Ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 đang đến rất gần, nhưng không phải ai trong mỗi chúng ta cũng biết rõ mọi thông tin về ngày này. Vì vậy trong bài viết này, TopChuan.com sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin hữu ích nhất về ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 nhé.
Ý nghĩa của ngày giỗ tổ Hùng Vương 10-3
Ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/3 chính là ngày lễ nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, công ơn của những người đi trước. Theo tục lệ hàng năm, ngày giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Đây là dịp con cháu từ mọi miền đất nước trở về đây bày tỏ lòng biết ơn với những người đi trước.
Vào ngày 6-12-2012, ý nghĩa của giỗ tổ Hùng Vương đã được cả thế giới biết đến khi UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Giờ đây, ý nghĩa ngày giỗ tổ Hùng Vương 10-3 không chỉ thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc mà nó còn là niềm tự hào của người Việt trước bạn bè quốc tế.
Kể từ năm 2007, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chính thức công nhận giỗ tổ Hùng Vương là Quốc lễ. Từ đó, ngày này có ý nghĩa đặc biệt hơn với con dân người Việt.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Trong hồ sơ đề trình UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hoá thế giới đã nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đấy là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc liên hệ giá trị đó. Vì vậy, ngày 6.12.2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nguồn gốc của ngày giỗ tổ Hùng Vương
Truyền thuyết kể lại rằng: Kinh Dương Vương sinh một con trai, sau nối ngôi vua cha niên hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân sau đó lấy Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở ra một trăm người con là tổ tiên của người Bách Việt. Một hôm vua Lạc Long Quân bảo bà Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”. Vì vậy, năm mươi người con đã nghe theo mẹ lên núi, năm mươi người con nghe theo cha về miền biển. Lạc Long Quân phong cho con trưởng Hùng Vương nối ngôi, làm vua. Trải qua 18 đời, Hùng Vương thứ 18 đã nhường ngôi cho Thục Phán – An Dương Vương.
Để ghi nhớ công ơn của các Vua Hùng có công khai thiên, lập địa, vua Lê Thánh Tông năm 1470 và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng ẩn kiềm để tại Đền Hùng, và chọn ngày 11 và 12 tháng 3 âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Đến thời nhà Nguyễn – năm Khải Định thứ 2 đã chính thức chọn ngày 10 tháng 3 Âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ các Vua Hùng và nhắc nhở mọi người Việt Nam cùng tưởng nhớ thờ cúng Tổ tiên.
Nơi nào nên đến trong Lễ hội Đền Hùng?
Đến Đền Hùng, sau khi làm lễ, những nơi bạn nên đến thăm tiếp theo là:
- Bảo tàng Hùng Vương – nơi lưu giữ các hiện vật cổ Nhà nước Văn Lang, thời đại Hùng Vương dựng nước và giữ nước;
- Triển lãm ảnh âm nhạc với chủ đề “Văn hóa đất Tổ – cội nguồn dân tộc Việt Nam” gắn với triển lãm mỹ thuật của các họa sỹ Hàn Quốc và Phú Thọ;
- Triển lãm tác phẩm đá chủ đề “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Việt Nam”;
- Triển lãm hình ảnh về di sản hát Xoan Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ…
Dâng lễ gì trong Lễ hội Đền Hùng?
Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh (nhà nghiên cứu văn hóa dân gian) việc dâng lễ nên tùy vào duyên cảnh của mỗi người. Ngoài hai loại bánh mang biểu tượng của ngày giỗ Tổ là bánh chưng, bánh dày, mọi người cũng có thể dâng hương hoa hay lễ mặn là xôi – gà…
Điều quan trọng chính là ở sự chân thành chứ không phải ở cái lễ. “Dâng lễ vật lên tổ tiên không quan trọng ở vật chất mà nên dâng những cái tinh túy nhất, mang giá trị tinh thần chứ mâm cao cỗ đầy mà không chân thành cũng mất đi giá trị. Du khách có thể về với Đền Hùng chỉ cần thắp một nén hương để thể hiện tấm lòng hướng về ngày giỗ Tổ và cầu ý mong mỏi cho bản thân một điều gì đó. Tệ hại nhất là cúng ê hề, mâm cao cỗ đầy nhưng thiếu sự thành kính. Muốn lễ đúng phải lễ đủ nội dung là: Tạ ơn, sám nguyện, cầu nguyện, hứa nguyện sau đấy mới đến dâng lễ”.
Thời gian diễn ra
Hằng năm, Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày mồng 10 tháng Ba âm lịch, tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ.
Trước đó hàng tuần, lễ hội đã diễn ra với nhiều hoạt động văn hoá dân gian sôi nổi và kết thúc vào ngày 10 tháng Ba âm lịch với Lễ rước kiệu và dâng hương tại Đền Thượng.
Quy mô tổ chức
Tại Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 06.11.2001 về Nghi lễ Nhà nước, trong đấy có nội dung quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương, cụ thể như sau:
– “Năm chẵn” là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “0”; Bộ Văn hoá – Thông tin và Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ hội; mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự Lễ dâng hương.
– “Năm tròn” là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “5”; Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự Lễ dâng hương.
– “Năm lẻ” là số năm kỷ niệm có các chữ số cuối cùng còn lại. Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời lãnh đạo Bộ Văn hoá – Thông tin dự lễ dâng hương và tổ chức các hoạt động trong lễ hội.
Ngày 02.4.2007, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10.3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn – QUỐC LỄ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.
Có thể bạn thích: