Thoang thoảng trong gió xuân ngày Tết là mùi hương của nhang trầm, mùi hương của bánh mứt, của cỏ hoa cây lá… làm lòng người lại thêm háo hức chờ mong Tết đến thật gần. Những mùi hương ấy vừa ngửi thấy thôi là người ta lại náo nức đến cái Tết sum vầy, cái Tết cổ truyền cả năm mới lại có một dịp. Mùi hương của Tết trên đất Việt cũng chính là mùi hương của nét văn hóa đậm đà, mùi hương của tình người ấm áp đến nao lòng.
Mùi hương của khói bếp bánh chưng, bánh tét
Tết sẽ không còn là trọn vẹn nếu thiếu đi những chiếc bánh chưng, bánh tét, Tết cũng sẽ không còn tròn đầy nếu thiếu đi mùi khói hăng hắc của khói bếp bánh chưng bánh tét những ngày giáp Tết. Trong cái se lạnh của ngày cuối năm, cả nhà lại ngồi quây quần bên bếp lửa nồi bánh chưng, bánh tét, bà lại thủ thỉ cháu nghe một hai câu chuyện cũ, mẹ lại nướng củ khoai, bắp ngô cho tụi nhỏ. Nồi bánh chưng bánh tét giản dị đến ấm lòng mỗi người con đất Việt, cho tình lại thêm gắn kết.
Mùi hương của hoa cỏ mùa xuân
Tết đến, nhà nào cũng có vài chậu hoa để ngoài sân và vài bình trong nhà để đón không khí Tết. Cứ hễ thấy hình ảnh của những cây đào chúm chím nụ hồng, của cây quất quả vàng lá xanh xum xuê, của cành mai vàng đang độ ra hoa… là người ta lại thấy Tết sao mà tới gần đến thế! Và sở thích sắm những cây hoa ngày Tết, sở thích được đi chợ hoa những ngày giáp Tết đã chẳng còn là sở thích của riêng ai. Người ta thường rủ nhau đi chợ hoa, sắm những bông hoa tươi thắm nhất để đón Tết vào nhà. Bởi vậy mà chỉ cần ngửi thấy hương hoa cỏ mùa xuân là người ta lại thấy Tết đến thật gần.
Mùi hương của bánh mứt
Những ngày gần Tết, người ta lại bắt gặp các gian hàng bày bán bánh kẹo và mứt, đem đến không khí Tết nhộn nhịp đến gần. Người đi đường tấp nập, tiếng chuyện trò rôm rả cả một góc phố, mùi thơm của bánh mứt theo gió xuân cứ vậy mà đưa thẳng vào mũi mỗi người, người ta lại thấy Tết đến gần hơn.
Mứt Tết còn là món quà biếu tặng ý nghĩa, ô mai thanh, mứt gừng cay, mứt dừa bắt mắt… như đem đến một cái Tết trọn vẹn, sum vầy hơn. Cả nhà cùng nhau ăn mứt Tết, uống tách trà nóng, ôn lại dăm câu chuyện cũ, ấy thế là tình lại thêm nồng ấm hơn bao giờ.
Mùi hương của nhang trầm
Không phải chỉ có những ngày Tết đến, mọi người mới thắp nén nhang nén hương tỏa hương nghi ngút, thế nhưng, hương của nhang trầm ngày Tết lại thơm nức, khiến ai vừa ngửi thấy cũng thật nôn nao muốn về nhà quây quần bên gia đình, thắp lên bàn thờ nén nhang thơm. Những ngày Tết về, người ta lại bắt gặp hình ảnh cha mẹ, ông bà thắp nén nhang cúng gia tiên, người ta đi đâu cũng bắt gặp mùi hương của nhang thoang thoảng trong gió. Bởi vậy, mà chỉ cần ngửi thấy mùi hương của nhang trầm, người ta lại biết ngày những ngày Tết đang đến thật gần.
Mùi hương của mực tàu trên phố ông đồ
Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, người ta lại thấy những ông đồ già cần mẫn mài mực tàu, tỉ mỉ từng nét chữ trên phố ông đồ người đi qua người đi lại tấp nập, hình ảnh ấy người ta chỉ có thể bắt gặp trong những ngày Tết đến, thế mà lại thấy quen thuộc đến lạ. Người ta chỉ cần ngửi thấy mùi mực tàu, thấy hình ảnh ông đồ là người ta lại thấy Tết dường như đang tới gần. Người ta cũng thường hay xin chữ đầu năm để cầu nguyện một năm mới an lành và sung túc hơn.
Có thể bạn thích: