Đối với người Việt, bàn thờ gia tiên chính là nơi linh thiêng nhất thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với tổ tiên cùng với những nguyên tắc sắp xếp riêng. Theo phong thủy, nếu việc thờ cúng không tốt, vị trí bàn thờ gia tiên không phù hợp thì có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến vận khí và sự may mắn của gia chủ. Năm mới sắp về, việc chăm chút và bài trí trên bàn thờ là cách để con cháu bày tỏ lòng yêu kính và tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên và cũng là công việc được tất cả các gia đình chú ý trước tiên. Hãy cùng TopChuan.com tìm hiểu về những lưu ý khi bài trí bàn thờ gia tiên ngày Tết để hợp phong thủy nhé!
Cách trình bày mâm ngũ quả
Về phần mâm ngũ quả thì thường được bài trí bằng 5 loại quả khác nhau, đủ các màu sắc sao cho đẹp và trang nghiêm. Ngũ quả một mặt biểu tượng cho Ngũ hành (trong văn hóa phương Đông) là vạn vật dung hòa cùng trời đất, mặt khác thì nó là đại diện cho 5 điều mà ta mong ước nhất là: Phú (giàu) – Quý (sang trọng) – Thọ (sống lâu) – Khang (khỏe mạnh) – Ninh (bình yên). Tùy theo đặc trưng của từng vùng miền về khí hậu, sản vật và quan niệm riêng mà chúng ta sẽ chọn các loại quả khác nhau để bày mâm ngũ quả.
– Người miền Bắc thì dùng chuối xanh, hồng hoặc quýt đỏ, bưởi vàng, lê trắng, hồng xiêm xám là phổ biến. Ngoài ra cũng có thể cắm thêm một vài cành đào, cành mai và đèn nháy để làm bàn thờ thêm lung linh, huyền diệu.
– Người miền Nam thì thường bày mâm ngũ quả theo mong muốn “cầu sung vừa đủ xài” ước mong năm mới đủ đầy, sung túc, tương ứng với 5 loại quả sau: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Bên cạnh đó còn có thêm quả thơm (dứa) với ước mong con cháu đầy nhà và một cặp dưa hấu để cầu may mắn.
Sai lầm cần tránh khi bày ngâm ngũ quả ngày Tết
– Sai lầm 1: Không hiểu hết ý nghĩa các loại quả
- Một số gia đình thường băn khoăn về việc màu sắc mâm ngũ quả có nhất định phải đủ các loại quả có màu theo Ngũ hành (Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng) hay không? Trong khi đó vẫn muốn bày thêm nhiều loại quả khác nhằm thể hiện mong muốn của gia chủ. Để giải thích cho điều này thì chúng ta cần biết rằng: theo cổ truyền, Ngũ hành không phải quan niệm trên ban thờ nên không có ý nghĩa thực tiễn trong tâm linh. Chính vì thế, việc chọn quả theo màu sắc của Ngũ Hành được thì càng tốt, nếu không thì vẫn có thể chọn những quả theo ý nghĩa riêng, miễn làm sao thể hiện được mong muốn của gia chủ.
– Sai lầm 2: Rửa quả cho sạch sẽ để bày mâm ngũ quả đẹp
- Nhiều gia đình khi mua quả về, thường rửa chúng thật cẩn thận sao cho quả bóng, đẹp. Tuy nhiên, việc rửa quả sẽ làm quả sớm bị héo hay thối nếu có chỗ đọng nước. Chính vậy nên, chúng ta chỉ cần dùng khăn giấy ẩm lau sạch quả là được. Với những quả bưởi mà vỏ bị ố vàng hoặc mốc xanh, chúng ta có thể hòa chút nước vôi sạch, thấm vào một chiếc khăn rồi lau đều sẽ giúp cho vỏ bưởi vàng mà không lo đọng nước, héo bưởi.
– Sai lầm 3: Chọn ngay quả chín đẹp
- Thông thường, mâm ngũ quả cần được chuẩn bị trước đêm 30 Tết và được các gia đình bày biện vào sáng hoặc chiều 30 Tết. Tuy nhiên, việc mua quả sẽ được được tiến hành sớm hơn nhiều. Vậy nên, nếu không tính đến việc mâm quả sẽ còn để từ 30 Tết đến vài ngày sau, mà ta chọn mua những quả đã chín đẹp, vừa mắt thì khi bày lên mâm cỗ, quả đã có thể bị chín quá, mũm vỏ, lá héo. Chính vì thế, dựa vào thời gian mua mà ta nên chọn những quả già nhưng chưa chín quá. Chuối nhất định phải là chuối xanh, còn các loại quả xoài, đu đủ, hồng, mãng cầu,… chúng ta nên mua quả vẫn còn độ cứng để khi bày lên mâm cỗ thì chúng không bị thối.
Cách bài trí bàn thờ gia tiên ngày Tết
Ở những gia đình nào có đỉnh đồng thì chúng ta nên đặt bên trong bát hương để khi thắp hương không bị vướng. Ngoài ra, bát hương nên đặt ở chính giữa bàn thờ, sao cho khi thắp hương vừa tầm tay với, bát hương nên kê cao tối thiểu phải từ ngực trở lên, tránh việc để bát hương thấp dưới bụng vì điều này có vẻ thể hiện cho sự bất kính.
Mỗi gia đình phải làm sao cho thật đẹp và tiện sử dụng khi bày trí bàn thờ ngày Tết. Thông thường, mâm ngũ quả sẽ được xếp ở ngay chính giữa bàn thờ, còn các vị trí hai bên và xung quanh thì xếp đặt các thứ khác. Với từ đường, phía trước bát hương có thể đặt mâm ngũ quả ở giữa. Lọ lục bình, lọ hoa, cây nến, hạc đồng,… thì ta để ở hai bên sao cho đối xứng. Bên trái để trầu cau và rượu, bên phải để bánh chưng. Với các hộ gia đình có bàn thờ gia tiên nhỏ thì mâm ngũ quả thường đặt bên phải (tay trái nhìn vào, tay phải nhìn ra), lọ hoa đặt bên trái. Ở giữa để 5 chén nước nhỏ, còn những chỗ còn lại thì đặt trầu cau, tiền vàng, bánh kẹo, thuốc lá, bánh chưng,…
Ngoài ra, trong việc bài trí bàn thờ ngày Tết, khá nhiều gia đình gặp phải những sai lầm như: không có đèn hoặc nến, đèn dầu để đốt mỗi khi hành lễ. Đây thực sự là điều không nên vì chúng tượng trưng cho âm dương, có đèn mang lại sự ấm áp, gợi sáng trí tuệ, thông minh, xua tan mọi ám khí âm u.
– Giải thích từ ngữ:
+ Đỉnh đồng còn có tên gọi là lư hương, thường được dùng ở đình chùa, đền miếu, bàn thờ gia tiên với công dụng đốt trầm hương, tạo hương trầm cho không gian thờ cúng.
Những thứ không nên bày trên bàn thờ gia tiên ngày Tết
Bàn thờ là nơi thờ cúng gia tiên nên những thứ không liên quan đến thờ cúng thì chúng ta tuyệt đối không bày lên bàn thờ. Các gia đình cũng phải lưu ý rằng không nên bày các đồ tanh hôi, sát sinh, hoa quả cũ thối rữa lên bàn thờ, vì điều này sẽ làm mất đi sự trang nghiêm, thanh tịnh. Chúng ta chỉ nên cúng tịnh tài, tịnh vật, không nên cúng đồ cũ, đồ mã, tiền giả,… Ngoài ra, trên bàn thờ không nên đặt chậu cây cảnh mà chủ yếu dùng hoa tươi để thờ phụng và cũng không nên dùng hoa nhựa.
Những thứ không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên ngày Tết
Ngoài hoành phi, câu đối, tượng hoặc ngai thờ, ảnh, lư hương, bài vị,… (tùy theo hoàn cảnh của từng gia đình) thì việc bài trí bàn thờ gia tiên cũng cần có những thứ như: bát hương, nước tinh khiết, đèn nến và thoáng khí, không gian trang nghiêm, thanh tịnh. Bốn thứ đó tượng trưng cho tứ đại: Đất – Nước – Lửa – Gió và cũng là tượng trưng cho tấm thân tứ đại của mỗi người. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể thiếu những thứ đồ dâng cúng như hoa quả, tịnh vật, tịnh tài, cỗ bàn, bánh trái, trầu cau,… để tượng trưng cho lòng thành hiếu kính của con cháu, tín chủ cúng dâng lên cho gia tiên, tiền chủ, hộ pháp, thần linh nhưng cũng đồng thời là tượng trưng cho quy luật Nhân – Duyên – Quả trong vũ trụ.
– Giải thích từ ngữ:
+ Hoành phi: tấm bảng nằm ngang vốn là bức thư họa (tranh chữ)
+ Ngai thờ hay còn gọi là ỷ thờ được đặt vị trí ở giữa và trong cùng trên ban thờ, bên trong ngai thường đặt thần chủ hay được gọi là bài vị tượng trưng cho sự hiện diện của người đã khuất trong gia đình.
+ Tịnh vật: đồ cúng phải là đồ thật, còn mới
+ Tịnh tài: tiền thật
+ Tấm thân tứ đại là con người bằng xương bằng thịt
Có thể bạn thích: