Ai là người có sức ảnh hưởng nhất thế giới? Những người mà tư tưởng của họ có thể định hướng hành động của hàng triệu con người? Trên thế giới ngày nay, có rất nhiều người nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực, từ nghệ thuật đến chính trị hay kinh tế và bất kì ai trong số họ cũng có thể tác động mạnh mẽ đến một nhóm người nhất định. Thế nhưng ai mới là người có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất? Hãy cùng xem điều đó qua danh sách “Những nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất thế giới” trong năm 2016 do Viện Gottlieb Duttweiler (GDI), một tổ chức tư vấn độc lập về kinh tế, xã hội và tiêu dùng có trụ sở tại Thụy Sĩ nghiên cứu và công bố.
Paul David Hewson
Paul David Hewson sinh ngày 10/5/1960 tại Ireland. Anh được biết đến nhiều hơn với nghệ danh Bono, trưởng nhóm nhạc Rock U2. Đây là một nhóm nhạc Rock vô cùng nổi tiếng không chỉ thành công về mặt thương mại mà còn được đánh giá rất cao về chuyên môn. Paul David Hewson là nhạc sĩ và giọng ca chính trong ban nhạc. Các ca khúc của họ thường mang những chủ đề về tôn giáo, xã hội, chính trị.
Ngoài hoạt động nghệ thuật, Paul David Hewson còn là một nhà từ thiện nổi tiếng. Anh cùng những thành viên ban nhạc của mình đã tham gia nhiều hoạt động vì nhân quyền và công bằng xã hội; tổ chức nhiều show diễn quyên góp tiền cho người nghèo. Paul David Hewson là người phát ngôn kiêm đồng sáng lập tổ chức DATA (Debt, AIDS, Trade in Africa) vào năm 2002. Đây là một tổ chức phi chính phủ xuyên quốc gia hoạt động nhằm mục đích dòi lại công lý và bình đẳng xã hội cho các quốc gia châu Phi bằng cách: củng cố sự dân chủ, bài trừ dịch AIDS, thay đổi các luật thương mại hà khắc và hủy bọ nợ từ những nước giàu. Các hoạt động của Paul David Hewson không chỉ tạo nên những thay đổi tích cực mà còn có ảnh hưởng đến hoạt động chính trị của nhiều quốc gia.
Paul David Hewson được tạp chí Time bầu chọn là Nhân vật của năm năm 2005, được Pháp trao tặng Huân chương Nghệ thuật và Ngôn ngữ năm 2013 và từng được đề cử cho giải Nobel Hòa bình ba lần nhờ những nỗ lực không mệt mỏi cho công tác nhân đạo.
Pope Benedict XVI
Pope Benedict XVI có tên thật là Aloisius Ratzinger, sinh ngày 16/4/1927 tại Đức. Ông là vị Giáo Hoàng thứ 265 của Giáo Hội Công Giáo và là người tiền nhiệm của Giáo Hoàng Joseph Francis. Ông đảm nhiệm chức vụ trong thời gian từ năm 2005 – 2013. Pope Benedict XVI nổi tiếng với phong cách lãnh đạo quyết liệt và mạnh mẽ. Trong thời kì tại chức, chủ trương của ông là ủng hộ các quan điểm và nghi thức truyền thống của Công Giáo, kêu gọi giáo dân quay trở về với những giá trị cơ bản của Công Giáo và bài xích chủ nghĩa thế tục.
Pope Benedict XVI là người sáng lập và điều hành Tổ chức Joseph Ratzinger, hoạt động nhờ nguồn quỹ từ việc bán các bài luận và sách của Giáo Hoàng. Được thành lập từ năm 2010, Tổ chức Joseph Ratzinger nhắm vào việc hỗ trợ những học giả Thần Học bằng cách trao giải cho những nhà nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực này, góp phần vào việc cổ vũ cho sự phát triển của các nghiên cứu về Công Giáo. Pope Benedict XVI cũng là vị Giáo Hoàng đầu tiên sử dụng Twitter để kết nối với giáo dân toàn cầu.
Dù đã thoái vị nhưng Pope Benedict XVI vẫn được rất nhiều người ủng hộ và theo dõi. Trong năm 2016, cuốn tự truyện của ông với tựa đề “Ultime Conversazioni” (tựa tiếng Anh: Last Testament: In His Own Words, tạm dịch: Những cuộc đàm luận cuối cùng) nói về sự tranh đoạt quyền lực trong giáo hội Công Giáo, những vấn đề trong thời gian ông tại vị và nhiều điều tiêu cực khác của Vatican. Cuốn sách này đã làm chấn động cộng đồng Công Giáo và gây tranh cãi lớn trong suốt 1 thời gian dài.
Bill Gates
Bill Gates có lẽ là một cái tên rất quen thuộc với nhiều người vì ông là một vị tỷ phú nổi tiếng với khả năng kinh doanh đáng nể và lòng nhân ái dồi dào. Tên đầy đủ của ông là William Henry “Bill” Gates III, sinh ngày 28/10/1955 tại Mỹ. Ông luôn có mặt trong danh sách những người giàu nhất thế giới từ năm 1995 cho đến nay. Hiện tài sản của Bill Gates ước tính trong khoảng 77.8 tỷ Đô la Mỹ. Ông là nhà sáng lập tập đoàn Microsoft và được xem là người khởi xướng cho cuộc cách mạng máy tính cá nhân đã đem lại động lực lớn cho sự phát triển của công nghệ trên toàn thế giới.
Từ năm 2000, Bill Gates không còn giữ chức chủ tịch tập đoàn Microsoft nữa mà chỉ nhận chức cố vấn kỹ thuật phần mềm. Ông chỉ dành 1 phần thời gian làm việc cho tập đoàn và tập trung toàn bộ thời gian và nỗ lực của mình cho công việc từ thiện và phát triển Quỹ Bill & Melinda Gates. Đây là quỹ từ thiện do ông cùng vợ điều hành, tập trung vào việc hỗ trợ các nước kém phát triển về năng lượng, lương thực, giáo dục và y tế.
Ngoài các hoạt động từ thiện, diễn thuyết về kinh doanh, Bill Gates còn là tác giả và đồng tác giả của nhiều cuốn sách. Trong đó, cuốn tự truyện “Con Đường Phía Trước” do chính tay ông viết là cuốn sách nổi tiếng nhất. Hiện cuốn sách này đã được xuất bản tại Việt Nam, bạn có thể tìm mua tại tất cả các nhà sách trên toàn quốc.
Đức Giáo Hoàng Francis
Đức Giáo Hoàng Francis sinh vào ngày 17/12/1936 tại Argentina với tên thật là Jorge Mario Bergoglio. Ông hiện là đương kim Giáo Hoàng của giáo hội Công Giáo thế giới. Đây là chức vụ cao nhất trong Giáo hội của những người theo đạo Công Giáo (Thiên Chúa giáo). Ông đắc cử từ năm 2013 và là vị Giáo Hoàng người gốc Châu Mỹ đầu tiên. Đức Giáo Hoàng Francis được tạp chí danh giá Forbes xếp hạng 4 trong số những nhân vật quyền lực nhất thế giới hai năm liên tiếp 2013, 2014 và được Tạp chí Time bình chọn là nhân vật của năm 2013. Tại Việt Nam, tên ông được phiên âm là Phanxicô và thường được các tín đồ Công Giáo gọi là Đức Thánh Cha Phanxicô.
Đức Giáo Hoàng Francis nổi tiếng với lòng thương người, sự thân thiết đến người nghèo và những nỗ lực đối thoại xuyên tôn giáo. Ông cũng là một người sống giản dị, khiêm tốn, ít kiểu cách và rất gần gũi. Ông lủng hộ các quan điểm truyền thống của giáo hội Công giáo về các vấn đề: đồng tính, ngừa thai và phá thai, phản đối chủ nghĩa tiêu thụ và phát triển kinh tế vô trách nhiệm và tích cực ủng hộ những nỗ lực ngăn chặn biến đổi khí hậu toàn cầu. Vào ngày 17-6-2015, Đức Giáo Hoàng Francis đã ban hành thông điệp “Laudato Si” với nội dung chính kêu gọi các tín đồ Công Giáo nỗ lực giữ gìn môi trường như một “ngôi nhà chung” mà mọi sinh vật trên trái đất này đang cùng chia sẻ. Đức Giáo Hoàng Francis cũng là một nhân tố quan trọng góp phần vào việc khôi phục mối quan hệ ngoại giao bình thường giữa Mỹ và Cuba vào năm 2014.
Muhammad Yunus
Muhammad Yunus sinh ngày 28/6/1940 tại Bangladesh. Ông lớn lên và học tập tại quê nhà sau đó nhận được học bổng chuyên ngành Kinh tế tại Mỹ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Middle Tennessee State, ông trở về Bangladesh và làm trong nhà nước. Vào năm 1971, khi đi thị sát tại một làng nghèo, Muhammad Yunus nhận thấy rằng những người nghèo rất khó tiếp cận nguồn tiền từ các ngân hàng vì họ không có đủ tài sản để thế chấp cho những khoản vay lớn hoặc bị xem là đối tượng thường hay xù nợ. Tuy nhiên, ông khám phá ra rằng, thực tế chỉ cần cho họ vay
những khoản tiền rất nhỏ là có thể giúp họ cải thiện dần cuộc sống và thoát khỏi tình trạng đói nghèo. Đây chính là khởi điểm cho hình thức “Tín dụng vi mô” được ông xây dựng sau này.
Năm 1976, Muhammad Yunus bắt đầu kêu gọi tài trợ và làm khảo sát thực tế kỹ càng hơn để thực hiện dự án của mình. Đến năm 1983, ông thành lập ngân hàng Grameen và bắt đầu việc cho những đối tượng rất nghèo vay tiền mà không yêu cầu bất kì khoản thế chấp nào. Mô hình rất thành công và nhanh chóng được mở rộng trên khắp Bangladesh và còn được rất nhiều nước đang phát triển học tập. Mô hình “Tín dụng vi mô” của Muhammad Yunus đã đem lại cơ hội tiêp cận nguồn vốn cho những người nghèo khó và giúp họ vượt nghèo, góp phần rất to lớn vào việc phát triển mọi mặt kinh tế – xã hội của Bangladesh.
Muhammad Yunus trở nên nổi tiếng và đã đi diễn thuyết về mô hình kinh tế mới của mình khắp thế giơi. Ông còn xuất hiện trên các show truyền hình nổi tiếng của Mỹ như: The Daily Show với Jon Stewart và The Oprah Winfrey Show. Ông mở rộng hoạt động đến các nước châu Phi nhằm giúp họ cải thiện và phát triển nền kinh tế. Từ năm 2010, Muhammad Yunus bắt đầu làm việc tại Liên Hợp Quốc và đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng. Ông được trao giải Nobel hòa bình năm 2006 vì những đóng góp to lớn của mình trong việc cải thiện điều kiện sống của hàng triệu người nghèo trên thế giới.
Richard Dawkins
Richard Dawkins có tên đầy đủ là Clinton Richard Dawkins, sinh ngày 26/3/1941 tại Nairobi, Kenya. Ông là nhà Sinh học tiến hóa, là nghiên cứu sinh danh dự của trường New College, Oxford và là giáo sư giảng dạy tại Đại học Oxford từ năm 1995 sẽ đến năm 2008. Richard Dawkins được biết đến với danh hiệu “Nhà vô thần lừng danh nhất thế giới”.
Richard Dawkins là người theo Chủ nghĩa Vô thần (bác bỏ sự tồn tại của thần linh). Ông thường xuất hiện trong nhiều bộ phim tài liệu về khoa học và các chương trình truyền hình để diễn thuyết về chủ nghĩa Vô Thần và quan điểm của mình về tồn giáo. Ngoài ra, Richard Dawkins cũng viết rất nhiều sách về vấn đề này. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là cuốn Gen Vị Kỷ (đã được xuất bản tại Việt Nam). Trong tác phẩn này, ông nêu lên quan điểm mới về động lực của sự tiến hóa lấy gen làm trung tâm thay vì các cá thể sinh vật riêng rẽ. Ông cho rằng không hề có bất kì một “Đấng sáng tạo siêu nhiên – Thần linh” nào tồn tại trên đời và niềm tin tôn giáo là một ảo tưởng.
Tất nhiên, những quan điểm của Richard Dawkins bị nhiều người theo tôn giáo phê bình nhưng ngược lại, cũng nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ những người Vô thần. Bạn có thể tìm đọc hai tác phẩm đã được xuất bản tại Việt Nam của Richard Dawkins là: Dòng Sông Trôi Khuất Địa Đàng và Gen Vị kỷ để tìm am hiểu hơn về quan điểm của nhà Vô thần lừng danh này.
Đạt Lai Lạt Ma – Tenzin Gyatso
Tenzin Gyatso sinh ngày 6/7/1935 tại Tây Tạng. Ông hiện là vị Đạt Lai Lạt Ma (Dalai Lama) thứ 14 của Phật Giáo Tây Tạng. Đạt Lai Lạt Ma nghĩa là “Đạo sư với trí tuệ như biển cả”, đây là chức vị cao trọng nhất của Phật Giáo Tây Tạng. Với các tín đồ Phật Giáo, Đạt Lai Lạt Ma còn được xem là “Phật Sống”. Tenzin Gyatso được tấn phong tước vị vào ngày 22 tháng 2 năm 1940 tại thủ đô của Tây Tạng, Lhasa. Vào năm 1959, ông đã dẫn hơn 80.000 người dân Tây Tạng tị nạn đến miền Bắc Ấn Độ để tránh sự đàn áp của chính quyền Trung Quốc và sống lưu vong tại Ấn Độ cho đến nay.
Tenzin Gyatso đã nỗ lực hết mình để kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng về vấn đề Tây Tạng và kêu gọi chính quyền trung ương Bắc Kinh tôn trọng ước muốn tự trị và nhân quyền của họ. Ngoài ra, ông còn đi khắp nơi trên thế giới để thuyết giảng về các vấn đề: môi trường, kinh tế, quyền phụ nữ, Phật Giáo, khoa học và tôn giáo, sự kế nối liên tôn giáo… Ngoài những bài thuyết giảng, Tenzin Gyatso còn dành thời gian viết rất nhiều sách về Phật học, tự truyện, lịch sử… Tính đến nay, ông đã cho ra đời hơn 50 tác phẩm. Những cuốn sách do ông viết được phổ biến rộng rãi và được dịch ra rất nhiều thứ tiếng khác nhau, thu hút các tín đồ Phật giáo và cả những nhà nghiên cứu tôn giáo phương Tây. Tenzin Gyatso được trao giải Nobel Hòa bình năm 1989 vì những nỗ lực đấu tranh không ngừng nghỉ của mình trong việc giành lại độc lập cho nhân dân Tây Tạng.
Có thể bạn thích: