, tập trung tuyên truyền, giáo dục quần chúng về tinh thần độc lập dân tộc, tổ chức, hướng dẫn quần chúng cùng nhau đấu tranh theo sát chủ trương, đường lối của Đảng, bám sát từng bước biến chuyển của cách mạng, đóng một vai trò không hề nhỏ trong việc chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa thắng lợi. Báo chí cách mạng giai đoạn 1939 – 1945 thể hiện rõ tính chiến đấu của Đảng, là vũ khí đấu tranh hiệu quả của Đảng.
Mặc dù, số lượng báo không nhiều bằng thời kỳ trước, thế nhưng chất lượng bài vở tốt hơn, nội dung phong phú hơn, hình thức trình bày đẹp hơn. Và cũng đã có nhiều tờ báo tồn tại lâu hơn thời kỳ bí mật trước đó.
Ngoài các tờ báo của Trung ương Đảng, các tổ chức đoàn thể ở đa số các địa phương đều xuất bản báo bí mật, hình thành một hệ thống thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, từ tổ chức Đảng cho tới các tổ chức quần chúng. Các tờ báo chủ chốt trong thời kỳ này đều do các đồng chí lãnh đạo của Đảng trực tiếp phụ trách chẳng hạn như: Trường Chinh với tờ Cờ Giải Phóng, Xuân Thủy phụ trách báo Cứu Quốc, Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo báo Việt Nam Độc lập. Báo chí thời kỳ này trở thành một công cụ tuyên truyền vô cùng hữu hiệu, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành thắng lợi cuối cùng vào mùa thu lịch sử năm 1945.
Vị trí, vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam
Trong suốt quá trình lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn quan tâm, xem báo chí như một thứ vũ khí tư tưởng sắc bén, là tiếng nói của Đảng và Nhà nước và cũng là diễn đàn xã hội rộng lớn của nhân dân. Trên cả một chặng đường dài, lịch sử báo chí cách mạng luôn gắn liền với những mốc son sáng chói của lịch sử cách mạng dân tộc: Vận động thành lập Đảng; huấn luyện cán bộ; chuẩn bị cơ sở lý luận, chính trị, tư tưởng, tổ chức cho việc thành lập Đảng ngày 3.2.1930; cổ vũ nhân dân làm cao trào cách mạng 1930-1931, phong trào vận động dân chủ 1936-1939, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945; đấu tranh sắc bén trên mặt trận chính trị – tư tưởng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới của đất nước. Có thể khẳng định một điều rằng, trong từng giai đoạn cách mạng, báo chí cách mạng do chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta lãnh đạo thực sự giữ vai trò định hướng dư luận xã hội.
Kế thừa và phát triển những tư tưởng của Chủ nghĩa Mác – Lênin về báo chí cách mạng, cũng như thừa hưởng những thành quả của cách mạng qua 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, tư duy và quan điểm của Đảng ta về báo chí không ngừng phát triển. Bên cạnh đó, nhà nước ta cũng đã có những chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho báo chí hoạt động được thuận lợi hơn.
Luật Báo chí năm 1989 (sửa đổi, bổ sung năm 1999) đã khẳng định: Báo chí là tiếng nói của Đảng, các cơ quan Nhà nước, của các đoàn thể và là diễn đàn của nhân dân. Báo chí không chỉ phán ánh một cách kịp thời những diễn biến của đời sống xã hội, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước tới người dân, mà đó còn là kênh thông tin để nhân dân có thể bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình, là công cụ đắc lực để nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội, từ đó tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong gần 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, báo chí nước ta đã thể hiện ngày càng rõ, càng thực chất về vai trò diễn đàn nhân dân; không chỉ ở việc các tầng lớp nhân dân bày tỏ quan điểm, ý kiến, mà còn đóng góp trí tuệ, hiến kế xây dựng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tham gia đấu tranh chống các âm mưu, thủ đoạn, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bài trừ đi các tệ nạn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đặc biệt, lần đầu tiên, báo chí được xem như là một trong bốn hệ thống giám sát cán bộ, đảng viên – như Nghị quyết Trung ương 6, (lần 2, khoá VIII) đã xác định.
Cùng với sự phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa, báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò to lớn trong việc tham gia quản lý xã hội, quản lý hệ thống chính trị của đất nước, thông qua việc thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội. Điều này đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, chính là một sự khẳng định dân chủ hoá đời sống báo chí và cũng là một bước phát triển, đổi mới lý luận báo chí cách mạng.
Bên cạnh đó, sự phát triển xã hội, trình độ dân trí của công chúng ngày càng được nâng ca, vậy nên cũng yêu cầu, đòi hỏi báo chí nước ta ngày càng phải đề cao vai trò và trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, tính văn hoá và đạo đức nghề nghiệp.
Có thể bạn thích: