Mùa đông đang về cùng tiết trời bắt đầu dần se lạnh. Lẩu, ốc nóng, đồ nướng… lại bắt đầu trở thành những món ăn “lên ngôi”. Còn gì tuyệt vời hơn khi chúng ta có thể tụ tập cùng bạn bè, người thân và cùng cảm nhận hương vị của mùa. Tuy nhiên, với tính chất lạnh của mùa đông, chúng ta rất dễ mắc phải những căn bệnh “gắn liền” với tiết trời này. Dưới đây là một số căn bệnh thường gặp nhất và cách phòng tránh. Hy vọng rằng sẽ giúp mọi người thỏa thích cảm nhận thời tiết của mùa đông mà không còn lo lắng.
Norovirus
Norovirus là tên của một nhóm virus thường gây ra dịch viêm đường ruột do virus. Bệnh này xảy ra quanh năm nhưng phổ biến hơn cả là vào mùa đông và những nơi như khách sạn, trường học. Người già và trẻ nhỏ là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh này nhất. Các triệu chứng của bệnh là đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy đồng thời có thể ớn lạnh và sốt.
Cách phòng chống norovirus hữu hiệu nhất là giữ bản thân và môi trường sống luôn sạch sẽ, đồng thời uống đủ nước và tăng cường các thực phẩm có hàm lượng chất xơ cao, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
Viêm họng
Viêm họng cũng là một căn bệnh phổ biến vào mùa đông, gây cảm giác khó chịu cho người bệnh. Nếu không được chữa trị kịp thời, viêm họng có thể sẽ biến chứng phức tạp hơn và gây nên khó khăn trong quá trình điều trị. Đây là căn bệnh do virus gây ra, nguyên nhân chủ yếu là do dự thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Để phòng tránh viêm họng, khi thời tiết chuyển sang se lạnh, bạn nên chuẩn bị sẵn khăn quàng cổ mỏng để giữ ấm vùng cổ họng. Bên cạnh đó, bạn có thể thường xuyên súc miệng bằng nước muối ấm nhằm tăng cường lưu thông máu đến vùng yết hầu và tránh viêm. Uống trà chanh mật ong, kẹo bạc hà cũng sẽ là những giải pháp hữu hiệu.
Da khô
Da khô là chứng bệnh thường gặp và phổ biến nhất vào mùa đông bởi độ ẩm của môi trường thấp, hầu như mọi đối tượng đều mắc phải. Tuy không gây ảnh hưởng tới tính mạng nhưng da khô có thể khiến chúng ta khó chịu, thiếu tự tin và thậm chí là đau rát, thậm chí là nứt nẻ và bong tróc.
Để phòng tránh cũng như chữa trị da khô, mùa đông mọi người nên thường xuyên giữ ẩm cho da bằng cách sử dụng các loại dưỡng chất giữ ẩm cho da. Bên cạnh đó, nên bổ sung các thực phẩm từ thiên nhiên như rau xanh, hoa quả để tăng cường vitamin giúp làn da săn chắc hơn.
Cúm
Cảm cúm là căn bệnh khá phổ biến trong cuộc sống thường ngày. Đây là bệnh do nhiễm virus đường hô hấp từ môi trường xung quanh, bệnh này dễ lây lan cho những người có sức đề kháng yếu, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Bệnh này không quá nghiêm trọng nhưng nếu không kịp thời điều trị hoặc điều trị không đúng cách thì sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh. Biểu hiện thường gặp của bệnh là nhức đầu, sốt, rét lạnh, ho khan, đau họng, đau cơ, mệt mỏi, mất cảm giác thèm ăn.
Để phòng tránh bệnh, mọi người không nên tụ tập ở chỗ đông người vào mùa bệnh, hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Bên cạnh đó cần tăng cường dưỡng chất cho cơ thể như uống nhiều nước, có chế độ dinh dưỡng phù hợp nhằm cung cấp đầy đủ các vitamin A, C, D, E có nhiều trong rau củ, trái cây để duy trì hệ miễn dịch cho cơ thể. Bạn nên ngủ đủ giấc, tập thể dục cũng như có một đời sống lành mạnh, tinh thần sảng khoái sẽ giúp bạn giảm khả năng nhiễm bệnh.
Dị ứng thời tiết
Dị ứng thời tiết cũng là căn bệnh phổ biến trong mùa đông, với biểu hiện là da mẩn đỏ, ngứa tại nơi mẩn đỏ hoặc khắp người gây nên cảm giác vô cùng khó chịu. Đây là căn bệnh không quá nguy hiểm nhưng có thể để lại những vết sẹo do phỏng rộp. cùng với đó, dị ứng thời tiết nếu không trị dứt điểm có thể tái phát nhiều lần, dẫn đến mãn tính.
Biện pháp phòng chống dị ứng thời tiết hữu hiệu là tăng cường bổ sung axit folic cho cơ thể bằng các thực phẩm như các loại đậu và bánh mỳ nhằm cân bằng lại phản ứng của hệ miễn dịch. Bổ sung thêm omega-3 để chống lại các tác nhân gây dị ứng. Bên cạnh đó, ta cần giữ ấm cơ thể và hạn chế một số loại gia vị như tỏi, gừng tươi, mù tạt…
Hạ thân nhiệt
Thời tiết lạnh giá của mùa đông khiến nhiều người dễ bị hạ thân nhiệt, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ và những người có thói quen uống bia rượu thường xuyên. Khi bị hạ thân nhiệt, người bệnh sẽ thấy mệt mỏi, đầu óc mơ hồ thậm chí là mất kiểm soát, xuất hiện những đợt rùng mình không thể khống chế. Sau khi không còn cảm thấy lạnh, da của người hạ thân nhiệt sẽ trở nên xanh tái, đồng tử giãn ra và không thể tỉnh táo. Nguyên nhân hạ thân nhiệt chủ yếu do tiếp xúc với lạnh, do biến chứng tự nhiên của nhiều rối loạn toàn thân.
Cách phòng tránh hạ thân nhiệt là luôn đảm bảo nhiệt độ cần thiết cho cơ thể, không trực tiếp và đột ngột tiếp xúc với không khí cũng như vật lạnh.
Cảm lạnh
Có thể thấy cảm lạnh là một căn bệnh phổ biến tại nước ta, xảy ra thường xuyên vào mùa đông lạnh. Đây là căn bệnh không quá nguy hiểm song sẽ gây khó chịu và mệt mỏi, nếu không được chữa trị kịp thời cũng sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Dấu hiệu đầu tiên của cảm lạnh thường là đau họng, chảy nước mũi, tắc mũi, với trẻ nhỏ thì thường kèm theo sốt nhẹ.
Bạn có thể phòng chống cảm lạnh bằng cách ăn nhiều rau xanh để chống lại sự nhiễm trùng cơ thể. Bên cạnh đó cần tăng cường bổ sung vitamin D; ngủ đủ giấc; bổ sung probiotic; ăn sáng đầy đủ; rửa sạch tay; hạn chế bia rượu.
Có thể bạn thích: