Hà Nam là một tỉnh nhỏ ở đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng nếu bạn cho rằng vì nhỏ nên nơi đây không có nền ẩm thực và văn hóa đa dạng hay Hà Nam chỉ có “cháo hành” của Chí Phèo thì bạn đã nhầm to rồi đó! Hãy cùng điểm qua những món đặc sản nổi tiếng nhất của vùng đất này nhé!
Cá kho niêu làng Vũ Đại
Nếu như trước kia người ta biết đến làng Vũ Đại với Nam Cao – “cha đẻ” của tập truyện “Làng Vũ đại ngày ấy” hay là quê hương của Chí Phèo của lão Hạc thì ngày nay mảnh đất ấy còn nức tiếng xa gần với món đặc sản cá khô niêu. Ngày xưa người dân nơi đây vô cùng nghèo khổ, làm ăn theo mô hình hợp tác xã, cứ đến Tết mỗi nhà được phát mấy kg cá, nên người dân thường kho cá theo phương pháp riêng, có thể bảo quản rất lâu, trong suốt cả tháng Giêng mà hương vị vẫn thơm ngon như thường. Cá kho là món ăn rất quen thuộc đời thường nhưng điều làm cho cá kho niêu làng Vũ Đại nổi tiếng và vượt qua biên giới đất Việt là nhờ khâu chế biến cầu kì cùng hương vị hấp dẫn đặc biệt. Nguyên liệu được chọn làm món ăn thường là cá trắm đen, làm sạch rồi đặt vào niêu đất ướp với các gia vị như, xả, giềng, ớt… Dưới niêu được lót lớp riềng nhằm tránh cá bị cháy khi kho suốt 10 – 12 giờ. Thêm một bí quyết cho món cá ngon là cá phải được kho bằng củi nhãn, cá kho đúng điệu khi khúc cá có màu nâu sậm, thịt mềm, xương tan… ăn rất đưa cơm và không phải bỏ đi chút nào.
“Tiếng lành đồn xa” hiện nay món cá kho làng Vũ Đại đã được xuất khẩu sang một số nước như: Thái Lan, Singapore, Trung Quốc… Mặc dù giá thành khá cao từ 500.000 – 2.000.000đ/niêu cá tuỳ vào số kg nhưng cá kho làng Vũ Đại vẫn được rất nhiều khách hàng ưa thích và thậm chí là cháy hàng đặc biệt trong dịp Tết Nguyên Đán.
Bún làng Tái Kênh
Nếu như ở Hà Nội có làng bún Phú Đô hết sức nổi tiếng thì ở Hà Nam cũng có một làng bún nổi tiếng không kém đó là làng bún Tái Kênh. Làm bún được coi là nghề truyền thống của ngôi làng thuần nông này. Trong các gia đình từ trẻ nhỏ đến người già hầu như ai cũng thành thạo các công đoạn làm bún. Qua nhiều giai đoạn ngâm gạo, xay gạo, nhào nặn bột, luộc, giã theo bí truyền riêng của gia đình, dòng họ trong làng mà mới có thành quả là những lá bún, vắt bún ngon lành. Bún Tái Kênh được người dân trong vùng và các khu lân cận rất ưa chuộng bởi vị ngon dễ ăn và giá cả phải chăng từ 10000-15000đ/kg bún. Người ta hay bảo nhau, bún này ăn với mắm cũng thấy ngon là có lý do của nó.
Mắm cáy Bình Lục
Ở Hà Nam, cáy có nhiều ở các vùng nước lợ như Thanh Liêm, Bình Lục, Kim Bảng… thế nhưng nghề làm mắm cáy phát triển mạnh nhất ở huyện Bình Lục. Mắm cáy được chế biến công phu. Những con cáy nhỏ được lột yếm, bóc trắng, giã cho thật nhuyễn, trộn muối rồi đem ủ kín trong vại. Sự cầu kỳ của món ăn đòi hỏi người dân phải phơi đủ nắng, đủ sương sao cho thật ngấu mới đem dùng. Mắm cáy chế biến từ những con cáy nhỏ được lột yếm, bóc trắng, giã nhuyễn, trộn muối rồi đem ủ kín trong vại. Vại mắm phải phơi đủ nắng để không hỏng, khi mắm thật ngấu mới đem dùng. Mắm cáy Bình Lục thơm ngon có thể ăn trực tiếp với cơm hoặc dùng để chấm để nấu cũng rất ngon miệng. Chỉ ngửi qua mùi hăng hăng là thấy cả vùng trời nắng đồng ruộng sông hồ. Giá của mắm cáy chỉ 15000đ/lit vì vậy mà nếu có dịp đến Bình Lục đừng quên mua loại mắm đặc sản vừa ngon vừa rẻ này về làm quà nhé!
Bánh đa Kiện Khê
Bánh đa Kiện nhiều vừng giòn tan và bùi thơm nhất tỉnh. Nhai lâu trong miệng, bánh đa để lại vị ngọt thanh giản của bột gạo tự nhiên. Khác với bánh đa của nhiều địa phương trên cả nước, người dân còn tạo ra hương vị riêng cho bánh bằng cách kết hợp nó với những món sẵn có như chuối tiêu, cùi dừa. Vị ngọt mềm của chuối chín trứng cuốc làm dịu cái khô giòn của bánh đa nhưng tăng độ ngọt quả là một sáng tạo đầy bất ngờ.Trong khi đó, cùi dừa làm bánh đa đã bùi vừng nay còn béo và thơm lừng hơn nữa cũng là giải pháp đầy hương vị và sáng tạo của những người thợ làm bánh.
Bánh đa Kiện Khê luôn là món quà quê yêu thích bởi giá rất “dễ chịu” chỉ từ 5000-7000đ/chiếc và bạn cũng có thể dễ dàng mua bánh ở những cửa hàng trên dọc các tuyến đường đi trong tỉnh.
Bún cá rô đồng
Trên đường về Hà Nam đi qua thành phố Phủ Lý, bạn cũng có thể ghé ăn món canh hoặc bún cá rô đồng ở các quán bên đường. Đây là một món ăn đơn giản, nhanh, ngon và rẻ chỉ từ 20.000 – 25.000đ/bát nhưng không thể không nhắc đến khi nói về đặc sản Hà Nam. Bún cá rô đồng Hà Nam cuốn hút người ăn nhờ lớp thịt vàng ruộm xen lẫn màu xanh của rau cải, vị ngọt thơm của nước dùng… Sự cầu kỳ của món ăn thể hiện khi các đầu bếp chọn cá rô đồng “chính hiệu” của vùng quê chiêm trũng chứ không phải cá rô phi, cá rô lai được bán đại trà trong các chợ.
Hồng không hạt Nhân Hậu
Mảnh đất phù sa Hà Nam còn có một giống quả thơm ngon đặc trưng là hồng không hạt mà ta vẫn quen nôm na là hồng không hạt Nhân Hậu. Loại hồng không hạt này có quả to, hình dáng cân đối, khi chín chuyển dần từ màu đỏ tươi sang màu đỏ thẫm, da mỏng mịn căng tròn, không có một vệt nhăn hay rám đen trên mặt quả, hình dáng quả rất hấp dẫn. Khác với tất cả các loại hồng của địa phương khác, không chỉ ở hình dáng quả to, cân đối, đẹp mã mà đặc biệt loại hồng này bên trong không hề có hạt. Ngoài lớp “thịt” quả mềm còn có những nhân của hạt đã thoái hoá, trong như thạch phân bổ đều trong phần ruột quả. Khi ăn ta chỉ cần bóc nhẹ lớp vỏ mỏng như nylon bên ngoài mà vẫn giữ nguyên được hình khối của quả. Vừa đưa vào miệng, lớp thịt quả mềm đã tan ra ngọt lịm để lại những “nhân” giòn như thạch làm cho người thưởng thức có được cảm giác khác lạ mà không có một loại hồng nào có được.
Hiện nay giá của 1 kg hồng không hạt Nhân Hậu khoảng từ 15000-20000đ lúc chính vụ còn khi trái mùa thì giá có đắt hơn một chút nhưng độ ngon ngọt thì không hề thay đổi nhé!
Bánh cuốn chả Phủ Lý
Trên đường xuôi từ Hà Nội về Hà Nam dừng chân nghỉ ngơi ở Phủ Lý, tìm một thứ gì để lót dạ thì bạn không nên bỏ qua món bánh cuốn chả Phủ Lý. Bánh cuốn chả là đặc sản của vùng đất chiêm trũng Hà Nam vốn đã nổi tiếng với những món ngon từ lúa gạo. Nguyên liệu làm bánh là bột gạo tẻ ngon và thứ thịt làm chả thường là thịt nạc thăn thái mỏng ướp đầy đủ gia vị: mắm, tiêu, tỏi, ớt… Điểm đặc biệt là chỉ khi ăn nóng bạn mới cảm nhận hết được vị ngon của món ăn này vì vậy mà khách hàng gọi đến đâu chủ quán mới tráng bánh đến đó càng khiến cho món bánh cuốn chả thêm hấp dẫn. Bánh cuốn ở Hà Nam không ăn kèm với chả quế hay chả lụa mà là chả thịt nướng hình hoa cải được nướng thủ công trên bếp than hồng. Có lẽ nướng được miếng thịt hình hoa cải vàng ruộm và thơm phức như thế cũng quả là một nghệ thuật! Thực khách sẽ thấy hơi lạ bởi ngoài những loại rau thơm truyền thống như xà lách, kinh giới, rau mùi, giá đỗ thì bánh cuốn Phủ Lý còn có thêm hoa chuối thái rối và vài quả sung xanh. Khi ăn thực khách sẽ thấy thích thú bởi cái sần sật của dưa góp làm từ đu đủ, cà rốt cộng với bánh cuốn mềm thơm nóng hổi, cái vị béo ngậy của thịt nướng hoà quyện chung với chút chua cay mặn ngọt của nước chấm nóng vị hơi chan chát đầu lưỡi của sung xanh. Hương vị đó đủ làm ta cảm thấy nhớ nhung thèm thuồng mỗi khi về với Phủ Lý Hà Nam.
Hiện nay, bánh cuốn chả được bán nhiều và ngon nhất là ở đường Trần Phú thành phố Phủ Lý, giá cả cũng rất “hạt dẻ” chỉ dao động từ 20.000 – 30.000đ/suất nóng hổi, thơm ngon, đầy ắp thịt rau và bánh.
2016-12-07 14:59:17
Ngon quá
Có thể bạn thích: