Đối với học sinh, trường đại học là một giấc mơ đẹp, mọi khuôn khổ sẽ bị phá vỡ, thỏa sức tung bay. Sẽ không còn những bài giảng lịch sử, văn học chán ngắt, những giờ học toán – lý – hóa khô khan, khó nhằn,… mọi thứ thật tốt đẹp phải không nào? Nhưng sự thật là mọi thứ chỉ mới bắt đầu thôi, lên đại học bạn sẽ được biết tới bài ca “học lại – thi lại” bởi vì trường đại học sẽ có những môn học đáng sợ hơn toán – lý – hóa – văn – sử – địa gấp trăm thậm chí nghìn lần nữa đó. Hãy cùng TopChuan điểm qua những môn học mà bất kì sinh viên nào cũng phải lắc đầu sợ hãi sau đây nhé!
Toán cao cấp
Đây có lẽ là một môn học mà nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường vẫn luôn thắc mắc “tác dụng của toán cao cấp là gì?”
Đối với các bạn theo học các ngành kinh tế, kỹ thuật thì học toán cao cấp là chuyện tất nhiên rồi. Nhưng đối với những ngành xã hội thì toán cao cấp thực sự là một cơn “ác mộng”. Bởi vì mức độ rối rắm cũng như lằng nhằng, khô khan và khó hiểu của những công thức toán học gần như là gấp n lần môn toán học thời học sinh vốn dĩ đã rất khó rồi.
Toán cao cấp vẫn luôn là môn học đại cương gần như là bắt buộc ở tất cả các trường đại học nhưng thực sự là ứng dụng của nó không nhiều.Tình trạng học mà không hiểu mình học gì? Áp dụng vào cái gì? Luôn là câu hỏi của mọi sinh viên dành cho toán cao cấp. Bởi lẽ, dù cho kinh tế hay kỹ thuật đi chăng nữa cũng rất ít trường hợp áp dụng được toán cao cấp vào công việc và cuộc sống sau này chứ đừng nói đến ban xã hội. Gồng mình lên để nhồi nhét những công thức toán học “khủng” đó rốt cuộc chỉ để giải quyết vấn đề nan giải đó là thi hết môn.
Xác suất thống kê
Môn học này được mệnh danh là môn học khó nhất trên thế giới – môn học “tử thần” mà bất kì sinh viên nào mỗi khi được nhắc đến đều không khỏi lo sợ. Vì vậy, nếu trường bạn không có môn này trong chương trình học thì hẳn bạn phải cảm thấy may mắn như thế nào rồi đó.
Là môn học đòi hỏi chất xám và sự chăm chỉ cao độ nên đa số sinh viên đều không qua nổi môn này, hoặc chỉ đủ điểm để không phải học lại, thi lại. Tình trạng học thật nhiều nhưng cũng “rớt” thật nhiều là tình trạng chung của các sinh viên sau khi thi hết môn, việc học lại là chuyện “thường ngày ở huyện”. Thậm chí có nhiều sinh viên phải học đi học lại đến mấy lần môn này.
Nhằm nâng cao tinh thần chiến đấu trên “mặt trận” thi cử xác suất thống kê sinh viên các trường đại học đã lập ra rất nhiều nhóm, hội chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức học tập cũng như thi cử nhưng xem chừng vẫn chưa thật sự khả quan. Hàng năm, tình trạng sinh viên “hi sinh” trên “chiến trường“ xác suất thống kê là một điều không thể tránh khỏi.
Triết học
Đây có lẽ là môn học mà bất kỳ sinh viên nào cũng phải lắc đầu sợ hãi mỗi khi được nhắc đến. Thậm chí nhiều năm sau khi nhắc lại, các cựu sinh viên vẫn không khỏi ám ảnh.
Hầu hết sinh viên khi bước chân vào giảng đường đại học thì môn học phải tiếp cận đầu tiên chính là Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê Nin. Đó là môn học khó với rất nhiều quan điểm, học thuyết khác nhau mang tính hàn lâm và trừu tượng trong một cuốn giáo trình dày cộp. Là môn học đòi hỏi tính tư duy cao, tuy nhiên đối với những sinh viên vừa mới chân ướt chân ráo bước vào cánh cổng đại học thì việc tiếp cận không dễ dàng chút nào.
Bên cạnh đó, việc giảng dạy đối với môn học này còn khá hạn chế, thậm chí là khô khan, không lôi cuốn được sinh viên nên dẫn đến tình trạng sinh viên nghe giảng một chút là bi thảm ngủ, thầy giảng bao nhiêu sinh viên cố gắng chép bấy nhiêu nhưng đến lúc đọc lại thì không hiểu mình đã viết cái gì?
Ngoài ra, vấn đề thi cử cũng là nỗi ám ảnh của hầu hết sinh viên. Giáo trình dày với những lý luận thâm sâu từ những thế kỷ trước khiến cho việc học để nhớ, để hiểu và đi thi trở nên thật xa vời. Dù làm bài luận hay thi vấn đáp thì triết học vẫn luôn là một cửa quan round vô cùng khó khăn. Và thực tế là hầu hết sinh viên chỉ mong sao mình đủ điểm để qua môn chứ không nói đến việc lấy thành tích.
Tiếng Anh
Tiếng anh vẫn luôn là nỗi ám ảnh thường trực của rất nhiều sinh viên hiện nay, đặc biệt là với những bạn sinh viên có nền tảng kiến thức không vững chắc. Thực trạng dạy và học tiếng anh theo phương pháp “cưỡi ngựa xem hoa” là thực trạng chung đã và đang diễn ra ở hầu hết các trường đại học, cao đẳng hiện nay.
Mặc dù là môn học cấp thiết, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới nhưng môn học này vẫn chưa được đầu tư giảng dạy 1 cách đúng đắn và hợp lý. Sở dĩ có tình trạng như vậy là bởi vì:
Thứ nhất, chương trình giảng dạy so với môn tiếng anh của học sinh cấp 3 không có gì mới, phương pháp giảng dạy khô khan và không có sơ hội thực hành các kỹ năng nghe – nói – đọc – viết mà chỉ chăm chăm học từ mới và ngữ pháp theo kiểu học thuộc lòng.
Thứ hai, về phía bản thân sinh viên có sự khác biệt về khả năng tiếng anh khá rõ rệt nhưng lại không được xếp lớp 1 cách hợp lý, những sinh viên học tốt một chút cảm thấy học với những bạn suốt ngày chỉ có “hello, how are you? I’m fine, thank you” thật là nhàm chán và không có không gian phát triển nên họ chọn cách theo học tại các trung tâm.
Thứ ba, có một bộ phận không nhỏ các sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ trở về quê làm việc. Tại đây, công việc và cuộc sống hàng ngày hầu như không bao giờ hoặc hiếm khi phải sử dụng đến tiếng anh nên những sinh viên này không mặn mà gì lắm với môn học này, bởi nếu có học cũng không dùng đến. Vì vậy, tâm lý học để được điểm qua môn đã trở thành tâm lý chung. Điều này khiến cho việc học tập tiếng anh càng trở nên khó khăn hơn.
Thể dục
Mặc dù thể dục là môn học tốt, có lợi cho sức khỏe nhưng đa số sinh viên đều e ngại môn học này bởi vì:
Thứ nhất, hầu hết các trường đại học đều không có cơ sở vật chất phù hợp cho môn học như: sân tập, dụng cụ luyện tập còn thiếu thốn.
Thứ hai, môn học này vẫn luôn được coi là môn phụ và không ảnh hưởng đến bảng điểm ra trường, chỉ cần qua môn là được.
Thứ ba, Thể dục cũng là một loại năng khiếu nhưng sinh viên không được chọn môn thể thao mình yêu thích, giáo trình học còn hạn chế, chủ yếu là những bài tập thể dục giống như học sinh cấp 3 khiến sinh viên cảm thấy nhàm chán. Trong khi sinh viên quốc tế có sân tập bóng chày, bóng rổ, bơi lội… Thì sinh viên Việt Nam học thể dục vẫn là bài tập thể dục tay không “hít vào – thở ra”, chạy bộ… Đây là yếu tố tạo tâm lý chán nản của sinh viên đối với môn học này.
Tư tưởng Hồ Chí Minh và Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam
Đây là hai môn học không quá trừu tượng, không đòi hỏi quá nhiều chất xám nhưng lại là môn học đòi hỏi sự kiên trì và mức độ tỉnh táo vô cùng lớn bởi lẽ đây là hai môn học dễ gây bi thảm ngủ nhất cho những tân sinh viên.
Hai môn học này tạo cảm giác quay lại môn lịch sử lớp 12 nên dễ tạo cho sinh viên có cảm giác vừa thân quen vừa xa lạ, cùng với phương pháp giảng dạy “đọc – chép – rèn luyện vở sạch chữ đẹp” khiến sinh viên nảy sinh tâm lý chán nản.
Đề thi cuối kỳ của hai môn Tư tưởng Hồ Chí Minh và Đường lối cách mạng của Đảng Cộng Sản Việt Nam chủ yếu thi theo hình thức đề mở, đối với những bạn chuyên ban xã hội thì kiểu gì cũng “múa bút” được tàm tạm, nhưng đối với sinh viên khối ngành kinh tế – kỹ thuật thì quả là cực hình. Vì vậy, môn học này khiến không ít sinh viên phải đau đầu.
Logic học
Đây cũng là 1 trong những môn học kinh điển khiến sinh viên e ngại nhất trong số các môn học đại học. Bằng chứng là hầu hết sinh viên đều có điểm học phần môn này không cao, thậm chí phải thi lại, học lại là chuyện hết sức bình thường.
Logic học là một môn học đòi hỏi tính tư duy trừu tượng cao với những ký tự, phép toán và nhiều kiến thức phong phú mang nhiều nội dung về xã hội nhưng phương pháp giảng dạy và tiếp cận chưa phù hợp khiến cho hầu hết sinh viên rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười” vì lúc học cũng thấy ổn ổn đấy nhưng đến lúc thi thì lại đảo lộn tất cả, tình trạng không hiểu đề, không biết cách giải đề là thực trạng chung khi thi logic học.
Có thể bạn thích: