Thiên chức làm mẹ là vô cùng cao cả tuy nhiên thời kì phụ nữ mang thai, họ thường gặp phải các vấn đề gây nhiều khó khăn trong cuộc sống. Có những triệu chứng chỉ xuất hiện ở những giai đoạn nhất định của thai kì, tuy nhiên cũng có những vấn đề mà mẹ bầu phải chịu đựng suốt thai kì. Hãy cùng xem một người phụ nữ mang thai thường gặp phải những vấn đề gì nhé.
Khó thở
Vào những tháng cuối của thai kì, khi em bé phát triển lớn sẽ gây sức ép lên cơ hoành làm bạn khó thở, đặc biệt khi nói chuyện. Thiếu máu trong thời kì này cũng có thể là nguyên nhân khiến phụ nữ mang thai bị khó thở. Nhưng đến những ngày cuối thai kì thì bạn có thể yên tâm bởi tình trạng khó thở sẽ không còn nữa. Để giảm khó thở bà bầu nên nghỉ ngơi nhiều, kê thêm gối khi ngủ, nếu tình trạng nặng nên tới gặp bác sĩ để khám.
Ợ chua
Nguyên nhân là do cái van nằm ở ngõ dẫn vào bao tử bị giãn ra khi mang thai nên dễ dẫn tới tình trạng ợ hơi, kèm theo việc thay đổi ở dạ dày nên chất chua bị trào ngược lại, dẫn tới tình trạng ợ chua. Ợ chua thường gây khó chịu và gây đau rát ở giữa lồng ngực. Để tránh bị ợ chua thì phụ nữ mang thai nên:
– Tránh các đồ ăn có nhiều dầu mỡ
– Kê cao đầu khi ngủ và có thể uống thêm một cốc sữa nóng trước khi đi ngủ
Nếu tình trạng này diễn ra nặng thì bạn có thể đến gặp bác sĩ để được tư vấn và kê đơn thuốc.
Cảm thấy choáng váng, muốn ngất
Do trong thời kì mang thai thì huyết áp của các bà bầu thường thấp cho nên cảm giác choáng váng như muốn ngất thường xuyên xảy ra. Đôi khi tình trạng này có thể dẫn tới những trường hợp gây nguy hiểm như ngã, trượt chân… nên các bà bầu cũng như người thân phải hết sức để ý và cẩn thận. Để giảm triệu chứng này thì phụ nữ mang thai nên lưu ý một số điều sau:
– Đừng đứng yên một chỗ quá lâu
– Nếu cảm thấy choáng váng hãy từ từ ngồi xuống và gối đầu lên hai đầu gối cho tới khi cảm thấy bình thường trở lại
– Lúc thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng thì nên từ từ, chậm rãi.
Khó ngủ
Đây cũng là một trong những triệu chứng thường gặp nhất của các bà bầu. Nguyên nhân thường do em bé quấy đạp, hay việc bụng bầu lớn ảnh hưởng tới việc thoải mái khi ngủ, do buồn tiểu nhiều ban đêm… Một số bà bầu nhất là những người mang thai lần đầu thường hay lo lắng, suy nghĩ lung tung dẫn tới khó ngủ, hay mơ lung tung, sau khi thức giấc thì khó ngủ lại. Việc giấc ngủ không đảm bảo sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi. Để cải thiện tình trạng này thì bà bầu nên đọc sách và tập thể dục nhẹ trước khi đi ngủ, thêm gối cũng như sử dụng đệm mềm để ngủ thoải mái hơn.
Nám da
Do sự thay đổi nội tiết tố nên trong quá trình mang thai, trên da chị em có thể xuất hiện những vết nám gây mất tự tin khi giao tiếp. Các nốt ruồi, chấm nâu sẽ xuất hiện trên cổ, mặt hay vùng bụng. Tuy nhiên chúng sẽ nhanh chóng biến mất sau khi sinh. Một vài lưu ý cho bà bầu là: chỉ nên trang điểm nhẹ, tránh để da tiếp xúc với tia cực tím cũng như ánh nắng gay gắt.
Phù ở chân
Đây là triệu chứng xuất hiện ở khoảng tháng thứ 5 của thai kì, phù có thể xảy ra ở mặt, tay, chân, nhưng phổ biến nhất khi mang thai vẫn là phù ở chân. Triệu chứng phù ở chân là chân nặng nề, phù lên như úng nước trong da. Nguyên nhân là do khi mang thai thì nội tiết tố thay đổi nên lượng máu được sản sinh nhiều hơn bình thường; Do sức nặng cơ thể gia tăng gây áo lực lên chân; Do sự gia tăng áp lực lên tĩnh mạch; hoặc do các yếu tố bên ngoài như trang phục hay vận động cũng có thể làm nặng thêm tình trạng phù ở phụ nữ mang thai. Mặc dù phù không gây nguy hiểm cho sức khỏe phụ nữ mang thai nhưng gây ảnh hưởng tới ngoại hình cũng như khó khăn trong sinh hoạt. Để khắc phục tình trạng này thì bà bầu nên lưu ý: hạn chế ăn đồ mặn, kê cao chân khi nằm hoặc ngồi, uống đủ nước, đừng để cơ thể bị nóng, vận động nhẹ nhàng, chọn giày phù hợp…
Són tiểu
Nhiều phụ nữ mang thai mắc phải triệu chứng này, nó gây nhiều ảnh hưởng trong cuộc sống sinh hoạt của người phụ nữ. Nguyên nhân là do xương chậu yếu, thai nhi ngày càng phát triển gây sự chèn ép lên bàng quang và các cơ quan ở vùng xương chậu, cơ sàn vùng xương chậu yếu sẽ làm bà bầu bị són tiểu khi chạy, hắt hơi,ho… hơn nữa cơ thể giai đoạn này rất nhạy cảm, một số chức năng cơ thể cũng bị yếu đi. Để giảm triệu chứng này thì phụ nữ mang thai nên đi tiểu thường xuyên, tránh mang nặng, tránh để bị táo bón và nên thực hiện một số bài tập nhẹ nhàng, tăng sức dẻo dai cho cơ xương chậu.
Đau lưng
Đây là một triệu chứng phổ biến nữa khi mang thai, thường gặp vào khoảng những tháng cuối của thai kì. Nguyên nhân do khi thai nhi phát triển lớn, gây một sức nặng khiến lưng có xu hướng ngả về sau, gây sức ép lên cột sống và xương chậu. Nên phụ nữ mang thai thường rất dễ bị đau lưng. Để giảm triệu chứng này thì bà bầu không nên mang vác nặng. Nên đi giày đế thấp, không nên đứng lên, ngồi xuống quá nhanh, tránh tư thế ngồi xổm.
Có thể bạn thích: