Những bộ phim về báo chí xuất sắc đã từng đạt giải thưởng cao quý như Pulitzer và Oscar là những nguồn tư liệu vô cùng phong phú và dồi dào đối với những sinh viên học ngành báo chí và cả những nhà báo đã làm nghề nhiều năm. Ở đó, chúng ta không chỉ thấy được những vấn đề nổi cộm trong xã hội mà còn học hỏi được thêm những kinh nghiệm tác nghiệp thực tế, cách thức khai thác nguồn tin hiệu quả.
The Post
Năm 1966, chuyên gia quân sự của Mỹ là Daniel Ellsberg đã đáp chuyến bay tới Việt Nam theo sự ủy nhiệm của cấp trên nhằm mục đích thị sát tình hình thực tế cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Tuy nhiên, khác với những báo cáo mà ông từng được đọc là quân đội Hoa Kì luôn giành thế chủ động và áp đảo đối phương, khi đến chiến trường Việt Nam, ông mới nhận ra quân đội Mỹ thương vong vô số. Sự việc này đã được chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara thừa nhận khi có mặt ông và đương kim Tổng thống Mỹ Johnson.
Thế nhưng, khi đáp chuyến bay về trụ sở tại Washington DC, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã thản nhiên công bố với toàn bộ người dân và báo chí rằng Mỹ đang dần vươn tới mục tiêu cuối cùng trong thế thắng. Trước sự che đậy của chính quyền, Daniel Ellsberg đã quyết định phải để cho toàn thể người dân Mỹ biết được sự thật. Ông đã tiết lộ những báo cáo thực tế của mình trong thời gian thị sát cho các nhà báo ở tờ Washington Post và New York Time.
Ben Bradlee- Tổng biên tập của tờ Washington Post- và các cộng sự của mình đã lao động, đã tìm kiếm những nhân chứng khác để bổ sung cho những thông tin đã được cung cấp với mong muốn phanh phui toàn bộ sự thật về chiến tranh Việt Nam. Trong khi đó, Katharine Graham- chủ tờ báo- lại đứng trước những khó khăn: Một bên là nhu cầu đón nhận thông tin không ngừng của công chúng, một bên là “sinh mạng” của tờ báo vì vụ việc liên đới tới chính quyền. Đã có những do dự, những bất đồng trong đội ngũ nhà báo, phóng viên của tờ Washington Post, nhưng cuối cùng, vì mục tiêu thông tin cho công chúng những thông tin khách quan, chân thực, bài báo về góc khuất của quân đội Hoa Kì đã được đăng tải trên trang nhất của tờ báo bất chấp đe dọa kiện tụng của những người có quyền hành.
Bộ phim nói về một vấn đề đã diễn ra cách đây hơn 40 năm, song vẫn mang đậm tính thời sự nóng hổi. Cốt truyện vừa mang tính lịch sử, vừa phản ánh hơi thở cuộc sống hiện đại khi mà vẫn còn rất nhiều những vụ bê bối chưa từng được đưa ra ánh sáng. Khi xem bộ phim này, người xem không chỉ hòa mình vào các cuộc điều tra gay go, phức tạp mà còn phần nào hiểu rõ về bản chất của chính quyền.
Diễn viên chính:
Tom Hanks: vai Bradlee
Matthew Rhys: vai Daniel Ellsberg
Meryl Streep: vai Graham
All the President’s men( Đoàn tùy tùng của Tổng thống)
Phim kể về hai nhà báo có thật của tờ Washington Post là Bob Woodward và Carl Bernstein trong những nỗ lực điều tra vụ án Watergate- scandal chính trị chấn động của Mỹ buộc Tổng thống Richard Nixon phải từ chức.
Vụ việc Watergate xảy ra vào những năm đầu thập niên 70 của thế kỉ XX. Trong khi cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn đang rất gay gắt và quyết liệt, chính quyền Tổng thống Richard Nixon đã sử dụng quyền lực của mình để ngăn cản phong trào phản chiến và lực lượng chính trị đối lập là Đảng Dân chủ. Vụ việc tưởng như hé lộ khi FBI tiến hành bắt giam và điều tra 5 tên trộm đột nhập vào Văn phòng Đảng Dân chủ tại Watergate. FBI cũng lần ra manh mối của vụ việc có liên quan đến chính quyền của Tổng thống đương nhiệm và các cộng sự của ông. Tuy nhiên, mọi kết quả điều tra của FBI đã bị che đậy, giấu nhẹm đi bởi các nhân vật công quyền thuộc Đảng Cộng hòa, nhằm khống chế những bất lợi đối với Tổng thống Nixon trong nhiệm kì.
Hai nhà báo Bob Woodward và Carl Bernstein đảm nhận đưa tin về việc bắt 5 tên trộm đã phát hiện ra những toan tính đằng sau vụ đột nhập và quyết định lần theo những thông tin đó để tìm hiểu sâu xa vấn đề, bất chấp sự không hợp tác từ phía những nhân vật công quyền, những người đã từng làm việc cho Nhà trắng. Trong quá trình khai thác nguồn tin, họ đã rất nhiều lần vấp phải những sự từ chối, thậm chí đe dọa từ những nhân chứng. Phía tòa soạn thì gây áp lực về lượng tin bài, và cũng e ngại không muốn đăng tải tin bài điều tra như vậy bởi nó dính líu quá lớn tới chính quyền đương nhiệm. Điều quan trọng hơn, họ e ngại có thể gây ảnh hưởng đến tòa soạn báo.
Tuy nhiên, với đam mê, nhiệt huyết và lương tâm của người làm báo, hai nhà báo đã dần lần ra những manh mối vụ việc, vận dụng hết các kĩ năng làm nghề để khai thác tối đa những nguồn tin, những nhân chứng có thể. Cuối cùng, loạt bài về vụ bê bối đó cũng được đăng tải trên trang nhất tờ Washington Post, gây ra làn sóng dư luận phẫn nộ, buộc Tổng thống Richard Nixon phải từ chức.
Có thể nói, mặc dù được bấm máy từ năm 1976 nhưng cho đến nay, All the President’s men vẫn là một trong những bộ phim kinh điển về báo chí, phim đã cho công chúng thấy hai nhà báo trẻ đã làm thay đổi một phần lịch sử nước Mỹ
Với nội dung hấp dẫn, đầy kịch tính và cách diễn xuất tự nhiên của các diễn viên, phim đã giành được giải thưởng Oscar cao quý.
Diễn viên chính:
Robert Redford: vai Bob Woodward
Dustin Hoffman: vai Carl Bernstein
Nightcrawler( Kẻ săn tin đen)
“Kẻ săn tin đen” nói về mặt trái của nghề phóng viên tự do trong thời buổi những tin nóng, giật gân, câu khách chiếm thế thượng phong. Áp lực đăng tải những tin bài có tác dụng kích thích sự tò mò của công chúng và dư luận xã hội đã dần dần làm thay đổi bản ngã của một con người.
Trong phim, Louis Bloom ban đầu xuất hiện với dáng vẻ lôi thôi, chiếc xe tồi tàn và khuôn mặt khốn khổ khiến người xem mủi lòng. Tuy nhiên, có một sự chuyển biến rất nhanh trong cách hành xử của Bloom khi ông nhận ra những lợi ích khi trở thành người săn tin chuyên nghiệp cho các nhà đài. Với chiếc máy ảnh cũ kĩ và những kĩ năng nghiệp dư, ông len lỏi vào hiện trường vụ án, ghi lại toàn bộ sự việc, thậm chí là những cảnh tang tóc, đau thương. Những tin tức kiểu giật gân, câu view đó đã khiến ông dần đạt được những vị trí thượng trong giới săn tin. Nhưng đồng thời, cùng với sự tăng vọt của tiền lương, sự điện cuồng trong con người Bloom cũng tăng cao và dần kiểm soát lí trí của ông. Ông đã trở thành người “săn tin đen” thực thụ và không ngần ngại bất kì trường hợp nào, cốt tung ra cho các báo những thông tin gây tò mò cho độc giả.
Đằng sau sự thay đổi trong con người của Bloom khi bước chân vào nghề phóng viên tự do, bộ phim còn cho thấy mặt trái của truyền thông hiện nay. Tỉ lệ người xem lại trở thành thước đo chính, do vậy có không ít báo chạy theo xu hướng đăng tin sốc, lạ, độc để níu kéo công chúng, bỏ qua một yếu tố vô cùng quan trọng đối với người làm báo là vấn đề pháp luật, vấn đề đạo đức và lương tâm.
Diễn viên chính:
Jake Gyllenhaal: vai Bloom
Michael Papajohn: vai cảnh sát trưởng
State of play( Cuộc chiến cân não)
Stephen Collins- một nhân vật tầm cỡ trong lĩnh vực chính trụ và đang có mong muốn thăng tiến đến chức vụ cao nhất của một quốc gia: Tổng thống. Tuy nhiên, ông lại vướng phải những rắc rối khi trợ lí của ông bị sát hại, và những thông tin gây bất lợi cho ông bị tiết lộ.
Cal McAffrey- nhà báo nổi tiếng của tờ The Washington Global và cũng là bạn thân của Collins nhận được nhiệm vụ của tòa soạn là điều tra về cái chết của trợ lí Collins. Còn Della- một phóng viên báo- có nhiệm vụ tìm hiểu những chuyện đời tư của Collins. Những tưởng những chuyện này chẳng có mối quan hệ với nhau nhưng trong quá trình điều tra, họ lại nhận ra sự những sự liên hệ ngầm của một âm mưu chính trị bất chính. Hai nhà báo luôn tôn thờ sự thật và gan góc bước chân vào một cuộc chiến nơi mà đồng tiền chi phối thông tin, còn sự thật lại là một thứ xa xỉ.
Bộ phim cho thấy tâm trạng phức tạp của những phóng viên báo mảng đề tài chính trị- nội chính. Có quá nhiều những hiểm nguy, những âm mưu hãm hại các nhà báo, trong khi họ vẫn có một nhiệm vụ truyền tải đến công chúng những thông tin khách quan, chính xác. Ở đó, ta thấy được bản lĩnh và trách nhiệm xã hội của những nhà báo khi dám nói ra sự thật.
Diễn viên chính:
Russell Crowe: vai Cal McAffrey
Ben Affleck: vai Stephen Collins
Rachel McAdam: vai Della Frye
Spotlight( Tiêu điểm)
Bộ phim phỏng theo một vụ bê bối ấu dâm có thật diễn ra suốt 34 năm tại Boston( Mỹ) và hành trình đưa vụ án ra ngoài ánh sáng công lý của nhóm phóng viên Spotlight( thuộc tờ Boston Global).
Năm 2001, Boston Global chào đón một vị Tổng Biên tập mới: Marty Baron- một người ít nói và khá điềm tĩnh. Tuy mới về tòa soạn báo không lâu, Tổng biên tập mới Baron đã phát hiện ra một vấn đề nổi cộm, có tính báo chí rõ rệt và đáng thông tin cho công chúng biết nhưng vấn đề đó trước nay lại chỉ được đăng ở những cột báo nhỏ ít ai để ý. Đó là việc linh mục John Geoghan( thuộc giáo hội Công giáo) có hành vi lạm dụng tình dục trẻ em nhưng luôn được Hồng y Law (người đứng đầu giáo hội Công giáo) bảo vệ. Ngay cả những nạn nhân của vụ ấu dâm cũng không hề lên tiếng. Vì vậy, Baron đã trao đổi với nhóm phóng viên Spotlight (thuộc tờ Boston Global) để theo đuổi đến cùng vụ việc.
Ban đầu, nhóm phóng viên tin rằng cuộc điều tra của họ chỉ nhằm vào Geoghan- người đã từng bị điều chuyển nhiều lần. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, họ còn phát hiện một sự thật động trời khác: Có một danh sách lên tới 87 linh mục liên quan đến các vụ ấu dâm trong nhiều năm nhưng luôn được bao che, và trong suy nghĩ của những người dân Boston, họ vẫn là những linh mục đáng kinh, là những người con ngoan đạo của Chúa.
Nhóm phóng viên đã liên hệ với các nạn nhân của vụ ấu dâm, luật sư tố tụng và các nhân chứng quen biết để tiếp cận vụ việc gây chấn động và thu thập thêm những bằng chứng cho bài báo. Loạt bài về vụ bê bối ấu dâm ngay sau đó được đăng tải trên trang nhất của tờ Boston Global và đã gây tiếng vang lớn, buộc Tổng giám mục Boston phải có những tuyên bố chính thức về vấn đề này.
Bằng lối kể chuyện dung dị, chân thực, bộ phim đã phản ánh quá trình tiếp cận thực tế vô cùng khó khăn của những người làm báo. 6 nhà báo trong bộ phim tuy có những tính cách khác nhau, nhưng họ đều là những nhà báo độc lập, linh hoạt, dám dấn thân và tin tưởng vào những gì mình theo đuổi. Đôi khi phải đương đầu với khó khăn, sự đe dọa từ những người quyền thế, lại vừa phải cố gắng bảo vệ nguồn tin mà không làm giảm tính khách quan của bài báo.
Ngay sau khi công chiếu, bộ phim đã tạo nên “cơn sốt màn ảnh” và nhận được nhiều những lời khen ngợi từ phía các nhà phê bình. Bộ phim còn đi xa hơn khi xuất sắc nhận được giải thưởng Bộ phim hay nhất trong lễ trao giải Oscar 2016.
Diễn viên chính:
Michael Keaton: vai nhà báo Robby Robinson
Mark Ruffalo: vai nhà báo Michael Rezendes
Rachel McAdams: vai nhà báo Sacha Pfeiffer
John Slattery: vai nhà báo Ben Bradlee Jr
Brian d’Arcy James: vai nhà báo Matt Carrol
Có thể bạn thích: