Nhật Bản – đất nước mặt trời mọc nổi tiếng với nhiều yếu tố văn hóa dân gian như samurai, hoa anh đào, kimono… và dĩ nhiên phải kể đến các loài yêu ma. Mời các bạn đón xem Top 15 loài yêu ma Nhật Bản đáng sợ nhất nhé.
Mujina
Mujina (tạm dịch: con lửng) là một loài chồn trong dân gian Nhật Bản. Người Nhật tin rằng loài chồn có khả năng biến hóa, và Mujina là sinh vật tiêu biểu cho sự biến hóa của loài chồn. Mujina thường sống trong rừng, đôi khi chạy tới các thành thị. Chúng ranh ma, quỷ quái, thường biến thành các yêu tinh khác hoặc các loài ma quỷ để hù dọa con người. Trong truyện Kwaidan, Mujina đã biến thành Noppera-bou để hù dọa con người. Truyện kể lại rằng có một người đi đêm, gặp một cô gái xinh đẹp thì chọc ghẹo, cô gái vuốt mặt một cái thì mắt mũi biến mất, không có mặt. Người này sợ quá chạy đi, đến một quán hàng rong ban đêm, thấy người bán hàng bèn kể lại chuyện. Người bán hàng hỏi “có giống thế này không” rồi lại vuốt mặt một cái, mắt mũi lại biến mất. Người kia sợ khiếp vía. Cũng bởi câu chuyện này mà Mujina thường bị nhầm lẫn với Noppera-bou.
Karakasa-kozo
Người Nhật tin rằng các loại đồ vật cũng có linh hồn, lâu ngày sẽ có khả năng biến hóa như yêu tinh. Karakasa-kozo (tạm dịch: ma dù) là một loại ma dân gian của Nhật Bản như vậy. Nó có hình dáng khá quái dị, đó là một cái dù (hay còn gọi là ô) kiểu dân gian Nhật Bản, có một chân đi guốc mộc, nhảy tưng tưng, có một con mắt và cái lưỡi dài. Thông thường, Karakasa-kozo được xếp vào hàng yêu quái không gây hại cho con người, nó chỉ nhảy đuổi theo và lè lưỡi ra hù dọa. Karakasa-kozo thường xuất hiện gần nghĩa trang hoặc các con phố hẻo lánh. Có một vài trường hợp người ta cho rằng Karakasa-kozo gây hại cho con người, đó là vào những ngày mưa rào, nó sẽ thổi người đi dưới mưa bay lên trời
Yurei
Có lẽ đặc trưng của văn hóa phương Đông chính là những hồn ma, bởi vậy, ở Nhật Bản cũng có một loại hồn ma riêng, gọi là Yurei (tạm dịch: Vong hồn). Trong văn hóa Nhật Bản, Yurei được biết đến nhiều nhất từ thời Edo.
Là vong hồn của người chết, Yurei là những cái bóng mờ, có thể nhìn xuyên qua người, và chỉ nhìn thấy nửa thân trên còn phần dưới mờ nhạt dần cho tới chân thì hoàn toàn biến mất. Yurei thường mặc trang phục cả người chết trước khi được chôn, đó là katabira (gần giống kimono nhưng màu trắng) hoặc kyokokatabira (vải tốt, được viết thêm kinh Phật lên trên) và chiếc mũ liệm hitaikakushi có hình tam giác màu trắng. Đây là hình ảnh quen thuộc được thể hiện nhiều trong dân gian hoặc các tranh vẽ mà bạn đọc truyện tranh Nhật Bản như Doraemon, Conan chắc hẳn không mấy xa lạ.
Do chỉ là cái bóng mờ không có chân, Yurei thường sẽ bay trên không trung, có thể đi xuyên qua vật thể hoặc chui qua khe cửa. Điều này khiến người còn sống rất sợ Yurei. Trong dân gian, Yurei thường hiện về cùng với những đốm lửa ma trơi gọi là Hitodama. Tuy nhiên hình ảnh Yurei hiện đại thì thường mặc trang phục dài màu trắng, tóc xõa mà ta thường thấy trong phim ảnh như bộ phim Ringu.
Thông thường, Yurei là những vong hồn của người có cuộc sống nghèo khổ, chết oan ức, còn vương vấn trần gian nên không thể siêu thoát hoặc đi trả thù. Yurei chia làm một số loại chính sau:
- Onryo: Loại Yurei quay lại đi trả thù cho kẻ áp bức, hãm hại mình khi còn sống
- Ubume: Hồn của những người mẹ chết vì sinh con hoặc khi con còn thơ dại, loại Yurei này lưu vong lại trần thế để chăm sóc và dõi theo con cái
- Goryo: Loại Yurei thuộc tầng lớp samurai hoặc quý tộc, thường là do chết trận hoặc tử chiến với kẻ thù, lưu lại để “ám” kẻ thù
- Funa yurei: Loại Yurei của những người chết đuối
- Zashiki warashi: Loại Yurei là vong hồn của những đứa trẻ, thường gây rối khi người mẹ đẻ con đợt sau
Vì độ phổ biến của Yurei và nỗi sợ Yurei của những người sống nên Yurei chính là cái tên đứng đầu Top 10 loài yêu ma Nhật Bản đáng sợ nhất.
Futakuchi-onna
Futakuchi-onna (tạm dịch: Nhị khẩu nữ) là một loại yêu ma trong văn hóa Nhật Bản. Ban ngày, Futakuchi-onna hoàn toàn giống với một người phụ nữ bình thường nhưng thực ra đằng sau đầu cô ta có một cái miệng khác. Điều này ứng với một lời truyền trong dân gian về sự tham ăn của phụ nữ. Thực ra, Futakuchi-onna là những người phụ nữ bị nguyền rủa chứ không phải một loài ma hay quỷ nào.
Truyện kể rằng ngày xưa, ở ngôi làng nhỏ ở trong rừng xa xôi có một người đàn ông bủn xỉn, keo kiệt. Ngay cả khi chọn vợ, gã cũng chọn người vợ ăn ít nhất để đỡ tiền cơm gạo. Gã ta cưới một người phụ nữ lạ đến làng sinh sống, người phụ nữ này gần như không ăn uống gì. Thế nhưng điều kỳ lạ là gạo và thức ăn trong nhà vẫn cứ vơi dần đi, thậm chí hết còn nhanh gấp hai, ba lần so với các nhà khác. Một đêm nọ, người đàn ông phát hiện ra vợ mình lẻn ra khỏi giường một mình. Nghĩ là vợ ăn vụng, gã lẻn bám theo. Khi xuống đến bếp, gã kinh hãi khi thấy từ phía sau đầu vợ mình, hộp sọ tách ra làm đôi để lộ ra cái miệng thứ hai đang nhồm nhoàm ăn đồ ăn do những lọn tóc quấn quanh mang đến.
Futakuchi-onna không nổi tiếng như Kappa hay Rokurokubi nhưng không kém phần đáng sợ. Dù Futakuchi-onna không làm hại ai nhưng hình ảnh người phụ nữ có cái miệng sau đầu thực sự là rất kinh hãi.
Noppera-bou
Noppera-bou (tạm dịch: Ma vô diện) là một loài ma không có mặt của Nhật. Noppera-bou thường bị người nước ngoài nhầm với Mujina – con chồn lửng có khả năng biến hình, thường biến thành Noppera-bou để dọa người (Mujina sẽ được nói kỹ ở phần bên dưới).
Truyền thuyết kể lại rằng ngày xưa, ở gần cung điện Heiankyo có một ao cá Koi của hoàng tộc được xây dựng trên vùng đất thiêng. Một ngày, có người ngư dân lười biếng ra ao cá Koi câu bất chấp người vợ ngăn cản. Khi đến nơi, ông lại gặp một cô gái trẻ ngăn cản, người ngư dân vẫn bỏ ngoài tai. Bất ngờ, cô gái tẩy mặt mình đi, trước mặt ông là một người phụ nữ không có mặt mũi gì cả. Người ngư dân sợ quá chạy về nhà kể với vợ, người vợ quay lại, cũng không có mặt mũi gì cả. Người nông dân sợ quá chạy đi tìm người khác để kể, nhưng đi đến đâu họ cũng sợ hãi. Người nông dân đến bên ao cá Koi, khi nhìn xuống thì thấy bóng của mình bên dưới cũng không có mặt mũi gì.
Noppera-bou còn xuất hiện trong nhiều truyền thuyết dân gian khác như chuyện một người phụ nữ được samurai cứu xong phát hiện ra samurai không có mặt, một người quý tộc yêu cô kỹ nữ, khi cô kỹ nữ quay lại thì không có mặt mũi…
Yuki-onna
Yuki-onna (tạm dịch: Nàng chúa tuyết) là nhân vật truyền thuyết xa xưa nhất trong Top 10 loài yêu ma Nhật Bản đáng sợ nhất. Đến bây giờ, người Nhật vẫn chưa phân loại Yuki-onna vào thần hay là yêu, nhưng nhân vật này đã xuất hiện từ những truyện cổ từ thời Muromachi.
Yuki-onna thường là những người phụ nữ xinh đẹp nhưng lạnh lùng, xuất hiện trong những đêm tuyết rơi lạnh giá. Trước sắc đẹp của Yuki-onna nhiều chàng trai muốn làm quen với nàng nhưng cơ thể nàng lạnh ngắt. Đáng sợ hơn, Yuki-onna có khả năng phun ra hơi thở băng làm đông cứng người đối diện. Ở mỗi vùng khác nhau của Nhật Bản lại có quan niệm khác nhau về Yuki-onna. Có nơi cho rằng Yuki-onna hút sinh khí con người, có nơi cho rằng Yuki-onna lấy gan của trẻ con rồi đóng băng chúng lại, có nơi lại cho rằng Yuki-onna cứu những người gặp bão tuyết. Nhưng nhìn chung, Yuki-onna thường được gắn liền với hiện tượng thời tiết lạnh giá, tuyết rơi khi mùa đông đến ở Nhật Bản.
Kuchisake-onna
Kuchisake-onna (tạm dịch: Thiếu nữ ngoác miệng) là một “truyền thuyết đô thị” chứ không phải một loại ma trong dân gian từ ngày xưa. Câu chuyện này được các học sinh Nhật kể cho nhau, thế nhưng Kuchisake-onna lại có sức ảnh hưởng trong đại chúng, trở thành một nhân vật ma quái đáng sợ.
Truyện kể lại rằng Kuchisake-onna là thê thiếp của một samurai thời Heian. Kuchisake-onna rất xinh đẹp, được nhiều người để ý đến. Do quá ghen ghét, trong một lần rượu say, gã samurai đã cầm dao, rạch miệng Kuchisake-onna. Vết rạch khiến cho miệng của cô bị ngoác ra tận mang tai, gã samurai rất khoái chí và nói “giờ thì sẽ không còn đứa nào thấy mi đẹp nữa”.
Câu chuyện xa xưa dừng lại đó và chuyển đến thời hiện đại. Các cô cậu học sinh kể với nhau rằng nếu như đi lại trong thành phố vào buổi tối vắng vẻ và bắt gặp một người phụ nữ xinh đẹp, đeo khẩu trang thì ắt hẳn có chuyện chẳng lành. Người phụ nữ sẽ đến chỗ nạn nhân và hỏi “Watashi wa kirei?” (Tôi có đẹp không?). Nếu nạn nhân trả lời là đẹp thì người phụ nữ sẽ tháo khẩu trang, để lộ cái miệng kinh hoàng bị rách đến tận mang tai và hỏi lại “Watashi wa kirei?” một lần nữa. Nếu ai đủ can đảm để trả lời là “có” thì sẽ được tha, nhưng thông thường thì sẽ hoảng sợ bỏ chạy. Khi đó, người phụ nữ sẽ cầm kéo đuổi theo. Khi bắt được nạn nhân, nếu là nam sẽ bị giết chết còn nếu là nữ sẽ bị rạch mặt tương tự như vậy. Theo một số dị bản khác, người trả lời là “có” sẽ bị rạch miệng còn người trả lời “không” sẽ bị giết chết.
Kappa
Chắc chắn Kappa (tạm dịch: Yêu quái sông) là cái tên không thể thiếu trong Top 10 loài yêu ma Nhật Bản đáng sợ nhất. Đây là một yêu quái dân gian nổi tiếng của Nhật Bản. Theo những miêu tả của dân gian, Kappa có chiều cao chỉ bằng một đứa trẻ 4 tuổi, có da màu xanh, đầu tóc bờm xờm, mùi khoằm, mõm mỏ quạ. Tay chân Kappa có màng giúp chúng rất giỏi bơi lội, ngoài ra, điều đặc biệt là trên lưng Kappa có một cái mai rùa.
Kappa thường sống ở quanh các khu vực sông, hồ, đầm lầy. Kappa bơi rất giỏi và rất ranh ma, tinh quái. Chúng thường trốn ở các bụi cỏ hoặc dưới nước, đợi người đi qua thì sẽ kéo người xuống nước, dìm chết rồi ăn thịt. Điều này khiến Kappa trở thành một loài yêu quái vô cùng đáng sợ. Tuy nhiên, Kappa có hai điểm yếu là rất trọng lễ nghĩa và trên đầu có đĩa nước, khi còn nước thì Kappa còn sức mạnh. Bởi vậy, cách thoát nạn khi gặp Kappa là hãy cúi chào nó, nó sẽ cúi chào lại bạn, khi đó bạn có thể hất đổ đĩa nước trên đầu nó đi.
Kitsune
Kitsune (tạm dịch: Cửu vỹ hồ) là một loài yêu tinh trong dân gian Nhật Bản. Đây là loài yêu tinh rất phổ biến ở các nước Á Đông, ở Việt Nam cũng có truyền thuyết Hồ Tinh, mà nguyên gốc chính là Cửu Vỹ Hồ Ly Đát Kỷ trong Phong Thần diễn nghĩa của Trung Hoa. Theo văn hóa dân gian Nhật Bản, tất cả loài cáo đều có năng lực biến thành người. Yêu lực loài cáo mạnh dần theo độ tuổi của chúng, và Kitsune là loài mạnh nhất, có 9 cái đuôi. Tuy nhiên, khác với truyền thuyết Đát Kỷ ở Trung Hoa chỉ miêu tả xấu về Cửu Vỹ Hồ Ly, Kitsune đôi khi lại là nhân vật tốt trong văn hóa Nhật Bản. Ví dụ như thần (kami) Inari Okami trong Thần đạo chính là một Kitsune, đây là vị thần của nông nghiệp, gạo, trà và rượu sake. Ở một số câu chuyện thì Kitsune là người bạn, người dẫn đường, vệ sĩ cho con người. Tuy nhiên, ở thời Edo, người ta quan điểm Kitsune là loài yêu tinh ranh ma chuyên đi lừa lọc, tương tự như lửng và mèo.
Rokurokubi
Rokurokubi (tạm dịch: Ma cổ dài) cũng là một loài ma phổ biến trong Top 10 loài yêu ma Nhật Bản đáng sợ nhất. Rokurokubi có hai loại: Loại thứ nhất có đầu tách ra hẳn thân, bay đi khắp nơi. Loại này xuất hiện trong bộ truyện Kwaidan của Lafcadio Hearn sưu tập các truyện ma quái ở Nhật Bản. Loại này thường cải trang thành con người, đến đêm mới lộ hình dáng thật, chúng lừa người đi đường đến nhà chúng rồi ăn thịt. Loại thứ hai thường thấy hơn, có cổ dài liền với thân, thường là mỹ nữ rất đẹp và duyên dáng. Loại Rokurokubi này vô hại, nhưng chúng chuyên đi hù dọa người khác, nhất là những gã đàn ông háo sắc, tinh vi, tự cao tự đại. Rokurokubi ban đầu sẽ giả vờ là mỹ nữ đến bên những gã đàn ông hầu hạ nhưng rồi chúng vươn cổ mình dài ra, quấn vòng quanh và dọa người ta chết khiếp. Rokurokubi này thực ra vô hại, chỉ muốn hạ nhục những gã đàn ông tự cao và háo sắc. Nhưng riêng việc nhìn thấy Rokurokubi có lẽ cũng khiến nạn nhân chết khiếp rồi.
Jimmenken
Jimmenken (tạm dịch: Chó mặt người) là một truyền thuyết đô thị ở Nhật Bản. Truyền thuyết về Jimmenken được cho là nhắc đến lần đầu vào thời Edo, theo đó, Jimmenken là sinh vật kỳ bí hay xuất hiện vào ban đêm ở các thành thị lớn, khi có người đến gần, nó sẽ nói tiếng người với giọng nói yếu ớt. Jimmenken được nhắc đến nhiều nhất vào khoảng thập niên 80, khi các thành phố lớn của Nhật Bản đang đô thị hóa mạnh mẽ. Theo những truyện kể, Jimmenken thường xuất hiện ở Tokyo. Những người đi ô tô trên đường cao tốc kể lại rằng họ gặp những sinh vật trông giống con chó, có mặt người, chạy đuổi theo mình. Jimmenken trở thành những truyện rùng rợn truyền tai nhau. Nhiều người tin rằng Jimmenken chính là do oan hồn của những người bị tai nạn giao thông nhập vào những con chó bên đường.
Betobeto San
Và cái tên cuối cùng trong Top 10 loài yêu ma Nhật Bản đáng sợ nhất là Betobeto San (tạm dịch: Ông Cộp Cộp). Đây là một loại ma nổi tiếng của Nhật Bản, tuy nhiên Betobeto San không hề làm hại con người. Truyện kể rằng nếu bạn đi một mình buổi đêm và lọt vào “mắt xanh” của Betobeto San, bạn sẽ bị “ông” bám theo. Đó là những tiếng bước chân ngay sau lưng bạn, và nếu bạn quay lại nhìn kỹ thì sẽ thấy một cái bóng mờ, tròn lông lốc, có miệng rộng đang đi theo mình. Với những người không biết sẽ phát hoảng, càng chạy thì Betobeto San càng bám theo, nhưng có một cách để thoát khỏi Betobeto San. Đó là nếu bị “ông” đi theo, hãy đứng tránh sang 1 bên đường và nói “Betobeto-san, sake e okoshi”, có nghĩa là “Betobeto-san, xin mời đi trước”, thì tiếng bước chân sẽ dừng lại và bạn có thể tiếp tục đi trong yên bình. Chính vì thế, Betobeto San trở thành một yêu quái rất “đáng yêu” trong dân gian Nhật Bản và được người Nhật Bản tạc tượng ở nhiều nơi.
Hitotsume-kozo
Hitotsume-kozo (tạm dịch: Chú tiểu một mắt) là một yêu quái trong truyền thuyết dân gian Nhật Bản. Hitotsume-kozo là một chú tiểu nhỏ, nhưng điều quái dị là nó chỉ có duy nhất một con mắt rất to trên mặt. Hitotsume-kozo rất thích ăn đậu phụ, bởi vậy thường thấy tiểu yêu này cầm đậu phụ trên tay. Thông thường, Hitotsume-kozo không gây hại cho ai, nhưng nó cũng đi hù dọa con người. Hitotsume-kozo xuất hiện nhiều trong các thư tịch cổ thời Edo. Có truyện kể lại rằng có người nông dân được mời đến dinh thự samurai. Trong lúc đang ngồi đợi, anh ta thấy 1 thằng bé ngồi ở 1 xó, quay lưng lại và chơi cái gì đó. Do tò mò, anh ta lại gần xem thằng bé đang chơi gì thì thằng bé quay mặt lại, trên mặt nó chỉ có một con mắt. Lại có truyện khác kể rằng có cô gái đi trên đường, gặp một thằng bé đội mũ rơm lụp xụp. Thằng bé hỏi cô gái có thích tiền không, cô gái trả lời là “có” thì nó ngẩng mặt lên, trên mặt nó cũng chỉ có một con mắt. Như vậy, có thể thấy Hitotsume-kozo là một tiểu yêu tinh quái, nghịch ngợm nhưng vô hại, trò hù dọa của nó cũng không quá đáng sợ như Noppera-bou hay Rokurokubi.
Jikininki
Jikininki (tạm dịch: Thực nhân quỷ) là một loài quỷ ăn thịt người chết trong văn hóa dân gian Nhật Bản. Tương truyền, người nào khi còn sống tham lam vô độ, khi chết sẽ hóa thành Jikininki. Loài Jikininki ban ngày vẫn như người bình thường nhưng ban đêm biến thành con quỷ có hình dáng gớm ghiếc, phải ăn thịt người để tồn tại. Jikininki cũng được kể trong loạt truyện Kwaidan, Jikininki trong đó khi còn sống vốn dĩ là một nhà sư, nhưng ông ta là một nhà sư tham lam tiền bạc, của cải, chuyên đi làm tịnh độ để lấy quà cáp biếu xén từ những người nhà. Bởi vậy, khi chết ông ta đã hóa thành Jikininki chuyên đi ăn thịt người chết ở một làng gần đó.
Oni
Oni (tạm dịch: Quỷ địa ngục) trong tiếng Nhật nghĩa là Quỷ, để gọi chung các loài quỷ. Nhưng khi nhắc đến Oni, người Nhật sẽ liên tưởng đến một loài quỷ đặc biệt, có khuôn mặt dữ tợn, mắt trợn ngược, răng nanh nhọn, sừng dài. Oni được người Nhật kế thừa từ các hình tượng về Diêm Vương, Ngưu Ma Vương trong văn hóa Trung Hoa. Trong văn hóa Nhật Bản, Oni là loài quỷ canh giữ địa ngục. Chúng dữ tợn và đáng sợ vô cùng, khiến cho ngay cả những hồn ma hung ác nhất cũng phải run rẩy và ngoan ngoãn. Oni thường có thân hình to lớn, cầm cây chùy khổng lồ. Mỗi khi có dịp lên trần gian, Oni lại đi tìm kiếm con người để ăn thịt. Tuy nhiên, theo phong tục, Oni sẽ sợ một số loại thực vật và bùa chú, ví dụ như đậu nành. Vì thế, đến ngày lễ Setsubun, người Nhật thường rải đậu nành trước cửa và nói “Oni wa sotsu, Fuku wa uchi”, nghĩa là “phúc đến, quỷ đi”.
Có thể bạn thích: