Tết Nguyên Đán là ngày khởi đầu cho một năm mới và là nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Những ngày đầu xuân chính là khoảng thời gian để tất cả mọi người trong gia đình quây quần sum họp về bên nhau cùng đón mùa xuân mới về. Mỗi dịp Tết đến xuân về hẳn gia đình nào dù có ‘hiện đại’ đến mấy cũng không thể thiếu đi những món ăn truyền thống. Các món ăn cổ truyền trong ngày Tết không chỉ đa dạng về các món mà còn chú trọng về cả hình thức trình bày với cách trang trí loại bát đĩa, cao thấp, đầy vơi và màu sắc của các món ăn.
Giò lụa
Giò lụa được làm từ thịt giã thật nhuyễn với nước mắm ngon rồi được gói thành hình ống bằng lá chuối xanh sau đó cho vào nồi để luộc hoặc hấp. Khi ăn chúng ta thái thành từng khoanh nhỏ, giò có màu trắng mịn, có vài lỗ nhỏ trên bề mặt. Nguyên liệu để làm giò lụa có thể bằng thịt lợn hoặc thịt bò đều rất ngon.
Dưa hành
Bánh chưng xanh thì phải có dưa hành. Dưa hành có vị cay cay, hơi chua thường được dùng ăn kèm với bánh chưng, các món ăn trong ngày Tết làm tăng thêm hương vị của thức ăn và còn giúp cho cơ thể dễ tiêu hóa thức ăn hơn. Để có món dưa hành ngon thì chúng ta cần lựa chọn các củ hành chắc và già đem cắt bỏ phần lá rồi chúng ta ngâm hành vào trong nước tro có pha hàn the trong khoảng 2 ngày 2 đêm. Sau đó vớt ra để bóc vỏ và cắt rễ rồi cho vào hộp để muối với nước giấm nấu đường để nguội, khoảng vài ngày sau là ăn được. Dưa hành dùng ăn kèm sẽ với các món ăn ngày Tết không bị ngấy khi ăn nhiều thức ăn có dầu mỡ và bạn sẽ thấy ngon miệng hơn.
Canh bóng thả
Canh bóng không chỉ thơm ngon mà còn hấp dẫn thực khách bởi màu sắc vô cùng sinh động: màu đỏ của cà rốt, màu xanh của bông cải xanh và đậu Hà Lan, màu trắng trong của bóng bì, màu nâu sậm của nấm hương, màu vàng của chả cá,…
Nem rán
Trong mâm cỗ Tết, món nem rán chính là món ăn đắt khách nhất. Nem rán nhìn thì đơn giản, nguyên liệu cũng dễ kiếm nhưng lại thể hiện hết sự tài hoa, tinh tế của người chế biến ra nó. Nem là món ăn rất quen thuộc và phổ biến ở tất cả các vùng miền trên đất nước nhiều người yêu thích.
Xôi
Xôi – một món ăn rất phổ biến trong đời sống của những dân tộc có chung nền văn hóa lúa nước. Với những nguyên liệu chính, đơn giản là những nông sản như gạo, đỗ, lạc,… và được mang đi đồ hoặc hấp chín.
Món xôi thường được dùng ăn nóng, gạo chín dẻo thơm, không bị nát là đạt tiêu chuẩn. Trong những dịp lễ Tết người dân thích sử dụng nhất là món xôi gấc. Theo nền văn hóa của các nước Châu Á nói chung màu đỏ đem lại sự may mắn, thịnh vượng. Khi đồ xôi chín sẽ tạo ra được một màu đỏ rất tự nhiên của gấc, đẹp mắt. Người Việt Nam cho rằng màu đỏ từ xôi gấc sẽ khiến họ gặp được nhiều tài lộc, may mắn trong năm mới.
Giò xào
Giò xào là một trong nhiều món ăn ngon ngày Tết. Giò xào được làm từ các bộ phận của thủ lợn, cùng với mộc nhĩ, nấm hương, hạt tiêu xào chín rồi được dùng lá chuối hoặc khuôn để gói giò. Giò xào ăn rất giòn và thơm ngon cùng các gia vị gói kèm.
Gà luộc
Gà luộc là một món ăn không thể không kể đến trong các dịp lễ Tết. Từ trước đến nay thì mọi người luôn tin tưởng rằng gà mang đến niềm may mắn, sự khởi đầu thuận lợi cho một năm mới. Người ta lựa chọn những con tươi ngon, làm sạch rồi sau đó cho vào nồi luộc cùng với 1 số gia vị như hoa tiêu, hoa hồi, gừng. Gà luộc chín tới sẽ có màu vàng, không bị rách da và được dùng chấm kèm với muối chanh ớt.
Thịt kho tàu
Ngày xưa, mỗi khi Tết đến thì gia đình nào cũng có một nồi thịt kho tàu, đây cũng là một trong những món ăn truyền thống của người Việt Nam. Từ những miếng thịt lợn tươi ngon và những quả trứng cút qua bàn tay nấu nướng khéo léo đã tạo ra một nồi thịt kho tàu thơm ngon và hấp dẫn mọi người cùng ăn trong ngày Tết.
Thịt nấu đông
Thịt đông là món riêng có của mùa xuân miền Bắc. Trong tiết trời lạnh, thịt đông trở nên ngon hơn. Món này được làm từ thịt lợn ba chỉ, đôi khi được sử dụng thêm cả gà và một mảng bì lợn. Tất cả sau đó đều được ninh nhừ. Sau khi nấu xong, bạn hãy lấy nồi thịt ra khỏi bếp và đặt ra ngoài sân, đậy kỹ trong đêm cho nó ăn gió uống sương, thu lấy cái rét lạnh từ trời cao và đất thấp vào mình để rồi sớm hôm sau, nhà ta đã có một nồi thịt đông ngon lành. Trên mặt của nồi thịt đông là lớp mỏng ván mỡ có màu trắng như tuyết pha sắc vàng mịn như mặt hồ không một gợn sóng. Một miếng thịt đông kèm một củ dưa hành thì còn ngon gì bằng?
Bánh chưng
Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh
Chắc hẳn câu thơ này đã rất quen thuộc với mọi người Việt Nam mỗi dịp Tết đến. Vì thế nên trên bàn thờ tổ tiên của mỗi gia đình Việt không thể thiếu được cặp bánh chưng xanh. Bánh chưng được coi là linh hồn của ngày Tết và là một loại bánh có lịch sử rất lâu đời trong nền văn hóa ẩm thực của Việt Nam. Bánh được làm từ loại gạo nếp ngon, thịt lợn, đậu xanh và được gói vuông văn bằng lá dong sau đó được đem luộc suốt trong vòng 14 giờ đến khi chín. Bánh dẻo, rất thơm mùi thơm của gạo nếp và có màu xanh của lá dong.
Canh măng khô
Canh măng khô làm trung hòa vị béo của thịt lợn, tạo nên vị ngọt thanh mà không có cảm giác ngấy cho món ăn cổ truyền này.
Có thể bạn thích: