Nguyễn Trãi (1380-1442) hiệu Ức Trai, quê ở Chi Ngại (Chí Linh, Hải Dương), sau dời về Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây). Cha là Nguyễn Phi Khanh, một học trò nghèo, học giỏi, đỗ thái học sinh (tiến sĩ). Mẹ là Trần Thị Thái, con Trần Nguyên Đán, một quý tộc đời Trần. Lên sáu tuổi, mất mẹ, lên mười tuổi, ông ngoại qua đời, ông về ở Nhị Khê, nơi cha dạy học. Năm hai mươi tuổi, năm 1400, ông đỗ thái học sinh và hai cha con cùng ra làm quan với nhà Hồ. Nguyễn Trãi là bậc đại anh dũng dân tộc và là một nhân vật toàn tài hiếm có của lịch sử Việt Nam trong thời đại phong kiến. Ở Nguyễn Trãi có một nhà chính trị, một nhà quân sự, một nhà ngoại giao, một nhà văn hoá, một nhà văn, một nhà thơ tầm cỡ kiệt xuất. Nhưng Nguyễn Trãi cũng là một người đã phải chịu những oan khiên thảm khốc, do xã hội cũ gây nên cũng tới mức hiếm có trong lịch sử. TopChuan.com xin giới thiệu những bài thơ hay của ông.
Bài thơ: Ghẹo cô hàng chiếu
Ghẹo cô hàng chiếu
Ả ở đâu ta bán chiếu gon,
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân thu phỏng độ chừng bao tuổi,
Đã có chồng chưa, được mấy con?
Thơ đối đáp hoạ nguyên vận của Nguyễn Thị Lộ:
Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon,
Can chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân thu phỏng độ trăng tròn lẻ,
Chồng còn chưa có, có chi con!
Nguồn: “Giai thoại văn học Việt Nam”, Hoàng Ngọc Phách và Kiều Thu Hoạch, NXB Văn học, Hà Nội, 1988
Bài thơ: Thuật hứng bài 24
Thuật hứng bài 24
Công danh đã được hợp về nhàn,
Lành độc ác âu chi thế nghị khen.
Ao cạn vớt bèo cấy muống,
Đìa thanh phát cỏ ương sen.
Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc,
Thuyền chở yên hà nặng vạy then.
Bui có một lòng trung lẫn hiếu,
Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen.
Nguồn: Nguyễn Trãi toàn tập, NXB Khoa học Xã hội, 1976
Bài thơ: Dạy vợ con
Dạy vợ con
5. Nhân thong thả lựa vần quốc ngữ,
Làm bài ca dạy vợ nhủ con:
Lời ăn nết ở cho khôn,
Chớ nên đa quá, đa ngôn chút nào!
Ăn mặc chớ mỹ miều chải chuốt,
10. Hình dung đừng ve vuốt ngắm trông,
Một vừa hai phải thì xong,
Giọt dài giọt ngắn cũng không ra gì
Khi đứng ngồi chứ hề lơ lẳng,
Tiếng nhục nhằn nữa nặng đến mình,
15. Hạt mưa chút phận lênh đênh,
Tấm son tạc lấy chữ trinh làm đầu.
Kìa mấy kẻ làu làu tiết ngọc,
Đem sắt đanh nguyện lúc lửa châm.
Con hiền cha mẹ an tâm,
20. Một nhà khen ngợi, nghìn năm bia truyền.
Nọ những kẻ nước nguyền non hẹn,
Thấy mùi hoa bướm nghển, ong chào,
Miệng đời dê diếu biết bao,
Đông ra quốc pháp, nhục vào gia thanh
25. Đem người trước lấy mình ngắm lại,
Khôn ba năm đừng dại một giờ,
Đua chi chén rượu câu thơ,
Thuốc lào ngọt nhạt, nước cờ thấp cao.
Đám dồi mỏ ra vào săn sóc,
30. Lại bài phu, tam cúc, đánh đinh,
Đố mười, chẵn lẻ, đố kinh,
Tổ tôm, kiệu chắn, sám quanh tứ chiều.
Đi đứng đắn, chớ điều vùng vẫy,
Khi u ám đèn phải phân minh,
35. Hoặc khi hội hát linh đình,
Được lời dạy đến thì mình hãy ra,
Ra phải có mẹ già em nhỏ,
Đừng đánh đàn, đánh lũ không hay.
Nói đừng chau mặt, chau mày,
40. Nghe ra ngậm đắng nuốt cay hay nào!
Của tằn tiện, chắt chiu hàn gắn,
Khách buôn tàu chưa hẳn nơi đây!
Cũng đừng vắt nước cổ chày,
Tiếp tân tế lễ là ngày nên hoang.
45. Ăn ở chớ lòng mang khoảnh khắc,
Mua bán đừng điêu trác đong đưa.
Mua đừng ráo riết quá lừa,
Bán đừng bo xiết, ích ta hại người.
Chớ tắt mắt của người kém cỏi,
50. Đừng đảo điên có nói làm không.
Giàu sang cũng chớ khoe ngông,
Miễn mình nóng phận chớ lòng khinh ai.
Khó khăn chớ vật nài ân oán hối,
Hết bĩ rồi tới buổi thái lai
55. Cầm cân, tạo hoá đổi dời,
Giàu ba họ, khó ba đời mấy ai?
Đừng học cách tham lời đặt lãi,
Lợi kẻ cho thì hại kẻ vay,
Dễ dàng nợ phải lay nhay,
60. Đến đầu đũa quá, e cay đắng nhiều.
Hoặc lỡ thiếu phải điều lĩnh tạm,
Dù ít nhiều liệu sớm tính xong,
Chẳng nên mê mẩn hơi đồng,
Qua lần cho khỏi thì lòng mới nguôi.
65. Thói mách lẻo, ngồi rồi bỏ hết,
Hễ điều gì nói ít mới hay,
Lân la giắt rợ, giắt rây,
Đã hư công việc, lại dày tiếng tăm.
Việc chợ búa chăm chăm chúi chúi,
70. Buổi bán xong liệu vội ra về,
Cửa nhà trăm việc sớm khuya,
Thu va thu vén mọi bề mới xong.
Phòng những kẻ có lòng gian vặt,
Nhỡ xảy ra một mất mười ngờ,
75. Tiếc thầm đứng ngẩn, ngồi ngơ,
Đau bi thiết thôi lại đổ cho tại trời.
Từ chốn ở, nơi ngồi thay thảy,
Rác ngập đường nhìn vậy chan chan,
Ai vào rác ngập ước chân,
80. Bát mâm tơi tả chiếu chăn đầy giường,
Tuy khó rách, giữ gìn thơm sạch,
Có hay gì chiếu lệch bụi nhơ,
Đồ ăn thức nấu cho vừa,
Thường thường giữ lấy muối dưa ngon lành.
85. Nghề bánh trái chiều thanh vẻ lịch,
Cũng học dần thói cách người ta,
Vá may giữ nếp đàn bà,
Mũi kim nhỏ nhặt mới là nữ công.
Thủa tại gia phải tòng phụ giáo
90. Khi lấy chồng giữ đạo chính chuyên
Lại là hiếu với tổ tiên,
Những ngày giỗ tết không nên vắng nhà.
Đồ cúng cấp hương trà tinh khiết,
Theo lễ nghi khép nép, khoan thai,
95. Ăn nhiều không nên ăn cho rồi,
Nhớ điều ghẻ lạnh lễ thôi lại về.
Bài thơ: Côn Sơn ca
Côn sơn ca
( Bản dịch của nhóm Đào Duy Anh)
Côn Sơn có khe,
Tiếng nước chảy rì rầm.
Ta lấy làm đàn cầm.
Côn Sơn có đá,
Mưa xối rêu xanh đậm,
Ta lấy làm chiếu thảm.
Trên núi có thông,
Muôn dặm rờn rơn biếc một vùng,
Ta tha hồ ngơi nghỉ ở trong.
Trong rừng có trúc,
Nghìn mẫu in biếc lục,
Ta tha hồ ca ngâm bên gốc.
Ngươi sao còn chửa về đi!
Nửa đời bụi bặm hoài lăn lóc,
Muôn chung, chín đỉnh có làm gì?
Nước lã, cơm rau miễn tri túc,
Ngươi chẳng thấy Ðổng Trác ngọc vàng chất đầy nhà?
Nguyên Tải hồ tiêu tám trăm hộc?
Lại chẳng thấy Bá Di với Thúc Tề?
Thú Dương chết đói không ăn thóc?
Hiền ngu dù chẳng giống nhau đâu,
Cũng đều muốn thoả lòng sở dục.
Người đời trong trăm năm,
Rốt cuộc như thảo mộc.
Vui bi thiết lo sướng đổi thay nhau,
Một tươi một héo vẫn tương tục.
Cồn hoang lầu đẹp cũng ngẫu nhiên,
Chết rồi ai vinh với ai nhục?
Nhân gian nếu còn bọn Sào Do,
Khuyên hãy nghe ta ca một khúc.
Nguồn: Đào Duy Anh, Nguyễn Trãi toàn tập, NXB Khoa học xã hội, 1976
Côn Sơn là một ngọn núi ở xã Chí Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương (Bắc Việt), trên núi có động Thanh Hư, dưới có cầu Thấu Ngọc, đều là thắng cảnh (theo sách Quảng Dư Chí). Đời Trần, Trúc Lâm thiền sư dựng am ở đây, và trạng nguyên Lý Đạo Tái (tức sư Huyền Quang) sau khi từ chức trở về nhập thiền và trụ trì chùa Ân Tứ ở núi này. Triều Trần, quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, ông ngoại của Nguyễn Trãi, thường ngâm thơ uống rượu ở núi Côn Sơn sau khi từ chức vì can gián Hồ Quý Ly chuyên quyền mà không được. Tác giả từng thừa hưởng cơ ngơi của ngoại tổ.Bài ca này Nguyễn Trãi làm khi về nghỉ ở Côn Sơn, cạnh chùa Hun, nhân dịp sưu tập, sắp xếp tập thơ Băng Hồ Ngọc hác tậpcủa Trần Nguyên Ðán, ông ngoại mình.
Bài thơ: Ba tiêu (Cây chuối)
Ba tiêu (cây chuối)
Tự bén hơi xuân tốt lại thêm,
Ðầy buồng lạ, màu thâu đêm.
Tình thư một bức phong còn kín,
Gió nơi đâu, gượng mở xem..
Hai câu cuối của bài thơ có thể lấy ý từ bài Vị triển ba tiêu 未展芭蕉 của Tiền Hử 錢珝 đời Đường (Trung Quốc).
Bài thơ này được sử dụng làm bài đọc thêm trong chương trình SGK Văn học 10 giai đoạn 1990-2006.
Nguồn: Nguyễn Trãi toàn tập, NXB Khoa học Xã hội, 1976
Bài thơ: Lời mở đầu
Lời mở đầu
Đặt quyển sách, vắt tay nằm nghĩ,
Hễ làm người dạy kỹ thì nên,
Phấn son cũng phải bút nghiên,
Cũng nhân tâm ấy há thiên lý nào.
Bài thơ: Bạch Đằng hải khẩu
Bạch Đằng hải khẩu
Sóc phong xung hải khí lăng lăng,
Khinh khởi ngâm phàm quá Bạch Đằng.
Ngạc đoạn kình khoa sơn khúc khúc,
Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng.
Quan hà bách nhị do thiên thiết,
Hào kiệt công danh thử địa tằng.
Vãng sự hồi đầu ta dĩ hĩ,
Lâm lưu phủ ảnh ý nan thăng.
Dịch nghĩa
Cửa biển lồng lộng, gió bấc thổi băng băng;
Buồm thơ nhẹ lướt qua sông Bạch Đằng.
Nhìn núi từng khúc, như cá mập, cá sấu bị chặt từng đoạn,
Nhìn bờ từng lốp, như giáo kích gươm đao bị gãy chìm.
Cảnh núi sông hiểm yếu, tạo ra cái thế “lấy ít địch nhiều”,
Ðây là nơi hào kiệt từng lập nên công danh oanh liệt.
Việc xưa nghĩ lại, ôi tất cả đã qua rồi!
Tới đây viếng cảnh, nỗi lòng sao biết nên chăng?
Bạch Đằng là con sông lịch sử của Việt Nam thuộc tỉnh Quảng Yên (Bắc Việt), bắt nguồn từ Phát Lại, chảy ra biển. Cửa Bạch Đằng xưa kia, vốn nay đã chuyển hướng, hiện thuộc Hải Phòng. Ðây là nơi mà Trần Hưng Ðạo đã đánh tan giặc Nguyên Mông. Cửa khẩu Bạch Đằng là một danh lam thắng cảnh, nơi đã từng hai lần quân Việt Nam đánh bại quân Trung Quốc xâm lược, Ngô Quyền (thế kỷ 10) phá quân Nam Hán, bắt sống thái tử Hoằng Thao, Trần Hưng Đạo (thế kỷ 13) đại thắng quân Nguyên, bắt được các tướng Ô Mã Nhi, Phan Tiệp, Tích Lệ…
Nguồn: Thơ chữ Hán Nguyễn Trãi, NXB Văn hoá, 1962
Có thể bạn thích: