Trẻ dưới 1 tuổi sức đề kháng còn yếu. Bởi cơ thể bé đang trong giai đoạn thích nghi với môi trường sống hoàn toàn khác so với khi còn trong bụng mẹ. Đây được xem là thời điểm “nhạy cảm”, các bé dễ bị sự xâm nhập của các vi khuẩn gây bệnh. Vậy nên, cha mẹ có những hiểu biết nhất định về một số bệnh thường gặp nhất ở trẻ dưới 1 tuổi để có cách chăm con đúng nhất.
Nôn trớ
Nôn trớ là bệnh thường gặp với trẻ dưới 1 tuổi. Thông thường, các bé có biểu hiện nôn trớ nhẹ thì cha mẹ không nên quá lo lắng. Nguyên nhân của nôn trớ có thể do bé ăn quá no, trong quá trình bú bé “nuốt” cả không khí vào dạ dày hoặc do bé bị nhiễm lạnh. Khi đó, các mẹ chỉ cần điều chỉnh tư thế cho con bú, giữ ấm cho con là được. Tình trạng nôn trớ chỉ thực sự là bệnh nguy hiểm khi bạn quan sát thấy con nôn liên tục, quấy khóc, chán ăn, ngại ăn. Trong tình huống này, các mẹ cần đặc biệt lưu ý chế độ ăn uống, nghỉ ngơi của con, bạn nên cho con uống nước để tránh mất nước, không ép bé ăn dẫn đến tâm lí sợ hãi và tình trạng nôn trớ càng nặng hơn. Bạn cũng nên nghĩ đến tình huống con bạn đang có vấn đề về hệ tiêu hóa nên mới nôn trớ thường xuyên như vây.
Các bệnh về đường hô hấp
Cảm, ho, sổ mũi là các bệnh về đường hô hấp mà trẻ em dưới 1 tuổi hay mắc phải. Ở các bé bú mẹ hoàn toàn thì trong thành phần sữa mẹ có chứa các kháng thể giúp bé chống chọi với những thay đổi của thời tiết hoặc sự xâm nhập của vi khuẩn. Nói như vậy không có nghĩa là bé nhà bạn hoàn toàn miễn dịch với các bệnh về đường hô hấp. Khi thấy con có các biểu hiện như ho, cảm hay sổ mũi, các mẹ nên chú ý mặc đủ ấm cho bé, dùng nước muối sinh lí vệ sinh mũi và tìm đến bác sĩ để có được cách chữa trị tốt nhất. Tuyệt đối các mẹ không nên tự ý áp dụng các mẹo chữa bệnh của dân gian (dùng mật ong, đường, chanh, lá hẹ, lá tía tô…) cho con. Bởi với các bé dưới 1 tuổi, khả năng co bóp của dạ dày còn kém, nếu mẹ tự ý dùng thuốc sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của con.
Sốt
Nguyên nhân trẻ dưới 1 tuổi bị sốt thường do nhiễm siêu vi khuẩn kèm theo các bệnh lí khác nhau (mọc răng, bị cảm lạnh, sốt vi rút hoặc bị rối loạn tiêu hóa). Tuy nhiên, khi thấy bé bị sốt các mẹ nên bình tĩnh tìm cách xử lí. Các bác sĩ luôn khuyên bạn nên theo dõi thân nhiệt của con thường xuyên nhờ kẹp nhiệt độ. Nếu bé sốt dưới 38,5 độ bạn không cần cho con uống thuốc hạ sốt mà chỉ cần dùng khăn ấm chườm các vị trí như nách, bẹn, trán, nới rộng quần áo và tăng cường cho bé bú mẹ. Còn khi con sốt cao hơn, bạn nên hỏi ý kiến các bác sĩ và cho con uống thuốc hạ sốt đúng theo liều lượng và chỉ định cho bé.
Nhiễm vi rút
Khi cơ thể trẻ bị nhiễm vi rút, trẻ thường có các dấu hiệu như sốt cao (trên 38,5 độ), người mệt mỏi, quấy khóc, bỏ bú. Nhiều mẹ thường nhầm lẫn việc bé bị nhiễm vi rút với các bệnh thông thường khác. Chỉ khi vi rút tấn công mạnh gây biến chứng nặng nề thì các mẹ mới hốt hoảng đưa con đi bác sĩ. Vậy nên, một lưu ý với các mẹ có con dưới 1 tuổi là khi con bạn có những biểu hiện như nóng sốt, bỏ ăn, quấy khóc quá 2 ngày, bạn nên tìm đến bác sĩ để nhận được sự tư vấn phù hợp. Hơn nữa, các mẹ nên thường xuyên theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng để nắm được khu vực mình đang ở có dịch bệnh gì đang diễn ra.
Bệnh ngoài da
Làn da của trẻ dưới 1 tuổi cực kì nhạy cảm, bé dễ bị sự tấn công của các vi khuẩn ngoài môi trường dẫn đến ngứa ngáy hoặc viêm da. Theo thống kê của các bác sĩ, tỉ lệ trẻ dưới 1 tuổi bị mắc viêm da cơ địa rất cao. Đa phần, các bé sẽ tự khỏi từ 1- 2 năm nếu cha mẹ biết cách chăm sóc con đúng. Viêm da cơ địa không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng chúng thường gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu khiến bé quấy khóc. Lời khuyên cho các mẹ có con bị viêm da cơ địa là: Mẹ hãy xem lại cách vệ sinh con hàng ngày. Bạn nên dọn dẹp sạch sẽ phòng ngủ của bé, chú ý mặc cho con những bộ quần áo có chất liệu cotton mềm, tránh cho bé tiếp xúc với bụi bẩn, lông vật nuôi trong nhà. Các mẹ tuyệt đối không tự sử dụng thuốc uống hoặc bôi trị viêm da cho con mà cần giữ da bé sạch sẽ, chỉ bôi kem làm mềm da để giảm cảm giác ngứa rát cho bé.
Rối loạn tiêu hóa
Sữa là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất với trẻ dưới 1 tuổi. Dù con bạn bú mẹ hoàn toàn, dùng sữa công thức hay đang bắt đầu ăn dặm thì việc các mẹ phải thật lưu ý về hệ tiêu hóa của con là vô cùng quan trọng. Theo kết luận của các bác sĩ, đa số các trường hợp trẻ dưới 1 tuổi bị rối loạn tiêu hóa (đi ngoài nhiều lần, phân sống, tiêu chảy hoặc táo bón…) đều do chế độ ăn của mẹ. Vậy nên trong các bữa ăn hàng ngày, các mẹ nên chú ý đảm bảo đủ dinh dưỡng, tránh các thực phẩm tái sống. Còn với các bé đang ăn dặm, các mẹ nên để ý cách chế biến cũng như chọn món cho con phù hợp, đủ chất, đúng lứa tuổi.
Có thể bạn thích: