Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, người người nhà nhà đoàn tụ, cùng nhau dọn dẹp, trang trí nhà cửa để đón Tết. Tết, với người Việt Nam ta là dịp vô cùng ý nghĩa, mỗi năm chỉ có một lần và cũng để lại nhiều ký ức từ tuổi thơ tới khi trưởng thành. Hãy cùng TopChuan.com hòa vào không khí rộn ràng, nô nức dịp xuân sang với 10 thứ không thể thiếu vào mỗi dịp Tết nhé.
Lì xì mừng tuổi năm mới
Có lẽ thứ mà trẻ em và những thanh, thiếu niên thích nhất mỗi dịp Tết, đó chính là lì xì mừng tuổi năm mới. Lì xì mừng tuổi năm mới là một tục lệ truyền thống của người Việt mỗi dịp Tết đến, xuân sang, với ý nghĩa rằng người lớn mừng những đứa trẻ đến chơi nhà lên tuổi mới với phong bao lì xì đỏ có tiền ở bên trong để lấy lộc, lấy may mắn. Tương tự như vậy, người trẻ cũng mừng thọ các cụ già để chúc mừng các cụ già đã sống thọ và chúc cụ sẽ tiếp tục sống thọ thêm.
Mệnh giá của lì xì ngày càng gia tăng, theo thời gian. Vào những năm 2000, lì xì đầu năm chỉ rơi vào khoảng 2.000 – 5.000đ, ở mức cao có lẽ là 10.000 – 50.000đ nhưng hiện nay, một lì xì mừng tuổi ít nhất cũng phải có trị giá 10.000 – 50.000đ và ở mức cao có thể lên đến 500.000đ. Thậm chí, nhiều người mừng tuổi bằng ngoại tệ như USD, Euro, Yên Nhật, Bảng Anh… bởi mừng tuổi bằng ngoại tệ vừa là trào lưu, vừa thể hiện đẳng cấp xã hội, sự phát đạt của người mừng tuổi.
Đáng buồn thay, tục lệ lì xì mừng tuổi năm mới ngày càng “biến chất”. Những đồng tiền may mắn được nhiều thanh thiếu niên tiêu pha bừa bãi và thậm chí là sử dụng với ý nghĩa “may mắn” thật, đó là đánh bài bạc, đỏ đen. Người đi mừng tuổi thì ngại mua bao lì xì, và đưa thẳng tờ tiền cho trẻ nhỏ. Nhưng đáng báo động nhất, là vấn nạn quà biếu, đút lót, chạy chức chạy quyền dưới vỏ bọc lì xì mừng tuổi năm mới, khi những gia đình cấp dưới đến nhà của sếp để chúc Tết.
Pháo hoa Đêm giao thừa
Sau khi đã xem chương trình “Gặp nhau cuối năm”, chúng ta sẽ cùng đón Giao thừa. Vào mỗi dịp Giao thừa, ở những địa điểm chính của những thành phố lớn hay một số tỉnh thành đều có tổ chức bắn pháo hoa Đêm Giao thừa. Với nhiều người sinh sống ở những thành phố lớn, pháo hoa Đêm Giao thừa là một thứ không thể thiếu vào dịp Tết.
Tuy nhiên, trước thềm Tết Đinh Dậu 2017 năm nay, đã có thông tin rằng UBND thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh quyết định không bắn pháo hoa để tiết kiệm ngân sách chi cho người nghèo. Đã có nhiều ý kiến phản đối trong cộng đồng mạng, rằng “không bắn pháo hoa Đêm Giao thừa thì gọi gì là Tết”. Rồi ít lâu sau đó lại có thông tin Hà Nội sẽ vẫn bắn pháo hoa nhưng gần đây lại có thông tin mới rằng pháo hoa sẽ được ghi hình thông qua màn hình LED cỡ lớn đặt tại những điểm chủ chốt và lại vấp phải luồng ý kiến phản đối dữ dội. Chưa rõ liệu cuối cùng thì Đêm Giao thừa năm nay có bắn pháo hoa hay không và có lẽ chúng ta phải chờ tới lúc đó mới biết được chính xác quyết định của UBND thành phố.
Lễ cúng ông Công, ông Táo
Lễ cúng ông Công, ông Táo là một phong tục lâu đời của người Việt Nam ta, diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp (tháng 12 theo lịch Âm), ngay trước thềm đón Tết.
Theo đức tin của dân gian, ông Công, ông Táo là những vị thần bếp, biết hết mọi chuyện hay dở, tốt xấu của những gia đình. Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, ông Công, ông Táo sẽ cưỡi cá chép bay về trời để tham gia buổi chầu trên Thiên đình. Tại buổi chầu, ông Công, ông Táo sẽ báo cáo lại cho thiên đình biết những chuyện xảy ra trong các gia đình dưới hạ giới, đến đêm Giao thừa hai ông mới trở lại để tiếp tục coi sóc bếp lửa của những gia đình.
Theo tục lệ, người dân Việt Nam sẽ làm lễ tiễn đưa ông Công, ông Táo về chầu trời vào trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp. Theo phong tục truyền thống thì các gia đình cần làm một mâm cỗ mặn, trầu cau, rượu và thắp hương, bên cạnh đó là phóng sinh cá chép để ông Công, ông Táo cưỡi về chầu trời. Ngày nay, người Việt Nam ta thường đốt thêm vàng mã, là những bộ áo quan, mũ, hài của ông Công, ông Táo hoặc có thể là cả cá chép vàng mã.
Lễ cúng ông Công, ông Táo được xem như là ngày lễ cuối cùng trong năm cũ, báo hiệu một năm đã kết thúc để chuẩn bị đón năm mới.
Đi chúc Tết ông bà, họ hàng, bạn bè
Năm mới cũng là dịp để các gia đình cùng nhau đi chúc Tết ông bà, họ hàng, bạn bè. Sau một năm quay cuồng theo guồng công việc, các gia đình đến thăm, chúc mừng năm mới và chúc sức khỏe ông bà, ghé thăm họ hàng và bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm xung quanh. Đây là một truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam ta, dù vẫn còn nhiều vấn nạn như quà biếu, nhậu nhét núp dưới vỏ bọc này. Việc đi chúc Tết ông bà, họ hàng, bạn bè vừa là những chuyến cùng nhau đi chơi đây đó của gia đình, vừa là dịp để anh em trong họ gặp nhau, bạn bè lâu năm cùng nhau ngồi lại nói chuyện. Các bác các chú ta thường có câu “năm mới nói chuyện cũ” cũng là vậy. Bởi lẽ trong cuộc sống, suốt một năm ai cũng bận bịu công việc của mình, mấy khi mà ngồi lại, chuyện trò tâm sự với nhau? Cả năm có khi cũng chỉ có một dịp những anh em họ hàng, bạn bè cũ mới, hàng xóm láng giềng đến thăm nhà nhau, cùng nhau tâm sự, nói chuyện và chúc nhau năm mới thành công, hạnh phúc.
Bữa cơm Tất niên
Bữa cơm Tất niên là bữa cơm chia tay năm cũ, thường được tổ chức ăn uống ở các cơ quan, xí nghiệp, giữa bạn bè thân, cũ với nhau nhưng phổ biến và truyền thống hơn cả là bữa cơm đoàn tụ gia đình.
Dịp Tết nhất, là dịp những người con học phương xa quay trở về nhà, người chồng người vợ đi làm xa quay về với con, gia đình con cái đi ở xa về quê với ông bà. Bởi vậy, bữa cơm Tất niên vô cùng có ý nghĩa với người Việt bởi người Việt mình có truyền thống coi trọng tình cảm gia đình. Bữa cơm Tất niên không chỉ là bữa cơm chia tay năm cũ mà còn là bữa cơm đoàn viên. Nơi con cháu quây quần bên ông bà, anh em ngồi lại chung mâm với nhau, thật ấm cúng biết mấy.
Thông thường, bữa cơm Tất niên tổ chức vào ngày 30 Tết, cùng với cúng giao thừa. Khi đó, bữa cơm Tất niên sẽ có nhiều món ăn nhưng phổ biến nhất vẫn là thịt gà, nem rán, bánh chưng, canh măng, thịt mỡ dưa hành,…
Lễ chùa đầu năm
Và cuối cùng trong danh sách, đó là lễ chùa đầu năm. Ở nước Việt Nam ta, đa số mọi người thường theo hoặc tin vào Phật giáo, có niềm tin và thói quen thắp hương, lễ bái tại các đền chùa. Vào dịp đầu năm, mọi người thường hay đi lễ bái, đi chùa để bày tỏ lòng thành và cầu may. Có gia đình thì đi lễ chùa đầu năm tại những chùa ở gần nhà, có gia đình lại chọn những chùa lớn, nổi tiếng như Chùa Hương, Chùa Thầy, Chùa Bái Đính, Chùa Quán Sứ, Chùa Báo Quốc, Chùa Thiên Mụ, Chùa Dâu, Chùa Đậu, Chùa Trấn Quốc… để đến lễ bái, cầu may, rút quẻ vào các dịp đầu năm. Thông thường, mọi người thường đi chùa đông nhất vào những ngày đầu năm mới, từ mùng một đến mùng năm và đặc biệt là dịp Rằm tháng Giêng.
Cây mai, cành đào
Cũng giống như Giáng sinh ở phương Tây có cây thông, ở Việt Nam chúng ta, mỗi dịp Tết đến xuân sang thì nhà nhà náo nức sắm sửa cây cảnh chơi Tết. Hai loại cây phổ biến và truyền thống trong các dịp Tết, đó là cây mai, cành đào.
Cây mai là một loài cây có hoa màu vàng, thuộc chi Mai, họ Mai, được người dân miền Nam ưa chuộng vào những dịp Tết. Cây mai vàng phân bố chủ yếu tại khu vực dãy Trường Sơn, Quảng Nam, Đà Nẵng đến Khánh Hòa. Màu vàng của hoa mai tượng trưng cho màu của nắng ấm, của niềm vui, của giàu sang phú quý, bởi vậy những người miền Nam thường trưng bày cây mai trong nhà mình với mong muốn bước sang năm mới sẽ có nhiều niềm vui, hân hoan, làm ăn phát đạt. Theo quan niệm của nhiều người, hoa mai nở càng nhiều cánh thì càng đẹp, nếu cây mai nhà nào nở toàn hoa bảy cánh thì năm đó sẽ “đại cát đại lợi”.
Nếu như cây mai được người dân miền Nam ưa chuộng thì cây đào lại được những người miền Bắc trưng trong các dịp Tết. Có lẽ cũng bởi mai là loại cây ưa ấm còn đào là loại cây ưa lạnh và chỉ nở hoa khi trời ấm lên. Cây đào có nhiều loại, có đào hồng, đào rừng, đào phai… Nhìn chung thì cây đào có hoa màu hồng, cánh mỏng, có ý nghĩa mang đến sự tươi mới, hân hoan, hạnh phúc trong năm mới. Ở một số nơi, cây đào còn được gọi là cây nêu.
Tuy rằng cây mai được người miền Nam còn cành đào được người miền Bắc ưa chuộng nhưng hiện nay người Nam cũng có thể chơi đào và người Bắc cũng có thể chơi mai. Bên cạnh cây mai, cành đào, một số loài cây khác cũng được ưa chuộng trong những dịp Tết đó là cây quất, cây cam… với ý nghĩa mang đến năm mới những hoa thơm quả ngọt.
Bánh chưng, bánh tét
Món ăn không thể thiếu trong bữa cơm Tất niên nói riêng và dịp Tết nói chung, đó chính là bánh chưng và bánh Tét.
Tương truyền, bánh chưng có từ thời vua Hùng, gắn liền với sự tích bánh chưng bánh dày của Lang Liêu. Bánh dày tròn và trắng, bánh chưng vuông và xanh là hai hình ảnh đại diện cho trời và đất: “trời tròn đất vuông”. Về cơ bản thì bánh chưng là món ăn truyền thống của những gia đình miền Bắc còn bánh tét có mặt trong gian bếp của những gia đình miền Nam. Tuy nhiên, bánh chưng và bánh tét có cách làm tương đối giống nhau: cùng là gạo với nhân đậu xanh và thịt mỡ, được gói với lá chuối, lá dong. Tuy nhiên bánh chưng thì có hình vuông còn bánh tét thì có hình trụ (giống như khoanh giò). Luộc bánh chưng, bánh tét thường rất lâu và với thế hệ cha ông, bố mẹ chúng ta, trông nồi bánh chưng, bánh tét thường là những đêm dài bên bếp lửa với những trò chơi dân gian hoặc đánh bài tam cúc. Dù rằng ngày nay, thế hệ trẻ trên thành phố không còn tự tay nấu bánh chưng, bánh tét và trông bánh chưng, bánh tét như ngày xưa, nhưng chắc chắn ký ức về những đêm bên bếp lửa trông bánh là một ký ức đẹp, khó phai mờ với nhiều thế hệ mỗi dịp Tết đến, xuân sang.
Chương trình Gặp nhau cuối năm (Táo Quân)
Một thứ không thể thiếu trong mỗi dịp Tết hơn mười năm nay, đó chính là chương trình “Gặp nhau cuối năm”, hay còn gọi là “Táo quân” hoặc “Táo quân về chầu”. Đây là một chương trình hài chính luận do Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam phối hợp cùng VTV tổ chức, với số đầu tiên phát hành vào năm 2003. Chương trình “Gặp nhau cuối năm” phát sóng vào 20 giờ ngày 30 Tết hàng năm – là khi bữa cơm Tất niên vừa kết thúc, gia đình ngồi lại nhâm nhi ấm trà và xem chương trình TV. Với nhiều thế hệ trẻ ngày nay, đặc biệt là thế hệ 9X, 2K thì chương trình “Gặp nhau cuối năm” đã trở nên quá quen thuộc và là một phần không thể thiếu vào mỗi đêm Giao thừa. Nhiều bạn trẻ còn bảo rằng “Tết mà không có Táo quân thì không phải là Tết”.
Chương trình “Gặp nhau cuối năm” quy tụ nhiều danh hài nổi tiếng như Quốc Khánh, Công Lý, Xuân Bắc, Tự Long, Quang Thắng, Vân Dung, Chí Trung, Minh Hằng,… với vai Ngọc Hoàng do Quốc Khánh đảm nhận, vai Nam Tào, Bắc Đẩu do Xuân Bắc và Công Lý thủ vai. Những vai Táo quân còn lại thay đổi theo từng năm. Là một chương trình hài chính luận thường niên, châm biếm những mặt trái, thói hư tật xấu và những vấn đề nổi cộm của xã hội Việt Nam suốt một năm vừa qua, chắc chắn chương trình “Gặp nhau cuối năm” là chương trình TV được yêu thích và chờ đón nhất mỗi dịp Tết và là một trong 10 thứ không thể thiếu mỗi dịp Tết của mọi nhà.
Xông đất đầu năm
Sau Đêm Giao thừa, khi một năm cũ đã qua đi, một năm mới vừa đến, thì một nghi thức mà nhiều người còn tin tưởng đó là xông đất đầu năm. Đây là một truyền thống xa xưa, gắn liền với tuổi của gia chủ theo mười hai con giáp. Người vào nhà đầu tiên trong năm mới sẽ là người xông đất, và nếu tuổi của người xông đất phù hợp với con vật đại diện của năm, phù hợp với tuổi của gia chủ, thì năm đó gia chủ sẽ làm ăn phát đạt, vận may ngập tràn.
Theo ông cha ta, khi chọn người xông đất đầu năm thì nên chọn những người có ngũ hành, thiên can, địa chi tương sinh với tuổi của gia chủ, đồng thời cũng tương đồng với ngũ hành, thiên can, địa chi của năm ấy. Người được chọn để xông đất đầu năm cũng nên là trẻ con hoặc đàn ông, có đạo đức đường hoàng, thành đạt, tốt vía, sức khỏe tốt, vui vẻ, rộng rãi, nhiệt tình… Nên tránh để cho người đang có tang, phụ nữ có mang đến xông đất đầu năm và nếu gia chủ đang có tang, phụ nữ có mang thì cũng nên tránh đi chúc Tết quá sớm để không đem lại xui xẻo cho gia đình khác.
Nhìn chung thì xông đất đầu năm là một tục lệ lâu đời nhưng ngày nay không còn nhiều người tin hay chú trọng đến tuổi của người xông đất nữa. Thông thường, người trưởng nam trong gia đình (bố hoặc con trai lớn) sẽ thay mặt gia đình tự xông đất, dù rằng đúng ra người xông đất phải là người ngoài gia đình.
Có thể bạn thích: