Bệnh ung thư hay gặp, khó phát hiện nhất và kết quả điều trị hiệu quả thấp, gây tử vong nhiều nhất hiện nay là ung thư phổi. Tại Việt Nam, sau ung thư gan, ung thư phổi là căn bệnh nguy hiểm thứ hai ở cả nam và nữ. Căn bệnh này có thể tấn công bất kỳ ai và ngay từ lúc này bạn cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về căn bệnh nguy hiểm này. Cùng đọc bài viết dưới đây của TopChuan.com để hiểu rõ hơn nhé.
Cách giúp bạn phòng ngừa ung thư phổi
Mỗi năm thế giới có khoảng 1,8 triệu người mắc mới ung thư phổi, 1,6 triệu người tử vong. Việt Nam hàng năm phát hiện 22.000 ca ung thư phổi, 19.500 bệnh nhân tử vong do bệnh này. Dự báo số người mắc bệnh ngày càng tăng. Để phòng tránh ung thư phổi, bạn cần hạn chế các tác nhân gây bệnh và thay đổi lối sống.
- Bỏ thuốc lá: Khi hít khói thuốc, không khí vào đường hô hấp trên qua mũi và miệng rồi qua khí quản để vào phổi. Người hút thuốc thường bài tiết nhiều đờm hơn người không hút. Khói thuốc làm thay đổi cấu trúc các tuyến tiết nhầy và thành phần của chất nhầy. Đôi khi các tuyến tiết nhầy bị tắc làm giảm khả năng bài tiết đờm, làm chất nhầy nhiễm các chất độc hại, tồn lưu nhiều trong phổi, cản trở sự lưu thông trao đổi khí. Nguy cơ bị ung thư phổi của những người hút thuốc cao gấp 10 lần so với người không hút thuốc. Mức độ tăng nguy cơ khác nhau tùy theo loại tế bào ung thư. Ngoài ra, người hút thuốc còn tăng nguy cơ nhiễm virus, nhiễm khuẩn lao phổi, mắc phổi mạn tính.
- Sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động: Những người làm công việc có tính chất nguy hiểm như hầm mỏ, than đá, xăng dầu, phẩm nhuộm, phun sơn, công nghiệp nhựa, kỹ nghệ kim loại nặng… cần có đồ bảo hộ chuyên dụng gồm kính, găng tay, áo quần. Ô nhiễm từ môi trường, nước thải sinh hoạt, khói bụi xe cộ hàng ngày đều có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.
- Loại bỏ hoàn toàn tấm lợp amiăng (fibro xi măng): Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo về mối liên hệ giữa amiăng với bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư phổi, ung thư buồng trứng, ung thư biểu mô. Khi bạn hít phải bụi hô hấp có chứa bụi amiăng phát tán trong môi trường, bụi độc vào cơ thể và gây hại sau thời gian tiếp xúc rất lâu, từ 20-30 năm. Các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy amiăng có khả năng gây bệnh rất cao dù mức độ tiếp xúc thấp. WHO và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đều khuyến nghị các nước loại bỏ sử dụng tất cả các loại amiăng.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Hạn chế đồ ăn thức uống chế biến sẵn do chứa nhiều muối, chất bảo quản, đường công nghiệp, bột tinh luyện, phẩm màu… Những thực phẩm chế biến sẵn cũng thiếu chất dinh dưỡng cơ bản như chất xơ, các vitamin, enzim tiêu hóa và cả tinh bột thô. Thường xuyên ăn rau quả tươi, cháo, cơm, sữa chua… rất tốt cho sức khỏe. Với các loại thịt, hãy luộc, hấp, thay vì chế biến nướng, quay, rán, xào. Đặc biệt, hạn chế dùng túi nhựa, chai nhựa, hộp nhựa để đựng thức ăn. Các nhà nghiên cứu về độc tố trong môi trường tại trường đại học Amsterdam, Hà Lan, cho biết hạt nhựa cực nhỏ (Microplastics) có thể khiến cơ thể nhiễm độc tố, đột biến gen di truyền, làm chết các tế bào trong cơ thể. Vì vậy, sử dụng túi vải, túi giấy thay thế túi nilon khi đi chợ, dùng hộp đựng thức ăn bằng sứ, thủy tinh, inox thay vì hộp nhựa.
- Vận động thường xuyên: Khi cơ thể khỏe mạnh, thông khí phổi tốt, khả năng miễn dịch sẽ tăng, lúc đó các tế bào lạ cũng ít có cơ hội phát triển thành khối u. Chạy bộ, đạp xe đạp, bơi, yoga, thiền, gym… được nhiều chuyên gia sức khỏe khuyên bạn tập thường xuyên.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Khám sức khỏe định kỳ giúp bạn phòng và phát hiện bệnh sớm. Bạn cảm thấy khỏe mạnh, chưa có các triệu chứng bệnh song thực tế nhiều bệnh đã có thể đang âm thầm phát triển. Đặc biệt, với bệnh ung thư, khám sức khỏe định kỳ cần thiết để phát hiện sớm và điều trị bệnh hiệu quả. Hơn 70% bệnh nhân ung thư tới bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị khó khăn và tốn kém.
Các nguyên nhân gây ra bệnh ung thư phổi
Ung thư phổi xảy ra khi các tế bào trong phổi bắt đầu tăng sinh không thể kiểm soát nổi. Các tế bào ung thư này xuất phát từ phổi lan đến các hạch xung quanh khí quản, đến xương, gan, não và tất cả các bộ phận trong cơ thể. Hút thuốc là thủ phạm đầu tiên gây ung thư phổi và nhiều người vẫn nghĩ chỉ những ai hút thuốc mới mắc ung thư phổi. Nhưng sự thật không phải vậy, còn có nhiều yếu tố nguy cơ khác cũng là những nguyên nhân gây ra căn bệnh chết người này.để ngăn ngừa ung thư phổi, bạn hãy kiểm tra các yếu tố nguy cơ sau thật cẩn thận nhé!
- Hút thuốc: Nguy cơ ung thư phổi tăng theo lượng thuốc lá hút mỗi ngày. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hút thuốc lá gây ra 70% các trường hợp tử vong do ung thư phổi trên toàn thế giới. Nghiên cứu cho biết một người nghiện thuốc lá trước năm 15 tuổi có nguy cơ ung thư phổi cao gấp 4 lần so với người hút thuốc trễ hơn 10 năm, tức là sau 25 tuổi. Một nghiên cứu mới đây còn nhận thấy việc bỏ hút thuốc trên 10 năm, sẽ giảm nguy cơ ung thư phổi từ 30 – 50%. Khói thuốc lá chứa khoảng 40 chất gây ung thư như nicotin, acetone, oxide carbon, arsen, benzene, hydrogen cyanide, formaldehyde, ammonia…
- Hít phải khói thuốc lá: Những người không hút thuốc nhưng tiếp xúc với việc hút thuốc thụ động cũng có thể bị tác hại đến phổi và có thể bị ung thư phổi.Một khảo sát của Mỹ nhận thấy những người sống chung với người nghiện thuốc lá có nguy cơ ung thư phổi cao hơn từ 20 – 30%.
- Uống nước nhiễm arsen: Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Môi trường, nước uống có chứa arsen có thể gây ung thư phổi. Nước thải công nghiệp và thuốc trừ sâu dùng trong nông nghiệp, thuốc phun hoa quả, và các chất phụ gia là các đầu mối chính gây ô nhiễm arsen vào nguồn nước ngầm. Chính vì thế, những người sử dụng nước từ giếng khoan có nguy cơ uống nước nhiễm arsen cao nhất, theo The Health Site.
- Tiếp xúc với amiăng: Thông thường, những người làm việc trong các khu mỏ bị phơi nhiễm với amiăng, đó là chất gây ung thư. Chúng có khả năng gây ung thư phổi. Amiăng nguy hiểm khi ở dạng bụi, chủ yếu ở khâu khai thác, sản xuất và vận chuyển cũng như chế biến. Các công việc phát sinh bụi amiăng trong sản xuất gồm các công đoạn nổ mìn, khoan, nghiền, trộn, xé bao… hay trong xây dựng như khoan, cắt, phá dỡ đập các tấm vật liệu có chứa amiăng như tấm lợp…Bụi amiăng là tác nhân gây ung thư phổi, bụi phổi, ung thư biểu mô ác tính, tràn dịch màng phổi. Bụi amiăng vào phổi gây tổn thương lâu dài, tạo ra khối u, biến đổi thành khối u ác tính. Người hít phải bụi amiăng thường phát bệnh sau 20 – 30 năm.
- Tiền sử gia đình: Người có cha mẹ, anh chị em, hoặc con bị ung thư phổi cũng có thể mắc bệnh này.
Các phương pháp điều trị ung thư phổi hiện nay
Hiện có nhiều biện pháp điều trị ung thư phổi. Việc điều trị bệnh theo phương pháp nào còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh, tình hình phát triển, loại ung thư phổi… Một số phương pháp điều trị ung thư phổi đang được áp dụng phổ biến hiện nay là:
- Phẫu thuật ung thư phổi: Phẫu thuật là phương pháp điều trị triệt căn, đặc biệt là với những trường hợp được chẩn đoán ung thư phổi ở giai đoạn sớm. Nguyên nhân là bởi khi đó khối u còn nhỏ, chưa di căn, sức khỏe bệnh nhân chưa bị ảnh hưởng nhiều nên đáp ứng điều trị khá tốt. Phương pháp phẫu thuật thường được tiến hành để loại bỏ hoàn toàn thùy phổi chứa khối u và bóc hạch. Sau phẫu thuật, khả năng chữa lành bệnh của người bệnh ung thư phổi là rất cao. Trường hợp ung thư phổi không tế bào nhỏ tỷ lệ sống trên 5 năm là khoảng 50%. Tuy nhiên, tại nước ta, số trường hợp được phát hiện bệnh sớm là rất ít nên phương pháp phẫu thuật thường ít khi được thực hiện và hiệu quả không tốt như kỳ vọng.
- Xạ trị ung thư phổi: Khi xét đến ung thư phổi và cách điều trị, xạ trị là phương pháp được áp dụng khá phổ biến. Phương pháp này được sử dụng để điều trị ung thư phổi trong trường hợp khối u to nhưng chưa lây lan đến những cơ quan khác. Xạ trị sử dụng các máy chiếu tia năng lượng cao (tia X, tia gamma, proton,…) giúp tiêu diệt tế bào ung thư, phá hủy khối u, làm khối u phát triển chậm hơn. Với bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn III, không được chỉ định phẫu thuật có thể điều trị hóa xạ trị đồng thời hoặc tuần tự để thu được hiệu quả chữa bệnh tốt nhất. Phương pháp xạ trị có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe bệnh nhân. Các biến chứng sớm xuất hiện sau một vài ngày là: chán ăn, buồn nôn, đỏ vùng da chiếu xạ, rụng tóc,… Một số biến chứng muộn sẽ xuất hiện sau đó là: viêm da, đau rát, khô da, sưng tấy da, viêm gan, xơ gan,…Ung thư phổi xạ trị sống được bao lâu? Thời gian sống của bệnh nhân dài hay ngắn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: loại ung thư, thời điểm phát hiện và điều trị bệnh, thể trạng của bệnh nhân, chế độ chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng,…
- Hóa trị ung thư phổi: Hóa trị ung thư phổi chủ yếu được áp dụng cho những bệnh nhân đã bước sang giai đoạn muộn. Ung thư phổi và cách điều trị hóa chất chủ yếu được áp dụng cho những bệnh nhân đã bước sang giai đoạn muộn, khi tế bào ung thư đã lây lan rộng. Hóa trị giúp tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn chặn di căn ung thư. Ngoài ra, hóa trị cũng được sử dụng kết hợp với một vài liệu pháp khác như phẫu thuật hoặc xạ trị điều trị ung thư phổi giai đoạn 4 để làm giảm kích thước khối u, tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể. Do thuốc được đưa vào cơ thể bệnh nhân theo đường tĩnh mạch nên sẽ gây ảnh hưởng tới một số cơ quan khỏe mạnh khác. Vì vậy, phương pháp điều trị ung thư phổi này cũng gây ra nhiều tác dụng phụ như: thiếu máu, buồn nôn, nôn ói, cơ thể suy kiệt, thiếu chất, suy giảm miễn dịch, rụng tóc, giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng,…
- Điều trị đích ung thư phổi: Bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ liên quan tới các đột biến gen (được xác định thông qua các xét nghiệm sinh học phân tử. Từ đó, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị nhắm trúng đích để tiêu diệt các tế bào ung thư nhưng ít gây ảnh hưởng tới tế bào lành, ít gây tác dụng phụ. Phương pháp này giúp cải thiện thời gian sống và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
- Điều trị miễn dịch ung thư phổi: Điều trị miễn dịch giúp tạo miễn dịch chủ động cho cơ thể, có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư nhờ việc phát hiện ra các điểm kiểm soát tế bào ung thư. Hiện có một số thuốc điều trị miễn dịch như Durvalumab, Pembrolizumab,… Tuy nhiên, giá các loại thuốc này thường rất cao.
Ngoài các phương pháp điều trị kể trên, các nhà khoa học trên thế giới vẫn đang tích cực nghiên cứu để tìm kiếm các phương pháp điều trị có hiệu quả nhất đối với bệnh nhân bị ung thư phổi. Bên cạnh những phương pháp điều trị, cũng rất cần sự tiếp sức từ phía gia đình, người thân để người bệnh có thêm động lực chiến đấu với bệnh.
Người mắc bệnh ung thư phổi nên làm gì?
Mặc dù là một căn bệnh nan y khá nguy hiểm, thế nhưng cơ hội dành cho những người mắc ung thư phổi là vẫn còn. Nhờ những tiến bộ của khoa học kỹ thuật ngày nay, bệnh nhân ung thư phổi đã có thêm nhiều những hy vọng mới trong quá trình điều trị và chữa bệnh. Nhiều người cho rằng việc bị bệnh ung thư là “làm bạn với tử thần”. Đây là một quan điểm sai lầm. Việc chữa khỏi bệnh ung thư là hoàn toàn có thể. Theo các bác sỹ chuyên khoa, sau khi người bệnh phát hiện ra mình không may mắc phải căn bệnh này, cần áp dụng một số lời khuyên sau:
- Giữ tâm lý ổn định + Suy nghĩ tích cực: Đối với bất kỳ loại bệnh ung thư nào, kể cả ung thư phổi, việc phát hiện sớm bệnh bao nhiêu càng có cơ hội chữa khỏi bệnh bấy nhiêu. Tuy nhiên, nhiều dấu hiện ban đầu của bệnh thường không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với một số bệnh khác. Do đó, mỗi cá nhân nên trang bị thêm cho bản thân kiến thức về bệnh, đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để luôn cập nhật trạng thái sức khỏe một cách chính xác nhất. Không chỉ người bệnh mà cả bản thân người nhà của bệnh nhân cũng phải giữ cho mình sự ổn định về mặt tâm lí. Việc giữ cho mình tâm lý ổn định, không chỉ giúp cho quá trình điều trị có thêm những thuận lợi, mà còn giúp cho cơ thể có thể sản sinh ra nhiều tế bào miễn dịch hơn, từ đó có thể nâng cao sức đề kháng, giúp cơ thể có khả năng tự chiến đấu với bệnh. Suy nghĩ tích cực: Người ta thường nói “tâm tưởng thì sự thành”. Việc luôn giữ tâm trạng ổn định, thư thái, suy nghĩ lạc quan, tích cực cũng góp phần rất lớn vào việc chiến đấu chống lại bệnh ung thư.
- Chế độ sinh hoạt hợp lý + Lối sống điều độ: Chế độ sinh hoạt cho người mắc bệnh ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng luôn cần được để ý và quan tâm. Bên cạnh việc người nhà thường xuyên ở bên động viên và chăm sóc, người bệnh cũng có thể tự tập cho mình một số thói quen sống lành mạnh như tập thiền, tập thể dục nhẹ, ăn nhiều rau xanh và hoa quả, tuyệt đối kiêng các chất kích thích, rượu bia… để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh. Người bệnh ung thư thường có suy nghĩ ăn uống đạm bạc, càng thiếu chất càng tốt. Điều này chưa thực sự chính xác. Bởi nếu không cung cấp chất dinh dưỡng, tế bào ung thư không có dinh dưỡng để sống và phát triển. Tuy nhiên, nếu ăn thiếu chất, cơ thể con người cũng sẽ bị mất đi sức đề kháng, khiến cho các bệnh khác dễ dàng tấn công. Do đó, cần tuân thủ theo chế độ dinh dưỡng của bác sỹ và các chuyên gia dinh dưỡng để nâng cao cơ hội chữa khỏi bệnh. Ngoài ra, cần tránh tuyệt đối các chất kích thích, đặc biệt là thuốc lá. Trong quá trình trước và sau khi phát hiện bệnh ung thư, người bệnh luôn cần tập luyện đều đặn hàng ngày để giữ thể trạng của mình luôn ổn định. Việc tập luyện thể thao hoặc vận động nhẹ nhàng mỗi ngày không chỉ giúp nâng cao sức đề kháng mà còn giúp người bệnh quên đi những suy nghĩ bi quan về tình trạng sức khỏe.
- Tuân thủ theo các phương pháp điều trị: Nhiều người bệnh có tâm lý là “có bệnh thì vái tứ phương” nên ngoài các biện pháp điều trị ở bệnh viện, còn tự ý mua thuốc nam, thuốc bắc cho người bệnh uống. Điều này cực kỳ nguy hiểm và không nên. Hãy tuân thủ triệt để theo chỉ dẫn của bác sỹ tại các bệnh viện nơi người bệnh điều trị.
Một lần nữa, xin khẳng định lại rằng, cơ hội chữa khỏi bệnh ung thư phổi nói riêng và các bệnh ung thư khác nói chung luôn rộng mở với tất cả các bệnh nhân.
Bệnh ung thư phổi là gì?
Ung thư phổi là căn bệnh gây ra do các tế bào bị đột biến trong đường dẫn khí ở các mô phổi. Đây là loại bệnh ung thư phổ biến đứng thứ 2 ở nam giới và đứng thứ 3 ở nữ giới về số người mắc.Có 2 loại ung thư phổi chính, đó là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Để xác định được loại ung thư phổi, thường phải quan sát trực tiếp trên kính hiển vi.
- Ung thư phổi tế bào nhỏ (Small Cell Lung Cancer – SCLC): Ung thư phổi tế bào nhỏ có tốc độ phát triển khá nhanh, và có khả năng lây lan nhanh chóng vào máu, cũng như một số bộ phận khác trên cơ thể. Thông thường, khi phát hiện thì bệnh đã có tiến triển khá nặng. Do đó, hóa trị là phương án tối ưu cho những ai không may mắc phải loại ung thư phổi này.
- Ung thư phổi không tế bào nhỏ (Non Small Cell Lung Cancer – NSCLC): Đây là loại ung thư phổi phổ biến hơn và có tốc độ lây lan chậm hơn loại ung thư phổi tế bào nhỏ. Trong trường hợp phát hiện sớm bệnh, bằng các phương pháp điều trị như hóa trị và xạ trị có thể giúp người bệnh chữa khỏi căn bệnh này. Theo thống kê, có đến 80% số bệnh nhân mắc ung thư phổi là ung thư phổi không tế bào nhỏ. Trong loại bệnh ung thư phổi này, còn có 3 nhóm nhỏ là ung thư phổi tuyến, ung thư phổi biểu mô tế bào vảy và ung thư phổi biểu mô tế bào lớn.
Triệu chứng ung thư phổi điển hình
Nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư phổi không hề có triệu chứng nào, chỉ được phát hiện do khám sức khỏe định kỳ hay khám bệnh liên quan, hoặc khi biến chứng nặng. Triệu chứng ung thư phổi có thể chia thành các nhóm: triệu chứng phế quản, dấu hiệu lan tỏa và dấu hiệu ngoài phổi. Có thể nhận biết ung thư phổi với những hội chứng đặc trưng.
- Triệu chứng ung thư phổi ở phế quản: Triệu chứng phế quản là đặc trưng nhất ở ung thư phổi, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện:
- Ho nhiều, ho dai dẳng: Dấu hiệu này giống với các bệnh cảm mạo thông thường vì vậy nhiều bệnh nhân không đi kiểm tra. Trên thực tế, ho dai dẳng kéo dài dẫn đến khàn tiếng, mất tiếng có thể do phổi gây ra do viêm phổi hoặc nhiễm trùng phổi.
- Đờm có lẫn máu: Ngay cả khi lượng máu lẫn trong đờm nhỏ thì bạn cũng nên đến bệnh viện để kiểm tra lại sức khỏe của mình.
- Viêm phế quản, viêm phổi tái phát nhiều lần: Nếu bạn bị viêm phổi, viêm phế quản đã được điều trị cho hết ho, hết sốt nhưng trên X quang vẫn thấy tổn thương tồn tại trên 1 tháng thì rất có thể bạn đã bị ung thư phổi.
- Dấu hiệu ung thư phổi lan tỏa: Bệnh nhân sẽ gặp các dấu hiệu sau khi khối u ung thư phổi lan tỏa:
- Thở khó khăn, nặng nhọc, thở khò khè: Bởi đây không phải một triệu chứng nghiêm trọng cho nên khiến nhiều người chủ quan. Tình trạng này xuất hiện do khối u ở phổi gây ra, cản trở quá trình hô hấp của bạn.
- Đau tức ngực: Đây là dấu hiệu điển hình nhất của bệnh ung thư phổi. Cơn đau thường xuất hiện mỗi khi người bệnh hoạt động mạnh, ho hay cười nói. Thường đau ở bên tổn thương, kiểu thần kinh liên sườn, hoặc không rõ địa điểm đau, có khi lên bả vai, mặt trong cánh tay
- Khó nuốt: Khi khối u chèn ép thực quản.
- Nói khàn: Biến đổi giọng do thần kinh quặt ngược bị khối u chèn ép.
- Triệu chứng tĩnh mạch chủ trên bị chèn ép: Tĩnh mạch chủ trên bị khối u ung thư phổi chèn ép sẽ gây: cổ bạnh to, phù mặt, tĩnh mạch cổ nổi rõ, hố trên xương đòn đầy.
- Triệu chứng tràn dịch màng phổi: Khi khối u ung thư phổi đã xâm lấn ra màng phổi thì có thể gây tràn dịch màng phổi, có thể chẩn đoán xác định dựa trên khám lâm sàng và chụp X quang.
- Bên cạnh đó, một số bệnh nhân ung thư phổi còn bị: hẹp khe mí mắt, đỏ nửa mặt, nhãn cầu tụt, đồng tử nhỏ…Các triệu chứng ung thư phổi khác.
Bệnh nhân có thể gặp các dấu hiệu ung thư phổi điển hình của ung thư sau:
- Gầy sút nhanh, sút cân nhanh không rõ nguyên do.
- Đau các khớp xương ở cổ chân, cổ tay, bàn ngón tay, ngón chân.
- Đau vai: Hiện tượng này xảy ra khi có một khối u phát triển và chèn lên phần trên của phổi tạo áp lực dẫn đến đau nhức ở vai, cánh tay, bàn tay.
- Ăn không ngon hoặc mệt nhiều
- Nổi hạch ở cổ, hố trên đòn.
- Ngón tay khum, đầu ngón tay ngón chân to.
- To vú ở nam giới.
Chẩn đoán bệnh ung thư phổi như thế nào?
Chẩn đoán sớm có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện, điều trị ung thư phổi kịp thời. Trong số các phương pháp chẩn đoán, chụp x quang ung thư phổi có tính chính xác cao, giúp bác sĩ dễ dàng phát hiện khối u bất thường trong phổi của bệnh nhân.
Các phương pháp chẩn đoán ung thư phổi
- Tiền sử và khám lâm sàng: bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về tiền sử mắc bệnh trong gia đình và thăm khám ban đầu thông qua quan sát, nghe phổi,…
- Chụp x quang phát hiện ung thư phổi: là phương pháp chụp các cơ quan, xương bên trong ngực. X-quang là một loại tia năng lượng có khả năng đi qua cơ thể và hiển thị hình ảnh của khu vực bên trong cơ thể trên phim chụp. Phương pháp này có thể phát hiện bất thường hoặc khối u trên phổi nhưng có thể bỏ qua những khối u có kích thước quá nhỏ. Vì vậy, bên cạnh chụp X quang ung thư phổi, người bệnh thường được chỉ định kết hợp với chụp CT lồng ngực.
- Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực (chụp CT): là phương pháp sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh mặt cắt ngang của ngực và bụng trên, giúp bác sĩ phát hiện các bệnh lý ở xương sườn, màng phổi, nhu mô phổi, phế quản, mạch máu, tim, trung thất,… Đặc biệt, phương pháp này có thể phát hiện ra những tổn thương có kích thước nhỏ dưới 1mm, hiệu quả hơn chụp X quang ung thư phổi.
- Xét nghiệm đàm: xét nghiệm đàm qua kính hiển vi giúp bác sĩ có thể phát hiện ra tế bào ung thư. Tuy nhiên, vì xét nghiệm này không nhạy nên bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm các xét nghiệm khác nếu xét nghiệm đàm âm tính và có nghi ngờ ung thư phổi.
- Soi phế quản: là phương pháp sử dụng một ống soi mềm có đèn chiếu sáng đưa vào khí quản qua mũi. Một mẫu nhỏ của khối u nghi ngờ có chứa tế bào ung thư sẽ được làm sinh thiết dưới kính hiển vi. Trước khi làm thủ thuật, bệnh nhân sẽ được cho ngủ hoặc xịt thuốc tê tại chỗ vào thành họng để giảm triệu chứng khó chịu.
- Sinh thiết xuyên thành ngực: dưới hướng dẫn của CT scan, bác sĩ sẽ dùng kim chọc qua ngực bệnh nhân để lấy mẫu khối u nghi ngờ có chứa tế bào ung thư phổi để thực hiện quan sát dưới kính hiển vi và chẩn đoán bệnh một cách chính xác.
- Phẫu thuật nội soi lồng ngực: là thủ thuật xâm lấn nên bệnh nhân sẽ được gây mê. Nội soi lồng ngực tương tự nội soi phế quản nhưng ống soi sẽ được luồn qua lỗ thông mở ở cổ, cho phép bác sĩ kiểm tra hạch trung thất có bị tế bào ung thư xâm nhập hay không.
Có thể bạn thích: