Thiên nhiên, có lẽ đã ưu ái cho vùng đất của đồng bằng sông Cửu Long nói chung và các tỉnh miền Tây nói riêng. Đi đâu chúng ta cũng thấy cây cối, hoa màu xanh tươi. Các loài cây dân dã ấy gắn bó với cuộc sống người miền quê tự nhiên như hơi thở, chứa đựng hồn quê thân thương, ngọt lành.
Lau sậy
Ở miền sông nước Nam bộ, đi đâu cũng gặp lau sậy. Sậy mọc hoang đã từng gây rất nhiều khó khăn cho quá trình tìm đất cấy lúa, trồng khoai của người xưa. Thế nhưng với bàn tay và khối óc thông minh, người miền Tây đã biến sậy từ loại cây cỏ hoang dại trở nên hữu ích cho đời sống. Sậy gắn bó với cuộc sống người miền quê, đi cùng những tên làng, tên xã thân thương như: Tắc Sậy, Bãi Sậy, Đồng Sậy.
Cha ông ta từ ngày trước đã biết dùng sậy lợp nhà, dừng vách để che nắng che mưa. Trong những năm tháng kháng chiến, đặc biệt là trong cuộc trường chinh chống Mỹ cứu nước, những bờ lau sậy để từng che chở cho các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta. Theo thời gian, những mái sậy được thay bằng mái lá dừa nước, mái tôn nhưng sậy vẫn hiện diện trong mỗi ngôi nhà quê. Những thân sậy rắn rỏi, rám nắng kết lại thành những dãy hàng rào vững chắc, những viền cây uốn lượn duyên dáng nơi miền thôn dã.
Ở miền sông nước Nam bộ có rất nhiều dụng cụ để đánh bắt cá tôm ngoài tự nhiên, đăng sậy là 1 trong các số đó. Người miền quê tay lấm chân bùn cần lắm những thân sậy rắn rỏi qua bao mưa nắng để đan thành những tấm đăng bắt cá.
Nội tôi nói dưới tán rừng U Minh này, cây nào dây nào cũng quý, nhưng chỉ cây sậy và dây choại mới có duyên với nhau. Vì chỉ có cây này mới bện với dây kia thành những tấm đăng để đặt đó xây nò. Dây choại mà ngâm xuống nước thì bện đăng bền chắc vô cùng.
Người miền Tây không xem sậy như một cỏ dại mọc hoang mà trân trọng, nâng niu như một loài cây đặc trưng của đất phương Nam. Sậy được con người quan tâm đến từng mùa, gắn bó thân thiết như 1 phần máu thịt quê hương. Sậy cũng ân tình, cũng thương người dân quê nhọc nhằn nên hiến dâng hết những tinh túy đời sậy. Biết bao mùa bầu, mùa bí, mùa mướp đắng đã bung củ trái ngọt dưới những dàn sậy mang theo niềm vui được mùa trên quê hương mình.
So đũa
Hằng năm bông so đũa chỉ ra hoa một lần. Khi những cơn gió bấc se lạnh ùa về cũng là thời điểm so đũa trổ bông. Những chùm bông trắng muốt, đong đưa xen lẫn nụ búp lúng liếng trong gió. Đến cuối mùa, so đũa bắt đầu ra trái, trái giống như những chiếc đũa treo lủng lẳng trên cành. Có lẽ từ hình ảnh này mà người dân quê gọi tên loài cây này là so đũa.
Bọn trẻ con thường hay rủ nhau đi câu cá và hái bông so đũa đem về cho má, cho bà nấu canh chua. Người lớn dăn muốn ăn được bông so đũa ngon nhất nên hái vào buổi sớm mai, khi từng chùm hoa còn đọng hơi sương. Mặt trời vừa ló dạng, bông sẽ bắt đầu nở rộ, khoe nhụy vàng dưới nắng. Khi bông so đũa nở toát ra một mùi hương quyến rũ diệu kỳ, thu hút ong bướm và cả lũ trẻ con.
Hái bông so đũa rất vui nhất là đối với bọn con trai hiếu động. Có đứa trèo lên cây, với tay bẻ cả nhánh quăng xuống đất, có đứa dùng sào để giật từng chùm bông. Bọn con gái không biết trèo thì ngồi dưới gốc cây, hứng những chùm bông trắng nõn rơi xuống, lượm bỏ vào giỏ để dành chơi nhà chòi. Chỉ có thế thôi mà sao tôi cứ nhớ mãi, nhớ hoài mùa bông so đũa tuổi giờ đây đã xa rồi!
Môn nước
Ven các con sông, các kênh rạch người ta luôn bắt gặp các loại cây cỏ tưởng chừng như là thứ bỏ đi, nhưng chúng nó lại là thứ rau đồng rất sạch và rất ngon, trong đó có cây môn nước.
“Đói ăn rau, đau uống thuốc”, câu thành ngữ ấy đã gợi nên một thói quen, 1 cách ăn độc đáo của người Nam bộ: ăn rất nhiều rau trong bữa cơm. Rau bổ dưỡng, lại hợp với lối sống bình dị của người nông thôn. Từ rau đồng, người dân quê làm ra biết bao món dưa ngon.
Nguyên liệu làm dưa nhiều vô kể nhưng người ta dám nghĩ đến dùng cây môn ngứa làm dưa thì quả thật là một ý tưởng táo bạo. Cha ông mình chắc ngày trước phải bỏ nhiều công sức mới khám phá ra món ăn có một không hai này ngay thời khai hoang lập ấp. Những người có kinh nghiệm chọn lựa rất kỹ ngay từ khi đi cắt bẹ môn. Những bụi môn dầm mình trong nước làm dưa là ngon nhất!Môn nước sống trọn vẹn và ý nghĩa khi cống hiến cho con người tận hết những tinh túy vốn có của mình. Tạo hóa thật kì diệu khi ban cho môn những chiếc lá to đẹp và mướt xanh!
Ông bà xưa hay nói “Nước đổ lá môn” ý chỉ sự hoài công, khuyên can, dạy bảo đều vô ích như lá môn muôn đời không thấm nước. Nhờ đặc điểm này nên dùng lá môn để gói xôi thì hết ý.
Ngày nay, người ta bắt đầu tận dụng tối đa từng diện tích đất. Những mương vườn bị san lấp, các mé sông được nạo vét làm bờ bao thủy lợi. Nơi môn nước sống bị thu hẹp dần theo năm tháng. Những món ăn được chế biến từ loài cây này cũng ít người biết làm hơn trước Nhưng đâu đó thấp thoáng trong miền ký ức của biết bao người dường như vẫn còn đó – vẹn nguyên hình ảnh cây môn nước miền thôn dã.
Cây môn nước đã từng gắn bó suốt cả một tuổi thơ ngọt ngào. Rồi mai đây những đứa trẻ này sẽ lớn lên, sẽ đi xa. Tôi tự hỏi chúng có còn nhớ những lúc giành nhau bẻ từng lá môn che mái đầu; có còn nhớ con đường môn nước mọc lá chen lá ngày hai buổi đi, về. Nhưng tôi biết chắc một điều rằng những triền môn nước sẽ mãi mướt xanh trong tâm hồn bao người, từ lúc sinh ra đến khi về đất, gắn bó trọn vẹn một kiếp người – một đời môn.
Bồn bồn trắng
Hoa của cây bồn bồn giống như những cây nhang cắm ở dưới nước, nên bồn bồn còn có tên là Thủy hương. Người ta còn gắn cho nó nhiều cái tên khác như: Hoàng bồ; Thủy hương bồ; Cỏ nến hay Hương bồ thảo… nhưng người dân quê tôi vẫn thích gọi cái tên bồn bồn nghe bình dị, dân dã hơn.
Mùa hái bồn bồn rộ nhất là vào mùa nước nổi, khoảng tháng 6 đến tháng 11 âm lịch. Khi ấy bồn bồn hấp thụ nhiều phù sa lớn nhanh, cu hủ non thơm giòn hơn. Đi nhổ bồn bồn chỉ cần nắm chặt thân rồi lôi lên, chặt bỏ phần lá, tước vỏ ngoài, lấy đoạn dưới mà thôi. Bồn bồn có thể biến tấu ra nào là dưa chua chấm với cá rô kho tộ; bồn bồn nhúng giấm, nhúng mẻ; nấu lẩu canh chua với cá ngát, cá rô, cá trê, cá lóc; bồn bồn nấu canh dừa; xào tôm, thịt; làm gỏi… Bồn bồn cũng có thể ăn sống như những loại rau đồng khác ở miền quê.
Từ cây cỏ hoang dại bồn bồn đã để lại biết bao nỗi nhớ. Và nó mãi mãi “lưu trú” trong bữa cơm gia đình của người dân quê.
Về quê ăn món bồn bồn
Xa quê thấy dạ bồn chồn, quắt quay.
Bình bát
Bình bát là tên gọi chung của 2 loại thực vật, một loại thân gỗ, một loại thân leo. Đối với người lớn, người ta dùng bình bát làm củi đốt, bện võng từ vỏ cây bình bát. Đối với trẻ em, tuổi thơ gắn bó với những buổi trèo hái bình bát, lội sông nhặt bình bát rụng là kí ức khó bao giờ quên. Riêng món bình bát dầm đường của mẹ thì đứa trẻ miền Tây nào đã từng ăn một lần cũng còn nhớ hoài vị ngọt nơi đầu lưỡi. Ngoài ra bình bát còn một giống nữa là bình bát dây (thân leo), được dùng để nấu canh với cá trê vàng vô cùng thơm ngon.
Hoa sen Đồng Tháp Mười
Thiên nhiên đã ưu ái cho miền Tây nhiều loài cây thủy sinh vừa hữu ích, vừa có giá trị kinh tế, trong đó có sen. Sen miền Tây nở quanh năm từ những tháng mùa khô đến mùa nước nổi. Cũng chính vì đặc điểm này mà miền Tây trở thành 1 trong các những vựa sen lớn của cả nước.
Không mang vẻ đẹp quý phái, kiêu sa như những loài hoa khác, hoa sen vẫn ẩn chứa nét cuốn hút riêng bởi sự mộc mạc, hồn hậu. Thật hiếm có loài hoa nào từ chốn ruộng đồng cho đến nơi trang nghiêm mà vẫn toát lên vẻ đẹp vừa gần gũi, vừa thanh thoát như sen.
Đồng sen cho cảnh quê thêm đẹp, và tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình tôi nhờ việc bán hoa sen, gương sen. Mùa sen cũng là mùa mưu sinh của những người nông dân vốn quen hai vụ lúa giờ dần quen thêm một vụ sen.
Sen sống trọn vẹn và ý nghĩa khi cống hiến cho con người tận hết những tinh túy vốn có. Mọi bộ phận sen đều có thể sử dụng được. Bao giờ khi hái sen, má cũng dặn chị em tôi giữ lại một ít bông tươi, vừa hé nhụy để dành làm trà sen.Trên nhụy hoa sen có một hạt nhỏ, màu trắng sữa giống như hạt gạo, còn gọi là gạo sen. Đó chính là thứ tinh túy được chắt lọc ra để ướp trà. Gạo sen phải giữ tránh nắng tránh gió, khỏi khô và bay hương. Người có kinh nghiệm sẽ biết ước lượng thời gian ướp trà với gạo sen cho phù hợp. Có khi phải ướp đi, ướp lại nhiều lần cho hương sen ngấm sâu vào từng cánh trà khô.
Mứt sen trở thành món quà quê quen thuộc với bọn trẻ con ngày ấy. Hương thơm từ những hạt mứt sen ngào đường không sao quên được. Những viên mứt màu hanh hanh vàng, mang theo vị ngọt ngào, tan nhẹ nơi đầu lưỡi. Ăn mứt sen như được trở về với đồng quê lộng gió, nơi có đầm sen tỏa hương ngan ngát, say lòng.
Hoa sen đã vượt qua bùn đất, vượt qua tầng nước đục, rạng ngời dưới ánh nắng mặt trời, tỏa hương thơm tràn ngập không gian. Vẻ đẹp và sức sống của hoa sen cũng như tính cách con người miền Tây.
Mù u
Mới nhìn cây mù u thật lòng không thích vì cái cây gì mà da xù xì xấu xí, trái lại không ăn được nữa. Nhưng nhìn riết rồi cũng quen, tự dưng thấy cây mù u cũng có một nét đẹp thật gần gũi như chính tên gọi của nó vậy. Ở quê miền Tây nhà nào cũng có vài ba cây mù u mọc trong vườn, không cần chăm sóc gì nhiều, mù u cứ thầm lặng lớn lên cùng năm tháng.
Nếu người lớn thích gỗ mù u vì nó chắc bền thì bọn trẻ con lại khoái bẻ trái. Vào tháng chín, mười âm lịch hàng năm là mù u cho trái chín. Bẻ trái mù u vui lắm nhưng sợ nhất là gặp lũ kiến vàng. Lá mù u lớn như lá bàng nên kiến vàng lấy đó làm nơi sinh sống.
Trái mù u chín sau khi mang về nhà, phơi nắng vài ngày cho quả khô lại, đập vỡ vỏ và lấy ruột bên trong. Sau đó dùng chày giã nhuyễn ruột mù u, trộn với bông gòn cho dễ bắt lửa. Cuối cùng mang hỗn hợp quấn vào que tre, que dừa là có thể đốt được. Thỉnh thoảng tôi hay xin mẹ lon sữa bò bỏ đi để làm đèn mù u. Cứ việc bỏ ruột mù u vào lon sữa bò thật đầy, đặt một cái tim ngay giữa và đốt. Tối nào trời không mưa, bọn trẻ con trong xóm tụ họp lại, xách những chiếc lon sữa đèn mù u đi dọc theo đường làng. Âm thanh lách tách khi đèn mù u cháy hòa cùng tiếng đồng ca trong trẻo vang lên khắp đồng quê.
Có thể bạn thích: