Ẩm thực Sài Gòn vẫn luôn là đề tài thu hút những thực khách ở mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài. Có những quán ăn, những món ăn vẫn in dấu thời gian, gắn bó và mang đậm hồn Sài Gòn để rồi khi thưởng thức bạn sẽ không khỏi gật gù bởi hương vị tuyệt vời ấy. Vậy hãy cùng TopChuan điểm danh những quán ăn ngon ở Sài Gòn nhé!
Bánh mì chảo Hòa Mã
Hòa Mã là quán bánh mì chảo lâu đời ở Sài Gòn. Quán mở cửa từ 5h sáng và chỉ bán mỗi buổi sáng. Khi ghé vào đây, thực khách thường gọi phần chảo ốp la thịt và một đĩa thịt nguội chấm bơ đúng vị của Pháp. Trong chiếc chảo bé xinh là phần ốp la cháy cạnh còn nguyên lòng đỏ, điểm vài miếng thịt xúc xích xông khói, chả lụa chiên vàng, xúc xích hấp và hành tây xào thơm, đi kèm là ổ bánh mì nóng giòn và gia vị tương ớt, muối tiêu, xì dầu và chén đồ chua do quán làm. Tự tay xé lấy miếng bánh mì giòn tan, xúc mỗi loại một ít rồi kẹp lại, quết qua lòng đỏ trứng ốp, mới thấy hết được vị béo thơm, đậm đà của thịt nguội, của hành tây và trứng. Nếu muốn đổi vị thì xé tiếp một miếng bánh mì, phết pate gan và bơ lên rồi kẹp một loại trong số thịt nguội được bày trên đĩa, rắc muối tiêu cay cay thơm thơm để thấy được công phu làm thịt nguội từ mấy chục năm nay của quán Hòa Mã.
Địa chỉ: 53, Cao Thắng, Quận 3, TP Hồ Chí Minh.
Giá tham khảo: 25.000 đồng – 50.000 đồng
Giờ mở cửa: 8:00 sáng – 8:00 tối
Bánh cuốn Tây Hồ
Ban đầu, Bánh cuốn Tây Hồ chỉ là một gian hàng ở chợ Tân Bình, sau này kinh doanh tốt lên phát triển thành các cửa hàng khang trang hơn. Giờ cửa hàng đang được quản lý bởi thế hệ thứ ba của gia đình và mở thêm một chi nhánh nữa.Điểm đặc biệt trong món bánh cuốn của họ là lớp vỏ tráng bên ngoài mềm mịn tuyệt hảo, nhân thịt bên trong càng hấp dẫn hơn. Một dĩa bánh cuốn nơi đây gồm 4 cuốn bánh nóng hổi được xếp gọn gàng, lá bánh trắng mềm láng mượt, độ mỏng vừa đủ để quan sát được phần nhân thịt xào bên trong, xếp bên cạnh là phần rau thơm cắt nhuyễn, giá luộc và chút hành phi ở phía trên. Khác với những quán bánh cuốn thông thường, phần chả lụa và chả quế được dọn riêng trên một đĩa khác. Thực khách cũng có thể kêu thêm phần bánh cống đậu xanh và hành phi ăn kèm nếu thích. Nước mắm ở đây vừa trong lại rất thơm, đặc biệt quán còn có tinh dầu cà cuống để thưởng thức trọn vẹn hương vị của bánh cuốn. Lấy đũa nhẹ nhàng tách đôi cuốn bánh, điểm thêm chút rau giá và hành phi rồi kẹp tất cả lại chấm vào chén nước mắm cà cuống, nhón thêm miếng chả thơm thơm dai dai kèm sau đó, mới thấy được toàn bộ hương vị từ mềm dẻo đến bùi thơm cứ đua nhau mà đến. Sự nổi tiếng trên Internet đã giúp quán thu hút ngày càng nhiều thực khách nước ngoài.
Địa chỉ: 127 Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Giá tham khảo: 30.000 đồng – 55.000 đồng
Giờ mở cửa: 7:00 sáng – 11:00 tối
Bún thịt nướng chị Tuyền
Bún thịt nướng chị Tuyền buôn bán từ khi Việt Nam còn trong thời kỳ chiến tranh, và đến khi ấm yên vẫn tiếp tục mở. Điều đó hẳn đã khẳng định rằng món bún thịt nướng ở đây phải đặc biệt và thu hút khách đến ăn lắm thì quán mới tồn tại và phát triển lâu đến như vậy. Bún thịt nướng ở đây nổi tiếng nhờ chả giò đặc biệt, chủ quán sử dụng bánh tráng làm từ gạo xay, kết hợp với phần nhân nêm vừa miệng, tạo nên hương vị có một không hai. Thưởng thức món bún thịt nướng ở chị Tuyền, người ăn sẽ bồi hồi mãi về hương vị đặc biệt không thể lẫn ở bất kì đâu ấy.
Địa chỉ: 195 Cô Giang, phường Cô Giang, Quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Giá tham khảo: 30.000 đồng – 66.000 đồng
Giờ mở cửa: 07:00 sáng – 08:00 tối
Bún bò Huế Chú Há
Đúng như tên gọi, món ăn này xuất phát từ Huế, tỉnh thành ở miền Trung Việt Nam, nhưng hiện nay rất nổi tiếng ở phía Nam. Một trong những quán ăn làm món bún bò Huế khá ngon là quán Bún bò Huế Chú Há. Khi thưởng thức, bạn sẽ không thể nào kìm được tiếng xuýt xoa trước tô bún nóng hổi, sợi bún tròn thấm đượm vị nước dùng đậm đà, ăn kèm với thịt lợn, thịt bò, giá đỗ, nếu thích bạn có thể vắt chanh và thêm ớt tùy theo sở thích.
Địa chỉ: 300 Võ Văn Tần, phường 5, quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Giá tham khảo: 45.000 đồng – 61.000 đồng
Giờ mở cửa: 6:00 sáng – 10:00 tối
Phở Hòa
Phở Hòa là cái tên quá quen thuộc đối với hầu hết người dân Sài Gòn và các du khách quốc tế. Vào những năm 1950, có một người Bắc di cư vào ở Xóm Mới (Gò Vấp), tên là Hoánh, không rõ họ. Chiều nào, ông Hoánh cũng đẩy xe phở đến vỉa hè Ngã tư Pasteur – Hiền Vương (Võ Thị Sáu bây giờ) để bán. Xe phở ấy có tiếng là ngon với nước lèo trong và ngọt, bánh phở mềm, có đủ loại thịt theo ý khách. Để khách dễ nhận diện mà tìm đến, ông Hoánh nghĩ là phải có một bảng hiệu nhỏ treo ở xe phở của mình, nhưng cái tên Hoánh của ông nó kỳ cục quá, ông bèn chọn cái tên Hòa cho dễ. Từ đó xe phở ông Hoánh có tên phở Hòa. Giờ đây khi đến với tiệm phở này, ngoài khung cảnh tấp nập, nườm nượp khách ra vào, chúng ta còn có thể cảm nhận được mùi vị rất đặc trưng của phở. Mùi vị này chỉ có thể là từ nồi nước lèo ninh xương ống bò qua đêm thật kĩ, hòa quyện với hương thơm từ các loại quế, hoa hồi, ngò thơm…Một tô phở nghi ngút khói được bày ra với một màu xanh mát mắt của hành lá, ẩn mình trong đó là những lát thịt nạm được cắt khéo léo sao cho còn tí mỡ dây viền quanh, những cọng phở trắng ngần nho nhỏ chìm trong nước lèo thơm phức, buộc lòng người nào cũng phải xuýt xoa. Nước phở ở đây trong và thơm, ngọt vị thịt, hòa cùng vị dai dai của bánh phở, chút đậm đà của thịt nạm và vị cay tê từ ớt, khiến cho một người bất kỳ khi đến với quán đều nhớ mãi không thôi.
Địa chỉ: số 260c Pasteur, phường 8, quận 3, TP Hồ Chí Minh.
Giá tham khảo: 40.000 đồng – 55.000 đồng
Giờ mở cửa: 7:00 sáng – 10:00 tối
Bánh bao Cả Cần
Phải nhắc rằng bánh bao Cả Cần là bánh bao của người Việt, xuất xứ ở Sài Gòn những năm trước thập niên 1970. Đây là một loại bánh bao không dùng bột tẩy nên lúc nào cũng có màu ngà ngà, có mùi khai nhẹ, nhân bánh không trộn chung mỡ heo hay cá như nhân bánh bao người Hoa mà làm từ thịt nạc heo, gà, trộn nấm mèo, hành tím, trứng cút và trứng muối. Người đầu tiên làm loại bánh bao này là ông Trần Phấn Thắng, người gốc Mỹ Tho, là con thứ ba trong nhà, có cha gốc Tàu Minh Hương. Vợ ông Thắng là người Bến Tre, nấu ăn rất giỏi. Hai ông bà từ bỏ công việc viên chức để mở quán hủ tiếu và bánh bao Mỹ Tho của mình rồi lấy tên “Cả Cần”. Và ông tâm đắc câu quảng cáo của ông dùng bao năm nay toàn bằng chữ C: “Có Cả Cần Cần Chi Có Cả”. Ngày nay cả hai ông bà đã mất và quán năm xưa cũng không còn, nhưng cách thức làm bánh cũng như hương vị của loại bánh bao này vẫn được gìn giữ khá trọn vẹn. Chiếc bánh bao Cả Cần có lớp vỏ bột không quá dày, ăn vào hơi khai nhưng hậu ngọt. Vị đậm đà từ nhân thịt thông liền sau đó cùng mùi thơm của hành, giòn sừn sựt của nấm mèo và bùi bùi béo béo của lòng đỏ vịt muối.
Địa chỉ: số 110 Hùng Vương, quận 5, TPHCM (phía trước công viên Văn Lang).
Giá tham khảo: 8:00 sáng – 9:00 tối
Giờ mở cửa: 12..000 đồng – 20.000 đồng
Cháo lòng bà Út
Thuở ban đầu, mẹ của bà Út gánh cháo đi bán, sau truyền lại cho bà tiếp tục gánh đi khắp các ngõ hẻm dường Cô Giang, Cô Bắc, cầu Ông Lãnh suốt 30 năm. Gánh cháo trên 80 năm tuổi này sau nhiều lần bôn ba trên đôi vai gầy gió. Món cháo lòng ở đây được giữ ấm trong một chiếc nồi hình cầu đặc biệt, do gia đình đặt làm nhằm giữ độ nóng và sánh của cháo. Bên cạnh đó, món nổi tiếng của gánh hàng này là dồi chiên với vị ngon đặc biệt từ các nguyên liệu như thịt nạc, sụn giòn, sả bằm được nêm nếm, nhồi chắc tay, chiên vàng đều tỏa mùi thơm rất hấp dẫn. Một phần cháo được phục vụ gồm một tô cháo nóng có huyết dai và mềm, đi cùng đĩa dồi chiên và lòng luộc phủ rau răm, ngó sen cắt khúc, một chén nước mắm chua ngọt tự người bán pha chế và một đĩa bánh quẩy vàng ươm. Bí quyết để nấu được nồi cháo thơm và ngọt xương nằm ở chỗ gạo nấu phải rang vàng đều, dậy mùi thơm, để khi nấu cháo nở hình hoa đẹp mà không bị nát vụn, có độ sánh vừa đủ. Nước nấu cháo được ninh thật lâu từ xương ống để có vị ngọt đặc trưng, huyết cũng được chọn lựa khi còn nóng, chế biến và nấu sao cho không có vị tanh mà vẫn mềm, dẻo.
Địa chỉ: số 193 Cô Giang, quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Giá tham khảo: 20.000 đồng – 30.000 đồng
Giờ mở cửa: 6:00 sáng – 11:00 sáng
Có thể bạn thích: