Năm 2016 có lẽ là năm thành công nhất của điện ảnh Hàn Quốc với hàng loạt những tác phẩm để lại ấn tượng mạnh cho công chúng cả ở thị trường nội địa và quốc tế. Sau đây là danh sách 10 bộ phim Hàn Quốc xuất sắc nhất năm 2016 (tính cả một số phim ra mắt cuối năm 2015) do Taste Of Cinema bình chọn.
The Wailing (Na Hong-Jin)
Sau một thời gian dài vắng bóng, đạo diễn Na Hong-Jin đã quay trở lại và không khiến người hâm mộ phải thất vọng với một tác phẩm xuất sắc nữa mang tên “The Wailing”. Câu chuyện bắt đầu khi một đại dịch bất ngờ bùng phát tại ngôi làng yên bình nọ, khiến người dân mất trí và bắt đầu tấn công lẫn nhau. Một trong những viên cảnh sát điều tra vụ việc – Jong-Goo vô tình phát hiện ra nguồn gốc kinh hoàng của đại dịch, nhưng vì nhát gan nên đã cố gắng tránh xa nó. Nhưng đến khi con gái của anh cũng mắc phải những triệu chứng tương tự, Jong-Goo sẵn sàng làm tất cả để cứu con mình.
Với tác phẩm kinh dị này, đạo diễn Na đã dần dần đẩy sự căng thẳng, kịch tính lên ngày một cao trào theo diễn biến của câu chuyện, với một kết thúc vô cùng kinh hoàng khiến bất cứ ai cũng phải sửng sốt. Ông kết hợp đủ mọi yếu tố được ưa thích nhất của thể loại kinh dị như zombie, ma cà rồng, quỷ dữ, và cả thầy trừ tà. Bên cạnh đó, Na còn không ngại sử dụng những lời chửi thề, bạo lực, và nhiều hình ảnh máu me loang lổ để tạo nên một không gian ám ảnh kinh hoàng bao trùm khắp bộ phim. Xét trên một khía cạnh bao quát hơn, “The Wailing” không chỉ là một bộ phim kinh dị thông thường, mà còn động đến một vài vấn đề chính trị – xã hội nhức nhối hiện còn đang tồn tại ở Hàn Quốc.
Dàn diễn viên cũng là một điểm nhấn đáng chú ý của bộ phim. Kwak Do-Won đã có màn trình diễn tuyệt vời trong vai Jong-Goo, khi thể hiện thành công sự chuyển biến tâm lý từ một tay cảnh sát nhát gan vô dụng trở thành một thợ săn liều lĩnh, bất chấp tất cả để cứu con gái mình. Bên cạnh đó, Kunimura Jun trong vai người đàn ông Nhật bí ẩn thực sự là vai diễn nổi bật nhất, hoàn hảo từ ngoại hình cho tới cách diễn xuất, mang đến một cảm giác bất an, sự sợ hãi khó lường mặc dù nhân vật này không có mấy câu thoại.
Tunnel (Kim Sung-Hoon)
Trên đường về nhà để đi dự sinh nhật con gái mình, Lee Jung-Soo – quản lý một đại lý ô tô đã bị tai nạn bất ngờ khi đi qua một đường hầm xuyên núi, anh bị chôn vùi dưới hàng tấn bê tông sụp xuống. Đội cứu hộ được gọi tới, nhưng đi cùng với họ còn có giới báo chí và một vài chính trị gia, và việc giải cứu anh lại gặp phải những khó khăn hoàn toàn khác. Dae-Kyung, đội trưởng đội cứu hộ cố gắng hết sức để cứu Jung-Soo ra, nhưng chính công ty xây dựng và gia đình của những công nhân làm việc tại đó là ra sức ngăn cản nhiệm vụ của anh.
Tác phẩm của Kim Sung-Hoon là một bản tập hợp những lời tố cáo. Ông tố cáo những công ty xây dựng vì mục đích cắt giảm chi phí mà bỏ qua những quy định an toàn, giới báo chí quan tâm tới lượt người xem hơn là đạo đức, và cuối cùng là những chính trị gia đạo đức giả, chính quyền là một mớ hỗn độn không kiểm soát.
Diễn viên Ha Jung-Woo đã có màn nhập vai xuất thần, truyền tải những thay đổi liên tục trong trạng thái tâm lý của nhân vật Lee Jung-Soo một cách vô cùng tinh tế. Bên cạnh đó, Oh Dal-Su trong vai Dae-Kyung cũng mang tới một chút yếu tố hài hước, và cả nhân vật chú chó bất ngờ trở thành tâm điểm trong tác phẩm tâm lý/sinh tồn đầy gay cấn này.
The Handmaiden (Park Chan-Wook)
Kịch bản phim dựa trên tiểu thuyết “Fingersmith” của nhà văn Sarah Waters, xảy ra tại Hàn Quốc vào thập niên 30 trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ. “Bá tước” Fujiwara – một tay lừa đảo chuyên nghiệp đã lên kế hoạch quyến rũ công nương Hideko bằng cách “cài” Sook-Hee – một cô gái nghèo khổ mà hắn tìm thấy vào làm hầu gái cho Hideko. Tuy nhiên, mọi thứ đã chuyển sang một diễn biến hoàn toàn khác khi hai người phụ nữ này phải lòng nhau, và thế là những nút thắt không thể ngờ tới đã xảy ra trong câu chuyện.
Đạo diễn Park Chan-Wook cố gắng trung thành nhất có thể với cấu trúc của tiểu thuyết, phân câu chuyện ra thành ba trường đoạn, với phần thứ nhất và thứ ba được kể từ góc nhìn của Sook-Hee, và phần thứ hai đến từ điểm nhìn của công nương Hideko. Trái với phong cách chậm rãi thông thường của mình, Park thực hiện “The Handmaiden” theo một tiết tấu nhanh chóng, những sự kiện xảy ra dồn dập và liên hồi.
Tuy nhiên, những nét đặc trưng trong cách làm phim của Park vẫn luôn luôn hiện hữu. Nhân vật của ông tồn tại như những nét vẽ biếm họa theo một phong cách lệch lạc độc đáo, đặc biệt là với Sook-Hee và Kouzuki. Lời mỉa mai của ông được thể hiện qua những ngôi nhà kết hợp kiến trúc Nhật Bản với phong cách Châu Âu một cách gớm ghiếc, như đang chế giễu rằng những người giàu có thể làm bất cứ điều gì họ muốn, nhưng không có nghĩa là họ có chút thẩm mỹ hợp lí nào cả. Ông còn mang đến một nét hài hước đen tối và rùng mình qua hình ảnh những nạn nhân dường như tỏ ra thích thú trước sự tra tấn về thể xác.
Ngoài ra, “The Handmaiden” còn được hết lời ca ngợi qua khâu dựng bối cảnh trong phim. Nhà thiết kế Ryu Seong-Hee đã dựng nên nội thất của ngôi nhà bằng cách kết hợp kiến trúc Nhật Bản tối giản với phong cách đầy tính biểu tượng. Một tác phẩm nghệ thuật quái đản song cũng đầy tính biểu tượng giá trị cao, đặc biệt là ở những tầng thấp hơn của ngôi nhà.
Trong dàn diễn viên thì người nổi bật nhất chắc chắn phải là Kim Min-Hee trong vai công nương Hideko, một con người đa cảm, với những chuyển biến sắc nét trong tâm lý qua từng phân đoạn của câu chuyện.
Age of Shadows (Kim Jee-Woon)
Bộ phim lấy bối cảnh Hàn Quốc khi mà quốc gia này còn đang bị Nhật Bản đô hộ vào những năm 1920. Nội dung xoay quanh cuộc đối đầu giữa nội gián của cả hai phe với diễn biến đầy kịch tính và bất ngờ. “Age of Shadows” kết hợp những yếu tố của thể loại noir (phim đen) với hành động và chính kịch. Kịch bản phim vô cùng phức tạp, liên tiếp những sự phản bội, trở mặt, đổi trắng thay đen xảy ra, một điều không có gì là bất ngờ trong những bộ phim lấy đề tài gián điệp.
Xét trên khía cạnh đạo diễn, “Age of Shadows” quả thực là một tuyệt tác. Kim Jee-Woon đã tạo nên một bầu không khí căng thẳng, gay cấn suốt bộ phim, đặc biệt là qua cảnh đối mặt giữa hai nhân vật chính là Lee Jung-Chool và Kim Woo-Jin. Cao trào nhất là phân đoạn trên tàu hỏa, khi mà hàng loạt sự kiện bất ngờ xảy ra trong một không gian hạn chế, đẩy cảm xúc của người xem lên đến tột đỉnh. Trận chiến đẫm máu cuối cùng cũng là một điểm rất đáng nhớ của bộ phim.
Asura: City of Madness (Kim Sung-Soo)
“Asura” xoay quanh cuộc chiến ngầm trong giới chính trị gia, với những thủ đoạn bỉ ổi và những tội ác kinh hoàng. Thị trường Park Sung-Bae là một tay “tham quan” vô cùng xấu xa, sẵn sàng giết hại bất cứ ai có thể làm nguy hại tới địa vị và tài sản của hắn. Tên tay sai phải làm những công việc “dọn đường” cho Park là cảnh sát Han Do-Kyung, để trả viện phí cho người vợ ung thư của mình mà phải tuân thủ mọi mệnh lệnh. Công tố viên Kim Cha-In và đội trưởng tổ điều tra Do Chang-Hak là những kẻ mà ban đầu chúng ta sẽ tưởng là đại diện cho cái thiện, sau cũng sẽ lộ ra bộ mặt thật của mình, một bộ mặt cũng u tối như chính xã hội trong phim vậy.
Bộ phim phản ánh rõ nét một hiện thực đen tối đằng sau giới chính trị tại Hàn Quốc hiện nay, bằng cách tập trung vào những nhân vật mà nó xây dựng nên, những kẻ gần như không có nổi một mặt tốt nào. Dường như tất cả đều là “nạn nhân” của cuộc chiến tranh giành quyền lực, nhưng cốt lõi vẫn là do bản chất của họ vốn dĩ đã dễ lung lay theo chiều gió khi tồn tại trong một thể chế như vậy. Đạo diễn Kim Sung-Soo đã truyền tải một thông điệp rõ ràng về sự tham nhũng, lũng đoạn và mục nát, đả động tới mọi khi cạnh của xã hội Hàn Quốc hiện nay, bao gồm cả công lý và chính trị.
Diễn xuất luôn đóng vai trò then chốt đối với một tác phẩm như “Asura: City of Madness”. Hwang Jung-Min trong vai thị trưởng Park có lẽ sẽ khiến chúng ta nhớ tới Robert De Niro trong những bộ phim gangster kinh điển. Jung Woo-Sung cũng rất xuất sắc khi nhập vào vai cảnh sát Han – một nhân vật biến chất, tha hóa tột độ dưới sức ép đến từ mọi khía cạnh của cuộc sống. Bên cạnh đó, Kwak Do-Won, Jeong Man-Sik và Ju Ji-Hoon cũng trở thành những tên tội phạm “xuất thần” trong phim.
Bacchus Ladies (Lee Jae-Yong)
Tiêu đề của bộ phim phản ánh một thực trạng đáng buồn trong xã hội Hàn Quốc hiện đại, “Bacchus Ladies” là tên gọi dành cho gái mại dâm lớn tuổi chuyên gạ khách tại các công viên và quảng trường ở Seoul. Những người phụ nữ này thường ở độ tuổi 50, 60, hoặc thậm chí là 80, bán dâm mới mức giá từ 20 đến 30 ngàn won (tương đương 400 đến 600 ngàn đồng) mỗi lần “giao dịch”, khách hàng của họ thậm chí có cả những người đàn ông trẻ tuổi trong độ tuổi từ 20 đến 40.
Nhân vật chính của bộ phim là So-Yeong, một người đàn bà đã 65 tuổi nhưng vẫn phải làm công việc này để trang trải cho cuộc sống khốn khó của mình cùng với một người chuyển giới và một cậu thanh niên trẻ bị cụt một chân sống cùng khu nhà. Câu chuyện bắt đầu trong một phòng khám khi bà bị chẩn đoán mắc bệnh lậu, và mọi thứ bước sang một ngã rẻ bất ngờ khi bà phải nhận chăm sóc cho một cậu bé Philippines bởi mẹ của nó phải đi tù vì đâm bác sỹ trong phòng khám đó.
Bộ phim mang tới một đề tài tương đối khó tiếp nhận, đặc biệt là khi nó có những cảnh quan hệ giữa người cao tuổi, dù gần như không có hình ảnh khỏa thân toàn bộ nào nhưng âm thanh sống động khiến mọi thứ trở nên không kém phần trần trụi. Thế nhưng càng về sau, bộ phim càng trở nên lắng đọng hơn, với diễn biến chậm rãi, và màn trình diễn tuyệt vời của nữ diễn viên Yoon Yeo-jung trong vai chính đã cho chúng ta một cái nhìn thương cảm và chân thành về số phận con người trong thời hiện đại.
Derailed (Lee Seong-Tae)
Câu chuyện trong phim xoay quanh bốn thiếu niên là Jin-Il, Ga-Yeong, Bong-Gil và Min-Kyung, họ bỏ nhà đi bụi và cố gắng mưu sinh bằng cách bán những đồ trộm cắp. Cuộc sống đầu đường xó chợ của họ vô cùng kham khổ, đến mức họ túng quá hóa liều và vạch ra một kế hoạch phạm tội. Mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn khi họ đụng nhầm phải Hyung-Seok – chủ một quán karaoke chuyên bắt các thiếu nữ trẻ tuổi làm gái mại dâm , kết cục là Ga-Yeong bị bắt phải làm việc cho hắn và Jin-Il tuyệt vọng lao vào kiếm tiền để chuộc cô ra.
Từ đầu đến cuối, bộ phim dựng nên trước mắt chúng ta một xã hội mà “làm người tốt đồng nghĩa với ngu ngốc”, và để sống sót trong môi trường ấy, bốn người trẻ tuổi này không còn cách nào khác ngoài việc trở thành tội phạm. Tất cả mọi người đều có mặt tốt và mặt xấu bên trong họ, và chúng ta trở thành người như thế nào bị ảnh hưởng không nhỏ bởi ngoại cảnh. Kể cả Hyung-Seok cũng là vì gia đình nên mới trở thành một kẻ ác như vậy.
Diễn xuất của các nhân vật cũng được đánh giá rất cao, đặc biệt là Min-Ho trong vai Jin-Il – người luôn hy sinh bản thân mình, Ma Dong-Seok trong vai Hyung-Seok – một nạn nhân của thời đại, và Kim Jae-Young – kẻ ác điên loạn không có chút nhân tính.
Train to Busan (Yeon Sang-Ho)
Với “Train to Busan” Yeon Sang-Ho thực sự đã làm nên một bộ phim xứng tầm “bom tấn” điện ảnh, với những thông điệp có chiều sâu về xã hội, vượt qua giới hạn của nhiều tác phẩm zombie “ăn theo” đầy rẫy trên thị trường. Kịch bản được xây dựng khá công phu, duy trì được sự căng thẳng, hồi hộp cho người xem suốt cả bộ phim, chuyển đổi nhuần nhuyễn giữa hai thể loại hành động và drama, đồng thời lồng ghép được cả một vài yếu tố hài hước giữa diễn biến hỗn loạn.
Nhưng trước khi đề cập tới chiều sâu của nó, đầu tiên chúng ta vẫn phải công nhận rằng “Train to Busan” là một bộ phim hành động cực kỳ ấn tượng. Đám zombie của nó không hề chậm chạp như “The Walking Dead” mà khát máu xộc thẳng vào con mồi, khung cảnh đó càng trở nên kinh hoàng hơn trong không gian chật hẹp của đoàn tàu. Tuy nhiên, chiến thuật mà bộ phim sử dụng là tập trung vào diễn xuất để khơi gợi cảm xúc của người xem thay vì chỉ chú tâm vào hành động. Chính vì thế mà “Train to Busan” gây được sự chú ý giữa hàng tá bộ phim lấy đề tài zombie đang cực hot hiện nay.
Có thể bạn thích: