Rất nhiều quốc gia trên thế giới lấy giáo dục làm trọng tâm trong chính sách phát triển của mình. Các quốc gia sau đây được đánh giá là có chất lượng giáo dục tốt nhất thế giới, theo phân tích dữ liệu của diễn đàn kinh tế thế giới.
Qatar
Với mong muốn đưa đất nước của mình trở thành quốc gia phát triển về khoa học công nghệ, chính phủ Qatar đã đặt nhiều mục tiêu trong việc đổi mới giáo dục. Đất nước dầu mỏ này đầu tư rất nhiều cho quá trình cải thiện giáo dục cho chiến lược Tầm nhìn 2030. Trường công lập ở đây được miễn phí cho toàn bộ người dân nước này. Các học sinh sẽ được hưởng chế độ giáo dục tốt nhất do chính phủ cung cấp.
Estonia
Estonia đang là một trong những quốc gia phát triển công nghệ thông tin hàng đầu thế giới, các trẻ em ở đây được khuyến khích sử dụng công nghệ và sáng tạo trong lĩnh vực này từ khi còn nhỏ. Luật giáo dục của Estonia chỉ ra mục tiêu giáo dục của đất nước này là: “tạo điều kiện cho sự phát triển cá nhân, gia đình và đất nước Estonia, thúc đẩy phát triển đời sống văn hóa, kinh tế, chính trị ở Estonia và bảo tồn thiên nhiên; dạy về giá trị công dân; thiết lập các điều kiện tiên quyết cho việc tạo ra truyền thống học tập suốt đời trên toàn quốc”.
Nhật Bản
Nhật Bản là quốc gia rất coi trọng giáo dục. Đây là quốc gia đứng top đầu về trình độ học vấn, bao gồm toán và khoa học, theo đánh giá của tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế. Học sinh Nhật sẽ phải trải qua giai đoạn 6 năm tiểu học, 3 năm trung học cơ sở, 3 năm trung học phổ thông trước khi vào đại học. Các học sinh Nhật được dạy rất kĩ về tác phong, nề nếp, cách đối nhân xử thế để phát triển cả trí tuệ và tâm hồn.
Phần Lan
Phần Lan thường xuyên nằm trong các bản danh sách về chất lượng giáo dục. Đất nước Phần Lan luôn cố gắng đem lại bình đẳng cho các học sinh, dù cho sức học của các em có không giống nhau, nhưng đều được dạy trong các lớp tương tự nhau. Kết quả khoảng cách giữa học sinh tốt nhất và kém nhất ở đất nước này luôn nhỏ nhất. Các học sinh ở Phần Lan rất hiếm khi được giao bài tập, các giáo viên cũng không dạy học chỉ đến để các học sinh làm bài kiểm tra. Học sinh Phần Lan chỉ phải trải qua một kì thi bắt buộc ở tuổi 16.
Ai Len
Đa số trường trung học ở Ai Len do tư nhân sở hữu và quản lí, nhưng nằm dưới sự giám sát và tài trợ của nhà nước. Dù gặp nhiều khủng hoảng về kinh tế trong giai đoạn 2008 – 2013, nhưng chính phủ Ai Len vẫn cố gắng duy trì các nguồn ngân sách cho giáo dục tốt nhất.
Bỉ
Bỉ phân ra bốn loại trường trung học, bao gồm trường phổ thông, trường kĩ thuật, trường dạy nghề và trường nghệ thuật. Các học sinh có thể lựa chọn theo mong muốn công việc sau này, và định hướng nghề nghiệp ngay tại nhà trường. Giáo dục tại Bỉ luôn chiếm thị phần lớn trong ngân sách hàng năm của chính phủ. Giáo dục công lập và tư thục có sẵn cho trẻ em từ 4 đến 18 tuổi, chi phí yêu cầu rất ít hoặc miễn phí.
Thụy Sĩ
Là một đất nước tiếp xúc với nhiều luồng ngôn ngữ khác nhau, Thụy Sĩ có nhiều chương trình học theo các tiếng Đức, Pháp, Italia theo khu vực. Các em học sinh được tiếp xúc với các loại ngôn ngữ ngay từ bé. Nhà nước phát triển các trường học công lập để kiểm soát chương trình dạy tốt hơn, nhờ đó chỉ 5% học sinh Thụy Sĩ học trường tư. Từ cấp hai trở đi, học sinh được phân trường học phù hợp với trình độ và khả năng, để các em phát triển theo khả năng và sở trường.
Singapore
Không bất ngờ khi đất nước Đông Nam Á này nằm trong top dẫn đầu. Singapore luôn nằm trong top đạt điểm cao nhất trong chương trình đánh giá sinh viên quốc tế PISA (mục đích đo lường và so sánh hiệu suất học tập ở các nước khác nhau). Các chương trình học của Singapore tuy vậy cũng bị cho là hơi nặng với học sinh.
Barbados
Quốc đảo nhỏ bé ở vùng Caribean này đầu tư rất mạnh vào giáo dục, 98% dân số trên đảo biết chữ, tỉ lệ cao bậc nhất thế giới. Hệ thống trường tiểu học cho học sinh từ 4 đến 11 tuổi, trường trung học cho học sinh từ 11 đến 18 tuổi. Đa số trường học đều do nhà nước quản lí và kiểm soát.
Có thể bạn thích: