Đã qua rồi cái thời người chủ một tay che trời, đàn áp nhân viên như nô lệ. Xã hội ngày càng phát triển, số lượng công ty tư nhân và vốn đầu tư từ nước ngoài ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Theo đó nhân viên sẽ có nhiều hơn những sự lựa chọn cống hiến cho công sức của mình. Và những kiểu ông chủ dưới đây sẽ phải đau đầu trong việc tuyển dụng người mới liên tục.
To tiếng, nặng lời
Nhân viên không giống như những đứa học sinh ngây thơ để bạn có thể nặng lời với họ, thậm chí trong số đó còn có người lớn bằng tuổi cha mẹ bạn, và dù bạn có bao nhiêu tiền và quyền lực đi nữa thì việc to tiếng, nặng lời với cấp dưới là khó chấp nhận được. Và thường thì bạn sẽ khó nhận được sự tôn trọng từ cấp dưới của mình nếu như cứ dùng những lời nói kém văn hóa để khiển trách họ.
Làm đúng không được khen, làm sai thì phạt nặng
Bất cứ cá nhân nào cũng thích cảm giác được khen tặng. Đôi khi chỉ một lời nói vui vẻ cũng có thể khích lệ sự phấn đấu của kẻ dở nhất. Nếu bạn chỉ xem những nỗ lực phấn đấu của nhân viên là chuyện hiển nhiên phải có và tức giận phạt thật nặng nếu chẳng may họ làm sai thì bạn sẽ sớm nhận được đơn xin thôi việc mà thôi.
Tiết kiệm chế độ đãi ngộ
Ngày nay công ty tư nhân nhan nhãn khắp nơi, và tiêu chuẩn mà các ứng viên giỏi luôn nhắm vào chính là chế độ đãi ngộ, vì vậy nếu muốn thu hút nhân tài về phục vụ cho mình, đừng chỉ chăm chăm vào lợi ích của bạn mà hãy giúp nhân viên cảm thấy rằng làm việc cho bạn ngoài mức lương họ vẫn còn nhận được nhiều hơn thế.
Không ngừng đòi hỏi
Không ngừng đòi hỏi trách nhiệm nhưng không tăng quyền lợi cho nhân viên chính là kiểu sếp khiến nhân viên muốn cao chạy xa bay nhanh nhất. Việc giao cho nhiều công việc hơn thỏa thuận công việc ban đầu đã khiến nhân viên cảm thấy bất mãn, còn không cho họ cảm thấy được khen thưởng và đánh giá xứng đáng thì sẽ chẳng ai muốn tận lực cống hiến cho công ty dài lâu.
Nói hai lời
Là một người nắm nhiều quyền lực và có khả năng ban ra quyết định, bạn càng cần phải có tính quyết đoán mạnh mẽ. Đừng mang suy nghĩ công ty của bạn, bạn nói gì cũng được, đúng, nhưng việc thay đổi xoành xoạch những quyết định sẽ khiến lời nói của bạn trở nên buồn cười và không còn giá trị trong mắt nhân viên.
Thích chỉ trích nhưng không hướng dẫn
Là một người sếp, bạn sẽ có cái nhìn khách quan và rộng hơn nên những yêu cầu, chuẩn mực đánh giá mà bạn đưa ra sẽ rất cao – đó là việc dễ hiểu. Tuy nhiên, hãy tận tình hướng dẫn cho cấp dưới để họ có thể hoàn thiện theo như ý bạn muốn, đừng chỉ xem báo cáo rồi trả về liên tục để sửa lại, bản thân nhân viên sẽ không biết được họ sai ở đâu và bạn cũng tốn khá nhiều thời gian để đọc đi đọc lại một nội dung đã cũ.
Soi mói
Chấp nhận rằng bạn là người trả lương cho nhân viên nên có quyền kiểm soát và nắm bắt thông tin về họ trong giờ làm việc. Nhưng việc theo dõi quá mức đến từng chi tiết áo quần, ăn uống sẽ khiến nhân viên cảm thấy bị gò bó, khó chịu. Ai cũng cần có đời sống riêng tư và mọi người, dù là ai đi nữa cũng cần phải tôn trọng điều đó.
Chi trả không đúng hạn
Dù cho tình hình công ty đang khó khăn đến đâu, hãy cố gắng chi trả đúng hạn cho nhân viên vì họ sống toàn bộ bằng số tiền đó. Nếu buộc phải chậm trễ trong sự chi trả, nhất thiết phải thông báo rõ ràng và chắc chắn ngày thanh toán cuối cùng, cấp dưới có thể thông cảm cho bạn nhưng họ sẽ không chấp nhận làm việc trong sự mập mờ về vấn đề tiền lương.
Có thể bạn thích: