Nếu bạn là một người yêu mến trung thành của hãng phim hoạt hình Ghibli, mình chắc chắn rằng bạn sẽ biết đến bộ phim huyền thoại Công chúa Mononoke. Được sản xuất năm 1997, bộ phim đã viết nên một bản cáo trạng đầy nước mắt về những cánh rừng đại ngàn bị tàn phá để phục vụ cho sự phát triển của con người và tiên lượng về sự báo thù của thiên nhiên.
Những khẩu súng làm từ bàn tay cụt
Loài người xuất hiện trong bộ phim đa số đều thuộc về phe phản diện, nhưng ít ai thấy được những chi tiết nhân đạo chỉ có thể xuất hiện trong xã hội loài người. Thị trấn Sắt trở thành mối đe dọa của cả thiên nhiên lẫn Nhật Hoàng vì họ có những khẩu súng thần công – thứ vũ khí uy lực được làm ra bởi bàn tay của những người bị hủi. Eboshi – chủ nhân thị trấn Sắt – đã cưu mang họ bằng tình ái của một người mẹ lớn, cứu giúp những người phụ nữ cùng cảnh ngộ.
Bước chân của thần rừng
Thần rừng – hay linh hồn của cánh rừng vĩ đại – là nhân vật quyền lực nhất trong bộ phim. Khi ngài bước xuống, cây cối đâm chồi nảy lộc; khi ngài bước lên, cỏ cây héo tàn xơ xác. Đó là sức mạnh của Mẹ thiên nhiên, quyền năng ban phát sự sống và cái chết. Chỉ có ngài mới dập tắt được lòng hận thù trong những con quỷ – bằng một nụ hôn, một hơi thở, một tình ái bao la như cánh rừng ngài canh giữ.
Sự báo thù của thiên nhiên
Lời hứa hẹn của Nhật Hoàng đã khiến Eboshi liều mình đi lấy đầu của thần rừng và cả thị trấn Sắt đã phải chịu một thảm họa khủng khiếp. Những cơn gió lốc, những dòng nước xiết, những tiếng bi lụy tượng trưng cho cái chết. Con người cần thiên nhiên, nhưng thiên nhiên không cần con người. Nếu chiếm đoạt thiên nhiên, sẽ có ngày thiên nhiên quay trở lại và bắt chúng ta trả bằng hết số nợ trong quá khứ bằng chính sinh mạng của mình.
Lời xin lỗi
Khi Ashitaka và San nâng chiếc đầu thần lên, những lời nguyền thù hận đã giáng xuống đầu họ rồi phát ra ánh sáng rực rỡ. Sự chuộc lỗi này có muộn màng hay không? Có. Thần rừng dù lấy lại đầu nhưng sẽ không bao giờ trở lại với con người nữa. Vậy sự chuộc lỗi có cần thiết không? Có. Ân nghĩa với thiên nhiên là thứ đậc ân nặng nhiều thế hệ, nhưng San và Ashitaka – hai con người bé nhỏ – đã hoàn thành được sứ mệnh vĩ đại đó, và được cứu rỗi.
Anh hùng máu
Ashitaka được xây dựng là mẫu nam chính điển hình của Ghibli – tài giỏi, dũng cảm, can đảm và có tấm lòng bao dung vô hạn. Hãy nhớ lại round chiến ở thị trấn Sắt, khi Ashitaka bị một viên đạn lạc bắn trúng bụng, anh vẫn có khả năng ngăn cản cuộc chiến của hai người phụ nữ, thậm chí có đủ sức mạnh để mở ra cánh cổng giải thoát cho cuộc đời của San. Đó là hành động của một vị anh hùng chân chính.
Những vết thương hóa thành hận thù
Chúng ta sẽ mãi không thể nào quên con quái vật đã đem lời nguyền rủa tới cho Ashitaka. Một con lợn rừng bị bắn bởi một viên đạn sắt – vết thương đốt cháy nó từ bên trong và biến nó thành Tà thần. Liệu đó có phải số phận mà nó được chọn? Ai mới là người phải chịu trách nhiệm cho lòng hận thù sôi sục ấy?
Chia li
Chắc hẳn mọi người đều cảm thấy bất ngờ khi Ashitaka từ chối lời mời của San vào phút cuối cùng. Vì sao một con người bị coi là đã chết như Ashitaka lại vẫn chấp nhận cuộc sống lang bạt? Và chúng ta phải hiểu như thế nào trước thái độ chấp nhận bình thản của San? Đó là vì con đường của họ khác nhau. Thế giới của họ khác nhau. Tình yêu của họ là chân thật, nhưng tương lai của mỗi người không thể phó mặc toàn bộ cho cảm xúc. Họ đều là những con người vĩ đại, và họ sẽ khiến cuộc sống vĩ đại hơn bằng bàn tay của mình, như một chồi non lớn thành cây đại thụ đầy bóng mát.
Ánh trăng và bài hát báo thù
Cảnh tượng này được chiếu cùng với bài hát chủ đề của phim. Với giai điệu trầm bổng và day dứt, chúng ta tự hỏi xem đó có phải là tiếng lòng của San khi lần đầu tiên chăm sóc một chàng trai loài người theo cách của loài người. Có một sự giằng xé sâu sắc trong trái tim của cô gái sói, một câu hỏi về bản ngã khi được chạm tay vào đồng loại của mình.
Có thể bạn thích: